Nghe và giữ lời như Mẹ

LoiChua - Nghe và giữ lời như Mẹ

Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : « Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ». Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân; và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời này của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng và đã hiểu, nên Mẹ đã đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su « cách duy nhất » đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.

Nghe và sống Lời Chúa không chỉ là điều kiện, nhưng còn có nguồn sự sống làm cho chúng ta tái sinh, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

“Ai nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Con người chỉ làm theo ý muốn của một người nào đó khi người ta kính sợ, nể phục, tin tưởng vào người ấy hoặc khi đó là người mà người ta yêu mến nhưng cũng có khi người ta thực hiện ý muốn của người khác là do sợ hãi, bị ép buộc… Cũng thế, sự vâng nghe, thi hành ý muốn của Thiên Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện chỉ diễn ra khi người ta yêu mến, tin tưởng và tín thác vào Người. Thánh ý Chúa được tỏ lộ trong mặc khải Kinh Thánh, qua các giới răn của Người, đặc biệt là giới răn yêu thương và qua những giáo huấn của Hội Thánh. Người Ki-tô hữu luôn sống yêu mến và đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì sẽ giữ đạo, giữ luật Chúa một cách hết sức nhẹ nhàng tự nhiên như một người con hiếu thảo thi hành ý muốn của Cha Mẹ mình. Nếu không yêu mến và tin kính Chúa, Người Ki-tô hữu sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng giữ đạo hình thức, nệ luật hoặc giữ luật vì sợ hãi.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su một cách tế nhị và khéo léo đã tôn vinh Đức Maria Mẹ người. Vì hơn ai hết, Mẹ đã vâng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền”. Và qua tiếng “xin vâng” của Mẹ, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua việc nhập thể của Ngôi Hai con Chúa, Người là Trưởng Tử của một đàn em đông đúc, Người đã làm người và nhờ Người làm cho chúng ta được làm con của Chúa.

Vì vậy, Chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, làm người nhà của Chúa khi chúng ta thi hành ý muốn của Người. Thiên Chúa là cha yêu thương, Người đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh của Người để chúng ta được hiệp thông trong sự sống và ở trong tình yêu của Người hầu được sống hạnh phúc. Khi sống yêu thương là chúng ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa, khi chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi thử thách và hy sinh để xây dựng và làm cho cuộc sống tốt đẹp là chúng ta đang làm theo thánh ý của Người.

Ai không muốn làm người nhà của Thiên Chúa, ai lại không muốn làm người thân của Người. Chúng ta phải biết sống tâm tình cảm tạ, tri ân và mau mắn làm theo ý Chúa để đáp trả hồng ân lớn lao Chúa ban tặng cho chúng ta và mời gọi chúng ta làm con Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời mà Chúa dành cho những ai thực hiện ý muốn của Người. Suy ngẫm đến đây, tôi thấy mình rất hạnh phúc vì được làm con của Chúa, hơn nữa Chúa còn gọi tôi sống đời dâng hiến, nhìn lại tôi thấy mình quá thấp hèn, thân mang đầy tội lỗi mà Chúa vẫn chọn và gọi tôi. Nhưng với tôi nhiều lần tôi vẫn thờ ơ, quên lãng tình yêu Chúa đã dành cho tôi, tôi không chu toàn bổn phận, chưa yêu tha nhân đủ, mỗi lần tôi làm cho anh chị em cái gì thì tôi chỉ làm cho xong, cho có chứ chưa làm vì lòng yêu mến.

Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.

Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.

Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.

Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền…. Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Người ta chỉ làm theo ý muốn của ai đó, khi người ta công nhận quyền của người ấy, khi người ta kính sợ, nể phục, tin tưởng vào người ấy, hoặc khi đó là người mà người ta yêu mến; nhưng cũng có khi người ta thực hiện ý muốn của người khác là do sợ hãi, bị lừa, bị ép… Cũng thế, sự vâng nghe, thi hành ý muốn của Thiên Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện chỉ diễn ra khi người ta yêu mến, tin tưởng và tín thác vào Người.

Thánh ý Chúa được tỏ lộ trong mặc khải Kinh thánh, qua các giới răn của Người, cách đặc biệt giới răn yêu thương trong Tin mừng qua lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô; thánh ý Chúa còn được tỏ lộ qua tiếng nói của lương tâm nhắc nhở làm lành lánh dữ; qua những giáo huấn của Hội Thánh; qua những biến cố cuộc đời. Người Ki-tô hữu yêu mến và sống niềm tin vào Thiên Chúa sẽ giữ đạo, giữ luật Chúa một cách hết sức nhẹ nhàng tự nhiên như một người con hiếu thảo thực hành ý muốn của Cha mình trong ý hướng muốn làm đẹp lòng Cha vì tin tưởng, biết Cha luôn muốn điều tốt lành cho mình, như Đức Giê-su Ki-tô: “Lương thực ta dùng là thi hành ý muốn của Cha ta.” (x. Ga 4, 34) Vì vậy mà Ngài là “Con rất yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng” (x. Mt 3,17; Mc 1, 11). Nếu không yêu mến và tin kính Chúa, Người Ki-tô hữu sẽ dễ dàng rơi vào tình tràng giữ đạo hình thức, nệ luật, né luật hoặc giữ luật vì sợ hãi (sợ tội, sợ Chúa phạt, sợ dư luận cộng đồng…)

Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su một cách tế nhị và khéo léo đã tôn vinh Đức Maria Mẹ người. Vì hơn ai hết, Mẹ đã vâng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (x. Lc 1, 38) Và qua tiếng xin vâng của Mẹ, chương trình cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện qua việc nhập thể của Ngôi Hai con Chúa – Người là trưởng tử của một đàn em đông đúc; Người đã làm người cho chúng ta được nhờ Người được làm con Chúa. Vì vậy, Chúng ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, làm người nhà của Chúa khi chúng ta thi hành ý muốn của Người.

Thiên Chúa là cha yêu thương, Người đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh của Người để chúng ta được hiệp thông trong sự sống tình yêu của Người hầu được hạnh phúc. Khi sống yêu thương là chúng ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa; khi chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi thử thách và hy sinh để xây dựng và làm cho cuộc sống tốt đẹp là chúng ta đang làm theo thánh ý của Người. Ai không muốn làm người nhà của Thiên Chúa; Ai lại không muốn làm người thân thuộc của Người. Chúng ta phải biết sống tâm tình cảm tạ, tri ân và mau mắn làm theo ý Chúa để đáp trả hồng ân lớn lao Chúa ban tặng cho chúng ta và mời gọi chúng ta lãnh nhận là được làm con Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời Chúa dành cho những ai thực hiện ý muốn của Người. Đồng thời mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm và bổn phận giúp cho tha nhân cũng được trở nên người nhà của Thiên Chúa qua việc nhận biết và thi hành thánh ý của Người.

Lạy Chúa Giêsu xin dạy chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và tìm kiếm thánh ý của Người trong cuộc sống!

Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương Đức Maria biết gẫm suy, thấm nhuần tinh thần của Chúa, để trong cuộc sống chúng con nhạy bén nhận ra thánh ý Người và sẵn sàng thi hành ý Chúa trong niềm tin yêu và phó thác.

Đây là kiểu nói của người Do-thái nhằm đề cập đến tình mẫu tử. Trước những phụ nữ khóc thương Người, bên lề thập giá, Đức Giêsu sẽ nói: “May phúc cho đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm”, bởi vì than ôi! Nhưng bất hạnh khủng khiếp sẽ xảy đến cho con cái các bà ( Đức Giêsu nhĩ tới sự sụp đổ của thành Giêrusalem mà Người nhìn thấy đang đến dần) ( Lc 23, 29).

Trái lại, ở đây người phụ nữ này ca tụng Mẹ của Đức Giêsu, và qua Bà chúc tụng Người Con của Bà. Người phụ nữ giữa đám đông đã không để mình mang ấn tượng trước những lời chỉ trích mà chị được nghe. Chị bị sự cao cả của Đức Giêsu chinh phục, và rất đơn thành chị thèm muốn địa vị của Mẹ Người.

Thực, đúng vậy! Ngày nay cũng đừng quên điều đó. Một trong những hạnh phúc, một trong những vinh dự sâu sắc mà người nữ có thể cảm nghiệm, đó là những đứa con mà bà đã sinh sản, giáo dục. Con người có những “khả năng sinh sản” khác về; thiêng liêng, nghề nghiệp, xã hội cũng rất hiện thực, nhưng không nên quên điều đó.

Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng đã tuyên bố điều đó, khi nói về Mẹ Người, trong cùng một Tin Mừng ( Lc 8, 21), nhưng ở vào một trường hợp khác. Chúng ta cũng cần lặp đi lặp lại, khi có những ý tưởng muốn lưu giữ lại trong lòng.

Để gây sự tương phản với tình mẫu tử xác thịt đầy cao cả và thực sự vẻ vang. Đức Giêsu đã đề cao sự cao cả của Đức tin.

Một lần nữa, chúng ta ghi nhận: Đức Giêsu không chủ trương đối nghịch ” sự chiêm niệm” với “hành động”. Chân phúc đích thực gồm hai yếu tố, không thể tách biệt nhau:

Chiêm ngưỡng, lắng nghe, cầu nguyện…

Hành động, thực hành lời Chúa, dấn thân…

Hiển nhiên, ở đây, Luca không cho đó al2 lời phẩm bình Đức Maria, vì chính ông cũng cùng những lời đó đã giới thiệu Mẹ là ” Người diễm phúc, vì đã tin” ( Lc 1, 45), và “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” những biến cố liên hệ tới Đức Giêsu ( Lc 2, 19).

Hạnh phúc thay…

Thể thức chúc phúc này có thể nhận thấy 50 lần trong toàn bộ Tân ước…20 lần dưới môi miệng của chính Đức Giêsu trong Tin Mừng.

Thiên Chúa mang lại hạnh phúc. Người mong ước ta được hạnh phúc. Không phải bất kỳ thứ hạnh phúc nào đâu! phúc cho những người nghèo khó, hiền lành, ưu phiền, trong sạch, những kẻ xây dựng hoà bình, những ai bị bắt bớ vì lẽ công chính .

Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà vẫn còn tỉnh thức…Phúc cho em ( Mẹ Maria) vì đã tin rằng lời Thiên Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện…

Phúc cho người nào không bị vấp phạm vì Đức Giêsu…phúc cho đôi mắt nào đã nhìn thấy những gì các con đang thấy…

Phúc cho ngươi, nếu ngươi cho ai vay tiền mà người đó không thể trả lại…Phúc cho ngươi vì sẽ được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa…

Phúc cho Simon Phêrô, vì ông đã được Chúa cha mạc khải…Phúc cho anh em vì tên anh em đã được ghi trên trời…

Phúc cho anh em, nếu anh em biết trở nên tôi tớ cho kẻ này kẻ khác, đến nỗi có thể rửa chân cho họ

Huệ Minh

Exit mobile version