Nghi thức Rửa tội trong Thánh lễ được qui định như thế nào?

francis - Nghi thức Rửa tội trong Thánh lễ được qui định như thế nào?

Hỏi: Thưa cha, liệu chữ đỏ đã thay đổi khi có lễ Rửa tội trong Thánh Lễ chăng? Hiện giờ, Thánh lễ này bắt đầu với việc tuyên xưng đức tin, thay vì tuyên xưng đức tin sau bài giảng. Điều này bỏ qua lời nguyện mở đầu và kinh Thú nhận (Confiteor, Kinh cáo mình). Đối với tôi đó là một sự gián đoạn, và mỗi khi tôi đi dự Thánh lễ như thế, tôi tự hỏi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. – J. S., Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Đáp: Thay vì mạo hiểm đưa ra câu trả lời cá nhân, tôi sẽ trình bày ở đây nhiều trích đoạn từ ba tài liệu, vốn làm rõ quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này.

Tài liệu đầu tiên do Tổng Giáo Phận Brisbane, Úc, đưa ra, đã đề cập trong nhiều việc khác nhau vấn đề cho sự phù hợp của sự thực hành này. Xin mời đọc:

“Nghi lễ Rửa tội cho Trẻ em mạnh mẽ khuyến nghị rằng lễ Rửa tội nên diễn ra vào ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Phục Sinh, trong một buổi lễ chung cho một số trẻ em. Nó cổ vũ giá trị chào đón các thành viên mới vào Giáo Hội trong một phụng vụ, vốn bao gồm sự tham gia tích cực của cộng đoàn, cũng như âm nhạc, lễ rước, biểu tượng, và tất cả các yếu tố của một lễ kỷ niệm đích thực.

“Cách thức rõ ràng để đáp ứng các khuyến nghị này là đưa lễ Rửa Tội vào Thánh Lễ Chúa Nhật của giáo xứ. Theo Nghi lễ, thực hành này được khuyến khích, bởi vì nó cho phép toàn thể cộng đoàn có mặt, và nêu rõ mối quan hệ giữa Phép Rửa tội và Phép Thánh Thể.

“Điều này có nghĩa là thay vì một nhóm nhỏ gia đình và bạn bè tụ tập khá lúng túng trong một nhà thờ trống rỗng và có lẽ xa lạ, cho một buổi lễ gần như riêng tư được thực hiện trong một độc thoại ảo, họ được chào đón trong cuộc tụ họp vui vẻ của cộng đoàn giáo xứ, nơi đó họ được phục vụ bởi nhiều thừa tác viên, và được hỗ trợ trong lời cam kết của họ.

“Tuy nhiên, Nghi lễ cũng nói rằng lễ Rửa tội vào Thánh lễ Chúa Nhật ‘không nên được thực hiện quá thường xuyên’. Thật vậy, đáng ngạc nhiên là một vài giáo xứ đã làm cho nó trở thành một nét đặc trưng thường thấy trong thực hành phụng vụ của họ. Có một số lý do phổ biến đằng sau cả hai tuyên bố này.

“Từ quan điểm của cộng đoàn thờ phượng, có thể có sự phản kháng đối với Thánh Lễ Chúa Nhật được kéo dài một cách thường xuyên, hoặc phần các bài đọc Chúa Nhật và bài giảng thường bị ngắt bớt. Đối với các linh mục, nhạc công và người đặc trách phụng vụ, là những người đã hoàn toàn bận bịu với các yêu cầu của Thánh Lễ Chúa Nhật, có vẻ như quá nhiều để họ thực hiện”.

Tổng Giáo phận sau đó đưa ra một số gợi ý, để tìm ra sự cân bằng giữa hai thực tại trong bối cảnh mục vụ của mình.

Tài liệu thứ hai được công bố năm 1984 bởi Văn phòng Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Anh Quốc và Xứ Wales, và tôi tin rằng nó bao gồm hầu hết câu hỏi của độc giả về sự phù hợp và động lực, để thỉnh thoảng cử hành phép Rửa tội trong Thánh Lễ Chúa Nhật.

“Tầm quan trọng của Rửa tội trẻ em:

“1. Thuật ngữ “trẻ em” (Children) hoặc “trẻ sơ sinh” (infants) nói đến các người chưa đến tuổi biện phân, và do đó không thể tuyên xưng đức tin cá nhân của họ.

“2. Ngay từ thời ban sơ, Giáo Hội, mà sứ vụ rao giảng Tin Mừng và sứ vụ Rửa tội được giao phó, đã Rửa tội không những cho người lớn, mà còn cho trẻ em. Chúa chúng ta nói: “Nếu ai không tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần, người đó không thể vào Nước Chúa được”. Giáo Hội luôn luôn hiểu các từ ngữ này có nghĩa là trẻ em không nên bị loại khỏi Rửa tội, bởi vì họ chịu phép Rửa tội trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin được cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng thay cho họ; vì cha mẹ và người đỡ đầu đại diện cho cả Giáo Hội địa phương và toàn thể các thánh và các tín hữu: “Toàn thể Giáo Hội là mẹ của tất cả mọi người và mẹ của từng người”.

“3. Để hoàn thành ý nghĩa thực sự của Bí Tích, trẻ em sau đó phải được giáo dục trong đức tin, mà trong đó họ đã chịu phép Rửa tội. Nền tảng của sự giáo dục này sẽ chính là bí tích, mà họ đã tiếp nhận. Sự giáo dục Kitô giáo, vốn là của họ, tìm cách hướng dẫn họ dần dần để học hỏi kế hoạch của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, để cuối cùng họ có thể chấp nhận cho mình đức tin, mà trong đó họ đã chịu phép Rửa tội.

“Các thừa tác vụ và vai trò trong lễ Rửa tội:

“4. Dân Thiên Chúa, tức là Giáo Hội, được hiện diện bởi cộng đoàn địa phương, giữ một phần quan trọng trong việc Rửa tội trẻ em và người lớn. Trước và sau khi cử hành Bí tích, đứa trẻ có quyền yêu thương và giúp đỡ cộng đoàn. Trong nghi thức, ngoài các cách tham gia của cộng đoàn đã được đề cập trong phần Dẫn nhập Khai tâm Kitô giáo số 7, cộng đoàn thi hành nhiệm vụ của mình, khi thể hiện sự đồng ý của mình cùng với chủ tế, sau phần tuyên xưng đức tin của cha mẹ và người đỡ đầu. Bằng cách này, rõ ràng rằng đức tin, mà trong đó các em được Rửa tội, không phải là sự sở hữu cá nhân của gia đình riêng, nhưng là tài sản chung của toàn thể Giáo Hội của Chúa Kitô.

“5. Do các mối quan hệ tự nhiên, cha mẹ có một sứ vụ và một trách nhiệm trong việc Rửa tội các trẻ sơ sinh, quan trọng hơn so với người đỡ đầu.

“(1) Trước khi cử hành Bí Tích, điều rất quan trọng là các cha mẹ, được tác động bởi đức tin riêng của mình hoặc với sự giúp đỡ của bạn bè hay các thành viên khác trong cộng đoàn, nên chuẩn bị để tham dự nghi thức với sự hiểu biết. Họ phải được cung cấp các phương tiện thích hợp như sách, thư gửi cho họ, và giáo lý dành cho các gia đình. Cha xứ có bổn phận đến thăm họ hoặc xem họ đã được thăm viếng chưa; cha nên cố gắng tập hợp một nhóm gia đình lại với nhau, và chuẩn bị họ cho lễ Rửa tội sắp tới, bằng lời khuyên mục vụ và cầu nguyện chung.

“(2) Điều rất quan trọng là các cha mẹ phải có mặt trong buổi cử hành, mà trong đó con của họ được tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần.

“(3) Trong cử hành phép Rửa tội, cha và mẹ có các phần đặc biệt để thực hiện. Họ lắng nghe lời mà vị chủ tế nói với họ, họ tham dự cầu nguyện cùng với cộng đoàn, và họ thực hành một sứ vụ chân chính khi:

“a. Họ công khai xin cho con trẻ được Rửa tội;

“b. Họ làm dấu thánh giá trên con, sau khi chủ tế làm dấu thánh giá trên con trẻ;

“c. Họ từ bỏ Satan và đọc lời tuyên xưng đức tin;

“d. Họ (và đặc biệt là người mẹ) mang trẻ đến giếng Rửa tội;

“e. Họ cầm nến được thắp sáng;

“f. Họ được chúc lành với lời nguyện đặc biệt riêng dành cho các cha mẹ.

“(4) Một người cha hay người mẹ, do không thể tuyên xưng đức tin (thí dụ, người ấy không là người Công Giáo), có thể giữ im lặng. Một người cha hay người mẹ như vậy, khi xin cho con được Rửa tội, chỉ được yêu cầu sắp xếp ổn thỏa, hoặc ít nhất là cho phép con mình sẽ được giáo dục trong đức tin của phép Rửa của nó.

“(5) Sau khi con Rửa tội, trách nhiệm của cha mẹ, trong sự biết ơn của họ đối với Thiên Chúa và trung thành với bổn phận mà họ đã nhận, là giúp con cái biết Thiên Chúa, vì con trở thành con của Chúa, để chuẩn bị cho nó lãnh phép Thêm sức và tham dự vào phép Thánh Thể. Trong bổn phận này, họ lại được giúp đỡ bởi cha xứ bằng các phương cách phù hợp.

“6. Mỗi đứa trẻ có thể có bõ đỡ đầu (patrinus) và mẹ đỡ đầu (matrina), từ ngữ “người đỡ đầu, vú bõ” (godparents) được sử dụng trong nghi thức để mô tả cả hai người.

“7. Ngoài những gì đã nói về thừa tác viên thông thường của Bí Tích Rửa tội trong phần Dẫn nhập Khai tâm Kitô giáo, các số 11-15, cần lưu ý các điều sau đây:

“(1) Bổn phận của linh mục là chuẩn bị các gia đình cho lễ Rửa tội của con họ, và giúp họ trong việc giáo dục Kitô giáo mà họ đã thực hiện. Nhiệm vụ của Giám mục là phối hợp các nỗ lực mục vụ trong giáo phận với sự trợ giúp của cả các phó tế và giáo dân.

“(2) Bổn phận của linh mục cũng là sắp xếp cho việc Rửa tội luôn được cử hành với phẩm cách xứng đáng và, nếu có thể, thích nghi với hoàn cảnh và mong muốn của các gia đình liên quan. Tất cả những người thực hiện nghi thức Rửa tội phải làm với sự chính xác và tôn kính; họ cũng phải cố gắng hiểu biết và thân thiện với tất cả mọi người. […]

“Sự thích nghi của thừa tác viên:

“29. Nếu lễ Rửa tội diễn ra trong Thánh Lễ Chúa Nhật, thì Thánh Lễ cho Chúa Nhật này được dùng, hoặc, vào các ngày Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh và Chúa Nhật Mùa Thường niên, Thánh Lễ Rửa tội cho trẻ em, buổi cử hành diễn ra như sau:

“(1) Nghi thức tiếp nhận các em (số 33-43) diễn ra ở đầu Thánh lễ, và câu chào cùng nghi thức sám hối ở đầu Thánh Lễ được bỏ qua.

“(2) Trong phụng vụ Lời Chúa:

“a. Các bài đọc được lấy từ Thánh Lễ Chúa Nhật. Nhưng trong mùa Giáng sinh và Mùa Thường niên, các bài đọc có thể được lấy từ các bài trong Sách Bài Đọc cho Thánh lễ (111, 474-489) hoặc trong sách nghi lễ Rửa tội (số 44, 186-215).

“b. Khi một Thánh lễ nghi thức bị cấm, một trong các bài đọc có thể được lấy từ các bản văn được cung cấp cho việc cử hành Rửa tội cho trẻ em, với sự quan tâm đến lợi ích mục vụ của các tín hữu và đặc tính của ngày phụng vụ.

“c. Bài giảng được dựa trên các bài đọc, nhưng phải chú ý đến phép Rửa tội sắp diễn ra.

“d. Không đọc Kinh Tin Kính (Credo), bởi vì lời tuyên xưng đức tin của cả cộng đoàn trước khi Rửa tội thay thế kinh Tin Kính.

“(3) Các lời nguyện tín hữu được lấy từ các lời được sử dụng trong nghi lễ Rửa tội (số 47-48). , Tuy nhiên, cuối cùng trước khi cầu xin các thánh, nên thêm lời cầu cho Giáo Hội phổ quát và các nhu cầu của thế giới.

“(4) Việc cử hành lễ Rửa tội tiếp tục với lời nguyện trừ tà, xức dầu và các nghi lễ khác được mô tả trong nghi thức (số 49-66). Sau khi cử hành lễ Rửa tội, Thánh lễ tiếp tục theo cách thông thường với việc dâng lễ vật.

“(5) Về sự chúc lành cuối Thánh lễ, linh mục có thể sử dụng một trong các công thức trong sách nghi thức Rửa tội (số 70, 247-249).

“30. Nếu lễ Rửa tội được cử hành trong Thánh Lễ vào các ngày trong tuần, nó được sắp xếp về cơ bản giống như trong ngày Chúa Nhật, nhưng các bài đọc cho phụng vụ Lời Chúa có thể được lấy từ các bài trong sách nghi thức Rửa tội (số 44, 186- 194, 204-215)”.

Các qui chế tương tự được ban hành bởi nhiều giáo phận và các Hội Đồng Giám mục. Phần trích dẫn thứ ba và cuối cùng của chúng tôi là của Tổng Giáo phận Dublin, Ireland, trong khi nhắc lại một số các quy chế trên, cũng đưa ra một số quan điểm mới và hướng dẫn mục vụ như sau:

“Lễ Rửa tội trong Thánh Lễ Chúa Nhật

“Tại sao Rửa tội trong Thánh Lễ?

“’Cộng đoàn Kitô hữu chào đón các bạn với niềm vui lớn lao’. Đây là lời của linh mục khi bắt đầu nghi thức Rửa tội. Vì vậy thật tuyệt vời nếu cộng đoàn tụ họp để chào đón các Kitô hữu mới. Việc Rửa tội thường được xem như một chức năng gia đình tư nhân, chứ không phải là cử hành một Bí Tích, vốn có ảnh hưởng đến toàn thể cộng đoàn. Nếu có quá nhiều người tụ tập để chia tay một thành viên trong cộng đoàn tại lễ an táng người ấy, tại sao không có nhiều người chào đón một thành viên mới giữa chúng ta trong buổi lễ Rửa tội. Rõ ràng là sẽ không thể, hay không ước muốn, có tất cả các lễ Rửa tội được cử hành trong Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng tốt hơn là hãy làm việc này vào một dịp thích hợp, như Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Đây cũng là dịp để mọi người trải nghiệm điều gì đó khác, so với trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Đây là cơ hội cho mỗi người xem lại và suy nghĩ về ơn gọi Rửa tội của mình.

“Cử hành phép Rửa tội trong Thánh Lễ cần một sự điều chỉnh nhẹ đối với cuộc họp chuẩn bị và buổi lễ. Các thay đổi chính là như sau:

“1. Việc xức dầu cho người dự tòng có thể diễn ra trong cuộc họp chuẩn bị. Thật đáng yêu để có các em bé hiện diện cho một sự thay đổi, nó có thể tạo ra một bầu không khí yêu thương tại cuộc họp. Nó tạo cơ hội để giải thích rằng trong thời Giáo Hội ban sơ, người ta đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho Lễ Rửa tội, và buổi lễ được trải ra trong vài tuần. Đối với người lớn, việc xức dầu dự tòng diễn ra nhiều lần, như là một phần của việc chuẩn bị cho Bí Tích Rửa tội. Vì vậy, thật là rất phù hợp cho chúng ta tiếp tục thỉnh thoảng làm điều này. Lời cầu bên tai và miệng cũng có thể được nói trong cuộc họp này.

“2. Cuộc rước vào và bài ca nhập lễ diễn ra, sau các nghi thức mở đầu của phép Rửa tội.

“3. Nghi thức sám hối có thể được bỏ qua.

“4. Nước dùng để Rửa tội có thể được làm phép trước buổi lễ, hoặc tốt hơn nữa trong Thánh lễ trước đó.

“5. Lời tuyên xưng đức tin được thay thế bởi việc Nhắc lại lời hứa Rửa tội.

“6. Lời chúc lành cho người vừa được Rửa tội và các cha mẹ có thể diễn ra, sau lời nguyện sau Hiệp lễ, trước khi ban phép lành cuối lễ.

“7. Một cách lý tưởng, việc đổ nước lên đầu nên diễn ra tại Giếng rửa tội, trừ khi giếng này không được ai nhìn thấy. Trong trường hợp này, có thề sử dụng một chậu lớn trong cung thánh.

“8. Điều rất quan trọng là cộng đoàn có thể nhìn thấy và nghe những gì đang xảy ra.

“Các việc khác cần làm:

“Qui định ngày giờ trước.

“Liên lạc với các người đọc sách thánh của giáo xứ, và cho họ biết điều gì đang xảy ra. và liệu gia đình có đọc lời nguyện tín hữu hay không.

“Liên hệ với ca đoàn và nói với họ về sự thay đổi trong cuộc rước vào, và xin họ hát các bài hát thích hợp trong các phần khác nhau của buổi lễ, thí dụ: lúc đổ nước Rửa tội, khi thắp nến, khi mặc áo trắng.

“Hãy viết về ngày lễ trong bản tin của giáo xứ, và để cho mọi người biết vào Chúa Nhật trước đó khi nào lễ Rửa tội sẽ diễn ra.

“Hãy chắc chắn rằng các thành viên của nhóm Rửa tội có một vai trò tích cực và rõ ràng trong buổi lễ, và rằng giáo xứ nhận thức được tầm quan trọng của nhóm Rửa tội.

“Có một băng rôn Rửa tội ghi rõ tên các người mới được Rửa tội. Đặt băng rôn này ở một vị trí nổi bật cho tất cả các Thánh lễ ngày Chúa Nhật ấy.

“Để Dầu Thánh (oil of Chrism) vào một cái bình nhỏ, sao cho nó có thể được nhìn thấy trong các Thánh lễ khác nữa.

“Các dấu hiệu dành riêng cho cha mẹ khi họ tham gia đoàn rước

“Mi-crô không dây …

“Các điểm khác về Buổi họp chuẩn bị cho lễ Rửa tội trong Thánh lễ:

“Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cộng đoàn Kitô hữu.

“Mời các thành viên trong gia đình đọc Lời Nguyện Tín Hữu và mang lễ vật.

“Trong buổi họp, cần cử hành một buổi cầu nguyện nhỏ cho việc xức dầu dự tòng. Hãy đọc đoạn Sách Thánh và cùng nhau đọc kinh Lạy Cha.

“Yêu cầu các gia đình mang các em bé bọc trong một tấm chăn màu vào ngày Rửa tội, và giữ chăn trắng cho đến thời điểm thích hợp. Sự thay đổi màu sắc là rất ấn tượng”.

(Nguyễn Trọng Đa, RadioVaticana 16.05.2017/ Zenit.org 16-5-2017)

Exit mobile version