Ðảm nhận sứ vụ linh mục trên 42 năm, trong đó hơn phân nửa là những tháng ngày sát cánh cùng anh chị em dân tộc ít người miền cao nguyên, cha Phêrô Hoàng Ðình Thụy – chánh xứ Thanh Bình (GP Kontum) luôn thao thức với mục tiêu thăng tiến tha nhân qua từng ngày sống.
Hòa nhập để sẻ chia
Tu dòng Don Bosco, chịu chức linh mục năm 1976, điểm đến đầu tiên mà ông cố được sai đi là xứ đạo Bắc Hội (GP Đà Lạt). Đây là điểm truyền giáo, nơi sinh sống của số đông người K’Ho và Chil. Lạ nước lạ cái, ông cha trẻ lần mò tìm hiểu về tập quán sinh hoạt, hướng suy nghĩ, hành động của bà con để có thể nhanh chóng hòa nhập. “Vui tính, chân chất và dễ gần” là nhận định của những ai đã gặp, đã tiếp xúc với cha. Và bằng những “vũ khí” ấy, ngài rất nhanh quen thân với đoàn chiên, trở thành người lắng nghe, nơi để đến xin giúp đỡ khi nhà có việc khó… “Người dân tộc thiểu số thì chất phác, thẳng tính mà cũng nhạy cảm lắm nên sẽ nhận ra ngay nếu mình có ý khinh chê. Phải đến với họ bằng ngôn ngữ của trái tim. Phải sống cùng, sống như họ thì mới đến gần được”, cha đúc kết. Vậy nên, song song cùng việc Nhà Chúa, cha lưu tâm nhiều đến đời sống bà con. Cha đau đáu khi thấy họ phải vay tiền mua phân bón để canh tác rồi sau đó phải “bán lúa non” (bán khi nông sản chưa đến mùa thu hoạch) với giá rẻ để gán nợ. Tiền nợ cộng tiền lãi làm cái gánh thêm nặng nề, “cái nhà” thêm phần túng quẫn và chẳng có dư. Vậy là cha tìm cách mua phân với giá tốt cho họ và đến cuối mùa, khi hoàn tất mọi việc, họ chỉ phải trả lại ngài phần vốn ban đầu. Đơn giản thế thôi, nhưng cha giúp họ vơi bớt nỗi lo, được nếm trải niềm vui mùa gặt và cuộc sống thoải mái hơn phần nào.
Khi về giáo xứ Thanh Bình cũng thế, cha vào làng, cùng ngồi ăn bốc, cùng hát ca, chuyện trò và hiểu những nét riêng của người dân Jrai nơi đây. Từ lạ đến quen rồi thân thuộc, vị mục tử nghe họ kể chuyện vui, chuyện buồn, giúp đóng bàn thờ kính Chúa, giúp họ đưa vợ sắp sanh đến bệnh viện lúc đêm khuya, giúp mua quan tài cho nhà có tang chế, làm cho cái nhà vệ sinh… Thấy người lớn, trẻ nhỏ ngày ngày uống nước tại nguồn dẫn từ núi đồi xuống mà chẳng hề qua nấu sôi, sợ họ bụng đau, cha loay hoay sắm bồn, mua máy lọc nước đặt trong các làng rồi dạy họ dùng. Kinh phí duy trì, thay lõi lọc đã có cha lo, nên ai nấy yên cái bụng mà dùng. Từng chút một, ngài thăng tiến đời sống của họ, xoa dịu dần nỗi trăn trở khôn nguôi khi chứng kiến anh em xung quanh mãi vật lộn cùng nghèo nàn, lạc hậu.
Tiếp sức đến trường
Là một Salêdiêng Don Bosco, ông cố cũng luôn dành quan tâm đến sự phát triển của thanh thiếu niên và thiếu nhi. “Nếu muốn phát triển cuộc sống đồng bào người dân tộc thiểu số thì cần chăm sóc cho thế hệ tương lai. Người lớn nếu có thay đổi thì chỉ là đôi chút, nhưng nếu thay đổi được đám trẻ thì sẽ thay đổi được cộng đồng”, cha suy tính. Thế nên ngài tìm mọi cách để các em được đi học cái chữ, được vui chơi lành mạnh để nên người hữu ích mai sau. Nhà bán trú cho trẻ được thành lập ở Bắc Hội năm 1990, và lớp học tình thương của giáo xứ cũng được hình thành vì mục tiêu ấy. Gần 100 trẻ sống tại đây được ông cố dạy cho nấu cơm, dọn dẹp, được sắp xếp lịch học và lịch chơi rõ ràng. Mỗi đầu năm học, ông cố lại lấy số đo kích cỡ của từng em rồi đi xin hỗ trợ mua đồng phục mặc cả năm. Những hôm lửa trại, ông cố ra nhảy múa, ca hát, cùng ăn trong tiếng cười, tiếng nhạc bên ánh lửa bập bùng miền cao nguyên. Những kỷ niệm ấy luôn theo cha, vẫn hiện lên rõ mồn một qua lời kể, qua ánh mắt đầy nhiệt huyết của vị linh mục nay đã “thất thập cổ lai hy”.
Đi qua những tháng ngày buồn vui cùng các đoàn chiên họ đạo Bắc Hội, Nghĩa Lâm (GP Đà Lạt) rồi Cầu Bông, Hóc Môn (TGP TPHCM), giờ thì cha đến Gia Lai và tiếp tục chăm lo cho đám trẻ xứ đạo Thanh Bình từ năm 2013. Xây dựng lại nhà thờ, hỗ trợ bà con giáo dân, công việc bộn bề, nhưng chẳng khi nào đôi mắt ngài bớt âu lo khi nghe em này bỏ học, em kia chẳng được đến trường. Ban đầu, cha làm lễ bằng tiếng Jrai nhưng hơn 1 năm gần đây lại chuyển sang làm lễ bằng tiếng Kinh. Cha giải thích: “Mình làm lễ bằng tiếng của họ với mong muốn sẽ giữ lại được bản sắc riêng của dân tộc, nhưng các em nhỏ khi học cấp hai lại phải học kiến thức bằng tiếng Kinh, với thầy cô người Kinh. Ở làng các em nói tiếng dân tộc, đi học tiểu học chúng cũng được dạy tiếng Jrai, đi lễ cũng như vậy, nên đâu có môi trường cho chúng thực hành tiếng Kinh. Hậu quả là khi lên cấp học cao hơn thì chúng không thể theo kịp bạn nên chán nản rồi bỏ học. Tôi quyết định thay đổi là vì vậy”. Cha mời người đến tận làng dạy chữ, dạy đọc cho đám trẻ với mục đích giản đơn là để chúng có thể đọc trôi chảy, nói được và hòa nhập mau chóng với xã hội bên ngoài. Lớp học là căn nhà cấp 4 đơn sơ, bàn học là những bao gạo; đôi khi lớp đông, bao gạo cũng thiếu, có em phải nằm xoài trên sàn mà viết, nhưng chặng đường đeo đuổi con chữ vẫn được duy trì nhờ những nỗ lực của thầy, của trò và của ông cố xứ đạo.
Tặng vở, hỗ trợ một phần tiền học, tiền xe đưa rước đến trường…, cha dùng mọi cách để giúp đám nhỏ được học nhiều hơn, cao hơn để bớt khổ sau này. Thực tế, bởi nhiều lý do, nhiều đứa trẻ vẫn bị “đứt gánh giữa đường”, và con số những em theo học cấp 3 vẫn còn ít quá. Dù vậy, vị chủ chăn của họ đạo miền cao nguyên nghèo khó không bỏ cuộc, vẫn vững tin một mai kia ánh sáng sẽ bừng lên trong những đôi mắt xoe tròn thơ ngây, trên những mảnh đời nơi miền cao heo hút.
MAI LAN