Ngôn sứ của Thiên Chúa

ngon su cua thien chua - Ngôn sứ của Thiên Chúa

Mỗi Kitô hữu, qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, đều là tiên tri của Chúa, vì đó là một trong ba chức năng của Ðức Kitô mà mọi người được tham gia. Vì thế, mọi Kitô hữu có sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người khác. Nhiệm vụ ấy đòi hỏi mỗi người phải can đảm thi hành một cách triệt để trong cuộc sống hằng ngày, bằng chứng tá sống động, mặc dầu bị người ta chối bỏ hay chống đối. Tiên tri hay Ngôn sứ được định nghĩa là người nói trước, nói thay cho Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để phân biệt được Lời Chúa và lời con người? Thật không dễ để nói như thánh Phaolô: “Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Ðức Kitô Giêsu là Chúa” (2Cor 4,5). “Quả vậy, Ðấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34).

Tiên tri không được lựa chọn lời Chúa mà phải trung thành nói hết những lời Ngài muốn nói, không được thêm bớt. Những lời tiên tri nói ra thường không dễ nghe và khó được chấp nhận, vì những lời ấy vạch trần những sự sai trái của mọi người. Vì thế, tiên tri thường bị người ta chống đối, nhạo báng, lăng nhục và có khi bị giết vì sứ mạng. Tiên tri Giêrêmia là bằng chứng khẳng định điều trên.

Giêrêmia là một trong 4 tiên tri lớn thời Cựu Ước, đã được Thiên Chúa cho biết: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Ðúng là Thiên Chúa đã chuẩn bị, Ngài chọn Giêrêmia từ xa xưa, sai ông đi. “Ðây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,9-10). Ông vốn bản tính hiền hòa, không thích đụng chạm ai. Ông cảm thấy thật khốn khổ vì “suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: Bạo tàn! Phá hủy!” (Gr 2,7-8). Và rồi có lần ông tự nhủ : “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim” (Gr 2,9).

Ðức Giêsu, Ngôn sứ vĩ đại mà con người từng mong đợi đã có lần tuyên bố: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Nhưng rồi chính Ngài lại khẳng định: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hòa bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo” (Mt 10,34). Có mâu thuẫn lắm không? Thư gửi tín hữu Do Thái viết: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

Sứ điệp của ngôn sứ Giêrêmia làm chao đảo cuộc sống người cùng thời. Cũng thế sứ điệp của ngôn sứ Giêsu không ngừng tra vấn và khiến chúng ta luôn khắc khoải bồn chồn.

Tuy nhiên điều đáng nói là một ngôn sứ của Thiên Chúa phải phê phán bằng tình yêu, lòng cảm thông cho những người mà mình đang lên tiếng thách thức. Những lời thách thức của chúng ta phải phát xuất từ lòng biết ơn hơn là giận dữ, dù cho sự giận dữ đó có lý lẽ tốt đến thế nào đi chăng nữa. Giận dữ lao vào những người không đồng ý với chúng ta bằng những lời lẽ hùng hồn đầy thù hằn, và thắng những tranh luận đầy cay đắng. Nhưng tất cả những điều này về lâu dài là một sự triệt tiêu, bởi chúng làm chai đá hơn là mềm đi tâm hồn con người. Sự hoán cải thật sự chẳng bao giờ có thể đến qua sự đàn áp, dù là về thể lý hay tri thức. Tâm hồn chỉ thay đổi khi được tình yêu chạm đến…

Lm. Phaolô DƯƠNG CÔNG HỒ

Exit mobile version