Người già, tiền và sự tế nhị

1. Chị đang ‘buồn lắm’ về bố chồng.

Chuyện gì vậy ?

– Bố ăn cắp tiền vợ chồng con. Ai ngờ !…

Lâu lâu Chị mất tiền, vài trăm, nhiều nhất là năm trăm… Chị nghi chồng, chồng bảo không; nghi hai con thì quá, bởi trẻ cấp một không dám lấy tiền nhiều thế, với lại Chị trợ cấp ‘rủng rỉnh’ cho con…

Chồng, con không có, vậy ai ?

Trong nhà chỉ còn bố chồng. Chị không dám nghi ngờ bố Chồng vốn là một ông Cố gương mẫu (Chị chồng hiện là Dì sơ thánh thiện).

Thế rồi một lần Chị bắt gặp Bố mở ngăn kéo tủ để tiền bán hàng, kiểm tra mất ba trăm.

Cái ‘ai ngờ’… dường như làm sụp đổ thần tượng Bố chồng.

– Ông Cố là người tốt, đâu rượu chè, cờ bạc, hút thuốc… thế mà…

Tớ khẩy ‘thế mà…’ làm như đang đồng cảm, đang ‘đồng chí’ với Chị…

– Con cũng bất ngờ. Bố chồng là người tốt, rất thương các cháu, con đâu để thiếu thốn gì, muốn gì con mua đấy… Tật xấu, nếu có con chỉ thấy ông cụ hay mua vé số, một hai tấm mỗi lần… Ai dè lại làm chuyện tày đình thế.

Cái ‘ai dè… tày đình’ của Chị còn cho thấy cả sự lo lắng. Chị lo lắng vì để gương xấu, rất xấu ảnh hưởng cho con cái…

Biết vấn đề ‘tày đình’ của Chị sợ gương xấu ăn cắp ảnh hưởng con cái, tớ vẫn… lạc đề.

– Vài trăm mà tày đình à ?

– Không, vấn đề không phải mất vài trăm… Con chỉ sợ các cháu biết ‘ông nội ăn cắp’ thì….

– Chị có hay biếu tiền cho bố không?

– Thường xuyên thì không, nhưng lễ tết con vẫn biếu ông ít trăm.

– Lễ tết mới biếu, sao Chị không biếu thường xuyên, ví dụ hàng tuần, hàng tháng.

– Con nghĩ ông Cụ già rồi, đâu cần dùng nhiều tiền. Với lại, khi cần (vd ma chay, cưới hỏi…) nói con con vẫn cho.

– Tớ còn biết ông Cố còn có tật… dễ thương: Lâu lâu thích đạp xe ra quán làm tô cháo; thích ăn vặt, hảo ngọt, hay tạt vào sạp hóa mua bích bịch bánh, cái kẹo… Chẳng nhẽ mỗi lần đi làm tô cháo, mua ít nánh kẹo lại… chìa tay xin con dâu?.

– Cha nói đúng, biết ông Cụ hảo ngọt tủ lạnh con luôn có trái cây, đồ ăn vặt… Cụ thích ăn, Cụ xuống mở tủ lạnh lấy, tự nhiên…

Tớ đi thẳng vào vấn đề, hơi vòng vo, hơi lê thê:

Chị thử đi trước thời đại, 30-40 chục năm, lúc đấy Chị như ông Cố bây giờ, chẳng nhẽ mỗi lần xài vặt lại chìa tay xin con, lại là con dâu Chị thấy ngại không?

Ở trường hợp khác, dẫu nhà con cái mua đủ thứ ăn vặt, nhưng đấy là của con cái mua chứ không phải ông Cụ mua; giả như con cái mua đúng những gì cụ cần song điều đó không giải quyết được tất cả nhu cầu riêng. Cụ thích gì Cụ tự mua vẫn thích hơn chứ (về trường hợp ông Cố, từ thời chưa có tủ lạnh, Cụ hay để riêng mấy hộp bánh kẹo, tớ hơn một lần được cụ mang hộp ‘ăn vặt’ này ra mời).

Đấy là chưa nói, người già còn có những như cầu riêng thiết thực khác: giúp người nghèo, cho con cháu… Trong túi có tiền rủng rỉnh, có khả năng tự giải quyết vẫn vui hơn.

Chị hỏi:

– Ông cụ ăn cắp tiền con như vậy có tội không ?

– Ăn cắp- gây bất công nguyên tắc là có tội, nhưng thực tế khi xem xét chưa chắc có tội. Chẳng hạn, vì đói quá có thể dẫn đến cái chết, ăn cắp để chống đói, để bảo về sự sống thì ăn cắp đấy có còn tội không, vì bảo vệ sự sống quan trọng nhất ?

Trong gia đình, mình có khả năng song vì tiếc tiền (tôi không nói trường hợp Chị) để gia đình thiếu thốn, cha mẹ thiếu thốn thì chồng (hay vợ…) ‘ăn cắp’ để lo cho gia đình tốt hơn thì có đáng cho tội không ? (ăn cắp tiền gia đình để ăn chơi, gái gú, cờ bạc, lo cho việc ích kỷ riêng… lại là vấn đề khác, chắc chắn có tội rồi). Có tiền trong tay nhưng sợ tốn tiền- tiếc tiền, thiếu quan tâm để gia đình thiếu thốn, làm nảy sinh ‘ăn cắp’ trong gia đình liệu mình có vô tội không?

Gia đình Anh Chị cũng thuộc khá giả, sao không định kỳ thường xuyên biếu cha mẹ vài trăm, mỗi tháng một vài lần gì đấy ?

Nói thật với Chị, tiền bạc đối với người già là vấn đề tế nhị, cho tiền các cụ cũng hết sức tế nhị. Đấy là chưa nói, việc thảo hiếu của Chị không chỉ cho Ông Cố mà cho chính Chị sau này. Cha mẹ nêu gương sáng thảo hiếu, tế nhị phục dưỡng tốt ông bà cũng là cách cho con cái thảo hiếu với cha mẹ, nhất là khi mình già yếu.

Bất ngờ tớ chuyển sang vấn đề lạc… tông:

– Ông cố có hơn mẫu đất vườn đẹp, nghe nói đất đai ở đây dạo này sốt lắm ?

– Dạ đúng, có người trên Sài Gòn về hỏi mua, trả 3 tỉ/sào nhưng ông Cụ không bán, bảo để cho con cháu.

– Nếu ông Cụ bán đất, chỉ cần nửa thôi thì tiền rủng rỉnh, khỏi cần con cháu cho, ăn xài thoải mãi đến chết không hết… Ngôi nhà rộng thoáng, lại ở thế mặt tiền đẹp này, thuận lợi cho buôn bán nếu bán cũng phải trăm tỉ đâu ít…

Tớ nói bâng quơ…

Nhưng ngầm nói: Gia tài ông Cố để cho cho vợ chồng Chị là không nhỏ, xét về mặt kinh tế, xét trên ‘’nguyên tắc’ công bằng’ giả như tháng Chị có biếu cụ trăm triệu, tính ra vẫn lời to…

2. Cuối năm có dịp ngang qua, tớ ghé Chị, ngoài việc thăm viếng chốn thân quen, còn tiềm ẩn lời tạ tội, một phần để thắp cho Ông Cố nén nhanh.

Gần hai năm, sau sự cố ‘buồn Bố chồng’, ông Cố thanh thản về Nhà Chúa, trong sự thương tiếc cả xóm Đạo, nhất là với con cháu.

Chị ai tín song tớ không về ‘viếng xác’ được.

Kể về ‘Bố chồng’ Chị đầy tự hào, kể cả hối tiếc…

Khi nhận ra vấn đề ‘tế nhị’ về tiền bạc vơi người già, Chị về thường xuyên biếu cụ… Đương nhiên ‘nạn’ ăn cắp không xảy ra nữa, gia đình vui hơn, đầm ấp hơn.

Số tiền Chị biếu Cụ cũng thông thoáng… Tiền xài không hết, Cụ còn bày ‘quà thưởng’ cho chác cháu trong việc đạo đức, học tập… Cụ hay làm việc bác ái, giúp người nghèo.

‘Có lần đi đám ma, con gởi tiền, Cụ không nhận còn báo Cụ có tiền mà’.

Đời sống gia đình, đôi khi chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần ‘tế nhị’ tí là hóa giải, góp phần xây dựng gia đình an vui hơn.

Chuyện bé có lúc bị ‘xé ra to’- chuyện ‘con kiến biến thành con voi’, làm gia đình tiềm tảng nguy cơ đổ vỡ đôi khi khởi đi vì thiếu tế nhị, thiếu nhạy cảm…

Lm. Đaminh Hương Quất

Exit mobile version