Và rồi ta thấy hạt giống Lời Chúa được ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng trong thực tế, không phải bất cứ ai nghe Lời Chúa cũng hiểu và thực hành đúng. Quả thật, hiểu được dụ ngôn và có nghị lực thực hành Lời Chúa là hồng ân Thiên Chúa ban vì nếu không có ơn Chúa thì người ta sẽ “nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Mc 4, 12). Đồng thời, cũng cần có tâm hồn đơn sơ và rộng mở trước Lời Chúa, để nhờ Thánh Thần Chúa hoạt động, sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu được đơm bông kết hạt.
Trong chương 4, Thánh sử Maccô trình bày 5 dụ ngôn kế tiếp nhau. Dụ ngôn là một loại diễn từ, trong đó diễn tả một khía cạnh của đời sống thường ngày, Khía cạnh ấy được đối chiếu, so sánh với đặc điểm của Nước Trời. Và ta thấy trang Tin Mừng hôm nay, là một trong 5 dụ ngôn ấy, đó là dụ ngôn Người gieo giống – Người gieo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
Dụ ngôn người gieo giống trong đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy: Hạt giống được người gieo giống gieo vài vào những môi trường khác nhau: vệ đường, đất sỏi, bụi gai, đất tốt. Kết quả: chỉ có mảnh đất tốt đón nhận hạt giống, mới sinh hoa kết quả: “Hạt sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”.
Với câu mở đầu, thánh sử giới thiệu quang cảnh, nhân vật. Ông dùng từ “lại bắt đầu” để chỉ một công việc thường ngày của Chúa Giêsu quen làm tại ven biển hồ. Dân chúng lũ lượt kéo đến và vây quanh Ngài. Đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà ngồi. Sự tạo khoảng cách này như muốn để âm thanh lan rộng hơn, vang to hơn cho mọi người có thể nghe được. Chúa Giêsu đã nói gì với dân chúng? Ngài kể chuyện, một câu chuyện rất đời thường để con người có thể cảm nhận phần lời tầm quan trọng của Tin Mừng.
Dụ ngôn nhấn mạnh rằng: “Người gieo hạt là gieo lời Chúa”. Như vậy, người gieo hạt giống ở đây chính là Đức Giêsu Kitô. Ngài đến trần gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời, gieo Lời của Ngài vào lòng chúng ta.
Thế nhưng, thái độ đón nhận hạt giống Lời Chúa nơi con người hoàn toàn khác nhau. Có người thì đón nhận, lại cũng có người thì từ chối.
Sau khi giảng dạy cho họ theo lối dụ ngôn, thì ngay cả những người từng đi theo Ngài cũng không hiểu (c. 10). Họ xúm lại hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa của dụ ngôn này. Chúa Giêsu đã trích dẫn sách Isaia chương 6, từ câu 9 đến câu 10 để nói về tình trạng mù quáng của thính giả. Có hai loại người lãnh hội Tin Mừng. Nhóm 12 và các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu thuộc loại người không tin là những kẻ ở ngoài, nên phải dùng dụ ngôn để nói với họ (11b).
Đó là lý do Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn vì “xác họ trố mắt nhìn cũng không thấy, có lắng tai cũng không nghe, không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ” (c.12). Ở đây, ta thấy ý Chúa muốn nói đến sự chai cứng lòng của con người , vì họ không tin nên không thấy, không nghe, không hiểu, nên không thể trở lại để lãnh nhận ơn tha thứ. Lời Chúa gieo vãi cho mọi người, nhưng chỉ sinh ơn cứu độ cho những ai biết mở lòng đón nhận và thực hành Lời Chúa.
Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ (c.13-20). Ngài phân tích rõ từng hoàn cảnh mà Lời Chúa không có tác dụng hay được trổ sinh mỹ mãn. Có lẽ đây là mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Ta đang sống trong những ngày tháng cuối năm Âm Lịch, trang Tin Mừng này như một bản xét mình về đời sống thiêng liêng, chúng ta đã để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta như thế nào? Nếu tâm hồn tôi là vỉa hè, đường trải nhựa, xi măng không đất cát, nóng bỏng, thì làm sao hạt giống đâm rễ được ? Nếu tâm hồn tôi là một bụi gai um tùm, đâm tua tủa, khi hạt giống rơi vào sẽ bị vướng và nằm chơ vơ giữa bụi gai, thì làm sao hạt giống chạm tới đất và nảy mầm được ?. Nếu cõi lòng tôi như một mãnh đất hoang khô cằn sỏi đá, không một dòng nước hay một bóng cây, chỉ có nắng, sỏi với đá cứng cỏi, khô khốc… và nếu hạt giống có rơi vào kẽ đá và nảy mầm, thì “tuổi thọ” của nó cũng không kéo dài được bao lâu hoặc chỉ phát triển trong èo uột vì thiếu nước, thiếu đất.
Chúng ta tự hỏi chính mình: liệu mảnh đất tâm hồn của chúng ta có đón nhận Lời Chúa hay không? Mảnh đất tâm hồn của chúng ta có điều kiện để hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết quả, hay chỉ là mảnh đất chai cằn khô cứng?
Trong đời sống đạo hằng ngày, đặc biệt trong Năm tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến, chúng ta được Chúa mời gọi chúng ta đọc và sống Lời Chúa hằng ngày.
Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ được bắt đầu bằng việc đón nghe và sống Lời Chúa dạy. Nhờ đọc và sống Lời Chúa, chúng ta mới mong gặp gỡ được Chúa, kết hợp với Chúa và giúp chúng ta tăng trưởng đời sống nội tâm, đời sống thiêng liêng.
Nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa, mà tâm hồn chúng ta được biến đổi và canh tân đời sống mới nơi chúng ta. Nhờ đọc và sống Lời Chúa hằng ngày, đời sống của chúng ta mới phát sinh những hoa trái thánh thiện, bác ái, phục vụ trong yêu thương và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Thật thế, khi gieo Lời Chúa vào mảnh đất tâm hồn chúng ta, Chúa muốn hạt giống của Ngài sinh nhiều hoa trái. Chính tinh thần của Tin Mừng làm phát triển đời sống của người Kitô hữu và đời sống của Hội Thánh.
Huệ Minh