Người Công Giáo có cúng ông Táo không ? Nếu không cúng, họ làm gì vào ngày này ?
Nhân tiện, hôm nay ngày lễ cúng ông Công ông Táo lên tôi viết ra đây vừa để trả lời cho chính mình, vừa trả lời cho người chị cũng như suy tư về nếp nghĩ và lối sống của người Công Giáo trước tập tục theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi trả lời xem người Công giáo có cúng gì không thì xin nói qua về ngày này tại quê hương tôi.
Ngày cá chép
Ngày 23 tháng chạp đối với một số người như là cơ may để bán cá chép hơn là việc cúng đối với anh chị em lương dân. Họ mải mê đi mua cá chép phóng sinh còn một số gia đình thì chuẩn bị cá chép từ trước hầu bán được nhiều và giá cao hơn. Cá chép phải còn nguyên, không bị chóc vảy và to vừa phải. Loại cá làm sao vừa với túi tiền của dân, khác xa với khu thị thành, mua cá không chỉ một con mà rất nhiều con.
Trái với thái độ của người Công Giáo nói chung và một số gia đình kinh doanh bán cá nói riêng, anh chị em lương dân nô nức mua cá phóng sinh. Phóng sinh xuống sông, ao, hồ . . . Phóng sinh cá rồi phóng cả túi nilon. Bên cạnh phóng sinh, người dân còn phóng cả đồ đạc nào đó trong nhà. Đặc biệt là chân nhang và bát nhang cùng với những vật dụng không chỗ chứa. Như thế, họ tung hê tất cả xuống sông, mà theo cách nói là đổ phong long. Ai mắc phải kẻ ấy chịu.
Đổ phong long
Quả là đổ phong long khi cách nhà tôi 500m có nhà ông thầy bói. Ông bói toán thế nào mà thiên hạ bảo đúng lắm. Cứ ùn ùn người kéo đến nhang khói cùng với bát nhang đầy nhà. Chẳng cần đến ngày 23 tháng chạp, cứ thi thoảng ông cho xe chở cả đống bát nhang và chân nhang đổ xuống sông, ngay chỗ chân cầu. Tụi trẻ con ở làng chúng tôi tắm táp thích nhảy từ cao xuống, chảy máu chân tay vì bát nhang và những vật dụng cúng bái là bình thường. Chân nhang với bát nhang vỡ lấp đầy cống có khi còn cản trở cả dòng chảy và nguy hiểm cho biết bao người. Nhưng giờ đổ đâu khi người ta cứ mang tới ngập nhà ông thầy bói. Ông bói người ta đúng lắm nhưng chả bói được cho mình khi nạn cứ dồn dập kéo tới.
Người Công Giáo không cúng ông Táo
Tạ ơn Trời Đất vì người Công giáo không có ngày này và cũng không cúng hay tiễn chân ông Công ông Táo. Trong tiềm thức của người Công giáo, ngày này không tồn tại. Ngày này chỉ tồn tại như một tín ngưỡng dân gian để tổng kết công việc một năm hầu chuẩn bị cho một năm mới. Tổng kết một năm thì cần phải biết kết quả thế nào và đâu là những thiếu sót hầu sửa chữa cho năm mới được trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
Gặp SUỐI NGUỒN SỰ SỐNG
Để được tốt đẹp hơn, người Công giáo không thả cá để làm phương tiện đưa ông Táo về trời nhưng mau chân bước tới nhà thờ, tới với Đấng mà mình cần tỏ lộ tất cả những gì mình đã làm, không những một năm qua mà trong cuộc đời đã qua. Không cần ông Táo báo cáo với Ngọc hoàng, tín hữu Công Giáo tỏ bày mọi điều cùng Thiên Chúa của mình. Thiên Chúa không phải là vua cõi trời như Ngọc hoàng thượng đế nhưng là Vua cả vũ hoàn, Vua muôn vua, vị thần đích thực, thần của SỰ SỐNG.
Chính vì nhận biết được vị thần của SỰ SỐNG nên người Công Giáo không phóng sinh những con cá nhưng phóng tâm hồn yêu thương và sự sống tới muôn người muôn vật. Tín hữu thực hành như thế vì biết rằng, Thiên Chúa vì yêu thương đã dựng nên con người để cho nó được sống và sống hạnh phúc như thánh Irênê đã nói: Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sống hạnh phúc tròn đầy. Bởi lẽ đó, họ tìm cách để cho mình được sống tròn đầy và mở ra cơ hội để cho anh em đồng loại, bất kể họ thuộc thành phần hay niềm tin nào, cũng được sống với trọn phẩm giá của mình, phẩm giá người con Chúa. Ngày này, nếu được thực hành trong nếp sống Kitô phải là ngày nhắc nhở mình tìm kiếm cơ hội để cho nhau có điều kiện sống và sống tròn đầy hơn mỗi ngày.
Bảo vệ môi sinh
Đây là tập tục phóng sinh tốt đẹp của người dân, nhưng đáng tiếc là nhiều người dân khi thả cá ra sông, hồ thiếu ý thức, thả cá xả luôn cả rác.Tròn đầy thế nào khi ngoài kia môi trường ô nhiễm. Khi làm cho môi trường ô nhiễm, con người đã tước đi sự sống an bình của anh chị em mình. Vì thế, con người cần nhắc nhớ mình luôn bảo vệ môi sinh cũng chính là môi trường, cơ hội để cho mình và cho nhau được sống, sống một cuộc đời bình an. Đó không chỉ là một đòi hỏi để cho tôi, nhưng còn là một mệnh lệnh và ơn gọi từ Trời Cao như thấy trong sách Sáng Thế:
“Thiên Chúa phán:
Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm báchủ cá biển, chim trời, gia súc, giã thú, tất cả mặt đất và mọi giống chim trời. … ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai.”(St 1,26. 2,15)
Con người không chỉ có trách nhiệm đối với môi trường sống của mình nhưng còn với cả môi trường sống của vạn vật. Con người phải trả lẽ về những gì mình gây ra cho vạn vật khi không chu toàn được nhiệm vụ canh tác và gìn giữ của mình. Con người gìn giữ chứ không phải là ngư ông đắc lợi khai thác quá mức và thỏa mãn nhu cầu của mình. Bởi thế, nếu thực sự thực hành ngày này, tín hữu Công giáo phải gọi đó là ngày môi trường. Ngày mình ra đi và làm cho bầu khí quyển nơi ta đang sống trở nên trong sạch và an bình hơn. Không chỉ bầu khí thiên nhiên mà còn là bầu khí nhân ái và thăng tiến sự sống nơi con người. Đó là mệnh lệnh, ơn gọi của tín hữu Kitô, không phải của riêng họ, nhưng là của tất cả những ai hiện diện trên trái đất này đều nên nhận biết và thực hành.
Chiếu tỏa SỰ SỐNG
Như vậy, thay vì đua nhau đi phóng sinh những chú cá chép rồi phóng luôn cả túi ni long hay chân nhang, bát nhang hoặc gì gì đó. Người Công giáo muốn cuộc sống của mình luôn là hành động chiếu tỏa SỰ SỐNG đến cho mỗi người và toàn cõi tạo thành. Bởi lẽ đó các tín đồ Công giáo thay vì phóng sinh thì hãy :
1, Siêng năng tham dự thánh lễ và kinh nguyện mỗi ngày để tiếp cận Suối Nguồn Sự Sống hầu biết sống sao để cho mình và anh em mình cũng như thiên nhiên vạn vật được sống tròn đầy.
2, Sống một cuộc sống bình dị và tôn trọng sự sống tự nhiên của con người từ khi thụ thai cho đến chết cách tự nhiên vì biết rằng Thiên Chúa là khởi đầu và cùng đích của sự sống. Không ai có quyền trên sự sống và cái chết ngoại trừ Thiên Chúa.
3, Tích cực bảo vệ môi trường, dù đó là môi trường tự nhiên hay môi trường tinh thần, tâm linh và tôn giáo. Người Công giáo hết sức sống yêu thương chan hòa tự nguyện trong sự hài hòa. Họ coi hết thảy là anh chị em của mình trong Chúa và thiên nhiên vạn vật là đứa em bé bỏng cần bảo vệ yêu thương mỗi ngày.
4, Đặc biệt hơn, người Công giáo sống với xác tín, cuộc sống hiện tại chính là hành trang cho cuộc sống vĩnh cửu mà cái chết là thành phần và cửa ngõ để bước vào. Vì vậy, việc bảo vệ sự sống kia phải hướng con người tới sự sống thần linh. Sự sống thần linh ấy khởi sự bằng việc hối cải mỗi ngày hầu hoàn thiện chính mình và giúp anh em mình trở nên hoàn thiện hơn theo thánh ý Chúa.
Tóm lại, con người cần được sống và sống hạnh phúc vì đó là mộtvinh quang của Thiên Chúa đã ban tặng. Hạnh phúc đó không phải đạt được bằng mọi giá mà làm sao cho người khác và cả tạo thành cũng được viên mãn vì chính con người phải canh tác và gìn giữ những gì Thiên Chúa đã trao cho. Thiên Chúa không chỉ trao tặng vàtạo thành cho con người mà còn trao con người cho nhau như khi Thiên Chúa hỏi Cain sau khi giết em mình:
“Cain, Aben, em ngươi đâu rồi?” (St 4,9).
Chúng ta không thể trả lời:
“Con không biết, con là người giữ em con hay sao?” (St 4, 10).
Vậy hãy sống để sao cho ta sống và muôn loài được sống như nó đáng được sống theo ý Chúa muốn.
NVK/RFA( St ).