Sáng nay mình đi làm lễ an táng cho ông Tư ở khu nhị tỳ, một khu bê bối và trễ nải nhất. Chỉ có mấy gia đình mà gia đình nào cũng rối từ cha đến con. Chỉ ở cách nhà thờ từ hai đến ba cây số mà họ chẳng đi lễ bao giờ. Cách đây hai năm, vào một dịp Tết, mình đi thăm họ. Mình thả bộ theo ven sông. Thấy một gia đình có bàn thờ Chúa, bèn mò vô, cười cười nói nói như gặp lại người thân sau nhiều năm xa vắng. Cả nhà nhìn mình ngơ ngác, làm mình tẽn tò.
– Chú kiếm ai vậy ?
– Tôi là linh mục, ngày Tết đi chúc tuổi bà con.
– Cha hả ? Cha “ngồi” họ nào vậy ?
– Tôi là cha sở ở đây nè.
– Chúa ơi !…
Hôm nay mình lại bị tẽn tò một lần nữa. Họ mời mình tới làm lễ an táng. Thế mà mình vừa tới nơi, thì đã thấy động quan. Đạo tỳ khiêng hòm ra tới giữa sân. Ông địa cười toe toét, mặt tròn vành vạnh như trăng rằm, phe phẩy, phe phẩy. Những ngọn đuốc bốc khói khét lẹt đảo qua đảo lại. Bập bùng. Bập bùng. Bọn trẻ nít cười hí hí. Những vành khăn tang quên khóc, há miệng nhìn theo ngọn đuốc bập bùng lùa vào gầm quan tài, chui qua giữa hai cẳng đạo tỳ…
Sau giây phút tẽn tò, sau giây phút tò mò, mình quay gót. Tự ái bập bùng như ngọn đuốc của đạo tỳ…
Phải có biện pháp chế tài để chấm dứt những chuyện dị đoan mê tín. Cấm hẳn việc muớn đạo tỳ đốt đuốc đuổi quỷ. Ông địa không được phép phe phẩy và cười vô duyên bên cạnh nỗi thống khổ của chúng sinh…
Cà Mau, … 1993
Hôm nay cha phó đi làm lễ an táng cho ông Ba P. Trong bữa cơm tối ông kể chuyện.
Hôm nay sau thánh lễ, thì có múa lửa đuổi quỷ. Thằng quỷ chun vô gầm quan tài. Bị lôi ra đấu kiếm một hồi, hắn bỏ chạy…
Bà con coi đã hết sức !
– Có gì là dị đoan mê tín trong đó không ?
– Biết đâu à !… Nhưng mà vui… Tánh anh Năm là vậy đó.
Thích làm nổi. Thích làm khác thiên hạ.
Mình không phát biểu gì, vì ý kiến tản mạn, không chịu đồng quy. Mình suy nghĩ xem phải đối phó thế nào. Phải cân nhắc để nếu có áp dụng biện pháp chế tài, thì lời phải nặng hơn lỗ. Mà lỗ thì chắn chắn phải có rồi.
Cái Rắn, ngày 29-9-1995
Mình đi vắng một tuần. Bữa cơm tối hôm nay mình nghe báo cáo về sinh hoạt họ đạo.
– Bà Sáu đỡ chưa ?
– Bà Sáu chết rồi. Lần nào ông cố đi vắng, thì ở nhà cũng có chuyện buồn, không chuyện này, thì cũng chuyện kia. Ông cố cứ đi vắng hoài, riết rồi người ta dị đoan mê tín như người ngoại.
– Ví dụ…
– Thì đám tang bà Sáu đó. Gia đình toàn là người trong Hội đồng giáo xứ mà đi rước đạo tỳ đến đuổi quỷ đuổi ma…
– Phải nghiên cứu kỹ đã rồi mới kết luận được. Có thể là dị đoan mà cũng có thể là văn hóa. Hội nhập văn hóa là khẩn cấp, nhưng không dễ đâu…
Nói đến đạo tỳ múa lửa đuổi quỷ là mình thấy nổi da gà lên rồi. Nhưng hôm nay mình thấy bình tĩnh hơn. Mình đang có điều kiện để tìm hiểu. Chỉ cần gặp ông Hai Hạo, Chi hội trưởng Chữ Thập đỏ xã là biết liền.
Cái Rắn, ngày 9-12-1995
Hôm nay ông Hai Hạo đến chơi. Ông khoe đội mai táng của Chi hội Chữ Thập đỏ đã lập được nhiều thành tích trong xã. Rồi ông thở dài :
– May đồ cho đạo tỳ, mướn thầy về tập múa… hết hơn hai triệu. Còn mắc nợ đó mà chưa trả được. Linh mục có quỹ nào giúp cho Chi hội một mớ không ?
Nói đến đạo tỳ tập múa, mình nghĩ ngay đến chuyện đuổi quỷ, đuổi ma. Không thèm nói chuyện nợ nần, mình bập ngay chuyện ma quỷ.
– Đạo tỳ múa lửa đuổi quỷ, có dị đoan mê tín không ?
– Cái này là tích chuyện đời xưa mà.
– Chuyện gì ?
– Nhan Quan là một ông quan có tài và có hiếu, nhưng trực tánh. Ông chống lại triều đình nhiễu nhương, nên bị truy nã. Nhan Quan trốn lên núi cùng với hai người bạn chí cốt. Ngày luyện võ, đêm nấu sử. Có lần ba anh em đánh cướp đoàn xe chở lương thực của triều đình đem chia cho dân nghèo. Thế là được dân yêu mến, ông tụ họp thêm được mười hai đệ tử nữa.
Ngày kia, cha của Nhan Quan chết. Triều đình biết rằng thế nào Nhan Quan cũng về thọ tang cha, nên cho tướng La Hầu mai phục để bắt Nhan Quan. La Hầu mặt mũi xấu như quỷ. Hắn về làng và ẩn nấp dưới gầm quan tài…
Quả vậy, đêm khuya tối mịt mù, Nhan Quan về làng theo ánh đuốc bập bùng của mười hai đệ tử. Được dân làng mật báo, Nhan Quan chuẩn bị chiến đấu. Hai võ tướng là Tả Hoàng và Hữu Hoàng thay phiên nhau vào nhà tìm La Hầu để đấu kiếm. La Hầu ra mắt. Không phân thắng bại. Cuối cùng Nhan Quan vào cuộc. La Hầu phải bỏ chạy. Mười hai đệ tử của Nhan Quan tiến vội vào khiêng quan tài đi chôn…
– Sự tích này là ở bên Ta hay ở bên Tàu ?
– Không biết.
– Nhan Quan là quan của vua nào ?
– Không biết.
– Nhan Quan là ông quan họ Nhan hay tên là ông Quan ? Quan có “g” hay không có “g” ?
– Không biết.
– La Hầu là tên thật của y hay vì y có bộ mặt giống khỉ mà bị đặt tên là Hầu ? Hầu là con khỉ. Con khỉ họ La.
– Biết đâu à.
Như vậy là vấn đề chưa được sáng tỏ. Nhưng mình thấy múa lửa trong đám tang là có tình và có lý. Trong múa lửa có HIẾU và có DŨNG. Nó vừa là văn hóa, vừa là đạo lý. Mình nói với ông Hai Hạo :
– Khi tôi chết, ông cho đạo tỳ đến múa lửa nhá !
– (Cười) Có một câu hỏi, linh mục chưa trả lời. Nhắm chừng linh mục có thể giúp Chi hội Chữ Thập đỏ một mớ để trả nợ cho hội Miễu Bà Chúa xứ không ?
– Làm sao tôi dám hứa. Tôi chỉ là cái ống máng, chứ không phải là cái hồ. Trong ống máng chỉ có nước khi trời mưa. Mà khi nào trời mưa thì chỉ có trời biết. Xin hỏi trời, đừng hỏi ống máng.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo