Mười lầm lẫn trong các luận điểm bênh vực hôn nhân đồng tính

Gay Marriage - Mười lầm lẫn trong các luận điểm bênh vực hôn nhân đồng tính

Nhưng bên dưới những cuồng nhiệt và lời lẽ nẩy lửa, vẫn có những luận điểm đáng được ta đánh giá. Trong bài này, ta sẽ đề cập tới 10 luận điểm thường được đưa ra nhiều nhất để bênh vực cho loại hôn nhân này. Nhiều luận điểm trong số này đã trở thành quen thuộc. Bằng cách chỉ ra các khuyết điểm của chúng, ta sẽ chứng minh rằng chúng không có mấy giá trị.

Tuy nhiên, trước khi khởi sự, ta nên lưu ý một số vấn đề sau đây. Thứ nhất, bài này liên quan tới cuộc hôn nhân dân sự, tức cuộc hôn nhân được nhà nước ấn định và cổ vũ. Nó không bàn tới cuộc hôn nhân bí tích của Giáo Hội, dù hai cuộc hôn nhân này thường vẫn trùng lắp lên nhau. Thứ hai, các câu trả lời cho các luận điểm này không có tính tôn giáo. Chúng không dựa vào bất cứ bản văn thánh hay mạc khải thần linh nào. Chúng chỉ đựa vào lý trí, triết học, sinh học và lịch sử. Thứ ba, bài này chỉ nhằm bác bỏ các luận điểm ủng hộ cuộc hôn nhân đồng tính mà thôi. Nó không nói tới rất nhiều luận điểm tích cực vốn bênh vực cho hôn nhân truyền thống. Vả lại, đây không phải là một cuộc tấn công nhắm vào những người có xu hướng đồng tính. Mọi người đều được đối xử xứng với phẩm giá và lòng tôn trọng, bất luận xu hướng tính dục của mình. Bài này, vì vậy, là một cái nhìn thuần lý xem hôn nhân dân sự, một định chế đụng đến mọi con người và mọi nền văn hóa, có nên được tái định nghĩa hay không?

1. Hôn nhân từng biến hóa suốt trong lịch sử, thì giờ đây nó có thể thay đổi một lần nữa

Các nền văn hóa khác nhau đã xử lý hôn nhân cách khác nhau. Một số nền văn hóa cổ vũ lối hôn nhân sắp xếp. Một số khác liên kết hôn nhân với của hồi môn. Lại không thiếu những nền văn hóa coi hôn nhân như mối liên hệ chính trị qua đó các gia đình kết hợp thành các liên minh.

Nhưng tất cả các biến hóa ấy đều vẫn ủng hộ yếu tính nền tảng và bất biến của hôn nhân. Một cách tổng quát, chúng vẫn coi hôn nhân là một tương ước công khai, suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà nhằm sinh sản và dưỡng dục con cái.

Cái hiểu trên đi trước bất cứ chính phủ và tôn giáo nào. Nó là một định chế tiền chính trị, tiền tôn giáo, hiển nhiên trong cả các nền văn hóa không có luật lệ hay tôn giáo nào để cổ vũ.

Ấy thế nhưng, cứ giả dụ là ngay yếu tính của hôn nhân cũng có thể thay đổi đi chăng nữa, thử hỏi ta có nên thay đổi nó hay không? Từ các phạm vi khác của sự sống như các ngành nghiên cứu y khoa hay vật lý nguyên tử, ta biết rằng chỉ vì ta có thể làm một điều gì đó đâu có nghĩa là ta phải làm điều đó. Vì dù sao, làm như thế đâu có hợp đạo đức hay phục vụ ích chung. Dù luận điểm này có giá trị lịch sử đi chăng nữa, nó đâu có nhất thiết đủ lý do để ta phải thay đổi ý nghĩa của hôn nhân.

2. Hôn nhân đồng tính chủ yếu là vấn đề bình đẳng

Luận điểm này rất mạnh về phương diện xúc cảm vì tất cả chúng ta đều có khát mong sâu xa và bẩm sinh đối với công bằng và bình đẳng. Hơn nữa, lịch sử đã cho ta thấy muôn vàn thất bại trong lãnh vực này, trong đó, có việc phụ nữ không được đầu phiếu và người Mỹ Da Đen không được hưởng các quyền dân sự như những người khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu những cặp đồng tính có bị từ khước quyền bình đẳng chỉ vì họ không được phép cưới nhau hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, trước nhất ta phải hiểu thế nào là bình đẳng. Bình đẳng không có nghĩa là như nhau (equivalence), không có nghĩa là phải đối xử với mọi người hay mọi nhóm cùng một cách y hệt như nhau. Xin đơn cử một thí dụ, đàn ông và đàn bà đều có quyền bình đẳng, nhưng vì khác nhau một cách có ý nghĩa, nên họ cần có các nhà vệ sinh riêng biệt nhau. Bình đẳng có nghĩa là phải đối xử với những sự vật tương tự như nhau một cách tương tự như nhau, chứ không đối xử một cách tương tự như nhau những sự vật khác nhau trong căn bản.

Thứ hai, có hai vấn đề cần lưu ý ở đây: sự bình đẳng của những người khác nhau và sự bình đẳng của những mối liên hệ khác nhau. Các luật lệ hiện nay về hôn nhân vốn đối xử với mọi người một cách bình đẳng. Bất cứ người đàn ông chưa vợ và người đàn bà chưa chồng nào cũng đều được kết hôn với nhau, bất luận xu hướng tính dục của họ; luật pháp hoàn toàn trung lập đối với xu hướng cũng như đối với nòi giống và tôn giáo vậy.

Vấn đề thực sự là liệu các liên hệ đồng tính có khác với các liên hệ dị tính một cách đáng kể hay không, thì xin thưa là có. Sự khác nhau lớn nhất là các cặp đồng tính không thể sinh sản con cái, cũng không đảm bảo quyền của đứa trẻ được dưỡng dục bởi cả cha lẫn mẹ. Chỉ những sự kiện này mà thôi cũng cho thấy ta đang nói tới hai loại liên hệ rất khác nhau rồi. Do đó, quả là sai lầm khi cho rằng nhà nước nhất thiết phải đối xử với chúng như thể chúng y hệt như nhau.

Những người bênh vực hôn nhân đồng tính có thể lý giải rằng coi trọng các cặp dị tính hơn các cặp đồng tính là một hành vi kỳ thị. Vì những lợi ích phát sinh từ hôn nhân, điều này đã thiên vị loại hôn nhân dị tính hơn liên hệ hôn nhân đồng tính một cách bất công. Nhưng nếu nhà nước nhìn nhận hôn nhân đồng tính, thì họ lại thiên vị loại hôn nhân đồng tính hơn loại hôn nhân dị tính. Luận điểm vì thế cứ thế cứ chạy lòng vòng, khiến rơi vào chổ tự hủy chính mình.

3. Mọi người đều có quyền cưới người mình yêu

Dù nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng ít ai thực sự tin câu tuyên truyền này. Phần lớn chúng ta công nhận ít nhất phải có một số giới hạn đối với hôn nhân dựa trên lý do xã hội hay y tế. Thí dụ, không thể lấy một đứa trẻ hay một người họ hàng gần. Và nếu ai đó cùng yêu hai người đàn bà khác nhau, thì chẳng có luật pháp nào cho phép anh ta cưới cả hai một cách hợp lệ, dù cả hai người đàn bà này cùng thoả thuận để anh ta làm như thế.

Nên, vấn đề thực sự ở đây không phải là liệu có nên giới hạn hôn nhân hay không mà là nên giới hạn nó ra sao. Để trả lời câu hỏi này, ta phải xác định lý do tại sao chính phủ lại phải bận tâm tới việc hôn nhân. Không phải là để chứng thực cho hai kẻ yêu nhau, dù điều đó tốt đẹp đến đâu. Mà là vì hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà chắc chắn sẽ đem lại một gia đình với những đứa con. Vì chính phủ hết sức quan tâm đến việc nhân giống và ổn định xã hội, nên họ cổ vũ và ra qui định cho loại liên hệ đặc thù này chứ không phải các loại liên hệ khác.

Nói một cách đơn giản, dưới mắt nhà nước, hôn nhân không hẳn là về người lớn; mà là về trẻ thơ. Đòi “quyền cưới bất cứ người nào tôi yêu” là bỏ qua điểm nhấn thực sự của hôn nhân. Nên để ý điểm này: không ai có quyền nói với ai rằng họ được yêu người này, không được yêu người kia. Vì mọi người, bất luận xu hướng tính dục, đều được tự do muốn đi vào mối liên hệ tình cảm tư riêng với bất cứ ai họ muốn. Nhưng họ không có quyền tổng quát đòi chính phủ phải công nhận bất cứ loại liên hệ nào như là hôn nhân.

4. Hôn nhân đồng tính đâu có tác động gì đến bạn, việc gì mà rối cả lên thế?

Vì hôn nhân là một liên hệ giữa hai cá nhân, nên đâu có tác động gì tới mọi người khác? Thoạt nhìn, có vẻ như thế. Nhưng nhìn kỹ thì không phải: vì hôn nhân là một định chế công cộng, tái định nghĩa nó sẽ tác động đến mọi người trong xã hội.

Trước nhất, nó sẽ làm hôn nhân ra suy yếu. Sau khi hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa ở Tây Ban Nha năm 2005, tỷ lệ hôn nhân giảm sút thê thảm. Điều này cũng xẩy ra cho Hòa Lan. Tái định nghĩa hôn nhân sẽ làm lu mờ ý nghĩa và mục đích của nó, do đó, khuyến khích mọi người coi thường nó.

Thứ hai, điều ấy cũng ảnh hưởng tới việc giáo dục và bổn phận làm cha mẹ. Sau khi hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa ở Ga Nã Đại, Hội Đồng Học Đường Toronto đã cho thi hành một học trình để cổ vũ đồng tính luyến ái và bác bỏ “chủ thuyết dị tính”. Họ cũng xuất bản các bích chương tựa là “Tình Yêu Không Biết Tới Phái Tính” (Love Knows No Gender) để tuyên truyền rằng các liên hệ đồng tính và dị tính đều như nhau đối với hôn nhân. Bất chấp các chống đối của phụ huynh, Hội Đồng vẫn qui định rằng họ không có quyền di chuyển con em họ ra khỏi các lớp dạy những chuyện vừa kể. Sự kiện đó và các sự kiện tương tự cho thấy điều này: khi hôn nhân bị tái định nghĩa, định nghĩa mới sẽ được áp đặt lên trẻ em, bất chấp ý muốn của phụ huynh các em.

Thứ ba, tái định nghĩa hôn nhân sẽ đe dọa tự do luân lý và tôn giáo. Điều này nay đã hiển nhiên ngay tại Hoa Kỳ. Tại Massachusetts và Washington D.C., chẳng hạn, các Cơ Quan Bác Ái Công Giáo không còn được điều hành các dịch vụ nhận con nuôi nữa vì các định nghĩa mới về hôn nhân. Ở những nơi khác, như Gia Nã Đại, Đức Cha Frederick Henry đang bị Ủy Ban Nhân Quyền Alberta điều tra vì đã giải thích giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về đồng tính luyến ái trong một cột báo. Các thí dụ như thế cho thấy việc tái định nghĩa hôn nhân đã đe doạ tự do tôn giáo ra sao.

5. Hôn nhân đồng tính sẽ không dẫn tới các tái định nghĩa khác

Khi hôn nhân xoay quanh việc sinh sản, điều hữu lý là giới hạn nó vào một người đàn ông và một người đàn bà. Đây là liên hệ duy nhất có khả năng sinh sản con cái. Nhưng nếu ta tái định nghĩa hôn nhân, coi nó chỉ còn là sự kết hợp yêu thương và thơ mộng giữa hai người trưởng thành cam kết với nhau, thì ta còn lý lẽ hợp nguyên tắc nào nữa để bác bỏ, không coi các liên hệ đa hôn hay đa ái (polyamorous), nghĩa là giữa nhiều người, là hôn nhân?

Thomas Peters, giám đốc văn hóa tại Cơ Quan Hôn Nhân Quốc Gia, không thấy có lý lẽ nào cả. Ông viết: “Một khi bạn đã cắt lìa định chế hôn nhân khỏi gốc rễ sinh học của nó, thì chả còn bao nhiêu lý lẽ để chặn đứng việc tái định nghĩa nó cho phù hợp với đòi hỏi của các nhóm quyền lợi khác nhau”.

Đó không phải chỉ là chuyện doạ nạt kiểu ngáo ộp hay một thứ giả thuyết khiến người ta sợ sệt. Các hiệu qủa phụ này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia vốn hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Thí dụ, tại Ba Tây và Hoà Lan, các liên hệ ba chiều gần đây đã được ban cấp tư cách hôn nhân đầy đủ. Sau khi hôn nhân bị tái định nghĩa ở Gia Nã Đại, một người đàn ông đa thê đã phát động một chiến dịch đòi luật pháp thừa nhận các mối liên hệ của anh ta. Ngay ở Hoa Kỳ, Lập Pháp California cũng đã thông qua một dự luật để hợp pháp hóa các gia đình gồm tới ba hay bốn cha mẹ.

Sinh sản là lý do chính đòi hôn nhân dân sự phải được giới hạn giữa hai người. Khi tình yêu tính dục thay thế cho con cái làm mục đích chính của hôn nhân, thì việc giới hạn như thế đâu còn nghĩa lý gì nữa.

6. Nếu các cặp đồng tính không thể cưới nhau vì họ không thể sinh sản con cái, thì tại sao các cặp vô sinh (infertile) lại cưới nhau được?

Luận điểm này liên quan đến hai tình thế tương đối hiếm hoi: các cặp vô sinh trẻ và các cặp lớn tuổi. Nếu hôn nhân là để có con, thì tại sao nhà nước lại cho phép những cặp đầu cưới nhau? Lý do là trong khi ta biết chắc mọi cặp đồng tính đều không thể có con, thì thường là ta không biết điều đó đối với các cặp dị tính. Một số người đề nghị buộc mọi cặp đính hôn phải qua một cuộc thử nghiệm về khả năng sinh sản trước khi kết hôn. Nhưng điều này rõ ràng quá đáng. Ngoài việc tốn phí đến chịu không nổi, nó còn là một xâm phạm thô bạo vào đời sống riêng tư, mà lại chỉ để khám phá ra một số cực kỳ nhỏ các cặp không thể sinh con.

Một vấn đề nữa là việc vô sinh thường hay bị chẩn đoán sai. Các cặp vô sinh vì thế rất có thể bị từ khước một cách oan uổng không được cưới nhau trong những hoàn cảnh này. Điều này không thể xẩy ra với các cặp đồng tính, là những người đơn thuần không thể sinh sản con cái với nhau.

Nhưng tại sao chính phủ lại cho phép các cặp cao niên cưới nhau? Đúng là phần đông các cặp cao niên không thể sinh sản con cái (dù có những người đàn bà 70 tuổi đã từng sinh con). Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân này hiếm đến độ không đáng để xã hội ngăn cản. Mặt khác, các cuộc hôn nhân cao niên vẫn đảm bảo được sự kết hợp thích đáng giữa nam và nữ cần thiết cho việc sinh sản con cái. Nhờ thế, họ vẫn làm gương cho các người khác trong xã hội, và vẫn có khả năng cung cấp cho trẻ em mái ấm gia đình gồm cả cha lẫn mẹ.

7. Con cái sẽ không bị ảnh hưởng vì không có khác biệt nào giữa các cha mẹ đồng tính và các cha mẹ dị tính.

Luận điểm này trở thành nổi tiếng vào năm 2005 khi Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ (American Psychological Association, viết tắt là APA) tuyên bố rằng “Không một cuộc nghiên cứu nào đã cho thấy con cái của những cha mẹ đồng tính bị thiệt thòi một cách đáng kể so với con cái của những cha mẹ dị tính”.

Tuy nhiên, một vài cuộc nghiên cứu gần đây đã bác bỏ nhận định trên. Tháng Sáu vừa qua, học giả Loren Marks có công bố một bài báo trên tờ Social Science Research. Bài này khảo sát 59 cuộc nghiên cứu mà APA đã dựa vào để đưa ra nhận định của họ. Marks khám phá ra rằng không một cuộc nghiên cứu nào trong số ấy đã sử dụng một mẫu nghiên cứu sâu rộng, ngẫu nhiên(at random) và đại biểu đủ gồm các cha mẹ và con cái các cặp đồng tính. Một số cuộc nghiên cứu đã sử dụng những mẫu nhỏ cho thuận tiện, chỉ tuyển dụng các tham dự viên qua quảng cáo hay lời mời miệng, nhiều cuộc nghiên cứu còn không có cả nhóm kiểm soát. Đàng khác, các cuộc nghiên cứu này không theo dõi các trẻ em trong một thời gian dài, mà phần lớn chỉ dựa vào các cuộc phỏng vấn với cha mẹ về việc dưỡng dục chính con cái mình, một hình thức hầu như chắc chắn sẽ đem lại các kết quả thiên vị.

Một tháng sau, Mark Regnerus, nhà xã hội học người Texas, đã công bố một cuộc nghiên cứu sâu rộng, tựa là “Các con cái trưởng thành của các cha mẹ trong các liên hệ đồng tính khác biệt ra sao?”. Cuộc nghiên cứu của ông sử dụng một mẫu khá lớn, lại ngẫu nhiên và có tính toàn quốc nữa, và phạm vi của nó là độc nhất vô nhị xưa nay trong lãnh vực này. Trái với APA, Regnerus thấy rằng: đối với đại đa số các trường hợp, con cái của các cha mẹ đồng tính có thành tích kém hẳn các con cái của các cha mẹ dị tính.

Ông thêm ngay rằng: cuộc nghiên cứu của ông không nhất thiết cho thấy các cặp đồng tính là các cha mẹ tồi, nhưng nó dứt khoát bác bỏ chủ trương cho rằng không có khác biệt nào giữa các cha mẹ đồng tính và cha mẹ dị tính đối với việc dưỡng dục con cái.

8. Chống đối hôn nhân đồng tính là cuồng tín, kỳ thị và thù ghét có tính tôn giáo

Những lời tố cáo trên không hẳn là một luận điểm bênh vực cho hôn nhân đồng tính cho bằng là các cuộc tấn công nhắm vào người, nhằm đóng cửa mọi đối thoại. Ta hãy xét từng lời tố cáo một.

Thứ nhất là cuồng tín. Chỉ cần vào qua Facebook, Twitter hay bất cứ bình luận trực tuyến nào ta cũng đều thấy: đối với nhiều người, ủng hộ hôn nhân truyền thống chỉ là chuyện cuồng tín. Điều này cũng đúng cả ở bên ngoài trực tuyến nữa. Tháng Mười Một vừa qua, Đức HY Keith O’Brien của Tô Cách Lan đã bị các nhóm đồng tính dán cho nhãn hiệu “Người Cuồng Tín Trong Năm” chỉ vì đã công khai chống đối hôn nhân đồng tính. Thử hỏi một tố cáo như thế có chính xác hay không? Thưa, cuồng tín vốn được định nghĩa là việc “không muốn khoan dung đối với các ý kiến khác với ý kiến của mình”. Tuy nhiên, khoan dung đối với các ý kiến không buộc người ta phải chấp nhận chúng bằng luật lệ. Người ta có thể khoan dung đối với những người bênh vực hôn nhân đồng tính, trong khi vẫn bác bỏ cuộc hôn nhân kiểu này vì các lý do đầy thuyết phục.

Thứ hai, kỳ thị đồng tính. Điều này có ý nói tới việc sợ đồng tính luyến ái, và giả thuyết cho rằng sở dĩ người ta chống đối hôn nhân đồng tính là vì họ sợ một cách vô lý. Nhưng như bài này đã chứng tỏ: người ta có nhiều lý do tốt để chống đối hôn nhân đồng tính mà không liên can gì tới sợ hãi cả. Dán cho ai nhãn hiệu “kỳ thị đồng tính” đã trở thành chiến thuật kết thúc cuộc tranh luận hữu lý.

Thứ ba, thù ghét đồng tính vì lý do tôn giáo. Một số người bất đồng đối với cuộc hôn nhân đồng tính hoàn toàn vì các lý do tôn giáo. Nhưng, một lần nữa, bài này đã chứng minh rằng người ta có thể bất đồng vì nhiều lý do khác nữa mà không cần phải nại tới Thánh Kinh, mặc khải thần linh hay thẩm quyền tôn giáo. Bạn không cần giáo huấn tôn giáo mới hiểu, phân tích và thảo luận mục đích của hôn nhân hay các tác dụng của nó đối với ích chung.

Nếu tất cả các lời tố cáo trên đều đúng, chẳng hóa ra đại đa số người ta ở mọi thời đại, những người nói chung vẫn ủng hộ kiểu hôn nhân truyền thống, đều là kỳ thị đồng tính, đều là những người cuồng tín bất khoan dung cả hay sao? Kể cả những tư tưởng gia sâu sắc nhất thuộc nhiều truyền thống khác nhau: Socrates, Plato, Aristotle, Musorius Rufus, Xenophanes, Plutarch, Thánh Tôma Aquinô, Immanuel Kant và cả Mahatma Gandhi. Không ai lại không bác bỏ sự phi lý ấy.

9. Cuộc đấu tranh cho hôn nhân đồng tính cũng giống như phong trào dân quyền của thập niên 1960

Ở đây người ta muốn nói: tính dục cũng như sắc tộc, và do đó, từ chối hôn nhân vì một trong hai lý do đó đều sai lầm như nhau. Tuy nhiên, vấn đề là: hôn nhân giữa các sắc dân và hôn nhân đồng tính là hai việc hết sức khác nhau.

Thí dụ, không có gì ngăn cản các cặp liên sắc dân chu toàn được yếu tính của hôn nhân: nó quả là một liên hệ công khai, kéo dài suốt đời nhằm sinh sản con cái. Chính vì vậy, các đạo luật kỳ thị sắc tộc của thập niên 1960 hoàn toàn lầm lẫn khi kỳ thị chống lại các cặp liên sắc dân. Còn các cặp đồng tính, vì về phương diện sinh học, họ không thể sinh sản con cái, thì làm sao thỏa mãn được đòi hỏi căn bản của hôn nhân.

Điều quan trọng cần ghi nhận là: người Mỹ gốc Châu Phi, những người có những hoài niệm phũ phàng nhất về việc bị kỳ thị về hôn nhân, nói chung không cho rằng ngăn cản các cuộc hôn nhân liên sắc tộc cũng tương đương như ngăn cản các cuộc hôn nhân đồng tính. Thí dụ, khi người dân California bỏ phiếu về Đề Án số 8 (Proposition 8), tức tu chính án của tiểu bang nhằm định nghĩa hôn nhân là cuộc phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, thì đến 70 phần trăm người Mỹ gốc Châu Phi đã bỏ phiếu thuận. Theo Peters, “Ví hôn nhân đồng tính như hôn nhân liên sắc tộc là điều kỳ dị và có tính xúc phạm tới phần đông người Mỹ gốc Châu Phi, những người rất ngỡ ngàng trước việc so sánh đó”.

10. Hôn nhân đồng tính là việc không thể tránh được, nên ta phải đứng bên lề phải của lịch sử mà thôi

Ngày 6 tháng 11 vừa qua, Maine, Maryland và Washington đã bỏ phiếu chống lại cuộc hôn nhân theo cái hiểu của truyền thống xưa nay. Tại Minnesota, các cử tri đã bác bỏ biện pháp nhằm tu chính hiến pháp của tiểu bang nhằm định nghĩa hôn nhân như là sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nhiều người cổ vũ hôn nhân đồng tính coi đó như dấu hiệu cho thấy hôn nhân đang xoay chiều. Nhưng điều ấy có hẳn đúng hay không? Và nếu đúng, thì điều đó tác dụng ra sao đối với cuộc hôn nhân đồng tính?

Trước nhất, nếu sóng đã xoay chiều thực sự, thì nó cũng chỉ mới hơn một lăn tăn là cùng. Các tiểu bang từng bỏ phiếu vào tháng 11 năm ngoái để tái định nghĩa hôn nhân chỉ đạt được một đa số khá mỏng manh, không hơn 53 phần trăm số phiếu. Họ chỉ nắm được một chiến thắng nhỏ nhoi như thế nhờ một ngân sách khổng lồ, nhờ các thống đốc dồn toàn lực vào chiến dịch vận động và nhờ giới truyền thông hết lòng hỗ trợ.

Trước 4 cuộc đầu phiếu này, 32 tiểu bang khác đã bỏ phiếu về việc định nghĩa hôn nhân. Tất cả đều đã tái xác nhận hôn nhân như việc phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Trong số 6 tiểu bang từng thừa nhận hôn nhân đồng tính trước cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm rồi, không một tiểu bang nào đã đưa ra quyết định đó dựa vào cuộc đầu phiếu của dân. Tất cả việc tái định nghĩa hôn nhân đều đã được cơ quan lập pháp và các tòa án tiểu bang áp đặt. Xét chung, người Mỹ vẫn còn mạnh mẽ ủng hộ hôn nhân truyền thống. Phần lớn các cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần 2 phần 3 quốc gia muốn duy trì hôn nhân như hiện nay.

Mà dù cho sóng có xoay chiều như mới đây, điều ấy vẫn không làm cho luận điểm ủng hộ hôn nhân đồng tính trở nên nhiều thuyết phục hơn. Ta không thể nhìn các vấn đề luân lý khác mà bảo: “rồi, sau cùng, thế nào người ta cũng phải thừa nhận nó, nên tốt hơn ta nên xếp hàng ủng hộ nó”. Ta cũng không thể làm thế đối với cuộc hôn nhân đồng tính.

Viết theo Brandon Vogt, một nhà văn và diễn giả Công Giáo, tác giả khảo luận “The Church and New Media: Blogging Converts, Online Activists, and Bishops Who Tweet”. Our Sunday Visitor Newsweekly, 13/1/2013


Vũ Văn An

Exit mobile version