Nghèo có thật là phúc ?

ngheo co that la phuc - Nghèo có thật là phúc ?

CHÚA NHẬT VITHƯỜNG NIÊN – NĂM C

Bài đọc 1 – Gr 17,5-8; Bài đọc 2 – 1Cr 15,12.16-20; Phúc Âm: Lc 6,17.20-26

Giữa một thế giới và xã hội mà tiền bạc lên ngôi, thì dường như mối phúc về sự nghèo khó mà Chúa Giêsu loan báo hôm nay trở nên lạc điệu. Khi mà người người, nhà nhà và xã hội đang nỗ lực từng ngày để không chỉ thoát nghèo mà còn có một cuộc sống đầy đủ sung túc, thì làm sao có thể để Lời Chúa chiếm một vị trí ưu tiên trong những chọn lựa sống của chúng ta được: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”. Thế nhưng, lời mời gọi của Chúa vẫn cứ lặp lại hơn hai ngàn năm qua cho dù thế giới đã có biết bao thay đổi. Như vậy, cái “nghèo” mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những Kitô hữu phải sống, hẳn có một giá trị không thay đổi.

Sự nghèo khó, tự bản chất nó không phải là cái gì đáng để được ưa chuộng. Trong Cựu Ước, sự giàu có thịnh vượng được kể như phúc lành của Chúa và đối lại, nghèo khó bị xem như một sự trừng phạt. Thế nhưng, khi đến trần gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu lại chọn một cuộc sống nghèo đến “không có chỗ tựa đầu”, và Ngài luôn ưu tiên cho những người nghèo “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4, 18). Người nghèo trong Tin Mừng Luca luôn có một vị trí đặc biệt, họ có thể là những người nghèo thật sự về vật chất, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, thậm chí là những người tội lỗi…,  nhưng đó cũng là những người thật sự khao khát Thiên Chúa, họ khao khát ơn giải thoát, ơn cứu độ của Thiên Chúa. Sự giàu có tự nó không phải là tội lỗi, nhưng nó có nguy cơ trở thành một cản trở rất lớn khiến con người khó có thể đón nhận Tin Mừng Nước Thiên Chúa “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,25). Khi ham mê một cuộc sống giàu có, con người dễ bị rơi vào tình trạng nô lệ cho của cải vật chất, họ tìm mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn để có được của cải hay đạt tới danh vọng. Và khi đã sống trong sự giàu sang sung túc, con người cảm thấy tự mình là đủ, không cần đến Thiên Chúa và quên lãng tha nhân. Thái độ sống ích kỷ, thiếu bác ái, kiêu ngạo và tình trạng sống nô lệ cho những điều phụ thuộc mới chính là điều mà Chúa Giêsu mời gọi con người mọi thời đại phải coi chừng. Người nghèo thật sự là người luôn cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa và cần đến tha nhân. Người có thái độ sống phó thác, khiêm nhường và bác ái với tha nhân, thì dù giàu có, họ vẫn được hưởng mối phúc mà Chúa Giêsu đã hứa.

Các mối phúc mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống : sự nghèo khó, sự khóc lóc hay bị sỉ vả, bỏ rơi… dường như vẫn là một điều nghịch lý, khiến người ta cảm thấy sống theo Tin Mừng là phải lội ngược dòng. Nhưng thật ra, khi chúng ta can đảm sống theo lời dạy của Chúa Giêsu thì sẽ thấy Tin Mừng thật sự giải phóng mình khỏi bám víu vào những thứ chóng qua, khỏi những sợ hãi mất mát, khỏi những toan tính ích kỷ… để sống một cuộc sống hoàn toàn tự do, hạnh phúc và bình an. Ðó là cuộc sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta sống. Chỉ khi nào sẵn sàng buông bỏ, chúng ta mới kinh nghiệm được điều mà Chúa Giêsu gọi là “phúc” ngay cả khi đang sống trong cảnh nghèo túng, trong những khó khăn đau khổ vốn không thể thiếu nơi cuộc sống trần gian này.

Ai trong chúng ta cũng biết và cũng hiểu rằng, tiền bạc không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó vẫn có một giá trị nhất định trong cuộc sống và vẫn có sức hấp dẫn rất lớn. Ý thức rằng mình thật sự yếu đuối, dễ sa ngã trước những quyến rũ của  vật chất, chúng ta hãy xin ơn Chúa, để Lời Chúa thực sự giải phóng ta khỏi sự “giàu có”, không chỉ về của cải, nhưng là tất cả những gì khiến chúng ta sống trong tình trạng nô lệ, những gì khiến ta không thể sống sự tự do và hạnh phúc đích thực của một con người được Thiên Chúa yêu thương.

Nữ tu M. Paul KIỀU THU, dòng Con Ðức Mẹ Mân Côi – Chí Hòa, FMSR

Exit mobile version