Ngày cùng tận

Thứ Năm Tuần XXXIII TN (Kh 5, 1-10; Lc 19, 41-44 )


Với và qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy rằng đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng ở đây không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi

Tận thế là lúc tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ðó cũng là ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại để mở cuộc chung thẩm, chấm dứt nếp sống trần gian và mở ra đời sống vĩnh cửu. Ngày ấy cũng thường được đồng hóa với ngày của Thiên Chúa mà các sách Cựu Ước và nhất là các sách tiên tri thường nói đến. Ít ra chúng ta vẫn coi những điều Cựu Ước viết về ngày của Thiên Chúa như là những mạc khải đầu tiên và xa xôi nhất về ngày trở lại của Ðức Giêsu, cũng còn được gọi là ngày thế mạt. Nhưng sự thật không quá đơn sơ như vậy.

Trong cuộc đời đã nhiều lần ta rơi nước mắt. Có khi ta khóc vì một nỗi đau, một sự buồn tủi hay vì thất vọng, nhưng cũng có khi ta khóc vì sung sướng, phấn khởi hay hạnh phúc. Tin Mừng Thánh Luca hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cũng đã khóc dân thành Giêrusalem. Đức Giê-su không khóc vì vui mừng nhưng vì than tiếc dân thành Giê-ru-sa-lem. Họ đã không nhận biết Người là Đấng Cứu Thế đem lại an bình, đem lại ơn cứu độ. Họ đã bịt tai trước những lời giáo huấn của Chúa. Họ đã nhắm mắt trước các phép lạ của Chúa. Nhất là họ đã nhẫn tâm chối bỏ, loại trừ và kết án Chúa.

Việc Chúa Giêsu thương khóc dân thành Giêrusalem hôm xưa là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay cảnh tỉnh lại đời sống vì đã sao nhãng hoặc sống ngược lại với phẩm giá và bổn phận của người Kitô hữu. Chúng ta dễ bị các dục vọng của xác thịt, bị các đam mê và bị những lôi cuốn của thế gian… che khuất con mắt đức tin và tiếng gọi của lương tâm công chính, khiến chúng ta không nhận ra ý chúa, khiến chúng ta không đáp lại ơn Chúa cho phải lẽ.

Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.

Lỗi của nó là gì? Là không “nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (câu 41); “không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (câu 44). Ơn Chúa ban cho nó rất nhiều, nhất là ơn “bình an” và “viếng thăm”. Nhưng nó đã coi như không, nên không nhận biết để cám ơn, không nhận biết để xử dụng, không nhận biết để hiểu xem ý Chúa muốn nó làm gì khi ban ơn cho nó.

Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại Ngài.

Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria.

Những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem mà ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.

Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà “Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta”. Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: “Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người”. Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.

Năm xưa Chúa rất buồn khi nhìn thấy tương lại xụp đổ của thành thánh Giê-ru-sa-lem. Và có lẽ hôm nay Chúa cũng rất buồn khi nhìn thấy tâm hồn chúng ta tan nát rã rời trong đam mê tội lỗi, trong thất vọng chán chường, trong hận thù chia rẽ. Chúa còn buồn hơn khi thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa đang bị tục hoá, bị xúc phạm bởi lối sống buông thả, tội lỗi của chúng ta.

Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù. Thiên Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con người.

Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.

 Huệ Minh

Exit mobile version