Người Công giáo với việc đối thoại

doi thoai lien ton - Người Công giáo với việc đối thoại
Thánh Phero nói “ Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3, 15). Để có thể sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai dù người đó là vô thần hay khác tôn giáo thì người Công Giáo chúng ta cần phải sống cái đạo của mình. Càng sống tốt chừng nào thì đối thoại càng kết quả chừng đó. Ngược lại chẳng những không sống đạo mà còn nghịch đạo nữa thì thậm chí nguy. Đức Thánh cha Phan Xi Cô trong bài huấn từ nhân dịp gặp gỡ các giám mục Á Châu tại Đền Các Thánh Tử Đạo Haemi (Hàn Quốc) ngày 17/8/2014 đã nêu ra ba trở ngại lớn khiến người Công Giáo không sống đạo tốt. Một là ánh sáng lừa đảo của thuyết Tương Đối là điều che lấp sự rạng ngời của chân lý và lay chuyển vùng đất dưới chân chúng ta, kéo chúng ta về phía những bãi cát lún cát lầy của mơ hồ và thất vọng. Hai là sự nông cạn tức khuynh hướng chạy theo những mốt mới nhất những tiện nghi và những trò tiêu khiển thay vì tham gia vào những điều thực sự quan trọng. Ba là nấp sau những thái độ có vẻ an toàn, những luật lệ và quy tắc có sẵn” (NS Cg & Dt số 236 tháng 8/2014).

Huấn từ của đức Thánh cha để nói với các giám mục nhưng cũng là cho tất cả chúng ta những người có quan tâm đến vận mệnh Giáo Hội tại đây lúc này. Sở dĩ thuyết Tương Đối có thể che lấp sự rạng ngời của chân lý bởi theo thuyết này thì không có cái chi là tuyệt đối: Điều đúng cho anh chưa chắc đã đúng cho tôi. Dẫu vậy con đường tâm linh luôn đòi hỏi tính tuyệt đối. Chính vì vậy Đức Kitô mới đưa ra khẳng định “Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Chúa nói mình là con đường duy nhất đến với Chúa Cha thì đó là chân lý tuyệt đối. Trái lại nếu ai bảo rằng ngoài Chúa Kitô cũng có thể đến với Chúa Cha thì người đó không có đức tin chân thật. Ngày nay trong thời Tục Hóa người ta chẳng những không nhìn nhận chân lý tuyệt đối nơi Đức Kitô mà còn phủ nhận Đấng Cha bằng một thứ thần học …giết chết Thiên Chúa (Theologie de la mort de Dieu).

Chính do nơi phủ nhận chân lý tuyệt đối ấy mà con người ngày nay dù sống trong vùng ảnh hưởng của tôn giáo nhưng đức tin không thể đứng vững và tất nhiên sẽ bị lôi kéo về phía những bãi cát lầy cát lún của mơ hồ và thất vọng. Khi niềm tin chân thật vào Đức Kitô đã mất thì toàn bộ cuộc sống sẽ rơi vào bại hoại không còn sức sống. Làm sao có thể còn sức sống một khi đã đánh mất con đường về với Chúa Cha cũng là Chân Bản Tính mình? Trở về với Chân Bản Tính, chỉ có con đường tâm linh ấy mới có thể tạo nên sức sống cho Giáo Hội và cho từng mỗi tín hữu. Ngược lại đời sống tôn giáo hoặc chỉ còn là một thứ hình thức hời hợt nông cạn hoặc nấp sau những thái độ có vẻ an toàn cùng với những quy tắc luật lệ có sẵn v.v…

Bằng một đời sống chỉ vụ hình thức và hời hợt như thế thì làm sao có thể sẵn sàng trả lời cho những chất vấn về niềm tin của mình? Nói rằng tin Chúa nhưng có thật là chúng ta tin vào Đức Kitô Đấng Cứu Độ mình? Tin Đấng Cứu Độ có nghĩa phải hết lòng tin vào mạc khải của Ngài về Đấng Cha “Ngoài Cha không ai biết con cũng như ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” (Lc 10, 22). Biết Cha ở đây không phải là cái biết của tri thức thần học nhưng là cái biết của thực tại “Mai Sen thưa cùng ĐCT rằng: Này tôi sẽ đi đến dân Itsraen nói cùng chúng rằng ĐCT của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi nhưng nếu họ hỏi Tên Ngài là chi thì tôi biết nói với họ làm sao? ĐCT phán: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rồi Ngài nhắc lại rằng: Hãy nói cho dân Itsraen như vầy: Đấng Tự Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi” (Xh 3, 13 -14).

Cái biết của tri thức thần học thuần túy chỉ là cái biết của khái niệm. Nói cách khác cái biết ấy chỉ là một ý niệm nào đó về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa như chính là Ngài. Để có thể đến được Thiên Chúa như chính là Ngài (Tự Hữu Hằng Hữu) thì không thể có con đường nào khác ngoài ra mạc khải của Đức Kitô về Thiên Chúa nội tại và đây cũng chính là ơn gọi của từng mỗi Kitô Hữu chúng ta “Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” (Ep 4, 4 -6)

Hàng ngày chúng ta vẫn đọc Kinh Lạy Cha không biết bao nhiêu là lần. Thế nhưng đó có thể chỉ là những lời ngoài môi ngoài miệng mà không hề có cảm nghiệm gì về Người Cha Thiên Chúa của mình. Thiên Chúa là Cha, điều ấy nói lên một chân lý vô cùng cao cả nhưng cũng thật gần gũi: Tất cả chúng ta không phân biệt chủng tộc giai cấp hay tôn giáo đều là Con của Ngài, từ Ngài mà sinh. Từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, hết thảy Kitô Hữu đều có ơn gọi làm Con Chúa. Làm Con Chúa cũng có nghĩa chúng ta cần phải trở về với căn tính đích thực của mình. Trở về với căn tính là về cái nơi mà mình phát xuất. Nơi phát xuất ấy Đức Kitô có khi gọi là Đấng Cha, có khi gọi là nước Trời. Dù dưới bất cứ danh xưng nào thì đó cũng để ám chỉ cho một thực tại hằng hữu siêu việt thế giới hiện tượng không thể cảm nhận bằng giác quan cũng như suy luận. Thực tại ấy Thánh Phao lô gọi là niềm hy vọng “Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” (Rm 8, 24 -25).

Hy vọng vào điều chưa thấy và điều chưa thấy đó chính là Nước Thiên Đàng. Tin có Thiên Đàng có Hỏa Ngục có sự thưởng phạt vô cùng là niềm tin cố hữu của người Công Giáo. Thế nhưng niềm tin ấy trong thời tục hóa này dường như đang bị lung lay? Người ta lý luận rằng làm gì có cái chuyện ..lên hay xuống. Nói là lên Thiên Đàng chẳng lẽ Thiên Đàng lại ở tít trên cõi trời mây kia. Còn Hỏa ngục thì ở sâu tuốt dưới lòng đất này sao? Trước đây người ta có thể tin vào những lời giảng dạy về Thiên Đàng về Hỏa ngục theo cái nghĩa không gian vật lý như thế nhưng bây giờ trong thời khoa học vật lý vũ trụ thì không thể như thế được.

Đối với người có đạo dù có tin như thế cũng chẳng sao nhưng với giới triết gia hay khoa học gia thì đây quả là vấn đề hết sức nan giải.Đức tin tôn giáo hoàn toàn không phải mù quáng nhưng nó cũng cần được giải thích. Chúng ta tin có Thiên Đàng tức hy vọng vào điều chưa thấy nhưng niềm hy vọng ấy phải chăng chỉ là ảo vọng? F. Nietzche (1844 – 1900) ông tổ của triết học Hiện Sinhđã nêu ra những nguyên nhân phát sinh tôn giáo: “Đau khổ và bất lực đó là căn nguyên đã sinh ra những đời sau. Đó là hạnh phúc của những con người quá ư đau khổ. Sự mệt nhọc muốn nhảy một cái đến tận cùng. Chính sự mệt nhọc này đã tạo nên các thần linh và các Thiên Đàng đời sau. Chính những kẻ bệnh tật và những kẻ ốm yếu đã khinh chê thân xác và trái đất này. Họ đã tạo ra những sự trên trời.” (T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh). Sau triết Hiện Sinh là chủ nghĩa Duy Vật Vô Thần, K. Mác nặng lời phê phán tôn giáo cho nó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng bị áp bức. Phân tâm học của S. Freud (1856 -1939) phân tích quan niệm “Người Cha” của Kitô giáo và cho rằng “Người Cha” này là sản phẩm của ảo vọng muốn được che chở tuyệt đối cũng như từ cảm thức tội lỗi phát sinh từ mặc cảm Oediphe nghĩa là từ ý thức về nhu cầu muốn được tha thứ v.v…

Trước những luận điểm gay gắt có tính chất vấn đức tin như thế, chúng ta cần trả lời ra sao? Phải chăng là thái độ im lặng coi đó mặc kệ như tiếng chó sủa còn kẻ lữ hành cứ đi (Ngạn ngữ Arap)? Có điều nên nhớ những phê phán ấy đã gây nên ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến đủ thứ thần học nhất là thần học Giải Phóng và gần đây lại còn thấy cái gọi là thần học Tiện Dân (Minjung) của Hàn Quốc nữa !!! Không thể im lặng, vậy phải biết trả lời ra sao và bằng cách nào? Theo Thánh Phero thì “Phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. hãy giữ lương tâm ngay chính khiến những kẻ phỉ báng anh em phải xấu hổ vì những điều họ vu khống bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành nếu đó là Thánh Ý Chúa còn hơn là vì làm điều ác” (1P 3, 16 -17). Dùng lý luận để đáp trả lý luận thì cũng chẳng khác nào đổ dầu vào lửa càng làm cho lửa bốc cao. Lý trí theo triết học Kant thuần túy đó chỉ là “Cái Tôi Tưởng” (Que Je Pense): Tôi cho, tôi nghĩ, tôi quan niệm v.v… nó phải thế này thế khác v.v… Bao lâu còn dựa trên những “ Cái Tôi Tưởng” như thế thì không bao giờ có thể thành công trong đối thoại. Trái lại để đi vào đối thoại thực sự thì nhất thiết cần phải bỏ “Cái Tôi” đi và đây cũng chính là điều Thánh Phero nhắc nhở chúng ta “Anh em hãy ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô”. Chỉ khi nào ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô thì việc đối thoại mới kết quả vì chưng chỉ có Ngài mới đem lại Sự Thật “ Sự Thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32)./.

(Phùng Văn Hóa, lamhong.org)

Exit mobile version