Nẻo đường

Người Dân Israen đã được chuẩn bị 18 thế kỷ để đón nhận Đức Mêsia, nhưng rốt cuộc họ đã không đón nhận được Đức Mêsia. Không phải chỉ có những người biệt phái kiêu căng, không phải chỉ có Sa đốc an thân, mà hầu như tất cả những người Do Thái, từ Gioan Tẩy Giả, đến các môn đệ của đức Giêsu cũng đều không hiểu được cách thức cứu độ của Thiên Chúa.

2 - Nẻo đường

Trong Sách Thánh, có hai truyền thống mô tả “dáng vẻ” của Đấng Mêsia, truyền thống dựa vào Daniel để mong chờ Con Người ngự trên mây trời, xét xử muôn dân; một truyền thống được mô tả trong 4 bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Người Tôi Trung bị hành hạ, bị ngược đãi, bị giết chết… Và người Do Thái đã không thể nào hiểu được đường lối cứu độ của Thiên Chúa, vừa thể hiện trọn vẹn lòng từ bi thương xót của Chúa trong lần Chúa đến I (theo truyền thống Isaia); vừa thể hiện quyền năng công thẳng của Thiên Chúa trong lần Chúa đến II (theo truyền thống Daniel); do đó, họ không thể chấp nhận một Đấng Mêsia như Người Tôi Trung đau khổ mà Isaia đã nói đến.

Thánh Phaolô tóm tắt tất cả thách đố của người Do Thái về Thập giá Đức Giêsu trong thư 1 Corintho:

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 22-24).

Thập giá là một sự điên rồ với người Hy Lạp; Thập giá là một ô nhục với người Do Thái. Thật ra, Thập giá là thách đố đối với tất cả mọi người, những kẻ mang thân phận “người phàm mắt thịt”.

Cuộc sống trần gian của con người là một cuộc chiến dai dẳng, vòng vo, thắng thua, được mất, không bao giờ ngừng và cũng chẳng ai đạt được sự thành toàn chung cuộc. Chỉ cần có hai người với nhau, thì đã có một sự so sánh ngấm ngầm, một sự ghen tỵ sâu xa, tạo nên một cuộc cạnh tranh từ trong chính tâm hồn. Trong cuộc chiến ấy, chẳng mấy ai không muốn mình là người chiến thắng. Hơn nữa, cho dù khát vọng sự thiện vẫn luôn có trong tâm hồn con người, cho dù những giá trị luân lý mang tính cách “siêu hình”, nghĩa là vượt trên những tương tác thực nghiệm của hoàn cảnh cụ thể, dù những giá trị ấy vẫn soi sáng lương tri con người, nhưng người ta vẫn không thể không nhận ra một quy luật thực tế và bi đát trong bất cứ xã hội nào, qui luật: kẻ nào mưu mô, kẻ nào gian xảo, kẻ nào bạo tàn, kẻ nào chối từ những nguyên tắc nhân bản sẽ thường là kẻ chiến thắng. Đau đớn hơn nữa, đó không phải chỉ là chiến thắng nhất thời, trong một thời gian ngắn, nhưng thường hơn, chiến thắng của kẻ gian ác tàn phá trọn cuộc đời một con người, kéo dài cả vài thế hệ đời người…

Bài đọc 1 cho thấy đường lối muôn đời của kẻ gian ác:

“Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì nó cứ nói nó được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2,20).

Nếu trong gia đình, người ta còn có thể tìm được một phần ý nghĩa để chấp nhận hy sinh cho những người thân yêu của mình được tốt hơn; thì trong đời sống xã hội, thái độ sẵn sàng hy sinh cho nhau, vì lợi ích của người khác, quả là một điều hết sức hiếm hoi. Nếu có vĩ nhân nào đó có thể hy sinh bản thân mình vì quê hương, đất nước, thì trong tầm mức thế giới, việc hy sinh bản thân hoặc chấp nhận sự thiệt thòi của đất nước mình vì lợi ích chung của nhân loại lại là điều gần như không thể nào làm được. Như thế, nếu người ta có thể không vì mình mà làm hại người khác, thì không dễ gì người ta không vì gia đình mà bất công với xã hội; và nếu có ai đó hy sinh cho đất nước, thì cũng khó mà tránh được thái độ, vì lợi lộc của đất nước mình mà bất công với quốc gia khác… Chính vì thế mà cuộc chiến của con người với chính con người không thể nào rũ bỏ được quy luật của kẻ gian ác.

“Phường vô đạo lên tiếng nói: ta hãy gài bẫy hại tên công chính vì nó chỉ làm vướng chân ta” (Kn 2, 12).

Chính trong tình huống lộ rõ sự bất lực của con người, ta mới có thể hé thấy ý nghĩa của nẻo được cứu độ.

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người; và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31).

Cuộc chiến dai dẳng vòng vo của kiếp người, của con người với chính con người, chỉ có thể được hóa giải khi có AI ĐÓ dám chấp nhận thua lỗ, thiệt thòi, mất mát và chấp nhận cái chết bất công một cách tình nguyện; đón nhận bất công và bạo lực vào bản thân mình, dìm tất cả vào dòng sông của tình yêu từ bi thương xót, đưa tất cả vào cuộc Vượt Qua, vượt qua từ Chết đến Sống lại. Đó là “chìa khóa” duy nhất để đưa nhân loại ra khỏi cuộc chiến miên man vô tận.

Điều Đức Giêsu truyền lại cho các môn đệ, những người được mời gọi đi vào nẻo được cứu độ “ngược đời tuyệt diệu”, không phải chỉ là một lời khuyên luân lý cá nhân, nhưng căn bản hơn, chính là thực hiện giải pháp mang tầm mức “chính trị” (hiểu theo nghĩa căn bản là cách con người sống với nhau) đối với sự sống còn của nhân loại.

“Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, Dòng Đaminh

Exit mobile version