Bánh mứt, hạt dưa, mâm ngũ quả, cành mai, cành đào, bao lì xì, tiếng nhạc hân hoan, quần áo đẹp… những hình ảnh thân thương này có lẽ sẽ chẳng bao giờ mất đi hương vị của nó trong lòng bất cứ con dân Việt Nam nào. Ngày Tết, người ta quây quần bên gia đình, tình cảm được vun đắp. Người ta trao gửi đến nhau những câu chúc ngọt ngào. Nơi khoảnh khắc giao mùa, người ta muốn quên đi tất cả những gì không hay của quá khứ, hớn hở đón chờ niềm vui bất ngờ của năm nay. Ánh nắng mai chan hoà nói lên ước ao muốn có một cuộc sống an bình, thảnh thơi… Ngày Tết, ngày của niềm vui, nhưng hẳn là nhiều người trong chúng ta, vào một lúc trầm tư, cảm thấy có một chút buồn man mác nào đó tại chính thời điểm được cho là khoảnh khắc hân hoan này, phải không?
Đã bao cái Tết trôi qua. Cái Tết nào cũng được mong chờ. Nhưng chỉ sau một khoảnh khắc ngắn ngủi, năm mới đã phút chốc trở thành năm cũ mất rồi. Dòng thời gian cứ thế trôi đi theo quy luật của nó. Người ta bắt chộp lấy một vài khoảnh khắc ý nghĩa nào đó của nó để vui mừng, để kỷ niệm. Con người mong mỏi cái mới, cái đẹp. Con người khao khát một niềm vui vĩnh hằng. Cái Tết tuy tuyệt vời đấy, nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Ngày trước Tết thì rất rộn ràng, nhưng đến buổi chiều mồng Một thì đã chẳng cần thấy Tết đâu nữa. Mọi cái trôi qua nhanh quá, làm ta cứ có cảm giác mình thật nhỏ bé giữa dòng đời vô tình này. Ta chợt nhớ đến những cái Tết khi mình còn bé, rồi tự hỏi liệu mình còn có thể được đón bao nhiêu cái Tết nữa đây. Ngày xưa Tết vui như thế, sao cứ càng Tết là cảm thấy tẻ nhạt. Liệu Tết năm sau có giống Tết năm nay không?
Ngày còn bé, ai trong chúng ta cũng háo hức đón Tết. Tết thì được nghỉ học, được đi chơi, được mặc đồ đẹp, được nhận lì xì. Khi lớn lên rồi, ta cũng thích Tết nhưng hoà lẫn trong đó dường như còn có những nỗi lo âu. Ta chẳng còn ham hố đi chơi, lại còn phải bận tâm suy nghĩ lấy đâu ra tiền để mua sắm những đồ cần thiết, để lì xì cho đám nhỏ. Một chút niềm vui của ngày Tết đánh đổi cho cả một tháng dài vắt tay lên trán nghỉ ngợi. Cái gọi là “đầu xuân năm mới”, hay “an khang cát tường”, có vẻ chỉ còn là những câu nói cho có hoa văn. Người ta chúc mình thì mình vui đón lấy với tất cả tấm lòng. Nhưng ta cũng nhận ra rằng sự sống của một đời người đâu lệ thuộc vào những điều ấy. Đâu phải cứ có nhiều người chúc ta “bách niên giai lão” là tự dưng ta sống được đến hơn tuổi một trăm. Có đôi khi ta lại thấy rằng sống đến từng ấy tuổi chưa chắc đã là điều gì đáng ao ước. Mỗi một cái Tết trôi qua là tóc thêm bạc, lưng thêm còng, ngày trở về với cát bụi gần đến. Vui hay buồn?
Cái ánh nắng ban mai đầu ngày Tết mang đến cho ta cảm giác hân hoan bao nhiêu thì từng mành hoàng hôn cuối ngày gợi lên trong ta nỗi buồn phiền bấy nhiêu. Tết hết rồi! Tết chỉ đọng lại trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thôi. Một phút xoã mình với người thân bạn bè đã dần đi vào hồi kết. Ta lại phải trở về với thực tại cuộc sống, với những cuộc chạy đua bon chen giữa dòng đời nghiệt ngã. Lại còn phải trả nợ cho cái Tết vừa rồi. Lại còn bao nhiêu băn khoăn cho những ngày sắp tới. Liệu chuyện gì sẽ xảy đến với ta trong năm nay? Liệu có điềm may điềm gở nào đang chờ ta không? Vừa hết Tết, ta lại ngồi đếm thời gian để mong chờ 365 ngày nữa trôi qua. Ta cứ mãi tìm kiếm và mơ mộng đến một cõi thanh tịnh thoải mái, chẳng mang bận tâm gì, để rồi bất chợt nhìn lại, hốt hoảng khi thấy mình đã mang một cái tuổi không còn nhỏ nữa rồi. Dòng thời gian trôi đi như vũ bão. Nhắm mắt rồi mở mắt, tất cả những gì còn vừa nóng hổi đã nhanh chóng trở thành cái của ngày hôm qua.
Thật là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa khi hầu như cái Tết truyền thống năm nào của Việt Nam cũng có chút dính dáng đến mùa Chay. Ta vui Tết, nhưng cũng không quên thân phận cát bụi của mình. Cái Tết trần gian gợi nhắc cho chúng ta nhớ đến sự chóng tàn của đời này và ngưỡng vọng về một cái Tết vĩnh hằng trên Thiên Quốc. Ta biết rằng có một cái Tết tuyệt hảo đang chờ đợi mình. Có một Đấng là Tết đích thực cho mỗi người Ki-tô hữu. Nơi Đấng ấy, ta chẳng còn bận tâm điều gì nữa. Với Đấng ấy, ta vui một niềm vui bất diệt. Có Đấng ấy là có cả mọi điều tuyệt vời nhất của hương xuân. Nhưng để có thể vui hưởng cái Tết ấy, ta cần phải bỏ mình, vác thập giá, buông bỏ con người cũ, cần ý thức về sự nhỏ bé của mình và đặt trọn niềm trông cậy nơi Ngài. Mùa Chay không phải là mùa để buồn, nhưng là thời gian để ta tĩnh tâm lại, chìm sâu hơn trong tương quan với Đấng là mùa Xuân yêu thương, là cái Tết miên viễn, là nguồn vui trọn vẹn và tuyệt đối của mình.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(dongten.net 18.02.2018)