“Nếu ông Giêsu mà giống như bạn thì tôi tin!”

Trong thế chiến thứ hai , năm 1941, có một vị linh mục bị giam trong một trại tập trung dành cho người gốc Do Thái. Như bao người khác, cha cũng bị hành hạ và đối xử tàn tệ , còn hơn cả đối với súc vật. Thế nhưng Ngài lại vẫn vui vẻ tìm cách giúp đỡ các tù nhân đồng cảnh ngộ đang rơi vào tâm trạng khủng hoảng tuyệt vọng. Cha xin cai tù cho được lao động thay những người đau yếu. Ngài nhường khẩu phần bánh mì ít ỏi của mình cho những người thiếu ăn hơn. Đối với kẻ rách rưới, ngài chia sẻ cho họ chiếc áo cũ nhưng còn tương đối lành lặn…Trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, cha vẫn lặng lẽ dấu kín lý lịch của bản thân là một linh mục. Chỉ có một vài người thân thiết mới biết rõ Ngài là ai …

Trong số những người được cha giúp đỡ, có một cậu thanh niên hư hỏng. Vi linh mục khả ái đã từng bước một tìm cách gần gũi với cậu ta, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn và cuối cùng đã hoán cải được tâm hồn tưởng đã hóa ra chai đá của cậu. Dù vậy, Ngài thấy cũng chưa đến lúc nói với cậu ta về Thiên Chúa…

Thế rồi, một hôm, cha được tin mình phải chuyển gấp đến trai Auschwitsz, một trại tập trung mà ai nghe đến tên cũng kinh hoàng khiếp hãi vì đó là nơi hũy diệt với những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác. Ngài cố giữ bình tĩnh , vội vã chia tay mọi người. Đến trước cậu thiếu niên vừa mới quyết định hoàn lương, Ngài rất muốn giúp em hiểu biết về Chúa, tin Chúa và theo Chúa.

Cha nhìn thẳng vào mắt cậu, nhỏ nhẹ hỏi: – Này cháu thân yêu của bác , cháu có muốn tin vào một người tên là Giesu không ?Cậu thanh niên đứng thẳng người lên, trả lời cha bằng một câu hỏi chân thành: – Nhưng thưa Bác, ông Giêsu là ai để cháu có thể tin ? Biết mình không còn nhiều thời gian để cắt nghĩa Kinh Thánh và giới thiệu chi tiết về Đức Giêsu, cha yên lặng một chút, ngẫm nghĩ rồi buột miệng nói với cậu thiếu niên: – Người đó giống như bác ! Cậu ta đăm đăm nhìn Ngài và khẳng khái tuyên xưng: – Vâng, nếu ông Giêsu là người giống như bác thì cháu tin ! .

Sau thế chiến, người ta không còn gặp lại vị linh mục già ấy nữa, nhưng chắc chắn một điều là câu chuyện này được một người sống sót qua các trại tập trung thuật lại như một chứng từ sống động, người ấy chính là cậu thiếu niên năm xưa, một người tân tòng đạo hạnh.

Được biết, tới năm 2008, theo thống kê của Giáo hội, số lượng tín hữu Công giáo Việt Nam là hơn 6,18 triệu người, chiếm tỉ lệ 7,18% tổng dân số ( 1). Như vậy, sốngxung quanh những người Kitô hữu vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa, chưa tiếp cận với ánh sáng của Tin Mừng. Vì thế, nhu cầu truyền giáo luôn là vấn đề cấp bách, chúng ta luôn phải sẵn sàng một tâm thức sẵn sàng truyền giáo để dấn thân phục vụ Tin Mừng cho tất cả mọi người anh em xung quanh chúng ta. Làm sao cho ngày càng có nhiều người nhận biết sự hiện diện của Chúa, làm sao cho dung mạo của Ngài ngày càng hiện rõ nét qua chính cuộc sống của mình đó là ước muốn, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu. Thế nhưng cuộc sống của những người làm chứng cho Tin Mừng phải như thế nào để ánh sáng Đức Kitô có thể chiếu tỏa khắp nơi ?

Muốn làm chứng cho Chúa Kitô, người tín hữu chúng ta phải nổ lực làm những con người tốtvà là những môn đệ chân chính của Chúa Kitô phải hòa nhập vào cuộc sống mà vẫn giữ nguyên chất muối, chất men mà Thiên Chúa đã giao phó cho mình. Trong hoàn cảnh nhà tù đầy hiểm nguy, vị linh mục phải dấu kín lý lịch của bản thân, không ai biết cha là một người Công Giáo, hơn thế nữa, lại còn là một linh mục. Nhưng một cách tự nhiên và sâu xa , Ngài đã để cho đời sống của mình thấm nhập các giá trị Tin Mừng, để từ đó bằng cách sống tốt với mọi người,bằng những chia sẻ và quan tâm rất đơn sơ và nhỏ bé, Ngài đã gây ảnh hưởng chắn chắn và sâu đậm đến những người sống chung quanh mà cụ thể là cậu thanh niên bạn tù của mình.

Trong bài “Có những ai xa đời quay về lại…”, linh mục Vĩnh Sang DCCT có viết :
“ Tình trạng báo động nghiêm trọng về nhiều mặt của xã hội Việt Nam không ai còn lạ: giáo dục, quốc phòng, môi trường, luân lý, an ninh… Nhưng vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan đến giống nòi, đến sức khỏe và sự tồn vong của một dân tộc, vấn đề hệ trọng như vậy mà không ai chịu trách nhiệm và không có biện pháp giải quyết tức thời thì thật bi đát.

Đến đây thì chúng ta có cảm tưởng quyền lực xã hội thất bại, vậy vai trò của tôn giáo ở đâu? Có phải vin vào điệp ngữ “không làm chính trị” mà chúng ta khoanh tay thờ ơ với sự tiêu vong của giống nòi? Trong những người kinh doanh hóa chất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh chăn nuôi, làm nông trồng cấy hoa màu, làm việc trong các cơ quan nhà nước liên quan đến vấn đề này (Hải quan, thú y, xuất nhập khẩu, biên phòng, thanh tra…), bao nhiêu người là Kitô hữu? Lương tâm người Kitô hữu để ở đâu?

Vai trò của Linh Mục với tư cách là Ngôn Sứ, là người hướng dẫn tâm linh và là người huấn luyện lương tâm các tín hữu, chúng ta đã lên tiếng cảnh báo, khuyên bảo, hướng dẫn, ngăn chặn, nâng đỡ, đồng hành với các Kitô hữu của chúng ta chưa? Vai trò của cộng đồng tín hữu với nhau, anh chị em tín hữu với nhau có thẳng thắn nhắc nhở, ngăn ngừa, cảnh báo cho nhau trong việc chăn nuôi, trồng trọt buôn bán hàng hóa thực phẩm chưa? Chúng ta bảo nhau phải quay về lại với Thiên Chúa, với sự thật, sự lành thánh thiện, quay về với lẽ công bằng và yêu thương, không thể cứ mãi tụ thủ bàng quan trong im lặng, cứ giả như không biết gì, cứ giả như chẳng phải chuyện của mình!” (2 ).

Như vậy, trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay khi mà vì lợi ích của bản thân người ta an nhiên phạm điều răn thứ Năm, việc đầu độc giống nòi bằng thực phẩm độc hạikhông còn là việc làm của riêng ai , người ta quen làm điều xấu đến mức không còn không còn cảm thức tội lỗi về việc mình đã làm. Dù vậy, nguyên tắc đồng thuận không thể áp dụng trong trường hợp này, đúng -sai, thiện-ác không thể chỉ dựa vào số đông, không thể nói ” “ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi… làm” theo “vì rằng “” lương tâm người Kitô hữu để ở đâu ? “. Rõ ràng ” nếu anh chị em tín hữu với nhau thẳng thắn nhắc nhở, ngăn ngừa, cảnh báo cho nhau trong việc chăn nuôi, trồng trọt buôn bán hàng hóa thực phẩm” , dám hy sinh quyền lợi vật chất để không bị cuốn vào vòng xoáy của việc kiếm kế sinh nhai bằng sự gian dối thì điều đó sẽ khiến mọi người nhìn vào tự hỏi : Điều gì đã khiến họ trở nên như thế ? Niềm tin nào, sức mạnh nào giúp họ dám lội ngược dòng ?Và như thế mọi người nhìn vào chính đời sống của mỗi người Kitô hữu trong chúng ta mà thốt lên rằng : ” Nếu ông Giêsu mà giống như bạn thì tôi tin ” .

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, cho dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, dù trong thân phận nào, xin cho chúng con biết dùng đời sống của mình trở thành một chứng nhân sống động của Ngài như vị linh mục trong trại tù của Đức năm xưa. Amen .

Điền Phương Thảo

(1) Nhìn lại Sứ mạng Truyền giáo trong 50 năm qua và hướng đến tương lai”. VietCatholic.

(2) http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/04/02/co-nhung-ai-xa-doi-quay-ve-lai

Exit mobile version