Mùa Thánh Hiến: Niềm vui thật lớn lao và âu lo thật nhiều

Hè về, với các dòng tu thì lại là thời khắc báo hiệu mùa thánh hiến. Qua thời gian tu tập, tìm hiểu và gắn bó với hội dòng, tu sĩ đủ điều kiện cũng như tự do cân nhắc để nộp đơn xin cho mình được khấn đầu hay vĩnh khấn trong hội dòng mà mình chọn. Và, niềm vui đong đầy nước mắt sẽ đến trong ngày kỷ niệm hồng phúc.

Những ngày qua, bản thân tôi cũng như nhiều người khác từ phụ huynh, ông bà và những người thân được mời tham dự các Thánh Lễ thánh hiến không khỏi chạnh lòng hay nói đúng hơn là bỗng dưng những dòng nước mắt cứ lưng tròng. Có lẽ giữa dòng người đông đảo và bá quan văn võ chẳng ai muốn khóc nhưng nước mắt cứ tuôn trào bởi lẽ hạnh phúc đong đầy ước mơ của đời tận hiến.

Nhiều và rất nhiều người bắt gặp dòng nước mắt âm thầm và lặng lẽ ở góc sân Chủng Viện Xuân Lộc trong giây phút linh thánh khi nhìn thấy con mình trở thành mục tử của Chúa của bà Cố Maria Tạ Thị Ngọt. Bà Cố khóc vì Bà Cố quá hạnh phúc và giờ này Bà Cố thấy tận mắt hoa quả lòng mình suốt bao năm nuôi nấng trong cảnh mẹ góa con côi được lên bàn Thánh trong sứ vụ mới giám mục mà Hội Thánh trao phó.

Nhiều người thân quen chia sẻ với tôi rằng “giá mà con của con sau này được tận hiến cho Chúa !”; “con xin dâng cả 3 đứa con của con cho Chúa nếu Chúa muốn !”; “con sẽ dâng nó cho Chúa như của Lễ của gia đình con ..”; “con đang đi tìm hiểu để tận hiến cho Chúa ..”

Có người thốt lên : “Đi tu sướng quá ! Con nhìn thấy các soeur đội lúp cô dâu đẹp quá !’ … Các soeur giỏi và đẹp mà đi tu nữa ! …

Quả thế ! Niềm vui của đời dâng hiến trào dâng khi nhìn con mình bước lên bàn Thánh hay được tuyên khấn.

Thế nhưng, niềm vui trong ngày vĩnh khấn, lãnh sứ vụ linh mục đó lại man mát nỗi âu lo của đời tận hiến. Đơn giản, những người được tận hiến đó lại cất giữ hồng ân của Chúa như Thánh Phaolô nói : Như những bình sành lọ đất !

Vâng ! Đúng như vậy vì rất đơn giản rằng tu sĩ hay linh mục thì vẫn là con người và con người hẳn nhiên khó hay không thể nào thoát được bản tính tự nhiên người của con người. Trong cái bản tính người đó thì hỷ – nộ – ái – ố cứ đeo bám mãi con người cho đến khi con người nhắm mắt xuôi tay.

Những trường hợp cá biệt thì ta không bàn đến nhưng phần đông gia cảnh của những gia đình có con tận hiến một mặt thì vinh quang đấy nhưng đàng sau đó là những nỗi lo. Khi con của mình được đi học, nhiều gánh nặng chồng chất lại oằn lên vai của con cái mà chỉ có quý Ông Bà Cố mới hiểu. Gia đình có thể còn thiếu trước hụt sau nhưng khi Thầy, Cha, Sơ về nhà thì coi như mâm cao cổ đầy. Có khi Thầy, Cha, Sơ vô tư đến độ không hiểu rằng gia đình mình phải hy sinh quá nhiều cho người tận hiến.

Nhiều và nhiều gia cảnh đời tu rất đẹp mà còn trong sáng nữa còn in mãi trong tâm trí tôi. Có những gia đình có 3 chị em đều tận hiến cho Chúa và rồi cha mẹ chỉ ở trong một mái nhà có khi là dột trước nước sau. Ngay như gia đình chân chính của Đức Cố Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài mà ai nào đó có cơ may đến nhà thì sẽ hiểu cả đời tu chân chính bao trùm lên cuộc đời của một con người vĩ đại mà khiêm tốn.

Thật ra, đấu tranh cho sự giàu nghèo, sự kiếm chác và đòi hỏi là điều giằng co rất lớn trong đời người tu sĩ. Có người chỉ mới bước chân vào nhà tu thì gia đình thay đổi hẳn như một kẻ thương gia. Có người gia đình có con mới chịu chức bỗng dưng nay thay đổi. Và, có người có con đã hơn nửa đời người dâng hiến nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Danh vọng, tiền tài, tình cảm, vâng phục … vẫn là những điều giằng co trong đời người tận hiến cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Nếu vượt qua những cửa ải đó thì triều thiên Thiên Quốc sẵn chờ và trao phó. Nhưng rồi, nếu không vượt qua được và vun vén và đặc biệt sống phản cảm, đánh mất đi cái chất của đời tận hiến thì coi như bị kẹt.

Chính vì thế, trong những lần những lúc tham dự Thánh Lễ thánh hiến, trao sứ vụ linh mục … mỗi người thân quen chúng ta đâu lại thêm lời cầu nguyện cho những người tận hiến sống chân chất đời tu đã chọn lựa. Ta lại phải nài xin Chúa thêm ơn cho người tận hiến để họ tận hiến cuộc đời mình một cách tròn vẹn và đậm chất.

Giáo Hội toàn cầu hay Giáo Hội Việt Nam vẫn cần những thợ gặt bởi lẽ còn thiếu quá nhiều thợ gặt. Nhưng không vì thế mà tuyển chọn một cách không có chọn tuyển để làm mờ đi đời tận hiến. Ta lại thốt lên với Chúa rằng xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam có nhiều thợ gặt lành nghề, có nhiều mục tử tốt lành và đạo đức như lòng Chúa mong muốn.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version