Mùa tựu trường hay mùa chạy trường?

Áng văn tuyệt tác đầy gợi cảm, đầy thi vị của tác giả Thanh Tịnh như gợi lại bao kỷ niệm êm đềm, thơ mộng của ngày đầu tiên đi học trong tâm hồn bao thế hệ người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong thập niên gần đây tại Việt Nam, người ta không còn có thời gian ngắm lá mùa Thu và mây bàng bạc vào mùa tựu trường nữa vì mùa tựu trường đã biến thành mùa “ chạy trường”.

Với quyết tâm nhất định phải cho con của mình học trường tốt nhất, và cũng để khẳng định “ đẳng cấp” của mình trong xã hội, nhiều bậc phụ huynh đã đối phó với quy định “trường tiểu học không được nhận học sinh lớp 1 trái tuyến ngoài quận huyện” của Sở GD-ĐT bằng nhiều cách thức. “Dường như việc chạy trường, chạy lớp đã trở nên quá phổ biến đối với các bậc phụ huynh. Chỉ cần search từ khóa trên Google như “kinh nghiệm chạy trường trái tuyến”, “xin học trái tuyến”… sẽ có không ít các diễn đàn bàn về chủ đề nóng này. Nhiều phụ huynh còn hỏi thẳng thừng: “Có mẹ nào xin được trái tuyến các trường T.T, K.T, C.L, T.CB… cho biết luôn giá “chạy”. Khu vực được mọi người quan tâm lâu nay vẫn thuộc về những trường được đánh giá là trường điểm. Thậm chí, trên một diễn đàn, có bà mẹ còn mách nước: “Mình chạy cho con hết xxx tiền. Mình xông thẳng vào phòng hiệu trưởng, nói khéo với cô, tâng bốc trường để lấy lòng và tỏ ra mong muốn xin cho con đi học. Sau đó bỏ trước phong bì khoảng 2 triệu dưới đống giấy tờ. Khi cô đưa tờ khai đồng ý rồi hẹn hôm sau gặp, lúc đó mình nhét nốt phong bì còn lại cảm ơn cô”. ( Báo Mới.com –Méo mặt với cuộc đua “ chạy trường “ cho con . Ngày 13/05/2015 ).

Một số trường điểm tại Hà Nội cũng phải áp dụng giải pháp “bình bầu tiêu chuẩn”, theo đó lãnh đạo nhà trường sẽ được quyền có một số suất “ngoại giao”, xếp sau là tổ trưởng chuyên môn, GV dạy giỏi… Cấp trường là thế, bên trên còn có cấp phòng, cấp sở, cấp trung ương, danh sách “ngoại giao” được chuyển đến từ những người có uy tín ở những lĩnh vực mà ngành GD-ĐT, các trường không thể bỏ qua – mỗi cấp một danh sách. Những danh sách xin trái tuyến thể hiện sự đan xen các mối quan hệ chằng chịt khiến việc “chạy trường” khó giải quyết dứt điểm. Những cơ chế “ bình bầu tiêu chuẩn “ và “ ngoại giao” mang tính ưu tiên như thế chẳng khác nào tạo điều kiện cho những phi vụ làm ăn gian dối một cách hợp pháp được ngang nhiên tồn tại nơi những người tổ chức công tác “ trồng người”. Không hiểu những người làm công tác giáo dục-đào tạo nghĩ gì khi mặc nhiên chấp nhận tồn tại trong ngành giáo dục những hiện tượng phản giáo dục như thế ? Ngay cả những người mang trọng trách giáo dục thế hệ trẻ mà đã làm ngược với tiếng lương tâm, không tôn trọng sự thật thì làm sao có thể huấn luyện cho học trò của mình biết sống theo lương tâm, biết suy nghĩ và hành động theo sự thật ? Những hiện tượng trên có thể giải thích được nguyên nhân vì sao giáo dục ở Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, vì sao tiêu cực và gian lận đang hiện diện trong mọi ngõ ngách của xã hội ?

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Khuyến Học và Dân Trí, giáo sư Toán học Hoàng Tuỵ đã phát biểu: “ Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tôc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Tôi không nói ở đây sự giả dối nhiều hơn ở lĩnh vực khác nhưng cũng không nói là ít hơn. Bản chất của giáo dục là trung thực và sáng tạo.” Nhưng trung thực thế nào được khi ngay từ lúc chập chững bước chân vào trường các em học sinh lớp Một đã chứng kiến cảnh “ chạy trường” của các bậc phụ huynh qua bao con đường vòng vèo, với những bì thư lót tay gởi gắm to nhỏ ? Không hiểu mục tiêu giáo dục của thầy cô, cha mẹ, của xã hội dành cho đứa trẻ là gì ? Thành danh hay thành nhân ? Trong hai mục tiêu này, thành nhân phải là mục tiêu chính của phần lớn công tác giáo dục của xã hội. Nếu vào một trường bề thế, danh tiếng để được đào tạo thành những học sinh hồng chuyên , mà bài học đầu đời các em phải chứng kiến đó là cảnh lo lót tiêu cực của những người lớn, liệu chúng ta có hy vọng các em sẽ thành nhân trước khi thành tài theo đường lối của một nền giáo dục đúng đắn hay không?

Lo cho con em mình được học tại một trường có chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, bởi ai cũng muốn đầu tư cho con cái được học hành trong môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, kiểu “ chạy trường” của chúng ta hiện nay quả là rất “ đặc trưng” ở xã hội Việt Nam. Dĩ nhiên là ở đâu cũng có những trường danh tiếng và những trường thường thường bậc trung. Và để có thể được học ở những trường tốt như thế, học sinh phải chấp nhận trải qua một cuộc thi, nghĩa là đầu vào được chọn lựa dựa trên thực lực học tập của đứa trẻ chứ không phải là khả năng tài chính của phụ huynh. Chạy trường như ở Việt Nam hiện nay là một cuộc đua về tài lực giữa các phụ huynh,vì thế các học sinh vào những trường điểm cũng chưa hẳn là những học sinh ưu tú, chuyên chăm.

Cũng không thể hoàn toàn trách phụ huynh khi mà ngành giáo dục chưa có sự đầu tư đúng mức và bình đẳng giữa các trường về trang thiết bị giảng dạy và cơ sở vật chất . Khi độ chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường vẫn là con số biết nói thì việc “ chạy trường” vẫn là cuộc đua đầy kịch tính của mỗi mùa tựu trường.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thư Mục Vụ nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012, ngõ lời với các quý thầy cô, Đức Giám Mục GP Phát Diệm có viết:

“ Quý thầy cô, những người mang trọng trách giaó dục thế hệ tương lai cho đất nước và cho giaó hội. Anh chị em là những “ kỹ sư tâm hồn” là người góp phần quan trọng vào việc đào tạo để thế hệ trẻ sống xứng đáng với phẩm giá con người. Giaó dục không phải chỉ là một nghề để mưu sinh nhưng trước hết là sứ mạng cao cả mà Thầy Giêsu đã trao phó cho anh chị em. Vì thế, anh chị em hãy ý thức sứ mạng của mình. Hãy quan tâm đến việc giaó dục toàn diện, vừa dạy kiến thức nhưng đồng thời cũng giúp các em trở nên người có văn hóa, đức hạnh và nhân cách, biết suy nghĩ đúng sự thật và sống theo lương tâm. Trong bối cảnh giaó dục bị thương mại hóa, dù vẫn cần đến tiền bạc để sinh sống, anh chị em đừng để mình bị cuốn vào cơn lốc vật chất…”

Hay gần hơn trong thư mục vụ năm học mới 2012-2013, đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục GP Kontum cũng đã thân ái nhắn nhủ với các học sinh rằng: “ Ngày nay nhan nhãn trên khắp thế giới baó chí không ngớt nêu lên những thảm cảnh giết chóc do con người gây ra cho nhau còn dữ dằn hơn thú dữ. Tất cả tùy thuộc vào hệ thống giáo dục con người từ tấm bé. Nhưng vấn đề hiện nay các con đang được hấp thụ một nền giáo dục nào? Một nền giáo dục vô thần duy vật. Nhiều người ngại không dám nói thẳng, nói thật! Đây quả là một sai lầm, một tai họa cho bao thế hệ. Kinh nghiệm của những năm tháng qua ngày càng hiện rõ. Với đủ thành tích , nhưng vấn đề con người, vấn để giáo dục vẫn làm điên đầu bao người. Một nền giáo dục gạt bỏ Thượng Đế ra khỏi mọi cơ chế và tâm hồn còn người từ thuở sơ sinh. Tất cả ngụp lặn trong một xã hội đưa của cải vật chất lên hàng thần thánh, đưa ông nông hội lên thế ông Trời, nên người đời có bài thơ “ Tiền là Tiên, là Phật, là sức bật con người”. Còn Chúa Giêsu thì bảo “ Không gia nhân naò có thể làm tôi hai chủ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Nhưng con người bây giờ thì cho rằng “ Đây là cái thời “lương tâm” không bằng “lương tháng”. Cần thấy rõ và đừng ảo tưởng hoặc dễ bị mê hoặc.

Ước mong những lời chỉ dạy đầy tâm huyết của các vị chủ chăn giáo phận thấm nhập vào tâm hồn những người đang làm công tác giáo dục – đào tạo của Việt Nam hiện tại. Như thế chúng ta mới trả lại cho những mầm non tương lai của đất nước một mùa tựu trường với những tình cảm thiêng liêng vốn có của nó, để mai sau còn có một Thanh Tịnh nói về những nét thơ dại đáng yêu, những cảm xúc tinh khôi của mình trong ngày tựu trường rằng: “ Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Điền Phương Thảo

Exit mobile version