Đức Giêsu mạnh mẽ loan báo rằng, cuộc sống trần gian không phải là tất cả và các hoàn cảnh hiện thời trong cuộc đời không đơn giản được lặp lại sau cái chết. Ai không nhìn sang bên kia cuộc sống trần thế và niềm vui sống, thì sau cái chết sẽ phải gặp một chuyện kinh ngạc đau đớn. Đối với mọi người, giàu hay nghèo, cần phải quy hướng cuộc sống mình về ý muốn của Thiên Chúa. Đây là con đường duy nhất để tránh được diệt vong và đạt được sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông còn nhiều của cải, nhưng vì ông đã không biết “sử dụng của cải mà mua lấy bạn hữu Nước Trời”, mà bạn hữu ở đây không ai khác là chính Lazarô nghèo khó mà ông gặp hang ngày. Thực sự, tiêu chuẩn để vào Nước Trời không phải ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng hệ tại nơi việc sống bác ái với anh chị em.
Ông nhà giàu không làm điều gì xấu về luân lý cả; ông chưa hề từ chối Lazaro một điều gì, vì Lazaro cũng chưa xin gì cả.
Bản văn chỉ nói rằng ông có một chương trình sống như chương trình một ông nhà giàu khác đã phác ra, nhưng đã không thể thực hiện trọn vẹn vì cái chết đến sớm: “Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (x. Lc 12,19). Y phục thường xuyên của ông chính là lụa là gấm vóc: mỗi ngày ông đều mặc “gấm tía và vải lanh mịn”, chứ không chỉ vào một số ngày đặc biệt. “Gấm tía” rất đắt, nên chỉ giới thượng lưu vương giả mới dám dùng. “Vải lanh mịn” cũng là thứ hàng hiếm, cho dù là ngay tại Roma.
Thế mà ông nhà giàu mặc mỗi ngày! Thường mỗi gia đình có một bữa ăn chính mỗi ngày; còn trong nhà của ông nhà giàu, bữa ăn chính này, mỗi ngày, lại là một yến tiệc. Chắc chắn ông nhà giàu không ăn mặc và ăn uống sang trọng hào nhoáng như thế cho riêng ông; Ông phải có các khách mời. Ông đã sống như một ông vua.
Tội của người phú hộ chính là tội vô tâm, làm ngơ, phớt lờ, không nhìn, không nghe, không thấy người nghèo, Ladarô đang van xin cứu giúp trong cơn đói khổ. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho người đang cần mình trợ giúp. Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào.
Khối óc, con tim là hai món quà quý giá mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người. Với khối óc sáng tạo, suy nghĩ, tính toán, con người trổi vượt, làm chủ muôn lòai. Với con tim nóng bỏng, con người biết yêu thương, sẻ chia và đồng cảm. Thế nhưng, phận người bị ảnh hưởng bởi nguyên tội, cứ hay làm điều mình không muốn.
Là những người cần đến lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa, những người cầu nguyện với đôi bàn tay mở ra như những cái bát của người ăn mày, tôi và bạn đến lượt mình, ta phải cố gắng sống nhân từ, quảng đại và thương xót những người khác, bởi vì mức độ ta cho sẽ trở thành mức độ mà ta nhận.
Câu chuyện anh Ladarô nghèo khó và người phú hộ giàu sang là một hiện trạng rất thực tế của xã hội chúng ta hôm nay: dửng dưng, thiếu lòng thương xót. Chính sự vô cảm đã tạo ra những vực thẳm ngăn cách trong mối tương quan giữa con người với nhau, dẫn đến chia rẽ, hận thù… Nếu cuộc sống không có đức ái, con người chẳng khác gì một cỗ máy vô tri. Thiếu lòng xót thương, con người tự đóng khung cuộc đời mình trong sự cô độc. Mất lòng thương cảm, con người tự tách biệt mình ra khỏi cộng đồng và nhất là tự mình tách lìa khỏi lòng thương xót của Chúa. Vì ai không biết yêu thương, thì không ở lại trong tình thương của Thiên Chúa (x. 1Ga 4, 16b).
Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: “Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cửu. Điều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em… Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu, để sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy”.
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị, giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn. Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc. Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày, vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống. Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô, nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời. Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín. Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng. Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách. Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em. Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau. Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được. Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Trong bài dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy một cuộc đảo lộn tình thế và nguyên nhân của cuộc đảo lộn này. Những gì Đức Giêsu loan báo ở đây là nhắm ban cho các “anh em” (câu 28) ông nhà giàu một lời giáo huấn và khuyến cáo, để họ khỏi mất linh hồn vì những thú vui do của cải giàu sang, trái lại biết nghiêm túc tìm thánh ý Thiên Chúa. Đồng thời, những lời này của Đức Giêsu cũng là một sự an ủi cho người nghèo, vì tuy trên trần gian họ phải sống trong số kiếp đau thương, nhưng họ vẫn có thể hoàn toàn cậy trông vào sự nhân lành của Thiên Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay, sở dĩ người phú hộ không được vào Nước Trời, vì ông đã không tỏ lòng thương xót đối với Ladarô, cho dù đó chỉ là một chút nhỏ nhoi dành cho con người khốn khổ ngày ngày lê lết ăn mày trước cổng nhà ông.
Người phú hộ giàu có ấy có thể là hình ảnh của mỗi chúng ta hôm nay. Mỗi khi ta sống dửng dưng, thờ ơ trước những nhu cầu của người xung quanh hay khi ta sống ích kỷ, ghen ghét làm mất phẩm giá của người khác… là lúc chúng ta cũng đang tự đẩy mình xuống nơi cùng cực, đau đớn như người phú hộ hôm nay phải chịu. Xin cho chúng ta ý thức rằng: chính lúc cho đi là khi nhận lãnh. Gieo nụ cười sẽ gặt về niềm vui. Gieo tình thân, sẽ được ân tình…
Huệ Minh