Nghĩa tử nhưng… chưa tận

Được tin Cha ra đi, nhiều người không khỏi chạnh lòng về sự ra đi của Cha. Chính vì lẽ đột ngột đó để rồi như khi mở đầu Thánh Lễ an táng, vị chủ tế đã chia sẻ với cộng đoàn như vậy.


Quả thế, Thánh Lễ an táng của Cha xứng đáng với những gì Cha đã sống.

Có nghĩa tử ở cách xa Sài Gòn nhiều cây số hưng cũng có mặt để tiễn biệt bố mình

Có vị từ hàng ngàn cây số vào đây có việc và rồi cũng ở lại và đến chia sẻ hiệp thông với Cha trong Thánh Lễ cuối cùng.

Và hết sức đặc biệt, có người chưa hề một lần nói chuyện, giao tiếp với Cha nhưng chỉ vì ngưỡng mộ cung cách sống của Cha nên họ xuất hiện trong Lễ an táng thôi.

Đến với Thánh Lễ an táng, có quá nhiều vành khăn tang cũng như nhiều chiếc khăn tang choàng cổ dành cho những người đã tận hiến nhưng đã nhận Cha làm nghĩa phụ, làm người như là họ hàng. Và như vậy, khi nhìn thoáng qua thì không thể phủ nhận được “nồng độ” hoành tráng của Thánh Lễ.

Cạnh đó, về vấn đề hình ảnh, có lẽ nhiều người chưa tiếp cận thông tin hay sao để rồi khi đoàn đồng tế vừa cất bước thì không dưới 10 cái iphone, ipad và cả laptop lia tới lia lui để phát trực tiếp. Trong khi đó, Ban Tổ Chức đã có nhiều máy chuyên nghiệp để phục vụ cho những người không đến được với Thánh Lễ. Những cái iphone, ipad kia vô hình chung đã làm cho bầu khí trang nghiêm của một Thánh Lễ an táng bị chia trí. Chưa kể những người thiếu tôn trọng người khác còn chen lấn để có một vị trí tốt nhất để đưa chiếc iphone của mình lên.

Cái gì rồi cũng qua đi và thời gian là câu trả lời tốt nhất về phận người.

Và rồi lời của nhạc sĩ Vũ Thành An đặt để trong bài không tên số 4 quả không sai : Triệu người quen có mấy người thân

Khi lìa trần có mấy người đưa?

Điều này ứng nghiệm với rất nhiều người và trong đó không tránh khỏi vị linh mục khả kính mới qua đời mà bỉ nhân đây đưa tiễn.

Như đã nói, có những người không có gì gọi là liên hệ thân thiết lắm với vị linh mục vừa quá cố nhưng trong tình người và tình hiệp thông nên có một số linh mục tham dự. Linh mục, giáo dân rất nhiều người không tương quan gần cho lắm nhưng họ hiện diện với vị linh mục đáng kính tới tận “nơi an nghỉ cuối cùng” là Trung Tâm Hỏa Táng Bình Hưng Hòa.

Khi đặt chân đến Bình Hưng Hòa, bản thân bỉ nhân cũng như nhiều người khác không khỏi ngạc nhiên khi số người đến với Cha già đáng kính không như lòng mong đợi. Có thể nói rằng Ban Tổ Chức cũng không thể nào lường trước được số người và vì thế hợp đồng xe nhiều hơn mong đợi. Và rồi, con số thực khi hiện diện bên linh cửu Cha lần cuối chẳng là bao.

Nếu tính vành khăn tang cũng như tang choàng trên vai trong tư cách là nghĩa tử thì thật chạnh lòng. Coi như là bận rộn nhưng cũng khó nghĩ vì chỉ hơn 1 giờ đồng hồ với Thầy như Thầy Giêsu nói với các môn đệ khi xưa quả là khó.

Chả lẽ mang trên mình vành khăn tang là nghĩa tử mà mình không dám bỏ thêm một giờ đồng hồ để trọn vẹn vành khăn tang mà mình mang trên mình chăng ? Hay khi mang chiếc khăn tang nghĩa tử cũng chỉ là để khoe mẽ khoe địa vị mà thôi.

Các vị gọi là nghĩa tử của Cha già đáng kính đó dường như chỉ có vị linh mục chủ sự và một linh mục nhỏ thó trong hàng linh tôn và 2 linh mục khác nữa đứng lặng lẽ ở góc phòng nghi lễ trước khi thiêu linh cửu của Cha.

Có người thấy được điều này và ghé vào tai tôi nói nhỏ “Bình Hưng Hòa không phải là chỗ diễn nên không đến cũng là bình thường thôi. Hết sức bình tĩnh”.

Quả thật ! Đời ngày hôm nay không trả cát xê sao nhiều người diễn hay thế. Ở chỗ đông người như Nhà Thờ thì người ta diễn xuất rất đạt và như là rất thân thiện và gắn bó với người quá cố. Còn Bình Hưng Hòa quá nhỏ hẹp để rồi người ta không diễn nữa nên không có mặt cũng là chuyện bình thường thôi.

Vâng ! Bình tĩnh và bình thường chứ ! Đời là vậy. Khi nhắm mắt nằm bất động trong chiếc quan tài mà “nhìn” thấy ai đó đến với mình trong giây phút cuối của thân phận làm người thì người đó mới biết được ai là người thương mình thiệt, mến mình thiệt chứ nói mến nói thương thì ai nó chả được mà thậm chí nói còn hay nữa nhưng khi đụng chuyện chả thấy mặt ai.

Trường hợp cha già đáng kính này cũng chỉ là thêm kinh nghiệm sống ở đời. Có khi người ta nói người ta thân cận lắm, tình nghĩa lắm nhưng khi cần nhất của cuộc đời, khi cần có sự hiện diện thì chả thấy ai.

Thấy cũng hay vì lẽ ngày hôm nay quá nhiều người thích diễn xuất và diễn thật đạt nhưng nội dung thì không thấy. Nói ra khì rất hay nhưng thực tại và thực tế cuộc sống thì chả có gì.

Ở đời cũng chả trách ai được bởi lẽ mỗi người có một chọn lựa và một cung cách sống. Có người thích sống đãi mép đãi môi và có người sống tròn vẹn mối tình thật của mình.

Những ước mong mỗi người hãy nhìn lại chính mình mà hãy sống thật với lòng mình bởi lẽ ngày hôm nay, hơn bao giờ hết người ta chỉ sống bề ngoài và bằng môi bằng miệng mà thôi.

Khi và chỉ khi ta tận tình, tận nghĩa với người thân quá cố của ta thì khi đó mới đúng là nghĩa tử – nghĩa tận. Bằng không những vành khăn tang hay những giọt nước mắt rơi ở khóe mắt cũng chỉ là điều gì đó “bằng môi bằng miệng mà lòng thì xa Ta” như Chúa nói vậy.

Bạn bè thật với nhau là khi hoạn nạn có nhau và khi ở trước ngưỡng cửa của nấm mồ hay lò thiêu mới là tình bạn thật mà thôi.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version