Ngã rẽ cuộc đời của cha xứ Vĩnh Thạnh

nga re cuoc doi cua cha xu vinh thanh - Ngã rẽ cuộc đời của cha xứ Vĩnh Thạnh

Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Mạnh đã từng có những tháng ngày làm tài xế rong ruổi trên những chặng đường trước khi chọn ngã rẽ – toàn tâm toàn ý phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn.

Hiện tại, vừa là chánh xứ Vĩnh Thạnh (giáo phận Qui Nhơn), cha Mạnh vừa đồng hành với di dân ở cương vị là Trưởng ban Di dân của giáo phận. Trong vai trò nào, cha cũng cố gắng lo chu toàn và dành nhiều tâm huyết cho từng công việc, như cung cách phục vụ trước nay của ngài.

Tài xế xe, thợ xây dựng

Nhà quê của cha Mạnh là họ đạo Xuân Bình (giáo phận Xuân Lộc). Những ngày còn nhỏ, cha đã sớm bộc lộ sự gắn bó với Nhà Chúa khi thường xuyên lui tới tham gia các sinh hoạt đạo đức. Ở giáo xứ có cộng đoàn của dòng Đaminh, ngày ngày, cha đến học giáo lý, học nhân bản với các nữ tu và phụ lặt bắp, phơi khoai hoặc các việc lặt vặt khác. Chính những chuỗi ngày quanh quẩn bên giáo xứ, dòng tu đã ấp ủ trong cha tâm tình hiến dâng và nhen nhóm ước mong được dấn thân.

Thế nhưng đường ơn gọi của cha gập ghềnh, đã có lúc ý hướng đi theo ơn gọi tưởng chừng như đứt gãy. “Trước khi đi tu, có thời gian tôi đi học lái xe ở trường Bửu Long (nay là trường trung cấp nghề GTVT Đồng Nai) rồi ra làm nghề được gần một năm. Thời đó, nghề lái xe dễ kiếm tiền nhưng môi trường làm việc và đời sống đạo khác biệt nhiều. Suốt thời gian rong ruổi ấy, có khi tôi cũng lung lay, nhưng nền tảng từ ngày xưa còn ở giáo xứ được các nữ tu chỉ dạy như nền móng vững chắc khiến tôi đau đáu với ý muốn từ thuở nhỏ là được theo chân Chúa. Thế rồi năm 1991, tôi ngưng việc lái xe và đi tìm hiểu đời tu. Đến năm 1995, tôi chính thức vào Đại Chủng viện”, cha Mạnh hồi tưởng,.

Một tháng sau ngày thụ phong linh mục (1.5.2003), cha được Đức Giám mục giáo phận Qui Nhơn lúc bấy giờ phân công giúp Tòa Giám mục trông coi, giám sát xây dựng các công trình của giáo phận. Chưa từng học một chút gì về xây dựng, khi mới nhận nhiệm vụ, cha có chút lo lắng và bỡ ngỡ. Những ngày tháng đầu làm quen với công việc, cha cũng vấp nhiều gian nan, chủ yếu là do vẫn còn non kinh nghiệm. Ngài nhớ lại: “Dù vẫn giữ được sự kính trọng đối với vị linh mục nhưng khi người thợ nói chuyện với mình, tôi quan sát tương tác, thái độ của họ là biết mình vẫn còn kém lắm. Lấy đó làm động lực, tôi bắt đầu mày mò tìm hiểu ngày qua ngày. Rồi cứ thế, nghề dạy nghề, sau cũng dần khá lên”. Mỗi ngày làm việc, cha tranh thủ đến sớm trước thợ để trông coi bao quát. Có những công trình cách xa Tòa Giám mục gần 30 cây số, cha xin ngủ nhờ ở giáo xứ gần đó để tiện di chuyển. Ở nơi làm việc, giữa người giám sát mang áo chùng thâm này và những người thợ không hề có sự phân biệt. Cha luôn lắng nghe họ và khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm. Khi những người thợ đổ mồ hôi trên công trình thì vị mục tử cũng xắn tay áo lên, cùng họ trộn bê tông, đào móng, cắt sắt… Nhờ cần cù, xông xáo nên dần dần cha đã thạo việc và trôi chảy hơn ở những công trình sau.

Hơn 7 năm phục vụ trong việc xây dựng, sự nhiệt thành của vị mục tử đã đổ vào biết bao công trình. Những ngôi nhà thờ; ký túc xá cho học sinh, sinh viên… dần mọc lên, góp phần vào sự phát triển của giáo phận Qui Nhơn.

Ðồng hành với di dân

Sau thời gian giúp Tòa Giám mục, cha Mạnh được bài sai về làm phó xứ Nam Bình (giáo phận Qui Nhơn). Lúc này, cha vừa giúp xứ vừa cộng tác với linh mục Phaolô Trương Đình Tu trong việc trùng tu nhà thờ Vĩnh Thạnh (khi đó còn là giáo họ thuộc xứ Nam Bình), cũng là Đền Thánh Stêphanô Cuénot Thể. Sau gần hai năm trời tôn tạo, nới rộng về phía sau, nâng cao nhà thờ…, công trình đã được hoàn tất. Tháng 11.2012, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi – Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã chủ sự thánh lễ giỗ 151 năm tử đạo của thánh Stêphanô Cuénot Thể và làm phép cung hiến Đền Thánh. Sau cuộc đại trùng tu, cha Mạnh lại tiếp tục xây dựng những hạng mục trong khuôn viên đền như tượng đài thánh Stêphanô Cuénot Thể (khánh thành ngày 14.11.2013), hang đá Đức Mẹ (khánh thành ngày 15.8.2014)… Năm 2013, Đức cha Matthêu thành lập giáo họ biệt lập Vĩnh Thạnh và bổ nhiệm cha làm phó biệt cư. Đến năm 2014, khi Vĩnh Thạnh được nâng lên hàng giáo xứ, cha Mạnh là chánh xứ tiên khởi.

Trước đây không quen việc xây dựng, vị mục tử này đã kiên trì học biết, mài dũa để làm cho tốt. Nay về coi sóc một giáo xứ còn non trẻ, ngài lại tiếp tục đương đầu với những khó khăn khác. Vì là xứ đạo mới, chưa có tổ chức rõ ràng, cha quy tụ giáo dân và lần lượt thành lập các đoàn thể. Khi sinh hoạt giáo xứ bắt đầu ổn định, ngài lại trăn trở với đời sống của những người dân còn nghèo khó bằng cách viếng thăm, trao những phần quà nhân dịp lễ hoặc tương trợ theo từng trường hợp cụ thể. Vĩnh Thạnh là vùng trũng, mỗi năm đều hứng chịu những trận lũ lụt, khi thiên tai qua đi, đời sống người dân đã nghèo lại càng thêm chật vật. Cha Mạnh đã tìm cách liên hệ với các mạnh thường quân, phối hợp với ban Caritas giáo phận để nâng đỡ người dân trong và sau cơn lũ.

Song song với nhiệm vụ coi sóc giáo xứ, cha còn đồng hành với người xa quê trong cương vị là Đặc trách Di dân giáo phận Qui Nhơn từ năm 2013. Ngài thường vào Sài Gòn để thăm những người di dân gốc Qui Nhơn và trao đổi với nhóm di dân cộng tác trực tiếp với ngài trong một số công việc. Tại Sài Gòn, từ 4 năm nay, mỗi năm cha đều tổ chức chương trình Đại hội Di dân, tạo ngày gặp gỡ, sân chơi và liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau.

Mỗi lần đi lo việc di dân, dù đã sắp xếp chu toàn cho giáo xứ, cha vẫn ôm theo muôn vàn nỗi bồn chồn. Nào sợ bà con đến tìm đột xuất, nào là lo giải quyết công chuyện qua điện thoại không được thấu đáo… Cứ thế, bao nhiêu lắng lo trong lòng người chủ chăn không phút nào vơi. Ông Lê Văn Hòa, phụ trách đồng hương Qui Nhơn tại Sài Gòn nói về người mục tử của mình: “Ở cha toát lên cái nét bình dân, gần gũi từ trong cách ăn mặc hay tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng trong công việc, ngài lại là luôn giữ quy tắc và luôn muốn giải quyết mọi việc nhanh chóng, chỉn chu”.

Hiện tại, dù đã có trăm vàn mối để lo, cha Mạnh vẫn còn ấp ủ nhiều dự định khác. Ngài thao thức: “Sắp tới sẽ mở rộng sinh hoạt cho di dân tại giáo phận Phú Cường và Xuân Lộc. Một trong những ưu tư lớn là nguồn nhân lực, cứ tốp cũ đi lại đắp người mới vào như vậy cũng không ổn lắm…”.

THIÊN LÝ

Exit mobile version