Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Câu hỏi của tôi liên quan đến nghĩa vụ cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nếu một linh mục, người bị buộc bởi lời hứa truyền chức là phải cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đọc một Giờ Kinh sai ngày, thì ngài có buộc phải đọc lại Giờ Kinh đúng không? Như thế, ngài đã chu toàn nghĩa vụ của mình không? – R. B., Grants, New Mexico, Hoa Kỳ.
Đáp: Đúng đây là nghĩa vụ liên quan đến chức thánh. Ứng viên hứa như thế, như được nhắc lại trong câu trả lời năm 2000 cho một nghi ngờ được công bố bởi Thánh Bộ Phụng Tự:
“Con có quyết tâm duy trì và đào sâu một tinh thần cầu nguyện phù hợp với lối sống của con, và, phù hợp với những gì yêu cầu nơi con, để cử hành một cách trung tín Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho Hội Thánh và cho cả thế giới không?” (X. Roman Pontifical, Nghi lễ truyền chức Phó tế).
“Như vậy, trong cùng một nghi thức truyền chức Phó tế, thừa tác viên thánh xin và tiếp nhận từ Hội Thánh việc ủy nhiệm cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, do đó sự ủy nhiệm liên quan đến quỹ đạo của các trách nhiệm thừa tác của người được truyền chức, và vượt quá lòng đạo đức cá nhân của người ấy. Các thừa tác viên thánh, cùng với các Giám mục, thấy mình tham gia vào sứ vụ cầu bầu cho Dân Thiên Chúa, đã được giao phó cho họ, như xưa đã giao cho ông Mô-sê (Xh 17, 8-16), cho các Tông Đồ (1 Tim 2, 1-6) và cho Chúa Giêsu Kitô “Đấng ngự bên hữu Chúa Cha mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34). Tương tự như vậy, ‘Văn kiện trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ’, số 108 nói: “Khi đọc thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm thể Chúa Kitô” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
“Theo cách tương tự, số 29 trong cùng Văn kiện này, cho biết: “Vì thế, giám mục, linh mục và những người có chức thánh đã được Hội Thánh ủy nhiệm cho cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ (xem số 17), thì mỗi ngày phải đọc đầy đủ mọi giờ, và cố gắng đọc cho phù hợp với giờ thật trong ngày, được chừng nào hay chừng đó” (Bản dịch, như trên).
“Bộ Giáo luật, về phần mình, đã thiết lập trong Điều 276, §2.3, rằng “các Tư Tế và các Phó Tế chuẩn bị làm Linh Mục, buộc mỗi ngày phải đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh theo sách phụng vụ riêng đã được phê chuẩn; còn các Phó Tế vĩnh viễn chỉ buộc đọc phần nào đã được Hội Ðồng Giám Mục ấn định” (Bản dịch Việt ngữ của các linh mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Về nghĩa vụ đọc Kinh Nhật tụng, câu trả lời trên đây là khá rõ ràng:
“Câu hỏi số 1: Xin cho biết ý kiến của Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật Bí tích về trương độ của nghĩa vụ cử hành hay đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ hàng ngày ?
“Trả lời: Những người đã được truyền chức thánh là bị ràng buộc về mặt đạo đức, do việc truyền chức mà họ đã nhận, cho việc cử hành hoặc đọc Kinh Nhật Tụng toàn bộ và hàng ngày, như đã được Bộ Giáo luật qui định trong Điều 276, § 2,3, đã được trích dẫn trên đây. Việc đọc này không có bản chất của lòng đạo đức riêng tư, hoặc sự thực hành đạo đức được thực hiện bởi ý muốn cá nhân mà thôi của giáo sĩ, nhưng đúng hơn là một hành động phù hợp với thừa tác thánh và sứ vụ mục vụ”.
Tuy nhiên, trong khi tài liệu trên nói về các dịp, mà trong đó một số phần của Kinh nhật tụng có thể được bỏ qua cách hợp pháp, nó không giải quyết các vấn đề lỗi. Đối với chủ đề này, chúng ta phải quay trở lại với các nhà văn xa xưa.
Khi đọc Kinh Nhật tụng, có hai thứ tự khác nhau: (1) thứ tự hoặc sự sắp xếp Kinh Thần tụng, (2) thứ tự hoặc sự sắp xếp các Giờ Kinh.
Thứ tự của Kinh nhật tụng cho biết phần nhật tụng nào được đọc mỗi ngày, như được quy định trong lịch. Điều này có thể thay đổi từ địa điểm này sang địa điểm khác, và thậm chí từ người này sang người khác, vì người ta theo lịch địa phương hoặc, nếu là thành viên của một Dòng tu, theo lịch của Dỏng tu đã được chấp thuận, vốn có thể là khác với lịch phổ quát hoặc lịch địa phương.
Thứ tự của các Giờ Kinh cho biết Giờ Kinh nào cần được đọc, Giờ nhất, Giờ nhì, vv, các bài đọc, Giờ Kinh sáng, Giờ Kinh ngày, v.v.
Nghĩa vụ của giáo sĩ là phải tuân thủ cả hai thứ tự, nhưng trong một số trường hợp, có thể có một lý do chính đáng để thay đổi. Thí dụ, nếu một linh mục ở trong một giáo phận đang cử hành lễ trọng mừng thánh bổn mạng của giáo phận ấy, nhưng thiếu các văn bản đúng cho ngảy lễ, ngài có thể sử dụng phần nhật tụng khác đã được chấp thuận, và cố gắng sao cho phần ấy càng sát với ngày lễ càng tốt.
Đáng ngạc nhiên thay, ngày nay điều này có thể xảy ra thường xuyên, khi các linh mục đi du lịch dựa vào các phương tiện điện tử để đọc kinh nhật tụng. Thí dụ, mới đây một linh mục đến châu Âu thấy rằng Thánh Biển Đức, là đồng bổn mạng của châu Âu, được mừng lễ như là lễ trọng chứ không là lễ nhớ. Điều này có thể được giải quyết dễ dàng, bởi những người sử dụng cuốn sách có các phần chung, nhưng không phải tất cả các áp dụng có sự linh hoạt cần thiết.
Nếu ai đó đã đọc một Giờ Kinh không chính xác do nhầm lẫn – thí dụ, đọc sai ngày – các nhà thần học đều theo ý kiến của truyền thống là rằng người ấy đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, và không cần đọc lại lần thứ hai.
Đây là sự áp dụng của châm ngôn “Officium pro officio valet” (Giờ Kinh thay Giờ Kinh).
Châm ngôn này có một lịch sử sóng gió chìm nổi, mà trong đó có cách dùng đúng và cách dùng sai. Cách dùng đúng, như được nêu ra ở trên, là trong đó một người với nghĩa vụ đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, đã đọc sai một Giờ Kinh, hoặc thay thế một Giờ Kinh tương đương cho một Giờ Kinh mà người ấy bị cản trở để đọc.
Trong khi châm ngôn này không xuất hiện trong các tài liệu chính thức của Hội Thánh, một sự áp dụng nào đó cho nguyên tắc ấy được tìm thấy trong ‘Văn kiện trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ’ khi đề cập đến việc tham gia vào một buổi đọc kinh với cộng đoàn. Xin mời đọc:
“242. Giáo sĩ hay tu sĩ nào buộc phải đọc Kinh Nhật Tụng bất cứ vì danh nghĩa nào, nếu dự chung kinh nhật tụng đọc theo lịch và nghi thức khác với lịch và nghi thức của mình, vẫn được kể là đã đọc xong phần kinh đó” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
Tóm tắt giáo huấn của một số sách giáo khoa truyền thống, chúng ta có thể nêu ra các nguyên tắc sau đây liên quan đến các lỗi. Không phải tất cả đều được áp dụng một cách bình đẳng cho Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
– Nếu một linh mục đọc nhầm Nhật tụng một ngày thay vì ngày khác (thí dụ, đọc kinh ngày thứ Ba thay vì thứ Hai trong ngày thứ Hai), ngài bị buộc đọc Nhật tụng ngày thứ Ba vào ngày thứ Ba (theo Thánh An-phong).
– Tuy nhiên, nếu sau khi đọc được một phần, ngài nhận thấy có sai sót trong việc đọc lịch hoặc Ordo (giáo lịch), và phần đọc đó không phải là nhật tụng của ngày hôm ấy…ngài không bị buộc phải lặp lại phần đã được đọc (thí dụ, các bài đọc); thật là đủ, hợp lệ và hợp pháp để theo nhật tụng đúng trong các Giờ sau. Linh mục đang đọc không bị buộc lặp lại phần nào của Giờ Kinh, nếu ngài phát hiện ra sai lầm của mình trong khi đọc ngay cả một Giờ nhỏ. Và ngài có thể kết thúc thánh vịnh hay bài thánh thi, hay lời cầu nguyện mà ngài đang đọc, khi ngài phát hiện ra sai lầm của mình, và sau đó ngài có thể đọc tiếp phần nhật tụng của Giờ Kinh đúng mà ngài vừa nhầm lẫn, hoặc ngài có thể hoàn thành Giờ kinh mà ngài đã lỡ đọc.
– Nguyên nhân nào biện minh sự đảo ngược của các Giờ Kinh? Bất kỳ lý do hợp lý nào đều biện minh cho sự đảo ngược này. Do đó, nếu một người bạn mời một linh mục cùng nhau đọc một Giờ Kinh, và linh mục đã không đọc các Giờ Kinh quy định trước đó, thì ngài được biện minh khi chấp nhận lời mời và đảo ngược các Giờ Kinh. Hoặc nếu một người chỉ có Sách các giờ kinh ngày (Diurnal) trong tay, người ấy có thể đọc các Giờ Kinh ban ngày, mặc dù không có giờ Kinh Sáng. Một lần nữa, một linh mục có thể không có các bài đọc Giờ Kinh Sáng trong tay, nhưng ngài có thể đọc các thánh vịnh cho Giờ kinh sáng, Giờ Kinh sách, và thêm các bài đọc vào Giờ kinh sáng khi có chúng trong tay.
Sự áp dụng không chính xác câu châm ngôn trên đây đã bị chỉ trích gay gắt, bởi các sách hướng dẫn phụng vụ và sách thần học luân lý từ thế kỷ XVII. Một số người ủng hộ đã sử dụng châm ngôn ấy, để tránh đọc toàn bộ Kinh nhật tụng, cho rằng việc dùng phần nhật tụng ngắn hơn có thể thay thế phần nhật tụng dài hơn. Lập trường này đã bị Hội Thánh lên án nhiều lần, và thậm chí một số nhà thần học luân lý coi đó là một tội trọng nữa.
Nguyễn Trọng Đa