Ngay từ thơ ấu, Aldo được hiền mẫu dạy cách thức cầm tràng chuỗi Mân Côi. Rồi cậu cùng Mẹ đọc Kinh Mân Côi. Chưa hết, Aldo hay theo Bà Ngoại và lần hạt Mân Côi chung với Ngoại. Chính Mẹ của Aldo kể lại:
– Tôi thường bắt gặp hai bà cháu, ẩn lánh vào chỗ kín trong nhà và cầu nguyện. Nhiều lần khác, tôi bắt gặp hai bà cháu, quỳ cạnh nhau trong phòng của Aldo, và cả hai cầm tràng hạt trong tay, sốt sắng đọc Kinh Mân Côi.
Năm Aldo lên 10 tuổi thì Bà Ngoại qua đời. Nhưng cậu bé không bao giờ quên hình ảnh đôi tay Ngoại run run, lần trên các hạt chuỗi Mân Côi. Từ đó, mỗi lần đọc Kinh Mân Côi, Aldo luôn luôn dành chục thứ ba để cầu nguyện cách riêng cho Ngoại.
Trong nhật ký, Aldo viết lời dốc lòng sẽ lần hạt mỗi ngày trọn chuỗi Mân Côi 150. Và cậu thiếu niên anh dũng trung tín giữ lời hứa. Aldo Marcozzi êm ái trút hơi thở cuối cùng trong lúc lần đến chục thứ 15 của tràng chuỗi Mân Côi 150 và khi đang suy ngắm mầu nhiệm thứ năm Mùa Mừng:
– Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.
… Anh Guido Acquadro (1912-1933) qua đời hưởng dương 21 tuổi. Guido sinh trưởng trong gia đình Công Giáo Ý khiêm hạ thợ thuyền nhưng rất đạo đức. Chàng làm công trong một xưởng kỹ nghệ.
Anh Guido rất yêu mến Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là lời Kinh chàng quý chuộng và đọc liên tục, khi hoàn cảnh cho phép. Chàng lần hạt khi ở nhà thờ, nơi hội đoàn, lúc ở nhà, trong xưởng làm và trên đường đi. Chàng lần hạt cầu xin theo ý chỉ của Giáo Hội Công Giáo. Rồi chàng thêm ý chỉ riêng và ý chỉ những người xin chàng cầu nguyện. Sau cùng, chàng đọc Kinh Mân Côi để đặc biệt cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại và cho các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục, mau về hưởng thánh nhan THIÊN CHÚA trên trời.
Linh Mục Augusto Viotto, Cha Sở của anh Guido Acquadro, âu yếm gợi lại kỷ niệm của chàng thanh niên đạo hạnh như sau.
Mỗi lần giáo xứ có buổi lần hạt chung, Guido giữ phần xướng Kinh. Chàng đọc phần đầu Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh, toàn giáo xứ đáp lại phần thứ hai. Chàng đọc với giọng dõng dạc rõ ràng và thật sốt sắng, khiến mọi người sốt sắng đọc theo.
Nơi xưởng làm, các bạn thợ biết rõ lòng sùng kính Kinh Mân Côi của chàng. Tràng Chuỗi Mân Côi của Guido trở thành nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải ai ai cũng kính trọng lòng đạo đức của chàng. Có người xấu cười nhạo chàng và tràng chuỗi Mân Côi của chàng. Nhưng anh Guido không cảm thấy hổ thẹn. Trái lại, anh hãnh diện giơ cao tràng chuỗi Mân Côi cho mọi người xem và nói:
– Không bao giờ tôi bỏ qua một ngày mà không lần hạt Mân Côi.
… Anh Guido Negri (1888-1916) là sĩ quan trẻ người Ý. Chàng bỏ mình vì đất nước trong đệ nhất thế chiến 1914-1918, hưởng dương 28 tuổi. Các binh lính dưới quyền âu yếm tặng chàng danh hiệu ”ông thánh sống”.
Anh Guido gọi Kinh Mân Côi là trường dạy Khôn Ngoan. Chàng nói:
– Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đức Khôn Ngoan nhập thể và Kinh Mân Côi là Thiên Hùng Ca của Ngài. Kinh Mân Côi giúp sống yêu thương, chịu đau khổ và nuôi hy vọng.
Anh Guido Negri cũng thường nói:
– Tôi luôn cầu nguyện và sống Kinh Mân Côi. Nơi Mầu Nhiệm Thương tôi sống cuộc đời thương khó; nơi Mầu Nhiệm Vui tôi nhớ lại chặng đường đã qua trong cuộc đời: hân hoan cũng như lầm lẫn; nơi Mầu Nhiệm Mừng tôi sống niềm hy vọng tột đỉnh: nên thánh, dấn thân làm việc tông đồ, chết vì Đức Tin Công Giáo và được lên Thiên Đàng!
Ý thức sâu xa về giá trị thánh hóa của việc đọc Kinh Mân Côi, đại úy Guido Negri quy tụ một nhóm bạn bè trung thành lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày.
… ”Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính, không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ. Người công chính đẹp lòng THIÊN CHÚA, nên được THIÊN CHÚA yêu thương. Vì họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được THIÊN CHÚA dời đi nơi khác. THIÊN CHÚA đã cất họ đi, kẻo trí khôn họ bị thói gian ác biến đổi, hay tâm hồn họ bị tật xảo trá phỉnh lừa. Vì sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác. Người công chính nên hoàn thiện chỉ trong một thời gian ngắn, thì kể như đã hoàn tất một sự nghiệp lâu dài”(Sách Khôn Ngoan 4,7-13).
(Attilio Borzi, ”MARIA nella vita del Giovane”, Edizioni dell’Immacolata, 1993, trang 40-47)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 02.01.2016)