Nghe lời Người

nghe loi nguoi - Nghe lời Người

CHÚA NHẬT II MỦA CHAY – NĂM C

Bài đọc 1: St 15,5-12.17-18; Bài đọc 2: Pl 3,17 – 4,1; Phúc Âm: Lc 9,28b-36

Sau khi được tiên báo về cuộc Thương khó mà Ðức Giêsu sắp phải trải qua, các môn đệ đã xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí các ông ngần ngại đồng hành với Chúa lên Giêrusalem (Mt, 17-19). Trong bối cảnh đó, bài Phúc Âm Chúa nhật II mùa Chay cho thấy cuộc Hiển dung của Ðức Giêsu trên núi Tabor nhằm củng cố tinh thần các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

Tường thuật biến cố biến hình, Phúc Âm Nhất lãm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”.

Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Ðấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26).

Nếu người ta biến những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc ngọt cho dễ uống, thì Chúa Giêsu hóa giải cuộc khổ nạn bằng cuộc Hiển dung rực rỡ. Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ. Hóa giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho họ cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên đàng, nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngủ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Cuộc Hiển dung trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Cuộc Hiển dung của Ðức Giêsu đã là lời mời gọi các tín hữu ngày nay: muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa, cần phải “vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai bằng mắt mà còn nghe bằng hết tâm hồn cũng như bằng cả cuộc đời quy chiếu sống theo Ðức Kitô. Từ nay, vâng nghe lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục Sinh với Chúa Kitô.

Ðể có thể vâng nghe lời Ðức Giêsu, chúng ta phải gặp Người khi dự thánh lễ, khi đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày.Việc lắng nghe phải bắt đầu từ sự thinh lặng. Mùa Chay là thời gian để hành động, nhưng hành động khởi đi từ việc lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú hơn – cả Kinh Thánh lẫn nơi những người khác.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa nhật II Mùa Chay).

LM Giuse NGUYỄN HỮU AN, Gx Kim Ngọc, GP Phan Thiết

Exit mobile version