1. Trời còn khá sớm, Ông vào Nhà xứ xin phép gặp cha phó, có chuyện gấp…
Tớ mời Ông vào phòng khách…
Ông vừa ngồi chạm ghế đã xả ngay nỗi lòng…
– Con không thể chịu được thằng con trai con nữa, con không thể tha thứ được nữa… Nó uống rượu, quậy phá, không chỉ la chửi mà còn đánh con…
Rồi Ông cho biết, Ông đã làm đơn tố thằng con cho đi tù…
Ông cho biết thêm, cách đây 6-7 năm Ông đã lần làm đơn tố, song nghĩ lại thương con, Ông rút.
Còn lần này, Ông cương quyết cho con đi tù vì Ông không thể chịu đựng được nữa. Chỉ còn ít giờ nữa đã đến giờ hẹn gặp công an để giải quyết.
Ông quyết tố cho con đi tù. Mình không dạy được thì để cho nhà nước nó dạy.
…
Tớ ngồi nghe, im re !…
Đợi đến khi Ông đề nghị ‘xin cha cho con ý kiến’.
Tớ không cho ý kiến ngay, lại còn ra vẻ vô can:
– Chuyện nhà Bác thế nào Bác giải quyết, em không can thiệp… Song việc Bác làm em thấy nó kỳ kỳ sao đấy ?
– Con thấy bình thường, nó láo mình hết cách dạy thì cho nó đi tù như biện pháp dạy con…
– Em nói lại, em không can thiệp chuyện riêng gia đình bác. Em thấy kỳ ở chỗ này, nếu không muốn nói rất lạ, em chưa từng thấy. Việc con cái kiện cha mẹ thì có nghe có thấy, dễ chấp nhận; còn việc cha kiện con quyết cho đi tù thì em chưa nghe, chưa thấy.
Với một sự việc nhưng người ta dễ thông cảm- tha thứ khi con cái bất hiếu kiện cha mẹ hơn việc cha mẹ kiện cho con cái đi tù.
Nói đơn giản, hai việc bản chất như nhau, tội như nhau nhưng cảm thông tha thứ thì không thể như nhau. Chẳng hạn, Bác chửi tục, người dân chửi tục người ta cho bình thường, dễ thông cảm nhưng một ông Linh mục (chẳng hạn như em) chửi tục thì khác, không thể chấp nhận được. Con cái bất hiếu kiện cáo cha mẹ, dù chẳng ai muốn và chuyện rất hiếm xảy ra nhưng người ta vẫn dễ thông cảm hơn việc người cha tố con đi tù, lại chuyện chẳng ra đâu.
Việc con cái lâu lâu uống rượu say, chửi mình, thậm chí đánh mình đâu phải là vấn đề ghê ghớm đến độ đẩy con đi tù… Cha mẹ hy sinh cả đời, yêu con không hết nhẽ lại lại chấp nhặt con lúc rượu vào- lời ra- tay vung…
Tớ đúng kết… hiệp 1: Xét theo lẽ thường tình xã hội- việc bố kiện con đi tù là điều khó có thể chấp nhận; với lý do như Bác nói, chẳng có gì ghê ghớm, thì không thể chấp nhận được.
Không phải là vấn đề khó chấp nhận mà là không thể chấp nhận được ! (tớ cố tình nhấn mạnh).
Con đi tù rồi sẽ về, nhưng tai tiếng ‘bố kiện con đi tù’ thì bao giờ mới xóa được? Nghĩa là bác vào ngay nhà tù ô nhục không có thời hạn, tức tù chung thân. Bác chịu được không? Người quân tử thà chết chứ không thể sống nhục…
Trước khi bước qua hiệp 2, để Ông đỡ căng tớ chuyển qua mời nước, xé khăn lặng mời lau…
Sau đó hỏi câu xem ra hơi… lạc đề:
– Bác kiện con trai đi tù, thế vợ và các con nhỏ của con trai thì sao ?
– Vợ nó mới làm công ty. Đứa con trai- cháu đích tôn của con mới học xong lớp 12, nhờ người quen mới xin chỗ làm công ty…
– Nhà nghèo, giờ ổn định thế, tốt lắm… Vấn đề em nói không hẳn về kinh tế. Bác có nghĩ tương lai của con cháu mình không, trước nhất là tương lại của mình ?
Bác nghĩ xem, con dâu- mấy đứa cháu mình thuộc dòng đích tôn- nỗi dõi nghĩ thế nào về ông nội đối xử tệ với cha mình, đẩy đi tù. Chắc chắn hệ quả xấu lắm, kinh khủng lắm !
Bác giờ chắc gần 70, nhờ ơn Chúa còn khỏe mạnh, còn minh mẫn và tự kiếm sống được. Bác thử nghĩ vài năm nữa khi Bác già yếu, cần nương cậy con cháu, chẳng may mấy đứa cháu đối xử tệ với ông, thậm chí xưng ‘mày, tao’, rồi hạch tội ông: ‘ngày trước mày kiện bố tao đi tù…’.
Giả như có cảnh đối xử với ông bà hỗn láo không thể chấp nhận nếu xảy ra cũng chẳng có gì lạ. Đơn giản mình đã nhìn thấy trước hậu quả… Đơn giản đấy là quả mình tất gặt được khi hôm nay mình gieo nhân xấu. Lúc đó cũng chẳng kêu trách ai được!
– Nhưng bây giờ con đã kiện rồi, một vài tiếng tiếng nữa công an gặp làm sao, con đã rút tha cho nó một lần rồi…
Biết Ông là người khí phách, phần ‘sĩ’ vẫn nhiều… Bây giờ rút thì bị ai đó cười ‘đồ hèn, nhu nhược’.
– Thì mình rút lần nữa có sao đâu! Tay mình lỡ dích chàm rút ra rửa là điều tốt, có gì đáng xấu hổ. Tay mình lỡ dính chàm mình lao cho cả người dính luôn à !?
Minh tiếp ý, ‘bẩn’ tí: Tay mình lỡ dính phân cứt rút lên rửa, chuyện bình thường mà phải làm thế, chẳng nhẽ nhảy luôn xuống hố phân và ở lì luôn dưới hố phân? Có điên mới làm thế! Nạn nhân trước nhất, chịu sự tồi tệ nhất là chính mình chứ đâu phải người ta.
Người quân tử, thánh nhân hay ở chỗ biết sai, sửa sai để sống tốt hơn. Biết sai, biết xấu vì sĩ rỏm ta không biết ‘tự diễn biến- chuyển hóa’ cứ lao vào cái sai xấu thì đấy là đồ hèn tiểu nhân, bạc nhược. Thứ đó sống ở trên đời chật thêm đất, thêm nguy hại cho xã hội.
Bác thấy đúng không ?
Ông không trả lời. Với tính khí của Ông, im lặng như cách ‘tâm phục khẩu phục’.
Tớ cầm chai nước lọc rót ly, uống và nói bâng quơ:
– Mới tha rút có một lần thì có gì mà nói… Ngay cả hai lần, ba- bốn lần… hay mãi mãi thì cũng chẳng có gì lạ khó hiểu. Vì mình là Cha, là Mẹ mà…
Tớ im lặng để xem phản ứng, để Ông nói.
Ông không nói, tớ cũng không nói…
Có lẽ cần khoảng thinh lặng để mỗi người trở về nội giới, tự nhìn mình, phản tính.
Một lúc sau tớ nói thêm:
– Từ nãy em nói Bác hoàn toàn trên bình diện nhân bản, chưa đặt vấn đề Tôn giáo. Trên bình diện con người đã không thể chấp nhận được, đồng thời nguy cơ để lại di họa khôn lường cho con cháu mà hậu quả ai lãnh, Bác biết rõ !
Còn trên bình diện Tôn giáo- Đạo mình không có kẻ thù, không được coi ai là kẻ thù. Ngay cả kẻ xem mình là kẻ thù, gây bao tác họa cho mình, thậm chí giết mình… thì họ vẫn là anh chị em- người nhà của mình, theo Lời Chúa dạy vẫn được trân trọng- yêu thương, mở lòng tha thứ…
Đẩy con vào cảnh tù tội… con cái của Chúa không ai làm thế cả. Chỉ có con cái ma quỷ mới có hận thù, dùng bạo lực sát hại nhau.
Rồi tớ nhấn nhá lại Dụ Ngôn ‘Người Cha Nhân hậu’ của Thầy Giêsu…
Tại sao trong cơn quẫn bách, đứa con trai hoang đàng có quyết tâm về với Người Cha?.
Giả như người cha này hà khắc, cay nghiệt… không biết Yêu thương cảm thông con cái, chắc chắn người con hoang không dám về, không bao giờ trở về. Bởi nếu về cha mình sẽ hạch tội, biết đâu báo công an bắt đi tù…
Động lực người con hoang cản đảm trở về, vì nhận thấy nơi Cha mình hình ảnh nhân từ, đầy yêu thương, ngay cả tôi trai tớ gái trong nhà Ông cũng đối xử rất tốt. Chính những kỷ niệm đẹp toát sáng Người Cha nhân từ ấy, người con hoang có thêm can đảm trở về Nhà Cha, dẫu trong tâm thức- dù đã soạn sẵn bài diễn văn ‘hối lỗi’- chỉ xin Cha coi mình như người ở…
Anh về, vừa thấy bóng con… Người Cha đã chạy ra ôm trầm- và anh chưa kịp nói lời nào Người Cha đã sai gia nhân tức khắc mang nhẫn, mang giày- nghi thức phục hồi quyền làm con; rồi sai làm bê béo mở tiệc anh mừng…
Bác thử đặt mình trong cảnh người con hoang, Bác thấy làm sao?. Liệu trở về sau khi sa ngã ‘phạm tội tày đình với Trời và với Cha’ vẫn được đối xử đầy yêu thương như con cái trong nhà ấy anh có còn dám ngông cuồng, làm Cha già buồn lòng nữa không ?
Không !
Tình yêu mới có sức cải hóa người xấu, chứ bạo lực (việc đẩy con đi tù cũng là cách dùng bạo lực) không những không cải hóa mà còn đẩy người ta đến chỗ căm giận hơn, xấu hơn.
Người cha Nhân từ trong dụ ngôn, chính là hình ảnh Người Cha Công giáo cần noi theo…
Bất ngờ tớ bẻ lái đột ngột và có chút… vô duyên:
– Bác có thuộc Kinh Lạy Cha không ?
– Dạ con thuộc từ bé, vẫn đọc hàng ngày?
– Trong đó có lời nguyện: ‘Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’. Khi mình sống được ‘Người Cha nhân hậu’ là ta đang để cho Nước Cha trị đến- ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, khởi đi từ chính mình, bởi nó đang phát sáng Hình Ảnh Cha Trên Trời…
Tớ nói thêm, có chút…chân tình:
– Nói Bác đừng buồn, em thấy đời sống Đạo của Bác có phần khô khan. Chẳng thấy Bác đi lễ, rước lễ (tớ nhắc lại ‘lời hứa của Bác- Xưng tội Rươc Lễ’ trong năm đầu tớ về xứ, cách đây hơn năm cho đến giờ vẫn chưa thấy thực hiện).
Khi ta gặp gian nan thử thách, đau khổ chuyện không thể tránh trong cuộc đời vốn coi là ‘bể khổ’ này, lẽ thường ta cần phải chạy đến Chúa- Nguồn trợ lực- an ủi… đàng này Bác lại chạy xa Chúa thì làm sao ta tìm được an vui, thoát khổ được nếu không muốn nói càng làm ta lún sâu trong đau khổ, bế tắc, rồi nảy sinh có những suy nghĩ tiêu cực, chán nản… Và như thế ta vô tình rơi vào bẫy ma quỷ!…
Nhìn đồng hồ, Ông nói:
– Giờ con không dám phiền cha nữa, sắp đến giờ con đi gặp công an rồi. Xin cha thêm lời cầu nguyện cho gia đình con.
Trước đề nghị cầu nguyện, tự dưng tớ có tâm tình sốt sáng, muốn thăm ngay Thầy Chí Thánh đang ngự trong Nhà Tạm…
Tớ sẽ nhịn ăn sáng bữa nay, như một chút hy sinh mọn để lời cầu nguyện có chút hương hoa (Nói thế cho sang, chứ thực ra, dạo này tớ ít ăn sáng, và hình như đang thành thói quen).
2. Một vài ngày sau thấy Ông Xưng tội- Giao hòa với Chúa…
Rồi thấy Ông chịu khó đi lễ, Rước lễ thường hơn…
Chỉ cần thấy sự ‘tự chuyển hóa’ và biết để cho Chúa giúp tự chuyển hóa, tớ biết sự việc đã có kết quả đẹp trong Thánh Ý Chúa.
3. Bữa nay có đám cưới đôi Bạn vốn đồng nghiệp Giáo lý viên trong Giáo xứ, nhà đám mang nguyên mâm vào biếu Nhà xứ.
Cha xứ đi vắng ít tuần, ủy tớ ‘toàn quyền’ tập làm cha xứ.
Tớ nhá các ông Ban Hành giáo đi Lễ chiều này vào Nhà xứ nhâm nhi.
Thoáng thấy Ông đi lễ, tớ mời vào ‘giúp’ Nhà xứ thanh toán mâm cao cỗ đầy.
Sau khi cục hai chầu ly, bất ngờ Ông nói:
– Con cảm ơn cha, nhờ lời cha giúp con tỉnh ngộ…
Tơ xuề xòa át đi, không muốn đề cập chuyện riêng (mặc dù các ông Ban hành giáo đều biết, thậm chí còn biết rõ nguyên nhân sâu xa hơn tớ)
– Bác tạ ơn Chúa, em có đáng gì… Và xin Bác cầu nguyện cho em nhiều. Là con người ai chẳng có lúc dính chàm, anh hùng và hơn nhau ở chỗ biết rút tay và đi rửa…
Ông Chánh biết ý, lái qua chuyện tích cực:
– Ở xứ này, gia đình Bác là người có nhiều tài, chẳng hạn về ngắm, biết ăn nói…
Một ông trùm phụ trách ca đoàn Gia trưởng ‘chớp’ ngay thời cơ:
– Em mời Bác vào ca đoàn Gia trưởng…
Ông đồng ý ! Ông có tuổi nhưng giọng vẫn tốt, khỏe, sang sảng
Thay lời cảm ơn, tớ mời mọi người cục ly 100%.
Tạ ơn Chúa!
Cảm ơn Ông !
Ông đã cho tớ bài học về ‘Người Cha..’ biết cảm thông- tha thứ, biết hy sinh, chịu đựng….
Là Linh mục càng cần phải sống ‘Người Cha nhân hậu’ !
Lm. Đaminh Hương Quất