Nếu Được Cả Thế Giới Mà Phải Thiệt Mất Mạng Sống, Thì Nào Có Lợi Gì?

Mary - Nếu Được Cả Thế Giới Mà Phải Thiệt Mất Mạng Sống, Thì Nào Có Lợi Gì?

Thiếu nữ đó là Edith Ferguson mắc chứng hoại huyết và đang ở giai đoạn cuối đời. Cùng hòa nhịp với niềm vui vũ trụ, Edith lấy giấy và viết tờ di chúc. Tờ di chúc tinh thần để lại cho Cha Christian Beaulieu, vị Linh Mục trẻ đồng hành với Edith trong thời gian cô thọ bệnh. Edith viết:

Thưa Cha Christian kính mến,

Vì không biết phải viết di chúc như thế nào nên con xin viết dưới hình thức một bức thư. Như con từng nói với Cha: tất cả những gì con sở hữu xin dùng để giúp anh chị em tàn tật hầu các anh chị em này trở về với cuộc sống của những người mệnh danh là ”bình thường”. Con rất ước ao sống đến ngày con hân hạnh nghe câu nói: ”Tôi sống thật sự chứ không phải chỉ hiện hữu mà thôi”. Đối với con thì thật là tuyệt diệu, ít ra là một người, hay càng nhiều người càng tốt, có cuộc sống bình thường, chứ không phải bị xã hội và thành kiến ruồng rẫy. Nhưng vì con không thể sống đến ngày đó nên xin giao phó cho Cha thực hiện ước nguyện của con. Thế nhưng, trong xã hội chúng ta đang sống, muốn thực hiện chương trình nào đó cần phải có tiền. Con không có nhiều tiền nhưng tất cả tiền của con nơi nhà băng cũng như tiền bán các vật dụng của con sẽ giúp Cha có số vốn ban đầu. Những gì không bán được – chẳng hạn những đồ lặt vặt – thì xin Cha phân phát cho những gia đình thật túng thiếu .. Con muốn yêu nhiều chừng nào có thể. Trong cuộc sống, con từng gặp những người dạy con biết yêu thương, nhưng con cũng có nhiều thiếu sót lầm lẫn nên con xin mọi người tha thứ cho con. Điều đáng buồn là con có thói xấu hay làm mất lòng người khác mặc dầu con không chủ ý. Nhưng sau đó con hối hận nhiều lắm. Con yêu mọi người và mong mọi người đừng quên con. Trên trời, con không quên ai hết. Con sẽ dõi theo cuộc sống của mọi người và yêu mến mọi người mãi mãi .. Ký tên, Edith.

Đó là di chúc của Edith Ferguson, đúng 10 ngày trước khi qua đời, 10-4-1982, hưởng dương 18 tuổi.

18 tuổi với con tim tràn đầy yêu thương, dĩ nhiên ban đầu Edith không dễ chấp nhận chết. Hai tháng trước đó, khi bác sĩ cho biết là bệnh tình vô phương cứu chữa và đang đi vào giai đoạn trầm trọng, Edith vẫn còn nuôi hy vọng sống. Cô muốn sống để thực hiện ước mơ:

– Thành lập một hội chuyên việc giúp đỡ người tàn tật, giống như hội ”Arche – Con Tàu” do ông Jean Vanier thành lập.

Để thực hiện giấc mơ Edith bắt đầu tiết kiệm từng đồng tiền túi. Vì hạnh phúc của người tàn tật, bằng mọi giá, Edith muốn sống chứ không muốn chết. Edith mở to mắt nói với mẹ:

– Mẹ à, con có một sứ mệnh phải chu toàn: con muốn thành lập một Hội chuyên việc chăm sóc người tàn tật!

Lấy hết can đảm, bà Marie-France dịu dàng nói với con gái:

– Con à, ở dưới đất này, con chỉ chăm sóc giỏi lắm là vài người tàn tật, nhưng trên trời, con có thể chăm sóc không biết bao nhiêu người tàn tật, trên toàn thế giới!

Câu nói nhẹ nhàng của hiền mẫu như một sự thật rót thẳng vào tim. Edith bỗng hiểu rõ tất cả. Cô thiếu nữ giữ thinh lặng không đáp lại lời nào. Nhưng cũng từ giây phút đó Edith can đảm đối đầu với thực tế, sẵn sàng chấp nhận thánh ý THIÊN CHÚA.

Khi thấy con chịu bệnh cách anh hùng bà Marie-France sung sướng nói:

– Con thật gan dạ, mẹ không thấy con rên rĩ bao giờ!

Edith tươi cười trả lời:

– Mẹ à, có biết bao bạn trẻ và người tàn tật phải chịu nhiều đau khổ mà không than thở bao giờ. Không lẽ con lại mở miệng than van sao? Không, không, mẹ à! Con không có gì để than thân trách phận cả!

Một lần khác, Edith trầm tư nói với mẹ:

– Kể từ ngày bị bệnh con mới hiểu rõ thế nào là giá trị của cuộc sống!

Suốt thời gian chịu bệnh Edith luôn giữ nét mặt trầm tĩnh và dáng điệu thanh thản. Cô gái luôn mang trong mình Kinh giải thoát và đọc Kinh này thường xuyên. Cứ sau mỗi lần bị thổ huyết, Edith nắm chặt trong tay Ảnh Đức Mẹ ban ơn (Ảnh vảy phép lạ) và ảnh thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU để cầu nguyện. Edith không muốn người khác cầu nguyện thay cho mình. Cô nói:

– Phải cầu nguyện luôn luôn. Cầu nguyện không ngừng!

Edith vào nhà thương tám ngày trước khi qua đời. Cô thiếu nữ chịu bệnh cách anh hùng. Edith từ chối không dùng thuốc giảm đau. Cô can đảm chờ đợi cái chết đến gần. Edith vẫn luôn giữ nét thanh thản cho đến đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, Vọng Lễ Phục Sinh, 10-4-1982, thì êm ái đi vào cõi phúc vĩnh cửu.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng đôi mắt Edith Ferguson mở thật lớn, như muốn nói với mọi người hiện diện:

– Thật là tuyệt đẹp điều mà con đang diễm phúc trông thấy!

… Đức Chúa GIÊSU nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ấy sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của CHA Người cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”(Matthêu 16,24-27).

(Daniel-Ange, ”Les Témoins de l’Avenir”, Le Sarment FAYARD, 1989, trang 146-153)

(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVatican 18.11.2015)

Exit mobile version