Ngắm Đức Giêsu

nhatkytruyengiao - Ngắm Đức Giêsu

Bích Ngân đến thăm mình. Gia đình Bích Ngân không có đạo nhưng coi mình như người thân trong gia đình. Bích Ngân gọi mình bằng chú.

– Chú có cuốn Phúc Âm nào thật dễ đọc, thì cho cháu một cuốn.

– Chú sẽ cho cháu một cuốn có rất nhiều chú giải. Đọc Phúc Âm mà không được chú giải, thì khó mà tiếp thu được. Văn chương Phúc Âm là văn chương của thế kỷ thứ nhất và của La-Hy hoặc Xê-mít. Đọc Phúc Âm thì đồng thời có nghĩa là học hỏi về văn hóa Xê-mít và Địa Trung Hải.

– Cuốn Phúc Âm của cháu cũng có chú giải nhiều lắm, nhưng mà cháu vẫn không hiểu nổi.

– Thế thì cháu phải đến đây mà học với chú.

– Cháu có ở đây đâu. Vả lại cháu tranh thủ lắm mới có được dăm mười phút lẻ mà đọc Phúc Âm. Phải chi Phúc Âm được viết dưới dạng chuyện ngắn, thì thuận lợi cho tụi cháu hơn.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, mình cảm nghiệm rằng : có nhiều người vẫn đọc và hiểu Thánh Kinh một cách phiến diện. Ý Chúa được trình bày bằng văn hóa Do Thái và được trình bày một cách hết sức hà tiện. Chính Gioan đã tâm sự với độc giả của mình rằng : ”Giá như viết hết từng điều, thì chúng tôi nghĩ cả thế giới này cũng không đủ chỗ chứa” . Nói thế là quá cường điệu, nhưng quả thật là các ký giả đã ghi quá vắn tắt lời nói và việc làm của Chúa, đến mức độ bỏ gần hết bối cảnh, khiến độc giả khó nắm bắt được ý của Chúa.

Từ hôm nay mình mơ ước có một cuốn sách trình bày Tin Mừng dưới dạng văn học, có rất nhiều bối cảnh văn hóa, xã hội, địa dư, lịch sử và tâm lý.

Lâm Quang Trọng đã viết một cuốn mà mình nhớ mài mại là “Cuộc đời Chúa Giêsu” , Angelo Alberti đã viết cuốn “Les messages des Evangiles” và mới đây, Jacques Duquesne viết cuốn “Giêsu”, nghe đâu cũng gây xôn xao trong dư luận.

Cà Mau, … 1994

Hôm nay mình viết thư cho cha Chương, giáo sư chủng viện Cái Răng.

“Bác Chương mến,

Mình muốn viết “Nhật ký Đức Giêsu”. NKĐG chỉ là những bài suy niệm Phúc Âm được trình bày dưới dạng văn học. Không có điều gì nghịch với Phúc Âm, mà chỉ là Phúc Âm cộng với những gì không có trong Phúc Âm, nhưng vẫn phù hợp với tâm lý, lịch sử, địa dư và văn hoá Xê-mít. Viết NKĐG, mình muốn giới thiệu Đức Giêsu cho giới trẻ hôm nay, một lớp người sống rất vội, không đủ kiên nhẫn để đọc Phúc Âm như một nhà khảo cứu : đọc ở trên rồi coi chú giải ở dưới. Họ thích đọc những gì vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu, vừa hấp dẫn.

Bác cho ý kiến nhé”.


Cà Mau, … 1994

Hôm nay mình nhận được phúc thư của cha Chương.

“Anh Tám mến,

“Nhật ký Đức Giêsu” nghe có vẻ hấp dẫn đấy. Đây là một sáng kiến mới lạ. Đã mới mà còn lạ, thì thế nào cũng có khen và chê. Nhưng cứ viết đi, cho anh em đọc thử. Biết đâu rằng NKĐG lại trở thành best-seller thì sao ?…”

Tại sao Đức Giêsu được trình bày như thế mà lại bảo là mới và lạ. Trái lại, mình nghĩ rằng Đức Giêsu ấy sẽ rất thân và rất thương đối với giới trẻ. Nhận xét của cha Chương làm mình nản lòng không muốn nghĩ đến NKĐG nữa.

Sàigòn, … 1994

Sau một tuần lễ giảng về đề tài “Đức Giêsu thừa sai” , hôm nay mình giã từ Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập để về Cà Mau. Trong lời đáp từ mình bỗng buột miệng : “Tôi đang nuôi giấc mộng lớn : viết Nhật ký Đức Giêsu để giúp giới trẻ dễ tìm hiểu Đức Giêsu hơn. Xin các chị cầu nguyện cho NKĐG” . Nói rồi thì hối hận, nhưng lỡ mất rồi. “Nhất ngôn kiù xuất. Tứ mã nan truy”. Đành lỡ thì cho lỡ luôn : “NKĐG” chỉ là những bài nguyện gẫm được viết dưới dạng văn học. Bảo đảm không rối đạo.

Cà Mau, 10-9-1994

Hôm nay mình viết thử trang nhật ký đầu tiên của Đức Giêsu. Không phải để gây xôn xao dư luận, cũng chẳng phải để nổi tiếng. Nhưng để nhìn ngắm Đức Giêsu, theo cách của mình. Mình thích lối trình bày của Anne Frank. Mỗi trang đều gửi cho một người bạn nào đó mà Anne gọi là Kitty. “Kitty thân mến”.

Nadarét ngày …

Cha kính mến,

Hôm nay là ngày Sa-bát, bố mẹ con nghỉ việc, con được rảnh rỗi. Con sang nhà nội chơi. Thấy con, bà nội mừng lắm. Nội ôm con, hôn con, cho con ăn mứt chà là, cho con ăn bánh mì với thịt trừu nướng. Nội nói chuyện tía lia. Bỗng nội đổ quạu. Nội lấy ngón tay gí vào trán con:

– Mày thì cái gì cũng được. Được người được nết. Nhưng có một cái tao không chịu : Con trai gì mà không giống bố được lấy một giọt… Rồi còn con mẹ mày nữa. Dâu hiền thì hiền ơi là hiền; nhưng vẫn là con mẹ đàn bà bạc phước. Đàn bà gì mà chỉ sinh được có một mụn con, rồi bị Giavê thắt dạ lại. Còn thằng bố mày nữa, tướng sợ vợ. Vợ nói cái gì cũng nghe, muốn gì cũng chiều. Đàn ông gì mà hiền như cục đất…

– Nội ơi nội, con nói nội nghe nè !

– Cái thằng này khôn quá à ! Đánh trống lảng hả ? Bênh bố mẹ hả ? Hiếu thảo dữ ta !

Thấy nội chưa hết giận, con câu cổ nội, hôn chụt một cái, rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Con nhảy lên đùi mẹ con, méc mẹ tất cả những gì nội con đã nói xấu bố mẹ con. Mẹ con chẳng giận. Bà chỉ cười tủm tỉm.

– Ý Giavê mầu nhiệm lắm con ạ, nội con chẳng hiểu được đâu… Tính nội con vẫn thếâ đấy : Thương thì thương, mà giận thì giận. Giận đấy mà cũng thương đấy.

Cái Rắn, ngày 19-2-1995

Trước khi cầm đũa trong bữa cơm tối, mình đọc một trang nhật ký Đức Giêsu cho các bà phước nghe.

– Tôi viết vậy được không các xơ ?

– Dí dỏm, hấp dẫn. Lần đầu tiên được nghe một kiểu trình bày mới lạ về Đức Giêsu. Chị Hồng Quỳ góp ý lấp lửng như thế.

– Nếu đăng báo thì chắc là 50% hoan nghênh, 50% phản đối. Đó là ý kiến của dì Út Tài.

Ai khen ai chê thì không biết. Tại sao khen; tại sao chê mình cũng không cần. Nhưng mình sẽ viết, viết về Đức Giêsu của mình. Đức Giêsu mà mình vẫn hằng yêu mến. Mình sẽ gửi cho những ai muốn nhìn ngắm Đức Giêsu như mình.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version