Khi Cao Lãnh trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Phong[1], thì có thêm một số công chức Công Giáo đổi đến, họ đạo Cao Lãnh ra đời.
Tháng 9 năm 1951: Ông Giacôbê Phạm Văn Nhẹ (Ông Phán Nhẹ) đã xây dựng một nhà thờ tại xã Hòa An (nay là phường 4, TP Cao Lãnh) với cột cây, lợp lá nên thường được gọi là “Nhà thờ lá”. Thánh Lễ đầu tiên do cha Phaolô Huỳnh Tiến Bộ, cha phó Sa Đéc, dâng lễ ngày 23 tháng 09 năm 1951.[2]
Ngay từ khi được hình thành, nhà thờ Cao Lãnh ngày nay với tên gọi đầu tiên là Nhà thờ Lá. Nhà thờ Lá chuyển tải thông điệp mộc mạc: Nhà thờ được làm bằng cây, bằng lá, đơn giản chỉ có vậy. Một tên gọi chất phát, không cầu kỳ, diễn tả tâm tính rạch ròi của người miền Tây Nam Bộ: thấy sao nói vậy. Vấn đề là: tại sao không tiếp tục gọi là Nhà thờ Lá, mà lại đổi thành Nhà thờ Cao Lãnh, họ đạo Cao Lãnh? Trước tiên hãy tìm hiểu hai từ Cao Lãnh.
[3]Lúc bấy giờ người ta đào một con kinh nối liền sông Cái Sao Thượng với sông Con (sông Cao Lãnh hiện thời), mang tên là kinh Thầy Khâm (nay là đường Lê Lợi). Vườn quýt của ông Câu đương [4] Đỗ Công Tường (tên tục là Lãnh) nằm tại vàm kinh này phía sông Cao Lãnh (thôn Mỹ Trà), một đầu mối giao thông thuận lợi, nên hàng ngày bà con trong làng thường mang rau cải, trái cây, cá tôm, đồ thủ công ra bán. Kẻ bán người mua, lâu ngày thành chợ, ngày một sung túc. Phố xá lần lượt xuất hiện ven sông Cao Lãnh (nay là đường Hai Bà Trưng) và kinh Thầy Khâm. Kẻ gọi chợ Vườn Quýt, người gọi là chợ Ông Câu, lâu ngày thành danh.
Đến năm Canh Thìn 1820, cả nước lâm vào nạn dịch tả khủng khiếp, trong sách “Đại Nam Thực Lục” có ghi chép, từ mùa thu sang mùa đông năm Minh Mạng thứ I (tức năm Canh Thìn – 1820) cả nước bị bệnh dịch rất nặng, có đến 206.835 người chết [5]. Riêng làng Mỹ Trà và nhiều làng chung quanh bị bệnh dịch hoành hành dữ dội, có nhà đến hai ba người chết. Tiếng kêu cứu, khóc than vang dậy, cảnh chôn người chết hối hả diễn ra suốt ngày, ban đêm tiếng mõ cầu cứu, tiếng búa đóng hòm nổi lên từng chập, xóm làng chợ búa vắng vẻ tiêu điều. Lúc bấy giờ, người ta cho rằng bệnh dịch là do trời đất quở phạt.
Sự kiện ông bà Đỗ Công Tường nguyện chết để cứu dân được lan truyền khắp nơi. Mọi người đều cho rằng chính ông bà là người đã cứu họ thoát chết, nên mới lập miếu thờ ông bà trên bờ kinh Thầy Khâm (nay là đường Lê Lợi). Miễu được gọi là miễu Ông bà Chủ chợ (tên chữ là Chủ Công Thị) và chợ Vườn Quýt hay chợ Ông Câu lần hồi được gọi là chợ Câu Lãnh. Tên Câu Lãnh tồn tại một thời gian khá lâu, đến năm 1883, trên một bản đồ Nam Bộ do chính quyền Pháp ấn hành vẫn ghi Câu Lãnh.
Ngoài việc tạo lập đền thờ, người dân còn lấy tên tục và chức vị ông ghép lại (Câu Lãnh, sau gọi trại thành Cao Lãnh) để thay cho cái tên chợ Vườn Quýt (tức ngôi chợ tại trung tâm thành phố Cao Lãnh hiện nay).
Dựa vào truyền khẩu và những gì còn ghi chép lại trong sử sách, có thể nói địa danh Cao Lãnh(ban đầu gọi là Câu Lãnh) đã hình thành cách đây gần 200 năm (1820-2019), gắn liền với gia đình ông câu Đương – có thể gọi là giới trí thức thời bấy giờ, đã hy sinh tính mạng để cứu dân. Từ đó, người dân lập miếu tưởng nhớ và lấy tên cùng chức vị đặt cho vùng đất này.
Phải chăng, có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó về hoàn cảnh? Hơn 130 năm sau, một gia đình trí thức (chỉ khác là trí thức Công Giáo), gia đình ông Phán Nhẹ cũng đã hy sinh (không phải hy sinh tính mạng), nhưng là sinh tiền của xây dựng căn nhà thờ đầu tiên (Nhà Thờ Lá), khi mà giới công chức Công Giáo tập trung về đây sinh sống và làm việc. Không dám khẳng định có sự trùng hợp hay sắp đặt của ơn trên hay không? Nhưng phải nhìn nhận một điều rằng: Địa danh Cao Lãnh, Nhà Thờ Lá (nay là nhà thờ Cao Lãnh), và phần lớn người Công Giáo đầu tiên của họ đạo Cao Lãnh ngày nay, thuộc về tầng lớp trí thức.
Vì thế, khi đổi tên Nhà Thờ Lá thành Nhà Thờ Cao Lãnh, không phải để đề cao hay tôn vinh một cá nhân nào, nhưng là để tiếp tục nối dài những huyền thoại. Huyền thoại của những người trần mắt thịt có những suy nghĩ cao thượng và những việc làm của bậc thánh nhân.
Ngày nay, trong bối cảnh đất nước Việt Nam đang phát triển về nhiều mặt, trong đó có cả sự phát triển, thay đổi về nhận thức. Hơn bao giờ hết, giới trí thức Công Giáo có vai trò quan trọng trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng, sẵn sàng hy sinh tài lực, sức lực, tiền của cho việc mở mang Nước Chúa. Như lời nguyện của Thánh Phanxicô Assisi, được linh mục Kim Long phổ thành bài hát: KINH HÒA BÌNH.
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình.
Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho
[1] Kiến Phong là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), Việt Nam. Tỉnh Kiến Phong được thành lập vào cuối năm 1956 và bị mất tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay. Tỉnh lỵ tỉnh Kiến Phong có tên là “Cao Lãnh”. (Wikipedia)
[2] Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.224
[3]Tổng hợp từ các tài liệu: Quốc sử quán, Đại nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học; Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, tập Hạ, Bản dịch Phủ QVKĐTVH, Sàigòn, 1972; Theo Địa phương chí Kiến Phong, 1974.
[4] Câu đương: Riêng từ này hoàn toàn tối nghĩa, nếu chỉ quy về tiếng Việt hiện đại. Phải chăng đây là một từ cổ (gốc Nam Á hay Nam Đảo?) chỉ còn đọng lại trong trường hợp đang bàn, và một trường hợp khác tương tự trong hội đồng hương chức của làng Việt ở Nam bộ trước năm 1904 (tức trước năm người Pháp tiến hành cuộc “cải lương hương chính” đầu tiên trong miền này), chức câu đương giữ nhiệm vụ giải quyết các trường hợp kiện cáo lặt vặt giữa dân làng với nhau. Nếu căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử ra đời hồi thế kỷ XV, dưới triều Lê, thì chức câu đương vẫn còn có mặt trong bộ máy chính quyền ở cơ sở ít nhất cũng cho đến thế kỷ XIII, dưới triều Trần: bấy giờ, thái sư Trần Thủ Độ có lần đi kinh lý các xã đã kiểm tra sổ sách, kiểm tra xong thì cho cử “câu đương”. Theo tác giả, văn cảnh của đoạn sử ấy không cho phép người đọc ngày nay định rõ chức năng cụ thể đương thời mà chức viên đó đảm nhiệm.” (Cơ Cấu Tổ Chức Của Làng Việt Cổ Truyền Ở Bắc Bộ, nxb Hà Nội. p.142)
[5]Quốc Sử Quán: Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, Tập V, Đệ nhị kỷ, Nxb Viện Sử học, p.276
WGP.Mỹ Tho