Năng động sống cộng đoàn môn đệ: Kể Lại Cho Nhau Nghe Kinh Nghiệm Gặp Gỡ Đấng Phục Sinh(Lc 24,13-35)

UBGD - Năng động sống cộng đoàn môn đệ: Kể Lại Cho Nhau Nghe Kinh Nghiệm Gặp Gỡ Đấng Phục Sinh(Lc 24,13-35)

Đức Giêsu trực tiếp huấn luyện các môn đệ trong một tiến trình dài lâu, nhằm giúp các ông nhận hiểu tầm nhìn và sứ mạng cứu độ của Người; một số môn đệ thân tín còn được Người tách riêng ra và đưa lên núi cao, đi vào một tiến trình đào luyện riêng. Thế nhưng, khi sứ mạng đến trong thực tế, Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn thập giá, các môn đệ vẫn gặp khủng hoảng và thất vọng. Tảng đá che kín cửa mộ Đức Giêsu như thể khép lại viễn tượng tương lai của các môn đệ. Cộng đoàn bắt đầu tan vỡ. Người ở lại buồn chán trong không gian sống tù túng và bế tắc; người ra đi lặng lẽ buồn rầu, rời bỏ cộng đoàn về quê, như hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Giêsu phục sinh đồng hành với mỗi người môn đệ, đưa họ trở lại cộng đoàn. Cộng đoàn hồi sinh với ơn bình an và sức sống mới.

Hai người trong nhóm môn đệ rời bỏ cộng đoàn, về quê (Lc 24,13-35). Trời sáng nhưng lòng họ tối. Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau, nhưng xem ra họ đang độc thoại hơn là đối thoại, hơn là trò chuyện, một cuộc độc thoại phối hợp của hai người trẻ thất vọng, vì mất phương hướng. Hành trình của các ông diễn ra trong buổi sáng, nhưng lòng thì u tối. Bước đi cô quạnh ồn ào. Đức Giêsu phục sinh hiện ra, tiến đến gần và cùng đi với họ (24,15). Người đến để lắng nghe, để thấu cảm và để mở lòng họ đi vào cuộc đối thoại, một cuộc trò chuyện đích thực, khởi đi từ kinh nghiệm và tình cảnh của chính hai môn đệ.

Hai môn đệ, hai người trẻ vỡ mộng và thất vọng: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân… Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc It-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” (24,19.21). Ngày thứ ba rồi. Hết hy vọng rồi. Hai môn đệ không vượt qua giới hạn của kinh nghiệm, bế tắc trong những vấn đề của bản thân, mù tối và điếc lác trước những vấn đề đang xảy ra xung quanh, không lắng nghe được lời của những phụ nữ và các môn đệ khác (24,22-24).

Nào ĐấngKitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (24,26). Như các môn đệ, trước hết chúng ta cần chấp nhận sự thật này, chấp nhận trong Đức Giêsu Kitô. Thứ đến, môn đệ cần được thầy dạy dỗ; vẫn là những đoạn sách thánh thường đọc, nhưng chúng ta cần được chính Đức Giêsu giải thích: “…Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24,25-27). Sau cùng, hãy ở lại hiệp thông với Người; hãy nài xin Người ở lại với nhóm, với cộng đoàn, với giáo xứ, với Giáo hội: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (24,29).

Khi hiệp thông nên một cộng đoàn qua cử hành Thánh Thể, hai môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh. Kinh nghiệm “lòng bừng cháy” trên đường và nhận ra Người khi Người bẻ bánh giúp hai môn đệ mở toang cánh cửa hy vọng, vượt qua kinh nghiệm bản thân để sống tầm nhìn và sứ mạng của thầy mình. Ngày đã tàn, trời đã tối, nhưng lòng họ bừng sáng: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem…” (24,33). Được đổi mới sức sống, hai môn đệ trở về hiệp thông và xây dựng cộng đoàn theo tầm nhìn và sứ mạng của Đấng Phục Sinh (24,35).

Hồi tâm.

1. Khi dấn thân phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, có khi nào tôi cũng rời bỏ cộng đoàn như hai môn đệ trên đường Emmaus, tự cô lập bản thân hoặc thu hẹp mình nơi một nhóm vài người cùng quan điểm?

2. Tôi thường cảm nghĩ thế nào về Giáo hội phẩm trật, thường có tâm tình và thái độ tích cực hay tiêu cực về các Đấng bản quyền hoặc về cha xứ? Tôi đang cảm nghĩ như người thuộc về cộng đoàn hay như một người ngoài cộng đoàn?

3. Tôi thường tương tác, cư xử thế nào với các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ? Tôi có thấy mình là người xây dựng cộng đoàn?

Lm. Toma Vũ Ngọc Tín, SJ.

Exit mobile version