Nên kết thúc bài giảng như thế nào?

Hỏi: Tôi đã được dạy rằng bài giảng, bất cứ diễn ra lúc nào, là một phần của Thánh Lễ, nhiều khi là bắt buộc (các Chủ nhật và lễ trọng), và luôn luôn được khuyến khích, khi có thể được. Bài giảng lễ nên dẫn các tín hữu từ bàn tiệc Lời Chúa đến với bàn tiệc Thánh Thể. Trong thực tế, thật là tốt khi các lời cuối cùng của bài giảng nên có sự qui chiếu rõ ràng nào đó cho phép Thánh Thể. Đó là lý do tại sao tôi luôn hiểu rằng các bài giảng không nên kết thúc với câu: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Việc nói như thế này phá vỡ sự thống nhất giữa Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Phần cuối bài giảng nên là một sự chuyển đoạn thích hợp cho nghi thức phép Thánh Thể. Các lời ấy phải được nói ở đầu và ở cuối Thánh Lễ, nhưng không phải ở cuối của bài giảng. Câu hỏi của tôi là: Điều ấy có đúng không? Liệu nó được kết hợp với một nơi nào đó trong Chữ đỏ hoặc trong phần Giới thiệu chung của Sách Lễ Rôma không? Liệu cần dạy nó cho các linh mục già và trẻ, vì các vị có thể quên chăng? Lời khẩn cầu với Thiên Chúa Ba Ngôi, thật là quá đẹp, là không thích hợp cho bài giảng, nhưng có lẽ phù hợp cho các bài diễn thuyết hoặc bài trình bày về giáo lý Kitô giáo, bên ngoài Thánh Lễ, chẳng hạn trong tuần cửu nhật, vv – A. D., Nairobi, Kenya

Đáp: Lời tuyên bố gần đây nhất và chính thức đầy đủ về tầm quan trọng của bài giảng được tìm thấy trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục năm 2010, Verbum Domini (Lời Chúa):

“số 59. Mỗi người “đều có bổn phận và nhiệm vụ liên quan tới Lời Thiên Chúa: các tín hữu phải lắng nghe và suy niệm Lời; còn chỉ những ai đã nhận được nhiệm vụ Giáo huấn do bí tích Truyền chức thánh hoặc những ai đã được giao phó cho thi hành thừa tác vụ này”, tức là các Giám mục, các linh mục và các phó tế, thì mới trình bày Lời Chúa. Từ đó, ta hiểu được vì sao Thượng Hội Đồng rất chú ý tới bài giảng lễ. Trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum caritatis, tôi đã nhấn mạnh rằng “liên hệ đến tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa, cần phải cải thiện phẩm chất của bài giảng. Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’; bài giảng lễ có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu”. Quả thế, bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Bài giảng phải giúp hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành, mời người ta dấn thân cho sứ mạng, khi chuẩn bị cho cộng đoàn tuyên xưng đức tin, cầu nguyện phổ quát và cử hành phụng vụ Thánh Thể. Vì thế, do thừa tác vụ chuyên biệt, những ai được đề cử lo việc giảng dạy, phải rất quan tâm đến bổn phận này. Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng. Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh; họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã khuyến khích lưu ý đến các câu hỏi sau đây: “Các bài đọc được công bố muốn nói gì? Các bài đọc ấy nói gì riêng với tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của họ?”. Vị giảng thuyết “phải là người đầu tiên được thúc bách bởi Lời Thiên Chúa mà ngài loan báo”, bởi vì như thánh Augustinô đã nói: “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa ở bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái”. Cần đặc biệt chăm sóc bài giảng Chúa nhật và các lễ trọng; nhưng trong các lễ cum populo trong tuần, nếu có thể, xin cũng đừng bỏ cung cấp những suy tư vắn tắt hợp thời giúp các tín hữu đón nhận và làm sinh hoa kết quả Lời họ vừa lắng nghe”.

(Bản dịch tiếng Việt của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Văn bản này nói nhiều về tầm quan trọng của bài giảng, nhưng trong thực tế không có gì liên quan đến các câu hỏi, chẳng hạn làm thế nào bắt đầu hay kết thúc một bài giảng. Quả thực không có bất kỳ quy tắc nghiêm ngặt nào về việc này, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong văn bản trên, ĐTC Biển Đức XVI khẳng định trên tất cả rằng Chúa Kitô là trung tâm của bất kỳ bài giảng nào, và tôi tin rằng bài giảng là đủ để kết nối bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Việc đòi hỏi người giảng luôn cố gắng có một tham chiếu rõ ràng đến Thánh Thể có thể là phản tác dụng, và áp đặt một sự xây dựng vụ công thức và giả tạo.

Một cái gì đó tương tự có thể được nói về việc sử dụng công thức Ba Ngôi. Một số nhà giảng thuyết có thể làm như vậy như là một hành động đạo đức, và như một cách để nhấn mạnh rằng việc rao giảng của họ được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, chứ không vì vinh quang cá nhân. Tuy nhiên, ngay cả khi động cơ cao quý như vậy tồn tại, tôi không nghĩ rằng việc luôn kết luận bài giảng như thế là một ý tưởng tốt. Tôi tin rằng nói chung nên chuẩn bị tốt một lời kết luận phù hợp với các bài đọc thánh lễ. Trong một số trường hợp, có thể là một cách để tránh tạo ra một kết luận thật thích hợp, đó là cách sử dụng một câu nắm bắt tất cả.

Tuy nhiên, không có điều cấm rõ ràng về việc làm như thế. Thật vậy, việc kết thúc bài giảng với một lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi là khá phổ biến trong thời các Giáo phụ, khi vinh tụng ca phục vụ vai trò của việc tuyên xưng đức tin của người giảng thuyết, trước khi có việc đưa kinh Tin Kính vào thánh lễ. Một số nhà thuyết giảng thời trung cổ, chẳng hạn như Thánh Phêrô Đamianô, cũng thường kết thúc bài giảng với vinh tụng ca Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cả Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ĐTC Biển Đức XVI của chúng ta có xu hướng kết thúc bài giảng với một lời khuyên, hay một lời cầu nguyện chuyển cầu. Việc sử dụng công thức Ba Ngôi là rất hiếm, mặc dù công thức này kết luận ít nhất một bài giảng trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi.

Hầu hết các bài giảng ĐTC Biển Đức XVI kết thúc với chữ “Amen” sau một lời cầu nguyện. Ví dụ, mới đây Ngài kết thúc bài giảng nhân lễ trọng Đức Bà Hồn Xác Lên Trời như sau:

“Chúng ta hãy phó thác mình cho lời cầu bầu của Đức Mẹ, mà Đức Mẹ xin cùng Chúa để Chúa củng cố đức tin của chúng ta trong sự sống đời đời; xin Đức Mẹ giúp chúng ta sống cách tốt nhất thời gian mà Chúa ban cho chúng ta với niềm cậy trông. Xin cho đó là đức cậy Kitô giáo, nó không chỉ là nỗi nhớ quê trời, nhưng là niềm khát vọng sống động và tích cực về Chúa, Đấng ở đây trong thế giới này, một niềm khát vọng về Chúa làm cho chúng ta trở thành khách hành hương không biết mệt mỏi, nuôi dưỡng trong chúng ta lòng can đảm và sức mạnh của đức tin, đồng thời cũng là lòng can đảm và sức mạnh của tình yêu. Amen”.

Nhiều tác giả cho rằng ĐTC Biển Đức XVI sẽ được nhớ đến nhiều nhờ chất lượng của các bài giảng của Ngài. Tôi tin chắc rằng nhiều linh mục sẽ được hưởng lợi từ sự tiếp xúc gần gũi với các bài giảng của Ngài. Các tín hữu có thể sẽ biết ơn nhiều về việc này.


(Nguyễn Trọng Đa,WHĐ 3-10-2012/
Zenit.org 2-10-2012)

Exit mobile version