Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã chính thức Khai Mạc Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm (1988-2018) “ngày tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh”.[1]
Trong dịp nầy, HĐGMVN đã đề nghị cho toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam nhiều việc làm và cách thể hiện cụ thể thực hành Năm Thánh; trong đó có việc “chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các Thánh Tử Đạo Việt nam”.[2]
Và như lời hứa của HĐGMVN trong Thư Công Bố Năm Thánh : “Hội đồng giám mục sẽ phổ biến tập sách hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ghi lại vắn tắt gương sống đức tin và cuộc tử đạo của các thánh…”[3], thì vào đầu tháng 6 năm 2018, tác phẩm HẠNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM đã được xuất bản do HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (“đứng tên”) dưới sự chủ biên của Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm.[4]
Dĩ nhiên đây là một tác phẩm thuộc “văn hoá phẩm đức tin” chính truyền, có uy tín, đã được sự chuẩn nhận của Huấn Quyền mà nơi trang chẵn của tờ đầu tiên sau bìa, in rõ con dấu và chữ ký xác nhận “IMPRIMATUR” của Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục, Tổng giáo phận Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.[5]
Xét về nội dung lẫn hình thức, quả thật, tác phẩm trên xuất hiện thật đúng lúc, và như Đức cha Phêô Nguyễn Văn Khảm phát biểu trong LỜI NÓI ĐẦU “quý độc giả xa gần đã và sẽ đón nhận tập sách nầy làm bạn đồng hành”[6]
Trong những dòng cuối của LỜI NÓI ĐẦU, cho dù là những lời mang tính “công thức”, Đức cha chủ biên đã xác nhận : “Chắc chắn việc biên soạn tập sách nầy còn nhiều thiếu sót, ước mong đón nhận được những góp ý chân thành của quý độc giả, để công việc chung ngày càng tốt đẹp hơn”.
Trong đại gia đình con cái Chúa, chúng ta phải tin đó là những lời chân thật của Đức Cha chứ không phải là một “công thức rập khuôn”. Vì thế, xin được mạnh dạn đạo đạt “những góp ý chân thành” sau đây :
I. NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
1. Lịch sử “rẻ như bèo”[7] :
Chúng ta đang đề cập tới một tác phẩm liên quan đến Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam trong một bối cảnh xã hội mà bộ môn lịch sử đang trở thành một “quốc nạn giáo dục”. Bằng chứng là trong những ngày nầy, cộng đồng mạng tốn khá nhiều giấy mực về kết quả điểm thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT vừa qua :
“Theo kết quả sơ bộ của kỳ thi thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy, gần 84% bài thi môn Lịch sử năm nay dưới điểm trung bình. So với các năm trước, điểm thi này là thấp hơn. Ví dụ điểm trung bình năm 2016 là 4,49; năm 2017 là 4,6, còn năm nay là 3,79…”[8]
Có rất nhiều nhận định, đánh giá, “bắt mạch” cho cái căn bệnh “học lịch sử” khá trầm kha nầy. Có kẻ cho rằng do việc dạy môn lịch sử “sai phương pháp…, giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung mà chưa chuyển sang tiếp cận năng lực. Nhồi nhét một mớ kiến thức có sẵn vừa nặng về học thuộc ghi nhớ, vừa nặng về tuyên truyền mà không biết áp dụng vào đâu sẽ gây ra sự phản cảm, nhàm chán…”[9] cũng có kẻ cho rằng khi lịch sử biến thành công cụ để hậu thuẩn cho chính trị, cho mưu đồ…dễ dàng thiếu trung thực và sẵn sàng bị bóp méo, nên không thể thuyết phục được ai ham thích, học hỏi lịch sử. (Xem thêm bài viết : Những lừa đảo, bóp méo lịch sử…của Cao Đắc Tuấn[10] và bloger Thuận Nhân[11] ).
Nếu môn “lịch sử đời” đã ế ẩm như thế, thì đã chắc gì môn “lịch sử đạo” khả quan hơn ?
Sở dĩ đưa ra một số nhận định hơi tiêu cực trên khi bàn đến chuyên đề lịch sử là để dân Công Giáo chúng ta biết quý trọng lịch sử, ham học hỏi lịch sử để như Chúa Giêsu dạy : nhờ lịch sử mà “rút ra được những cái mới cũ từ trong kho tàng của mình” (Mt 13,52).
2. “Ngôn ngữ lịch sử” không thể bất cẩn :
Nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ, Robert A Heinlein (1907-1988), đã có một nhận định về lịch sử thật thâm thúy :
“Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ – và cũng không có tương lai. (A generation which ignores history has no past and no future).
Nhưng, “không ngoảnh mặt lại với lịch sử” lại không đồng nghĩa với “hiểu biết lịch sử”. Bởi vì, nếu chỉ mới dừng lại ở thích lịch sử, yêu lịch sử, hướng về lịch sử…mà không biết chút xíu nào về lịch sử, thì lại là điều đáng trách, như cách nhận định “thẳng thừng” của Marcus Tullius Cicero[12] :
“Dốt nát về những chuyện xảy ra trước khi ta sinh chẳng khác nào luôn luôn mãi là đứa trẻ”.
(Nescire autem quid antequam natus sis acciderit, id est semper esse puerum).
Trong Năm Thánh mừng Các Thánh Tử đạo Việt Nam nầy, lịch sử mà chúng ta cần biết, cần học như HĐGMVN mời gọi trong Thư Công bố Năm Thánh đó chính là “lịch sử Hội Thánh và các Thánh Tử Đạo”, để “theo gương sống của các Ngài”.
Nhưng để tránh cái não trạng xem thường lịch sử, lãnh đạm với lịch sử trong môi trường sống đạo, thiết tưởng các tài liệu lịch sử mang tính “đồng hành” của Giáo Hội luôn phải “khả tín”, trung thực, không có chuyện “tài liệu nầy nói xuôi”, tài liệu kia “nói ngược”…
Nói cách khác, “ngôn ngữ lịch sử” không được tuỳ tiện, bất cẩn mà phải trung thực, chuẩn mực nghiêm túc; nhất là những tài liệu mang tính “giáo lý” như hai tác phẩm được đề cập dưới đây lại càng phải chỉn chu, đúng mực :
– Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam của HĐGMVN vừa mới phát hành (nxbtg, 2018).
– Bản hỏi thưa giáo lý Hội Thánh Công Giáo phát hành năm 2013 (nxbtg, 2013).
II. NHỮNG CHI TIẾT LỊCH SỬ CẦN ĐÍNH CHÍNH NGAY
1. Những chi tiết trong cuốn HẠNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM[13] :
1.1/. Hạnh Thánh ÉTIENNE THÉODORE CUÉNOT-THỂ, Giám mục Hội thừa Sai Paris (1802-1861). (Số 79. Trang 224-227) : Có 2 chi tiết sai cần được đính chính :
a/. Bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu (Chứ không phải Lựu như sách viết : “Đức Cha dâng Thánh lễ tại gia đình bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lựu.(…). Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lựu cũng bị đánh đòn 17 roi.” (SĐD trang 226).
Sở dĩ cần được đính chính danh xưng nầy, vì đây là tên chính thức của một trong 20 Vị Tôi Tớ Chúa được Toà Thánh công nhận qua sắc lệnh tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1918. (Xem thêm Tài liệu : các Tôi Tớ Chúa trong CẨM NANG NĂM THÁNH của Giáo phận Qui Nhơn[14], hoặc tác phẩm GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN[15])
b/. Thầy bốn Tuyên và chú Nghiêm : Một đại chủng sinh (Thầy Bốn Tuyên) và một tiểu chủng sinh (chú Nghiêm) chứ không phải chỉ là hai chú giúp lễ như sách viết : “Đức Cha Cuénot – Thể và hai chú giúp lễ, Nghiêm và Tuyên…”. Đây cũng là hai vị Tôi Tớ Chúa tử đạo đã được Toà Thánh công nhận ngày 12/11/1918 và đang chờ phong Chân phước)[16]
1.2/. Hạnh Thánh ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG (NĂM THUÔNG) Trùm họ (1790 – 1855). (Số 87. Trang 244-245) : Có 2 chi tiết sai cần được đính chính :
a/. Trùm cả Bình Định chứ không chỉ là một Trùm họ (ông trùm một giáo họ) bình thường như sách để ngay từ tiêu đề : “ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG (NĂM THUÔNG) Trùm họ (1790 – 1855”. Vì tài liệu được viết dựa theo nguồn tài liệu “Các Vị Tử Đạo của Giáo phận Qui Nhơn”, nên xin trích dẫn để xác minh chi tiết nầy :
“Đối với Hội Thánh, ngài là một tín hữu đạo đức, một tông đồ nhiệt thành, một cọng tác viên khôn ngoan, vì thế ngài đã được Đức cha Stêphanô Cuénot đặt làm trùm cả Bình Định. Với tư cách đó ngài đã trợ giúp Đức cha trong việc mục vụ và truyền giáo cách tận tuỵ, không quản ngại hy sinh sức khoẻ, thời giờ và tiền bạc. Có thể nói, một phần chính nhờ sự hy sinh và khôn khéo của ngài mà Đức cha có thể cai quản giáo phận cách bình yên và phát triển trong suốt một thời gian rất dài gữa thời cấm cách. Do tư cách đạo đức, ngài trở thành người có uy tín đối với tất cả mọi người không phân biệt lương giáo, nhờ đó việc mở mang Nước Chúa gặp được điều kiện thuận lợi”[17]
Chi tiết trên không chỉ liên quan đến từ “TRÙM CẢ” mà là điểm nhấn cốt lõi trong “nhân đức và yếu tố thánh” của Vị Tử Đạo Năm Thuông, một chi tiết mà Sách Hạnh Các Thánh không thèm nhắc tới !
Chính cái tiêu đề trong tài liệu trên cũng ghi rõ : THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG TRÙM CẢ TỬ ĐẠO (1790-1855)[18] (Xem thêm : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN[19])
b/. Nguyễn Kim Thông chứ không phải Trần Kim Thông như sách viết : “Thánh Anrê Trần Kim Thông sinh năm…”.
Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đây là do “lỗi kĩ thuật”. Tuy nhiên, ngay từ dòng đầu tiên mà sai liền, nếu không sửa, với kĩ thuật “cắt, dán…” của thời đại vi tính nầy, một chi tiết nhỏ cũng có thể dẫn đến những “ngộ nhận lịch sử” tai hại.
1.3/. Hạnh Chân phước ANRÊ PHÚ YÊN Thầy giảng (1625 – 1644). (Số 118, trang 316-318). Có một chi tiết sai trầm trọng cần chỉnh sửa và 1 chi tiết thiếu cần bổ sung :
a/. Chi tiết sai : Không có Ông Nghè Bộ nào trấn nhiệm tỉnh Phú Yên như sách viết : “Tháng 7 năm 1644, Quan Nghè Bộ trấn nhiệm tỉnh Phú Yên nhận được sắc chỉ từ Chúa Nguyễn ra lệnh cấm truyền đạo…”.
Trước hết, người viết xin được lưu ý rằng : Tài liệu liên quan đến “hồ sơ phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên” có thể nói được là nhiều, đầy đủ và phong phú nhất trong số các hồ sơ tử đạo tại Việt Nam. Cho nên, viết lịch sử về cuộc tử đạo của ngài trong một tài liệu mang tính giáo lý cho mọi tín hữu đọc, học…mà sai và sai khá trầm trọng thì không thể chấp nhận được.
Sách Hạnh các Thánh Tử Đạo khi trình bày về Á Thánh Anrê Phú Yên đã dẫn nguồn với với 2 ghi chú (29 : Theo tài liệu “Các Vị Tử đạo của Giáo Phận Qui Nhơn”, do Giáo phận Qui Nhơn cung cấp) và (30 : Ibid.). Không biết vì chủ quan hay “sớn sát” mà viết như thế, chứ tài liệu của Qui Nhơn hoàn toàn không có chi tiết nầy. Xin trích :
– Tài liệu 1 : CÁC THÁNH TỬ ĐẠO GIÁO PHẬN : “Ngày 25 tháng 07 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến trụ sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Ignatio theo lệnh bà Tống Thị. (…). Trong lúc tấn bi kịch xảy ra tại Hội An thì cha Đắc Lộ và các thầy giảng sắp vào dinh trấn thăm hữu nghị ông Nghè Bộ…”[20]
– Tài liệu 2 : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN : Cha Đắc Lộ viết lại tình hình những ngày tháng ấy tại Qui Nhơn : “Khi giáo dân tỉnh Qui Nhơn nghe tin thầy Anrê tử đạo, họ không chùn chân khi bị bắt mà còn thêm can đảm chống lại kẻ hung hản. (…). Mấy ngày sau, quan trấn phái một quan toà hình sự tới. Ông vào đây truyền cho giáo dân đến khai, nếu không khai mà bị khám thì sẽ bị trừng trị. Tưởng lệnh nầy làm cho các chiến binh của Chúa sợ hải không ai dám ra khai vì sợ bị phạt. Nhưng ông hết sức bỡ ngỡ thấy giáo dân lũ lượt kéo đến ghi danh…(…). Ông muốn rút lui, nhưng thấy mình đã lấy danh dự mà làm thì liều chọn trong số đó ba mươi sáu người, bắt trói lại và điệu tới tỉnh Quảng Nam nơi có ông Nghè Bộ đang chờ…”[21]
Theo cố học giả Phạm Đình Khiêm, trong tác phẩm chuyên khảo lịch sử về Á Thánh Anrê Phú Yên thuộc vào loại “hàn lâm và khả tín nhất”, cuốn “NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT”, thì nơi chương sách đề cập đến nhân vật “Ông Nghè Bộ” với tiêu đề “Một tay đẩm máu” đã nói rất rõ. Xin trích :
“Ông quan làm tay sai cho Tống –thị[22] mà các giáo-sĩ chép là “Onghebo”, là nhân vật nào trong các chức quan nói trên ? (…). Cứ theo danh xưng như nói trên, và theo cách giáo sĩ Đắc-lộ tả về chức vụ của ông, thì ông không phải là trấn thủ cũng không phải ký lục. Lúc ấy quan trấn thủ[23] tuy có quyền tuyệt đối trong Dinh, song có lẽ quá bận riêng về quân sự, nên ông cai-bộ nầy hành động như không có ai quyền trên. Còn quan ký-lục, tuy lo việc từ tụng văn án, nhưng chắc là quyền dưới, vả lại việc phân quyền giữa hành pháp và tư pháp lúc ấy chưa rõ rệt. Vì thế mà ta thấy “Ông Nghè Bộ” ra lệnh bắt thầy giảng An-rê, triệu tập phiên toà (có các quan khác dự) và tuyên án xử tử. Sử liệu không ghi lại tánh danh của ông, song từ đây tiếng xưng hô “Ông Nghè Bộ” đã trở nên tên riêng của ông rồi”.[24]
Sở dĩ dừng lại khá nhiều về chi tiết lịch sử nầy, vì đây là nhân vật liên quan trực tiếp đến cuộc tử đạo của Chân phước Anrê Phú Yên, cũng giống như Philatô liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu ! Làm sao chúng ta có thể chấp nhận được khi có tài liệu viết rằng : “Philatô đang làm Tổng trấn ở Damas sang Giêrusalem bắt Chúa Giêsu và kết án Ngài !”
b/. Chi tiết thiếu : Sách HẠNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, trong chương về Chân phước Anrê Phú Yên không đá động đến “nơi ngài chịu tử đạo”.
Xin được bổ túc chi tiết nầy :
“Thầy được cha Đắc Lộ giải tội và ban Của Ăn Đàng rồi hiên ngang theo toán lính ra “Gò Xử”, một gò hoang dành để xử các tội phạm. (…). Nơi thầy bị xử ngày nay chỉ còn một gò đất nhỏ trong địa bàn giáo họ Phước Kiều[25], giáo xứ Hội An, giáo phận Đà Nẵng.”[26] (Xem thêm : Phạm Đình Khiêm, NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT, CHƯƠNG X : Ý NGHĨA MỘT CÁI CHẾT từ trang 151-164)
2. Những chi tiết trong cuốn BẢN HỎI THƯA GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO :
Trong sách BẢN HỎI THƯA GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO được UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN thuộc HĐGMVN xuất bản năm 2013 (NXB Tôn giáo 2013) có PHẦN THỨ NĂM – HỘI THÁNH VIỆT NAM.
Sau đây xin được góp ý về 2 chi tiết của bài 76 : LỊCH SỬ HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM.
2.1 : Câu hỏi 656. H : Chứng nhân đức tin đầu tiên tại Việt Nam là những ai ?
T : Là anh Phanxicô, làm việc bác ái mà bị tra tấn và bị giết năm 1630, tạiĐàng Ngoài và thầy Anrê Phú Yên là học trò của cha Đắc Lộ, bị chém đầu năm 1644, tại Đàng Trong.
Câu “Thưa” (T) trên có thể chấp nhận được trước thời điểm năm 2000 ; chính xác là trước ngày 05/3/2000, tức ngày Giáo Hội tuyên phong Á Thánh cho thầy giảng Anrê Phú Yên. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, Mẹ Hội Thánh đã xác nhận thân thế và sự nghiệp của thầy giảng Anrê Phú Yên với một “Danh xưng và tước hiệu” rõ ràng : ANRÊ PHÚ YÊN LÀ CHỨNG NHÂN TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM. Xin trích nguyên văn câu tiếng La tinh trong “SẮC LỆNH TUYÊN PHONG CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II : “IOANNES PAULUS PP-II ad perpetuam rei memoriam.
– In nomine Jesu omne genu flectatur caelestium et terrestrium et infernorum, et omnis lingua confiteatur : – Dominus Jesus Christus !-, in gloriam Dei Patris – Philp 2,10-11. Juvenis Andreas, protomartyr Ecclesiae Dei quae est in Vietnamia…”[27]
Vì là “Sách Giáo Lý” nên “ngôn ngữ” phải mang tính “giáo lý”, tức phải dựa trên nền tảng của Huấn Quyền. Ở đây, người viết không cố ý phủ nhận sự “có mặt” của nhân vật giáo dân Phanxicô ở Đàng Ngoài bị giết vì đạo, hay còn bao nhiêu tín hữu khác làm chứng đức tin bằng chính mạng sống mình. Nhưng để đáng được gọi là “CHỨNG NHÂN TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA VIỆT NAM” (trên nền tảng giáo lý) dứt khoát phải dành cho CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN. Đơn giản, đó chính là sự xác nhận CHÍNH THỨC của HỘI THÁNH : PROTOMARTYRECCLESIAE DEI QUAE EST IN VIETNAMIA.(Xem thêm bài viết THẦY GIẢNG ANRÊ VỊ TỬ ĐẠO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM của Lm. Phaolô Molinari S.J. Thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho thầy Anrê. Lm. Giuse Trần Đức Anh chuyển ý[28] và bài viết ANRÊ PHÚ YÊN VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM của lm. Dương Hữu Nhân (Roland Jacques. Hà Huyền Tâm chuyển ngữ)[29]
2.2 : Câu hỏi : H. Linh mục đầu tiên người Việt Nam là những ai ?
T : Là các linh mục Bê-nê-đic-tô Hiền và Gio-an Huệ ở Đàng Ngoài, linh mục Giuse Trang và Luca Bền ở Đàng Trong. Tất cả đều được Đức Giám Mục Lam-be đờ la Mốt truyền chức tại Thái Lan, ngày 31 tháng Giêng năm 1688.
– Trước hết, không có một cuộc truyền chức linh mục nào tại Thái Lan của Đức cha Lam-be Đờ la Mốt ngày 31 tháng Giêng năm 1688 như Sách Giáo Lý viết : “Tất cả đều được Đức Giám Mục Lam-be đờ la Mốttruyền chức tại Thái Lan, ngày 31 tháng Giêng năm 1688.”. Bởi vì Đức Cha Lam-be Đờ la Mốt đã qua đời tại chủng viện Ajuthia (Thái Lan) ngày 15.06.1679.[30]
– Người Việt Nam đầu tiên duy nhất được phong chức linh mục đó là thầy Giuse Trang, 28 tuổi, quê Quảng Nghĩa. Thầy Trang được Đức cha Lambert de la Motte phong chức đúng vào ngày lễ Vọng Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm 1668 tại Ajuthia Thái Lan. Cùng thụ phong linh mục với cha Trang có cha Francisco Perez, sau nầy làm Giám mục Đại diện Tông toà tại Đàng Trong (1690-1728).[31]
– Các linh mục Việt Nam khác : Hai cha Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền (Đàng Ngoài) được thụ phong vào tháng 6 năm 1668, tức là sau lễ phong chức cha Giuse Trang 3 tháng. Trong khi đó cha Luca Bền (Đàng Trong) được phong chức vào đầu năm 1669.[32]
– Nếu nói “thế hệ linh mục Việt nam đầu tiên”, thì có thể xếp chung 4 vị linh mục có tên vừa kể; còn nếu nói linh mục người Việt nam đầu tiên thì phải dành riêng cho linh mục GIUSE TRANG. Vì chứng liệu lịch sử đã ghi thật chính xác.
Ước mong đôi điều “góp ý” trên sẽ được đón nhận với tinh thần cầu thị và với ý hướng cũng như mục đích mà Đức Cha chủ biên Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đề nghị : “để công việc chung càng tốt đẹp hơn”[33]
Cha sở quê nhà
(Ngày 15/7/2018).
[1] Thư Công Bố Năm Thánh của HĐGMVN, đoạn mở đầu.
[2] Ibid. Số 2
[3] Ibid.
[4] Theo nội dung được in trong trang bìa trước của tác phẩm HẠNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
[5] SĐD, tr. 2
[6] SĐD, tr. 6
[7] Nhại lại câu thơ : “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” trong bài thơ “HẦU TRỜI” của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939).
[8] Nguồn : Trang mạng vietnamnet : http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/thi-thpt-quoc-gia-2018-ket-qua-mon-su-ngoai-ngu-la-canh-bao-nghiem-khac-voi-nganh-giao-duc-462460.html
[9] GS Phạm Hoàng Trung – Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Nguồn (đã dẫn)
[10] Cao Đắc Tuấn. Nguồn : http://www.geocities.ws/xoathantuong/cdt_nhungLuaDaoLichSu.htm
[11] Bloger Thuận Nhân. Nguồn : https://trithucvn.net/blog/dcstq-bop-meo-bo-mon-lich-su-nhu-the-nao.html
[12] Marcus Tullius Cicero, một chính trị gia, luật gia, triết gia và là nhà hùng biện của Rôma. Ông sống vào khoảng từ năm 106 – 43 trước Công Nguyên.
[13] Chỉ xin góp ý về các Vị Thánh liên quan đến Giáo phận Qui Nhơn. Vì đây là “quê nhà” của người viết.
[14] TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN, CẨM NANG NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018. TỦ SÁCH NƯỚC Mặn Qui Nhơn 2017. Trang 49.
[15] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB Antôn & Đuốc sáng tháng 6/2017. Trang 220 và trang 258-259)
[16] Ibid.
[17] TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN, CẨM NANG NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018. TỦ SÁCH NƯỚC Mặn Qui Nhơn 2017. Trang 40-41.
[18] Ibid. Tr 39.
[19] SĐD. Trang 215-217
[20] TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN, CẨM NANG NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018. TỦ SÁCH NƯỚC Mặn Qui Nhơn 2017. Trang 31-32.
[21] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB Antôn & Đuốc sáng tháng 6/2017. Trang 220 và trang 75-76)
[22] SĐD. Ghi chú 153 : “Tống Thị là một dâm hậu rất ghét đạo. Bà được Chúa Thượng coi như chính phi, tuy trước kia bà là vợ của anh chúa. Sau nầy, sang đời chúa Hiền, vì bà dung sắc đẹp mê hoặc chúa, làm lắm điều gian ác nên đã bị án trảm quyết”.
[23] Phạm Đình Khiêm, NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT, Lịch sử tôn giáo chính trị miền Nam đầu thế kỷ XVII. NXB Tinh Việt 1959. Tr. 115 : “Vào khoảng năm 1644, Trấn-thủ Quảng Nam là Thế-tử Dũng-Lễ-hầu tức Nguyễn Phúc Tần, (sau là chúa Hiền), con Công-thượng-vương, người chiến thắng hạm đội Hoà-Lan”.
[24] SĐD. Tr. 115-117.
[25] Phước Kiều hiện nay là “Giáo Họ Biệt Lập” thuộc giáo hạt Hội An. Nơi đây có Đền Thánh Anrê Phú Yên Phước Kiều, một trong những Trung Tâm hành hương của giáo phận Đà Nẵng. Nguồn : Trang mạng giáo phận Đà Nẵng : https://www.giaophandanang.org/den-thanh-anre-phu-yen-phuoc-kieu-trung-tam-hanh-huong-nam-thanh-ton-vinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-tai-giao-phan-da-nang.html
[26] TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN, CẨM NANG NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018. TỦ SÁCH NƯỚC Mặn Qui Nhơn 2017. Trang 32-33.
[27] ĐGH Gioan-Phaolô II, Sắc lệnh phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên.
[28] Nhiều tác giả (Lm. Giuse Trương Đình Hiền chủ biên) : RỰC SÁNG MỘT VÌ SAO, Tìm về chân dung Á Thánh Anrê Phú Yên 1625-1644, nxb 2006. Tr. 19-28.
[29] SĐD. Tr. 39-48
[30] Đỗ Quang Chính S.J. HAI GIÁM MỤC ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM. NXB Tôn Giáo 2008. Tr. 109. (Xem thêm : BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB Antôn & Đuốc sáng tháng 6/2017. Trang 143)
[31][Amep, volume 121, page 748]
[Launay (Adrien), Histoire de
Deux séminaristes se trouvant en état d’être ordonnés furent faits prêtres le dernier jour de mars, veille de Pâques [1668], « sub tilulo missionum » ; l’un se nomme Joseph, catéchiste cochinchinois, âgé de 28 à 29 ans, qui fut envoyé à ce sujet par feu Mr Hainques, et l’autre François Pérez, fils d’un Portugais originaire de Negapalan sur la côte de Coromandel, âgé de 24 à 25 ans. Ces deux sujets sont considérables pour leur piété et leur dégagement. Le premier a eu l’honneur de recevoir plusieurs coups de bâton dans les prisons de Cochinchinois, à cause qu’on le voyait assister les généreux fidèles qui y étaient détenus, et qui furent depuis condamnés à mort en haine de ce qu’ils professaient la religion chrétienne ; le second a été le seul Portugais qui ne sortit point du séminaire, lorsque l’on publia le papier contre les missionnaires sous le nom du commissaire du Saint-Office. On ne peut assez bénir Dieu de ce qu’il a donné à la mission ces deux personnes, qui ont de belles dispositions pour être quelque jour de grands missionnaires.
– (xem thêm Launay (Adrien), Histoire de
Deux séminaristes se trouvant en état d’être ordonnés furent faits prêtres le dernier jour de mars, veille de Pâquessub tilulo missionum ; l’un se nomme Joseph, catéchiste cochinchinois, âgé de 28 à 29 ans, qui fut envoyé à ce sujet par feu Mr Hainques ; il a eu l’ honneur de recevoir plusieurs coups de baton dans les prisons de la Cochinchine à cause qu’ on le voyait assister les généreurx fidèles qui y étaitent détenus, et qui furent depuis condamnés à mort en haine de ce qu’ ils professaient la religion chrétienne.
– (Xem thêm : BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB Antôn & Đuốc sáng tháng 6/2017. Trang 119).
[32] Ibid.
[33] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, HẠNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, nxb Tôn giáo 2018, tr. 6.