Người gieo giống

nguoi gieo giong - Người gieo giống

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Bài đọc 1: Is 53,10-11 ; Bài đọc 2: Dt 4,14-16 ; Phúc Âm: Mc 10,35-45

Qua đoạn Tin Mừng (Mc 10,35-45), Chúa Giêsu đưa ra một mẫu mực chân dung của người môn đệ Chúa trong cung cách của người phục vụ trong khiêm nhường. Người làm lớn không phải là người cai trị, nhưng là để phục vụ kẻ khác, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mc 10,45).

Thái độ phục vụ của Chúa Kitô đã trở nên gương mẫu cho cung cách phục vụ của Giáo hội. Giáo hội là đoàn người Kitô hữu, là những người theo Chúa. Điều mà chúng ta cần nhớ là động từ THEO, là làm cho giống, bắt chước cho giống. Chúng ta phải bắt chước theo Chúa.

Quá trình sống đời sống tu đức là một quá trình biến đổi. Đức tin của chúng ta phải được biến đổi từng ngày phải giống Chúa hơn. Mỗi ngày chúng ta phải được đổi mới canh tân, nhờ Lời Chúa và Thánh thể mà chúng ta nhận hằng ngày. Điều đó cho ta xác tín rằng ai càng siêng năng cầu nguyện, thường xuyên nghe và suy niệm Lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ với tâm tình đạo đức thì người đó luôn tiến triển trên con đường nhân đức.

Chúng ta theo Chúa cũng có nghĩa là đi trên con đường Chúa đi, đó là con đường tự hạ, con đường từ bỏ mà thánh Phaolô trong thư Philipphê đã nhận ra được và đã vẽ lại cho chúng ta thấy: “… Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Pl 2,5-11). Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, nên Ngài đã sinh ra là người để cứu độ chúng ta. Ngài đã từ trời xuống thế, từ thiên cung đến trần gian, nhất là từ bỏ sự giàu sang phú quý trong chức phận làm con Thiên Chúa để trở nên con loài người, trong thân phận con người, sống kiếp con người và trở thành người nô lệ để phục vụ mọi người (Mc 10, 44). Đó là linh đạo của Kitô giáo, là con đường sống, con đường hành động của người tín hữu chúng ta.

Người được nhiều người tôn vinh và tôn trọng, không phải là người quyền thế, giàu sang mà là người có lòng bao dung và hết lòng yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ là nhân vật của thời đại do trái tim rộng mở của Mẹ. Mẹ đã đi trên con đường của Chúa đi, đã sống theo Chúa để phục vụ những người xấu số và đau khổ. Chúng ta hãy cùng với Giáo hội, như Mẹ Têrêsa, từ bỏ tính ích kỷ, kiêu căng mà đến với những người cần đến lòng thương xót của chúng ta.

Sắc lệnh Ad Gentes (Truyền giáo) nhấn mạnh Giáo hội đến với muôn dân, không chờ kẻ khác đến với mình. Giáo hội với tính cách là thừa sai nên phải đến với kẻ khác. Kẻ khác là anh em lương dân, những người chưa biết Chúa. Họ là thượng khách mà Giáo hội phải mở cửa để đón nhận họ.

Trong Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), Giáo hội tự hỏi mình rằng: Tôi là ai? Giáo hội phải làm gì? Chắc chắn Giáo hội không chọn con đường nào khác con đường mà Chúa Kitô đã chọn, đã đi. Đi khắp nơi và đến với mọi người (Mc 16, 15), nhất là những người nghèo.

Người nghèo là người trắng tay, không có gì để đáp đền. Đó là đối tượng mà Giáo hội phải phục vụ một cách vô vị lợi.

Người nghèo chính là người bé nhỏ. Đó là hình ảnh rất đẹp khi Chúa Giêsu gọi một em bé đến giữa các tông đồ mà nói: “Ai đón nhận một người như em bé này là đón nhận Thầy” (Mc 9, 37).

Lm Phaolô Đậu Văn Pháp, Dòng Ngôi Lời – SVD

Exit mobile version