Ông nội của Nguyễn Cốc bấy giờ đã ngoài cửu tuần (chín mươi), già lụm khụm. Mỗi lần ăn cơm thì run rẫy, làm vung vãi cơm, canh, cá đầy bàn. Người cha của ông liền đem dẹp bát đũa của ông nội, cho ăn bằng gáo dừa để tránh đổ vỡ; mỗi lần ăn, ông nội bị đặt ngồi dưới đất, không cho đồng bàn cơm. Thấy thế, ông Nguyễn Cốc đóng một cái máng heo ăn. Người cha thấy vậy, hỏi con: “Con định nuôi heo à?”. Nguyễn Cốc đáp lời: “Thưa cha, con đóng cái máng này để dành khi nào cha già, con sẽ dành cho cha ăn cơm!”. Người cha biết ông nói mỉa mình, nên bỏ hẳn không cho ông nội ăn cơm bằng gáo dừa nữa. Thấy ông nội quá già yếu, không tự kiềm chế vệ sinh cá nhân, lại nay yếu mai đau làm phiền lụy cả nhà nên ông bố đóng một ciếc xe gỗ, chở người ông đem bỏ vào rừng. Nguyễn Cốc theo sau cha xa xa, sau khi bố vất chiếc xe trong rừng, Nguyễn Cốc âm thầm lấy chiếc xe về, vừa tới nhà, người bố giận dữ quát: “Ta đã bỏ lại chiếc xe trong rừng, con đem về đây chi nữa?”. Nguyễn Cốc đáp: “Con để dành, khi nào bố già như ông nội, thì con dùng nó chở bố bỏ vào trong rừng như bố đã bỏ ông nội vậy!”. Người cha nghe vậy, xấu hổ vì tội ác sai quấy đó, liền vào rừng, rước ông nội trở về lo phụng dưỡng hết mực chu đáo.
Đạo làm người đã dạy ta như vậy, đạo Chúa thì sao? Hẳn ai cũng thuộc lòng lời dạy nơi điều răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”. Ca dao bảo rằng:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Tháng năm dành riêng cho Mẹ Maria.
Có người mẹ nào lại không yêu thương, hy sinh cho con mình?
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày thức đủ năm canh.”
Mẹ nào lại chẳng khổ cực nuôi con?
“Mẹ thương con biển hồ lai láng.”
Lại còn:
“Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.”
Như thế, bổn phận làm con phải nhớ ơn cha mẹ:
“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Thương thay chín chữ cù lao,
Tam niên nhũ bộ, biết bao nhiêu tình.”
Đi tu là điều cao quí, nhiều người con vì quá thương mẹ, cũng chẳng đành đi tu:
“Vào chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ, đi tu chưa đành.”
Người con hiếu thảo chẳng tiếc gì với mẹ già:
“Ba ngàn một khứa cá tươi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.”
“Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi.
Mua toàn gạo trắng mà nuôi mẹ già.”
Trong phim Thủy Hử, chúng ta cũng thấy tấm gương yêu thương mẹ của Lý Quì, dù đang ở Lương Sơn Bạc, ông nhớ mẹ đến khóc, liều thân vượt trường dặm về thăm mẹ và đưa mẹ về Lương Sơn Bạc chung sống.
Một lần giảng đạo, Thánh Don Bosco hỏi giáo dân: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết: Đức Mẹ là ai?” Hỏi mãi, đến lần thứ ba mới có người đáp: “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh nhân đúc kết: “Đúng, nhưng chưa đủ, Đức Mẹ còn là mẹ chúng ta”. Đó là điều đáng nói. Vì trên trần gian này, không ai có thể gần gũi, thân thiết với ta cho bằng mẹ chúng ta. Cũng vậy một tình thương từ đời này đến đời sau chỉ dành cho chúng ta từ Thiên Chúa và từ người mẹ có tên Maria.
Để kết thúc đề tài này, xin kể lại một mẩu chuyện ngắn: Trong một lần diễn lại tuồng thương khó, đến lúc Giuđa treo cổ tự tử, một em bé quay hỏi má của em: “Má ơi, tại sao ông ta không chạy đến với Đức Mẹ?”. Phần còn lại là suy nghĩ của mỗi người cho chính vui, buồn, sướng, khổ thường ngày đời mình. Đức Mẹ ở vị trí nào trong đời tôi?
Linh mục Phêrô Nguyễn Hoàng Hai