Ngày khốn quẫn, con tìm kiếm Chúa!

Trước tiên chúng tôi cống hiến cho các thân chủ khoảng thời gian ”lắng nghe” để họ trút bỏ mọi nỗi niềm đang đè nặng trên tâm tư. Gần giống như một cuộn len bị quấn rối ren tơi bời. Nguyên sự kiện giải bày tâm sự cho phép làm sáng tỏ tình hình và gọi đích danh các vấn đề đang gặp. Đây là giai đoạn khởi đầu phương pháp trị liệu. Tiếp đến, sau khi hiểu rõ bản chất của vấn đề chúng tôi tiến sang giai đoạn ”thay đổi”. Cùng với thân chủ chúng tôi khảo sát các mục tiêu cần giữ lại hoặc cần nhắm tới, rồi đi đến việc chọn lựa các thay đổi thực tế và hữu hiệu. Cái khó khăn nhất là việc đem ra thực hành. Một đàng phải hiểu rõ điều gì xảy ra trong cuộc sống, đàng khác phải quyết định thay đổi điều cần phải thay đổi .. Và đây là điểm tế nhị phức tạp nhất. Bởi lẽ, chúng ta luôn có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác và muốn người khác phải thay đổi chứ không phải chính chúng ta. Sau cùng chúng tôi tiến đến giai đoạn ”nâng đỡ”: chúng tôi tháp tùng thân chủ trong hành trình thay đổi.

Với tư cách tín hữu Công Giáo, nhóm chúng tôi làm việc với các ”dụng cụ” đặc thù đến từ Giáo Hội Công Giáo. Nghĩa là khi cùng nhau cầu nguyện thường xuyên, chúng tôi có một điểm chung rất mạnh: đó là Niềm Hy Vọng Kitô. Đức Tin dạy chúng tôi biết rằng sau các đau khổ của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và các tăm tối lặng thinh của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh sẽ đến niềm vui phục sinh của Ngày Chúa Nhật. Ba ngày đau thương lặng lẽ trôi qua. Điều này dạy chúng tôi hiểu tầm quan trọng của thời gian trong bất cứ tiến trình cải hóa nào.

Như thế, chúng tôi cố gắng bảo tồn cái nhìn tích cực trên từng cá nhân và trên từng trạng huống, ngay cả khi xét về khía cạnh nhân bản xem ra nó bị tắc nghẽn. Một vị thánh đã nói: ”Yêu ai là nhìn người ấy với cái nhìn hy vọng”. Đây chính là điều chúng tôi cố gắng phát huy: một cái nhìn tin tưởng nơi khả năng của từng người có thể tìm thấy con đường kiến tạo mặc cho bao phong ba bão táp.

Các thân chủ khi đến gặp chúng tôi – đôi khi không phải tín hữu Công Giáo – chờ mong chúng tôi làm việc nghiêm chỉnh với các phương thế vừa tâm lý vừa trị liệu đặc thù của chúng tôi. Nếu có khi nào họ đặt câu hỏi liên quan đến Đức Tin của chúng tôi thì chúng tôi trả lời với trọn nét trong sáng. Nhưng không bao giờ chúng tôi áp đặt Đức Tin Công Giáo cho họ.

Tâm lý học là dụng cụ tuyệt vời giúp hiểu các mối tương quan. Nó cho phép hiểu tại sao một số giao tế trở nên cứng nhắc và phiền toái lại được giải tỏa theo dòng thời gian. Rồi tại sao có các vết thương quá khứ lại trồi lên trong hiện tại, v.v. Thế là chúng tôi can thiệp vào lãnh vực tâm lý. Nhưng rất thường khi, chính các thân chủ lại dẫn đến phạm vi thiêng liêng. Nhiều người trong họ không gặp vấn đề trong phạm vi tâm lý mà là trong phạm vi tâm linh. Họ đánh mất ý nghĩa cuộc sống của họ và ý nghĩa cuộc sống lứa đôi. Trong trường hợp này chúng tôi đưa họ trở về với các giá trị của họ. Chúng tôi giúp họ nối kết với các nền tảng thiêng liêng, trong ý nghĩa rộng lớn nhất, với mọi chiều kích của nó.

… ”Con cất lời kêu lên cùng Chúa, lời con kêu Chúa, xin Người lắng nghe. Ngày khốn quẫn, con tìm kiếm Chúa, tay vươn lên không biết mỏi lúc đêm trường, hồn con nào có thiết lời an ủi! Tưởng nhớ Chúa, con thở vắn than dài, suy gẫm hoài nên khí lực tiêu hao. Lạy Chúa, Ngài không để con khép mi chợp mắt, lòng xao xuyến, con chẳng nói lên lời. Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa, suốt canh khuya, trong dạ nhủ thầm, và suy gẫm, trí lòng con tự hỏi: Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái? Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn và thánh ngôn chấm dứt đời đời? Hay THIÊN CHÚA đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm? Lạy Chúa, con tưởng nhớ bao việc Ngài làm, tưởng nhớ những kỳ công thưở trước. Mọi hành động của Ngài, con nhẩm đi nhắc lại, sự nghiệp Ngài con sẽ gẫm suy. Lạy THIÊN CHÚA, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như THIÊN CHÚA? Chính Ngài là vị Thần thực hiện những kỳ công, biểu dương sức mạnh giữa muôn vàn dân nước”(Thánh Vịnh 77(76),2-15).

(”Pastoralia”, Archidiocèse de Malines-Bruxelles, No 2, Février 2013, trang 56-57)


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Exit mobile version