Năm thánh đi qua, còn gì đọng lại…

MyTho TuDao PhoTe 26 - Năm thánh đi qua, còn gì đọng lại...

Theo số liệu thống kê được từ Trung Tâm Hành Hương Ba Giồng và qua lời đức cha khả kính của Giáo Phận Mỹ Tho trong Thánh Lễ bế mạc năm thánh có khoảng 120.000 tín hữu và 800 đoàn đã đặt chân đến Ba Giồng.

Ấy chỉ là con số ở Ba Giồng, chưa kể đến con số thốngkê của Sở Kiện, La Vang. Ở 2 trung tâm đó và với lòng đạo của dân xứ Bắc chắc có lẽ còn đông hơn thế nữa. Đó là chưa kể những nơi hành hương nho nhỏ kính các Thánh Tử Đạo khác như Đình Khao, Tân Triều …

Nghe con số, nhìn đoàn người ta không thể tự ngưỡng mộ lòng đạo đức của dân ta.

Nhìn đoàn người trùng trùng lớp lớp trong những cuộc hành hương thì quả thật ai ai cũng nức lòng hứng khởi bởi lẽ hình ảnh quá sống động cho một Giáo Hội Công Giáo như Việt Nam. Không chỉ người Việt Nam ngưỡng mộ lòng sùng đạo của người Việt mà cả người ngoại quốc, họ rất nể những hình ảnh sống động đó.

Thật vậy, cứ nhìn vào các đoàn rước kèm theo trống kèn và quần là áo lượt của các đoàn thể thì thấy hoành tráng thật. Cạnh đó là những lời cảm ơn không dám nói là chúc tụng nhau chứ không thật sự là chúc tụng “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Quay đi quẩn lại : chúng con xin cảm ơn Cha Giám Đốc, chúng con cảm ơn … nghe thật nồng nàn và thắm thiết.

Bầu khí mừng Lễ như vậy chắc có lẽ chả có ai chê vào ai được và cũng có thể nói như lời Đức Tổng Linh trong Thánh Lễ ở Ba Giồng nhân dịp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp kỳ 2 năm 2018 vừa qua : “Qua nay tôi tìm xem có gì để chê Mỹ Tho hay Đức Cha Khảm hay không nhưng không thấy !”

Đúng vậy ! Từ cách tổ chức cho đến tham dự xem ra thật chỉn chu và hoành tráng nhưng nên chăng cần ngồi lại với nhau, đặt lại cung cách sống đạo và giữ đạo của nhau.

Chứng nhân hào hùng của các Thánh Tử Đạo trong năm thánh vừa qua hay chí ít là 6 tháng qua được nêu một cách hoành tráng và nhất là được trình diễn trong các đêm diễn nguyện kết thúc năm Thánh của các Giáo Phận. Cạnh đó, cả quyển hạnh các Thánh được công phu viết lách và soạn thảo cũng được tung ra nhưng rồi thử hỏi có mấy ai tiếp cận hay đọc ở trong đó được thánh nào chứ chưa nói là soi một vị thánh nào đó để noi theo.

Thử hỏi chí ít là trong dòng người 120 ngàn Kitô hữu đi đến Ba Giồng nhưng mấy ai đã mở và xem chứ chưa nói là nghiên cứu tập sách Hạnh Các Thánh mà Giáo Hội sẵn có ?

Và, thử hỏi thật lòng với nhau rằng mỗi người Kitô hữu còn gì đọng lại sau những ngày tháng vô cùng tươi đẹp để mừng Lễ.

Có những người tự hào và khoe mẽ rằng trong năm thánh vừa qua họ đến Ba Giồng đến những … 6 lần !

Có những người vừa đặt chân đến Ba Giồng chưa kịp nghỉ ngơi thì nhiều bức hình đẹp của họ được tung ngay lên mạng …

Hóa ra rằng Ba Giồng hay trung tâm hành hương các Thánh Tử Đạo là nơi mà người ta “check – in” khi vừa đến thôi sao ?

Nhiều năm thánh đã đến và đã đi nhưng rồi thử hỏi đời sống đạo và đời sống đức tin của người Công Giáo có biến chuyển gì không ? Hay là dù đi hành hương cho rạc cả chân về rồi mà lòng vẫn còn chất chứa đầy trong lòng sự hơn thua và ganh tỵ : Nào là nhìn cha sở thấy ghét, nào là nhìn bà đó đọc sách tui không ưa, nào là nhìn ông đó đọc sách thánh tui không thích … Chưa kể đến là : ca đoàn tui hát hay hơn ca đoàn kia, con tui giúp lễ đẹp hơn con bà hàng xóm …

Rồi những ngày tới đây cũng sẽ còn nhiều ngày mừng năm thánh nữa.

Rồi những ngày tới đây cũng sẽ còn nhiều cuộc hành hương đến nơi này nơi kia nữa …

Thế nhưng rồi thử hỏi sau những chuyến hành hương ấy, người hành hương có được biến đổi chút gì đó tự đáy lòng mình hay cứ trơ trơ ra như thế và có thể tệ hơn là sống phản chứng cả Tin Mừng.

Vấn đề cốt lõi và cần thiết hơn cả chính là đời sống nội tâm của người Kitô hữu. Dĩ nhiên đời sống nội tâm không ai thấy nhưng nó được biểu lộ nơi đời sống bác ái yêu thương của mỗi người. Và, cần thiết hơn cả chính là bác ái ngay trong chính gia đình mình.

Có khi ông chồng khó ưa bà vợ khó chịu.

Có khi là ông anh ba trời ba trợt, bà chị trớt quớt

Có khi là đứa con dở dở ương ương … đang sống chung trong một mái nhà nhưng ta có bao dung, tha thứ, đón nhận và yêu thương họ hay không hay ta cứ mãi mê đi làm việc bác ái hay sống đạo ở ngoài đường chứ trong nhà thì không.

Nên nhớ rằng các thánh tử đạo là những chứng nhân anh dũng, các ngài đã vui lòng chịu đổ máu đào để minh chứng niềm tin của mình và điểm son đời của các ngài là GIỮA BAO HẬN THÙ VẪN SỐNG MẾN YÊU.

Hóa ra rằng lòng bác ái, tình yêu thương, lòng thương xót chính là chất tạo nên ơn thánh của các Ngài. Và rồi, là con cháu của các Ngài, ta thử đặt mình xem ta sống bác ái, yêu thương như thế nào ngay trong đời sống thường nhật của chúng ta.

Với những băn khoăn trăn trở suy tư đây, những ước mong cũng như nguyện xin cho đời sống của bỉ nhân cũng như mọi người có chút chút gì đó thay đổi sau mùa mừng các Thánh Tử Đạo. Nếu không biến đổi lòng mình thì dường như ta chỉ mừng năm Thánh như một lễ hội, như một phong trào văn hóa đạo đức mà thôi.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version