Mục đích:
Giúp các bạn trẻ ý thức về bản chất của sự lựa chọn hôn nhân xuất phát từ việc họ yêu nhau và đảm nhận một Giao ước nghiêm túc.
Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:
Lời dẫn:
Trong Cựu ước Chúa đã ký kết một Giao ước với dân Ngài. Đó là một Hôn ước, nghĩa là Giao ước tình yêu phu thê.
Chính Ngài đồng hành với anh chị trong thời gian đính hôn này để tình yêu của anh chị lớn lên đến mức chín muồi và đi đến quyết định kết hôn với nhau, để anh chị ý thức và dạn dĩ nói lên lời “ưng thuận” kết hôn và cử hành hôn phối. Và để rồi qua hôn ước của anh chị Thiên Chúa tiếp tục thực thi Giao ước của Ngài trong lịch sử.
Lời Chúa: trích trong sách tiên tri Hôsê
Đức Chúa phán:
“Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập.
Vào ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa – ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa. Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại, – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất” (Hs 2,16.17b-18.21-23).
Lời nguyện của đôi bạn:
“Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh.
Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng!” (Dc 8,6).
Linh mục:
Câu hỏi giúp suy tư:
– Tại sao một người con trai và một người con gái quyết định kết hôn?
– Hai người kết hôn với nhau qua ký kết một khế ước, điều đó có ý nghĩa gì?
– Thiên Chúa có liên quan gì trong chọn lựa kết hôn của anh/chị?
Suy tư:
Một tình yêu dành cho nhau
Khi nói “chúng ta yêu nhau” là ta ý thức mình không chỉ tự yêu mình hay yêu một cái gì đó đáng yêu và làm ta thỏa lòng, nhưng là yêu một con người có thể đáp lại tình yêu của ta với một tình yêu cũng mãnh liệt như thế. Đó là một tình yêu tương hỗ, cho và nhận. Tình yêu của chúng ta là một kiểu tình bạn với ý nghĩa đặc biệt. Là một tình bạn giữa hai người “tự hiến” cho nhau, và có những đặc tính: trọn vẹn, duy nhất và độc hữu (không chấp nhận những bạn tình khác); ổn định và bền vững (một chọn lựa mãi mãi); phong nhiêu (mở ra với sự sống và gắn liền với tính dục hướng tới sinh sản không trước và không ngoài hôn nhân).
Một tình yêu vô cầu
Tình yêu là chân thực khi được hiến dâng không nhằm đến những mục đích thứ yếu. Sự vô cầu thuộc bản chất của tình yêu còn thể hiện qua chịu đựng tự nguyện những nỗi đau đớn, buồn khổ, bệnh tật, và cả trong cô đơn nữa. Ở đâu sự sống được hiến dâng không mong đền đáp, ở đó tình yêu hiển lộ tất cả sự thật và sự vĩ đại của nó. Yêu thương ai là nhắm tới hạnh phúc, những điều tốt đẹp, ích lợi của người đó! Đối nghịch với tình yêu vô cầu là thái độ ích kỷ, chỉ nhìn tha nhân như người trao hiến cho mình điều gì, hoặc tệ hơn, đối xử với tha nhân chỉ như là cơ hội đem lại cho mình cảm giác thỏa mãn.
“Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô dành phần lớn của chương bốn để suy tư về tình yêu trong hôn nhân, dựa vào Bài ca Đức Ái (1Cr 13). Theo đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật.
Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là; tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;
tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
tình yêu dung thứ, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;
tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực” (HĐGMVN, Thư gửi các Gia đình Công giáo, 8).
Một tình yêu cho đến cùng
Chúa Giêsu dạy và chỉ cho thấy không ai có tình yêu lớn hơn kẻ đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu: đây là phần khó chấp nhận nhất của tình yêu. Quả thật, ta quá gắn bó với mình, với cách nghĩ, những thói quen, cảm quan, sở thích của mình, … đến nỗi khó có thể từ bỏ mình được. Thế nhưng, hai người sẽ không trở thành một cặp đôi hoàn hảo cho tới khi nào cả hai biết chấp nhận chết đi cho cái gì đó nơi bản thân mình. Để làm được điều đó cần tạo một khoảng “chân không” nào đó trong con người của ta, bởi lẽ chừng nào “cái tôi” còn đầy ắp thì không có chỗ cho tha nhân trong ta! Hẳn là ta không bị buộc phải từ chối các giá trị hay những gì tốt đẹp giúp cho đời sống đôi lứa được thêm phong phú. Nếu người ta thấy rằng đòi hỏi ấy rốt cuộc tước đi nơi cá nhân hay đôi bạn một cái gì đó có thể giúp họ được phong phú thêm, thì khi ấy người ta phải trao đổi với nhau để cùng nhận biết cái gì là tốt hơn và cái gì là ích lợi hơn cho cả hai cùng thăng tiến. Chết đi cho chính mình và sống với và cho người khác là một chọn lựa quan trọng, đó là “biết nhân nhượng” cho dù có e sợ mình bị tha nhân lợi dụng.
Tình yêu phu thê và hôn nhân
“Trinh khiết và hôn nhân, là và phải là những cách thế khác nhau để yêu thương, vì con người không thể sống mà không có tình yêu” (Amoris Laetitia 161).
Cội rễ và sức mạnh để quyết định kết hôn nằm ở nơi tình yêu phu thê, tức là một tình yêu dành cho nhau và vô cầu, cho đến tận cùng. Kết hôn là mạnh dạn bước qua bậc thềm của một tình yêu phu thê như thế. Tình yêu ấy có thể được sống theo hai cách thức cơ bản: bậc độc thân khiết tịnh và bậc hôn nhân. Cả hai bậc sống này là những thể hiện cụ thể khác nhau của một sự thật sâu xa hơn của con người: con người là hữu thể được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Cả hai chọn lựa này (những ơn ban khác nhau và bổ túc cho nhau) hội tụ lại cùng diễn tả một mầu nhiệm hôn phối duy nhất, vừa phong nhiêu vừa mang ơn cứu độ, của Đức Kitô và Hội thánh. Là những cách thức biểu lộ và sống mầu nhiệm duy nhất của Giao ước của Thiên Chúa với Dân Người. Theo nghĩa đó, hôn nhân và trinh khiết không đối nghịch nhau.
Để sống chọn lựa tình yêu phu thê ấy như là một tình yêu hôn nhân, hai người bạn đính hôn cần phải quyết định trong sự tự do hướng tới một chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa ấy cũng là một chọn lựa công khai bởi vì hai người là hai giới tính khác biệt và vì thế, bởi bản tính tự nhiên, hướng tới tương quan, tức bình diện xã hội. Từ đó, ta có thể và phải nói rằng đôi bạn kinh nghiệm sức mạnh kết hợp của chính tình yêu khi, với tự do, họ quyết định kết hôn với nhau trong khế ước hôn nhân: một khế ước bao hàm một sự chuẩn bị dài lâu và đặt cơ sở trên sự tự do và tôn trọng lẫn nhau. Một điều quan trọng là hai người đính hôn phải tránh những hành vi gọi là “quan hệ trước hôn nhân”, mà một cách nào đó, chúng đã khiến hai người dấn sâu vào một mức độ thân mật đến nỗi không còn có thể thoái lui được nữa, điều vốn là một đặc tính của thời đính hôn!
Hôn nhân là một khế ước và là giao ước
Giáo luật mới không còn định nghĩa hôn nhân như là một “giao kèo” (hay “hợp đồng”) nữa, mà gọi đó là một “khế ước” hôn phối. Cách nói này giúp chúng ta vượt qua được quan niệm hôn nhân như một “hợp đồng” vốn nặng tính luật pháp hành chánh, và diễn tả theo ngôn ngữ Kitô giáo, liên hệ đến hình ảnh của Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người. Như thế chúng ta khám phá được căn tính đích thật của hôn nhân, đó là tình yêu phu thê, một tình yêu rất nhân bản, và lôi kéo mỗi người vào trong “toàn thể thống nhất” hồn và xác. Ở cội nguồn của mọi cuộc hôn nhân đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính Ngài là tác giả đã ghi khắc vào con tim mỗi người khả năng và trách nhiệm của tình yêu và hiệp thông. Khế ước hôn nhân trở thành một bản sao và một sự tham dự vào Giao ước thần linh: nội dung của khế ước này là tình yêu phu thê. Người nam và người nữ, khi ấy, không còn trao đổi với nhau các quyền lợi trên những thiện ích kinh tế, cũng không còn trao đổi nhau các “quyền trên thân xác” nữa; nhưng trao đổi với nhau “quyền” trên toàn thể con người của nhau như một ngôi vị, tức trên toàn thể các chiều kích cả về thể lý, lẫn tình cảm và tinh thần. Bởi thế, tình yêu này phải có các thuộc tính độc hữu (một nam một nữ), bất khả phân ly và mở ra với sự sống phong nhiêu. Tình yêu này có tính độc hữu vì con người tự hiến ấy là một thụ tạo giới hạn và được mời gọi trao hiến toàn thể con người mình: người ấy có thể yêu cách trọn vẹn chỉ một người và thực hiện mình cách viên mãn chính khi mở ra tự hiến hoàn toàn cho người bạn đời. Tình yêu phu thê có tính bất khả phân ly vì con người sống trong thời gian và không thể tự hiến hoàn toàn nếu không biết hiến trao chính mình cho người bạn đời trong suốt cuộc đời mình. Tình yêu phu thê phải mở ra với sự sống phong nhiêu vì con người còn đặc trưng bởi giới tính (là nam hay là nữ) và bởi sinh dục, và nhờ đó qua một gặp gỡ tính dục họ thực hiện chính mình và sẵn sàng đón nhận những sự sống mới.
Hôn nhân là một chọn lựa dứt khoát
Lời tuyên bố “ưng thuận” kết hôn hai người gửi trao cho nhau trong cử hành lễ cưới là nền tảng của khế ước hôn nhân. Đó là một hành vi thể hiện (hay hiện thể hóa) tình yêu phu thê. Ước nguyện đẹp nhất dành cho đôi vợ chồng là được thấy mỗi ngày tình yêu của họ tăng trưởng. Nhưng nếu như tình yêu ấy không còn tăng trưởng nữa, thì hôn nhân cũng ngưng lại: “sức khỏe”, sự “thịnh vượng” của hôn nhân sụt giảm. Quả thật, sức khỏe của tình yêu phu thê trước hết không phải là tình trạng kết quả thể lý, sức hấp dẫn tình dục, hay những tình cảm chan chứa…, nhưng là một hành vi của ý chí tự do, là một hành động thiêng liêng, mà hoàn cảnh bên ngoài không thể cung ứng được. Chọn lựa tự do không thể từ chối tình yêu một khi đã hứa còn vì lý do cấu trúc hôn nhân không chỉ phụ thuộc vào những người liên hệ, mà nối kết với thiện ích của chính các đôi bạn, vì nó gắn liền với ý muốn của Thiên Chúa, muốn hôn nhân là duy nhất và bất khả phân ly. Kinh nghiệm những khó khăn trong tình yêu đòi hỏi ta phải tự mình nỗ lực với sự trợ giúp của ân sủng của Chúa làm sống động lại tình yêu một khi nó suy yếu hay xem ra như chết đi.
Tình yêu và sự tha thứ
Trong cuộc sống hằng ngày khi một người khám phá mình yêu quý một ai đó, thì người ấy dấn thân cho tương lai. Nhưng trong con người mang dấu ấn tội lỗi như chúng ta, luôn luôn chực sẵn cám dỗ muốn khép kín mình lại và ta cũng kinh nghiệm tình yêu đòi hỏi một sự dấn thân: nó có thể đem lại niềm vui thỏa mà cũng có thể cho kinh nghiệm thương đau. Điều quan trọng là làm thế nào vượt qua được sự tính toán so đo trên những gì mình hiến dâng và những gì nhận lãnh, dựa theo mẫu gương của Chúa yêu thương vô điều kiện và chứng tỏ chúng ta có khả năng làm được như thế. “Kết hôn trong Chúa” có nghĩa là chúng ta có thể yêu cả khi bị mất mát mà không đánh mất chính mình. Làm cho tình yêu Thiên Chúa sống động trở lại có nghĩa là chúng ta phải luôn tha thứ. Không thể tha thứ và không thể làm cái “mãi mãi” được tái sinh liên tục, tình yêu sẽ không thể tồn tại.
“Điều này giả thiết chính chúng ta đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa cách vô điều kiện bởi ân sủng của Ngài chứ không bởi công trạng của chúng ta. Chúng ta đã đạt đến kinh nghiệm của một tình yêu đi bước trước mọi việc làm của mình, một tình yêu luôn luôn mang đến cho ta những cơ hội mới, một tình yêu thúc đẩy và khích lệ” (Amoris Laetitia 108).
Thảo luận theo nhóm:
– Chúng ta phản ứng tức thời như thế nào khi nghe trình bày những điều đó?
– Anh chị nghĩ gì về một tình yêu của hai người dành cho nhau, vô điều kiện và đi đến mức hiến dâng tất cả cho nhau?
– Đâu là những khác biệt về cuộc sống của một đôi vợ chồng so với các kiểu sống kết hợp khác, như sống chung hoặc kết hợp trong thực tế?
– Các quan hệ trước hôn nhân, dưới ánh sáng của những gì chúng ta vừa nói, có ý nghĩa gì không?
– Theo anh chị những khó khăn nào có thể gặp hằng ngày trong cuộc sống hôn nhân duy nhất, trung tín, bất khả phân ly và mở ra với sự sống phong nhiêu?
Văn phòng HĐGMVN
(WHĐ 30.12.2016)
>> Tâm Thư gửi các gia đình Công giáo của HĐGM Việt Nam
>> Gợi ý mục vụ năm 2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
>> Giới thiệu Logo chính thức cho Năm Mục vụ Gia đình 2017
>> Năm Mục vụ Gia đình 2017 – Gặp gỡ I: Chúng ta yêu nhau