(CN Lễ Lá – năm C – Lc 19,28-40)
“Con lừa … các anh cởi dây ra và dắt nó đi … Chúa có việc cần dùng” (Lc 19,30-31).
Mượn là việc yêu cầu và nhận được tiền hay đồ vật để sử dụng tạm, do lòng ưu ái thân thiết.
Các tín hữu cần đáp lại những yêu cầu cho vay mượn: “Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42; x. Ðnl 15,7-11; Lc 6,35; 11,5-8).
Thiên Chúa chúc phúc cho Israel không cần vay mượn: “Anh em sẽ cho nhiều dân tộc vay mượn, còn chính anh em sẽ không phải vay mượn” (Ðnl 28,12; x. Ðnl 15,6).
Các trách nhiệm của những người cho vay mượn:
– Phải trả lại: “Kẻ gian ác vay mà không trả” (Tv 37,21) “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8).
– Bồi thường: “Khi có ai mượn người thân cận một con vật và để con vật bị thương hoặc chết trong khi chủ vắng mặt, thì người mượn phải bồi thường …” (Xh 22,14-15; x. 2V 6,5-7).
Chuyện vay mượn có thể đưa tới nợ nần lệ thuộc: “Người giàu thì thống trị kẻ nghèo, người đi vay làm tôi cho chủ nợ” (Cn 22,7; x. Mt 18,23-25).
Sự an toàn trong chuyện vay mượn:
– Những cảnh báo chống lại việc vay mượn: “Ai bảo lãnh người lạ sẽ chuốc họa vào thân, kẻ ghét chuyện giao kèo được bình yên vô sự” (Cn 11,15; x. Cn 6,1-5; 17,18; 22,26-27).
– Nên đòi hỏi sự an toàn: “Người nào dám bảo lãnh cho người không quen, phải giữ lấy áo của người đó; người nào muốn bảo đảm cho phụ nữ xa lạ, phải đòi người đó vật thế chân” (Cn 20,16; 27,13)
– Vật thế chấp phải chính đáng: “Không được giữ cối xay bột làm đồ cầm, dù chỉ một nửa trên, vì như thế là giữ chính mạng người làm đồ cầm” (Ðnl 24,6; x. G 22,6; Nkm 5,3-13).
Chúa Giêsu Kitô đã muốn mượn:
– Mượn lừa để long trọng vào Giêrusalem (Mt 21,1-3 // Mc 11,1-3 // Lc 19,30-31)
– Mượn nhà để ăn Lễ Vượt Qua (Mt 26,17-19 // Mc 14,12-16 // Lc 22,10-12).
– Mượn thuyền của ông Simon, để giảng dạy (Lc 5,3).
Các ví dụ vay mượn khác: dân Israel mượn đồ đạc của cải người hàng xóm trước khi xuất khỏi Ai Cập (Xh 3,21-22; 11,2-3; 12,35-36). Elisa bảo bà góa mượn các bình rỗng, đã có phép lạ để các bình đầy dầu và bà dùng để trả nợ (2V 4,3). Những khó khăn dưới thời ông Nơkhêmia, khiến có những người phải cầm ruộng đất, vườn nho, nhà cửa để có lúa gạo trong thời đói kém (Nkm 5,3).
LM. Phaolô Phạm Quốc Tuý – GP Phú Cường