…Người đã làm như vậy để ở giữa dân chúng là thành phần cần thứ tha, để ở giữa chúng ta là thành phần tội nhân, và để ôm vào mình gánh nặng tội lỗi của chúng ta. Nhờ đó Người đã muốn an ủi chúng ta, cứu độ chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng bần cùng thảm thương của chúng ta” (Sứ điệp mùa chay 2014, Đức giáo hoàng Phanxicô). Như vậy, Giáo Hội không ngừng mời gọi chúng ta hãy trở về để tìm lại một Thiên Chúa đã từng và đang muốn làm bạn với chúng ta. Ngài đã bỏ cao sang và quyền uy từ Thiên Giới, hạ xuống hạ giới để trở nên ngang bằng – nếu không muốn nói là xuống tận cùng – với kiếp phàm nhân, hầu tất cả mọi người chúng ta nhận biết Ngài và chọn Ngài, là sự sống thật (1).
Con đường nghèo mà Thiên Chúa đã chọn để cứu độ nhân loại, đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên như thế giữa anh em đồng loại của mình. Đi trên con đường này, chúng ta sẽ phải lội ngược dòng giữa một thế giới đang ca tụng chủ nghĩa cá nhân, vật chất và duy hiệu quả. Nghèo vì và cho tình yêu, nên nghèo ở đây mang nghĩa tích cực. Theo Thần học Kinh Thánh, nghèo là tự hủy, khiêm tốn, giản dị, sống với-cùng, trở nên bằng hữu, như Chúa Giêsu đã từng (Chúa Giêsu của lịch sử) và vẫn đang (Chúa Giêsu qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể). Nói cách khác, nghèo là khước từ cái tôi muốn-khẳng-định, muốn-nổi-bật, muốn-quyền-lực, và muốn “làm” Chúa.
Nhưng khốn thay, con người vẫn luôn có mâu thuẫn tự nội! Làm Chúa thì dễ, yêu Chúa mới khó. Thống trị thì dễ, thương cảm mới khó. Căm ghét thì dễ, tha thứ mới khó. Con người luôn hướng chọn điều dễ dãi (Rm 7,14.19). Cho nên, để sống với từ bi hỷ xả (tứ vô lượng tâm của nhà Phật), hay một tình yêu đích thực (agapè), phải cần đến sự tự hủy, không thể khác được: “Tình yêu là một đòi hỏi không cho phép tôi được yên thân nguyên vẹn một mình. Trong tình yêu, tôi không thể đơn giản vẫn là tôi, nhưng tôi luôn phải bỏ mình bằng cách bị gọt dũa, bị thương tích” (2). Mẹ Têrêsa Calcutta cũng nói rằng, “tình yêu mãnh liệt không bao giờ tính toán, nhưng chỉ biết cho đi mãi.”
Những bất toàn và mâu thuẫn trong ta khởi đi từ sự từ khước Thiên Chúa của nguyên tổ Ađam Evà. Từ khước vì do ngờ vực và tự mãn. Về điểm này, Đức giáo hoàng Phanxicô cho biết: “Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta không cần Thiên Chúa là Đấng vươn đến với chúng ta nơi Chúa Kitô, vì chúng ta tin rằng chúng ta có thể tự làm lấy một mình, là chúng ta đang đâm đầu xuống hố.” Đức hồng y Robert Sarah, người Guinée Equatoriale, đã giới thiệu sứ điệp Mùa Chay đầu tiên ấy của Đức Thánh Cha qua lời lẽ như sau: “Con người tự bản tính là con Thiên Chúa. Đó là sự giàu có của con người! Lỗi lớn lao của nền văn hóa ngày nay là đã suy nghĩ tới một con người hạnh phúc mà không cần có Thiên Chúa, như thế họ chối bỏ cái gì sâu xa hơn nơi con người, nghĩa là mối dây liên kết hiện sinh với Chúa Cha là Đấng ban cho con người sự sống.” Mối dây liên kết hiện sinh này đã và đang bị cắt đứt. Bi kịch chối từ Thiên Chúa nơi Ađam Evà xưa kia vẫn còn tiếp diễn và vẫn chưa có hồi kết.
… ước muốn khẳng định
Tâm lý học ngày nay cho biết, con người có nhiều nhu cầu, trong đó, nhu cầu tự khẳng định mình là nhu cầu cao nhất (thuyết Bậc Thang của A. Maslow). Nhu cầu này làm cho con người khao khát sử dụng tối đa tiềm năng của mình bằng cách thể hiện ra bên ngoài. Theo tổ chức Unesco, trong bản báo cáo về học hành vào năm 1996 (3), việc học hỏi có bốn mục đích chính, trong đó học để tự khẳng địnhmình chiếm nhiều ưu thế. Theo nghĩa nào đó, điều này rất tốt khi khả năng của con người hướng đến việc phục vụ cho tha nhân và nhân loại. Thế nhưng, con người vẫn dùng khả năng mình (Mt 25,14-30) trao để chôn giấu hoặc phục vụ cho lợi ích cá nhân mình. Sự phát minh ra nguyên tố Uranium bởi nhà hóa học Đức M. H. Klaproth và sự phát minh ra tia phóng xạ tự nhiên Radium bởi vợ chồng Marie Curie đã góp công rất lớn cho ngành hóa học, sinh học, đặc biệt là y khoa. Thế nhưng, chính tia phóng xạ này mà con người đã dùng để tiêu diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (4).
Nhiều cha mẹ muốn con cái ngoan và học giỏi, hoặc thích khen con mình trước người khác, một cách nào đó, cha mẹ cũng đang muốn khẳng định và đề cao chính mình. Có những người con bị ép buộc học những ngành mà cha mẹ muốn hơn là chúng muốn, và hậu quả xảy ra là con cái đã đi đến con đường nổi loạn hoặc tự vẫn. Chúng ta càng thấy ước muốn này rõ hơn trong các buổi hội họp khi cá nhân nào cũng muốn có tiếng nói và được người khác chú ý. Trong một cuộc họp hội đồng giáo xứ nọ về việc mừng ngày kỷ niệm 50 năm giáo xứ được thành lập, các vị đại diện thuộc các ban đều đưa ra ý kiến của mình. Ban đầu là ý kiến của vài người có “máu mặt,” nên bầu khí còn nhẹ nhàng và lịch sự. Nhưng chẳng mấy chốc, phòng họp trở nên như cái chợ vì ai cũng nói và chẳng ai chịu nghe. Cuối cùng, ông chủ tịch giáo xứ, người chủ tọa, đã lên tiếng can thiệp, nhưng vì giọng nói nhỏ yếu giữa những tiếng ồn ào bất đồng, chẳng ai nghe được tiếng ông. Ông giận dữ, chỉ biết đập bàn đứng dậy bỏ đi, đóng sầm cửa lại. Tiếng đập bàn và tiếng đóng mạnh cửa cũng là một cách nói để thể hiện chính mình. Một số người thường hay phóng đại câu chuyện nào đó, hoặc “thêm chút mắm muối,” hoặc kể với gương mặt trầm trọng vấn đề… cũng là muốn nói rằng “xin hãy để ý đến tôi.” Trong một tu viện nữ nọ, các chị em không khỏi chia trí vì mỗi khi nguyện kinh chung, các chị em đều không nghe tiếng ho thì cũng tiếng ngáp, không tiếng ngáp thì cũng âm thanh lạo xạo từ một sơ lớn tuổi ngồi trong góc hàng cuối cùng trong nhà nguyện. Suốt buổi nguyện kinh, sơ ấy cứ loay hoay và gây tiếng động. Bình thường khi sinh hoạt ngoài giờ nguyện thì sơ ấy không bao giờ ho hắng hay ồn ào gì cả. Hành động của sơ muốn chuyển cho các chị em một sứ điệp: “tôi hiện hữu” đây này! “Không ai quan tâm đến tôi cả!” “Tôi không muốn mình bị vô hình, mờ nhạt!” Hoặc “Tôi đang bị bỏ rơi!” Nhà văn Mỹ Howard Philips Lovecraft cho biết: “Cảm xúc xưa nhất và mạnh nhất của con người là sự sợ hãi, và loại sợ hãi xưa nhất và mạnh nhất là sợ không ai biết đến mình.“
Sự tự khẳng định “tôi đây!” không những thể hiện qua cách thức ăn nói hay hành động, nhưng còn qua cách sử dụng vật chất như ăn mặc rất lịch sự, hay cầu kỳ, xe cộ, điện thoại đúng mốt, đặc biệt hơn, qua phương tiện đang rất phổ biến là hệ thống thông tin toàn cầu internet, nhất là facebook. Số lượng người sử dụng facebook mỗi tháng là khoảng 1.23 tỷ (thống kê trong tháng 1.2014), và con số vẫn không ngừng gia tăng. Người ta cho biết số người sử dụng facebook mỗi tháng như là một quốc gia lớn thứ 3 của thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Facebook đã và đang trở thành một công cụ rất phổ biến để nhiều người tự khẳng định chính mình. Trong thế giới ảo này, con người có thể tự tạo nên cho mình một hình ảnh lý tưởng, mà thực tế mình không phải vậy, trước mọi người qua những tấm hình được “đẹp hóa” bởi photoshop, lời tán tụng, khoe khoang, và rồi mong đợi những bình luận “like(s)” từ người khác. Chưa hết, những game online tưởng chừng chỉ dành cho trẻ em mà thôi, thế mà, càng ngày có nhiều người lớn tham gia và bị nghiện. Đi vào thế giới game, người ta cảm thấy như là chính mình hơn. Họ có thể giận dữ, bực tức, rồi cười vang, lại hồi hộp, căng thẳng, rồi thất vọng… Người chơi sẽ tận dụng trí não tối đa để xử lý tình huống, làm sao để thành kẻ chiến thắng. Dần dần, người ta sẽ không thể hội nhập vào thế giới thực được nữa. Sự tự khẳng định chính mình giữa một thế giới ảo, cũng giống như việc tự khẳng định mà không hướng đến đồng loại, là loại độc dược vô hình giết người dần dần. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Ngục tù tệ hại nhất là một con tim đóng chặt.”
Sự khao khát tự khẳng định chính mình có mặt nơi mọi giới, mọi thời, và mọi nơi, từ kẻ ăn mày, người triệu phú, người nông dân, người đã kết hôn, người tu hành, kẻ điên khùng, kẻ giang hồ, kẻ khuyết tật, kẻ liệt giường… (5) Có những người vì sĩ diện (một hình thức của sự tự khẳng định) mà có thể đánh đổi tất cả để được địa vị, được lời khen tặng, thích làm trong một công ty danh tiếng, chuyên nghiệp, “hơn” là công việc chân tay, bốc vác. “Kẻ kiểng chân không đứng được (vững), kẻ xoạc cẳng không đi được (lâu), kẻ tự biểu hiện chính mình thì không thể sáng tỏ, kẻ tự khẳng định chính mình thì không bao giờ chói lọi, kẻ huênh hoang thì chẳng có giá trị, kẻ tự nâng mình lên thì không trường cửu” (6).
Với cái nhìn đức tin Kitô giáo, mỗi con người trên trái đất này đều là người độc nhất vô nhị và có một giá trị cao cả của một nhân vị, mà không gì có thể so sánh hay thay thế được. Không một ai là hư vô và mờ nhạt (1Gioan 3,1). Khi đi tìm sự khẳng định chính mình mà không đề cao và trân trọng người chung quanh, có nghĩa là chúng ta chỉ nhìn nhận giá trị nơi chính mình mà không chấp nhận giá trị của đồng loại. Ao ước tự khẳng định mà không hướng đến tha nhân và tình yêu thương đồng loại sẽ có nguy cơ đánh mất chính mình, chứ không phải tìm lại chính mình như đã lầm tưởng. Vậy, để hướng đến tình yêu thương đồng loại, con người cần phải xóa mình đi. Và, khi xóa chính mình, mình sẽ tìm lại căn tính của chính mình. Làm thế nào nhận diện được căn tính đích thực của mình?
Sự cảm nghiệm thân phận yếu hèn và trở nên nghèo sẽ đưa chúng ta đến việc khám phá ra căn tính đích thực và giá trị cao cả của mình (Is 43,4). Thông thường và lẽ tự nhiên, chúng ta ngần ngại đến với người nghèo khổ (thể lý hoặc tinh thần) vì họ tố cáo sự trần truồng của chúng ta. Người nghèo khổ chẳng bao giờ biết đến những thành đạt của chúng ta, những cuốn sách mà chúng ta viết, những bằng cấp mà chúng ta kiếm được, chẳng cần biết chúng ta đang có khả năng hay chuyên môn gì, đã từng có huân chương hay một thời vinh danh, đã từng giữ chức vụ cao cấp hay lãnh đạo. Họ chẳng biết ta là ai. Đột nhiên, ta thấy mình tầm thường trong mắt họ. Họ rất đông đảo và nếu ta muốn, ta sẽ gặp thấy họ. Họ đang rất gần chúng ta hoặc xung quanh chúng ta. Họ chẳng biết nói lời triết lý cao siêu hay tâm linh sâu sa gì, cũng chẳng đả động đến Chúa hay Mẹ. Những gì chúng ta nghe được khi ở bên họ là: “Tôi thèm một tô phở, một ly café,” hay “cho tôi xin vài đồng đi xe buýt,” hoặc “ông nằm kế bên, tối ho suốt làm tôi không ngủ được,” hoặc có kẻ say sưa kể chuyện quá khứ, có những khi họ cứ lập đi lập lại mãi một sự kiện mỗi khi được dịp trò chuyện với chúng ta! Chắc chắn chúng ta chẳng vui vẻ để nghe những chuyện “vớ vẩn và nhàm chán” như thế. Chúng ta đang ở trên cao, cứ bị họ kéo xuống đất! (7)
Người nghèo giúp chúng ta khám phá căn tính đích thật của mình – căn tính Kitô. Họ là những con người đổ vỡ, hèn kém, mang đủ loại thương tích. Họ chính là hình ảnh của con người chúng ta bên trong. Họ cho chúng ta biết con người, trong đó có chúng ta, là những người mang nhiều thương tích, bất toàn, tội lỗi và cần được chữa lành (8). Họ đã lôi ra khỏi chúng ta cái “tôi” thích thể hiện và trình diễn. Họ đã trần truồng, còn chúng ta thì không! Chúng ta rất lịch sự với nhiều loại “trang sức và trang phục.” Tám Mối Phúc Thật sẽ tước đi mọi sĩ diện và những gì không thuộc về sự thánh thiện nguyên tuyền như ban đầu, để đưa chúng ta tìm về căn tích Kitô đích thực của mình (xem Mt 5,1-11). Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Có quá nhiều điều chúng ta phải học hỏi nơi họ.” Trong sứ điệp mùa Chay 2014 của Đức giáo hoàng Phanxicô, đứng trước thế giới ngày nay, ngài đã đề cập đến sự nghèo khó: “Đức Kitô đã trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).
… ước muốn nổi bật
Quan sát trong một giáo xứ, chúng ta sẽ nhận thấy lòng ao ước được nổi bật thể hiện nơi các hội đoàn, nhóm thừa tác viên, hay ngay cả các linh mục. Ai cao, chúng ta kéo xuống bằng chúng ta. Ai bằng chúng ta, chúng ta sẽ hạ thấp hơn. Nếu mọi người cũng đều có khả năng, thì ai ai cũng muốn trình diễn đơn độc một mình hơn là chung chia với kẻ khác. Mỗi người chúng ta đều muốn là một ngôi sao sáng nhất. Mọi người đều thán phục trước cầu thủ bóng đá Maradona biểu diễn một mình trên sân cỏ! Thế giới ngày nay là thế giới tranh đua để nổi bật. Cám dỗ ham thích biểu diễn vẫn không buông tha con người, và nó đi theo con người cho đến phút cuối cùng cuộc đời (9). Chúng ta muốn học có học vị cao để được kính trọng và không ai có thể uy hiếp chúng ta. Chúng ta muốn có một căn nhà hay xe hơi thật đặc biệt mà người đi ngang qua phải đứng lại nhìn ngắm và trầm trồ khen ngợi. Chúng ta muốn gia đình chúng ta giàu có và con cái giỏi giang để bạn bè phải phục sát đất. Chúng ta cố gắng làm sao giảng dạy thật hay hoặc xây dựng nên một nhà thờ độc đáo với tên ta để đời. Thế nhưng chúng ta không có điều kiện hoặc khả năng để làm cho mình nổi bật. Bên cạnh đó, chúng ta không chấp nhận khi các anh em Tin Lành đến từng nhà gõ cửa để giảng đạo trong y phục chỉnh tề. Chúng ta căm ghét người hàng xóm kế bên chỉ vì con cái họ được đứng nhất trường chứ không phải con chúng ta. Chúng ta cảm nhận sự bất lực nơi chính mình, rồi chúng ta không chấp nhận mình, vì mình “bị” khiêu khích và mờ nhạt. Chúng ta sẽ rơi vào trạng thái từ bao dung đến tỵ hiềm, từ hăng say đến buông xuôi, từ đạo đức đến giận dữ, từ hy vọng đến chán chường, từ vui vẻ đến cay cú, từ hòa đồng đến cô lập (10).
Nhìn đến các nước phát triển Tây phương, đặc biệt như Đức, Ái Nhĩ Lan, Hòa Lan, Pháp, Canada, Mỹ, Giáo Hội Công Giáo có vẻ đang mờ nhạt. Căn tính Kitô hình như biến mất nơi các công sở, trường học, bệnh viện, đường phố! Thay vào đó, các tôn giáo khác cùng với những phong trào trần thế càng nảy sinh và phát triển, thu hút nhiều giới trẻ và giới trí thức. Nhà thờ thưa thớt đoàn chiên. Các tu viện thì chỉ còn lại vài tu sĩ, linh mục lớn tuổi. Có những nơi là nôi Kitô giáo xưa kia với nhiều tu viện đồ sộ và kiên cố, nhưng nay đã phải bị bán đi và được sử dụng làm những căn hộ hay văn phòng cho thuê. Có các tu sĩ, phần đông là lớn tuổi, thuộc một số Hội Dòng khác nhau, cùng quy tụ lại và chung sống trong một căn nhà nhỏ bé. Vì nhân sự ít, mà chi phí bảo trì các tu viện đồ sộ lại quá cao! Một trong những chán nản và đau buồn cho những người làm mục vụ trong thời đại hôm nay là mình không còn được quý trọng và nổi bật như xưa nữa. Theo tập tục bên Tây phương, sau mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, chủ tế xuống cuối nhà thờ chào hỏi các tín hữu. Nhiều tín hữu cũng gật đầu chào linh mục cho có lệ, số khác thì tế nhị tránh tìm cửa phụ mà lẳng lặng đi ra. Những tín hữu cộng tác trong giáo xứ đã giảm sút; Thế nhưng, các ngành nghề và tổ chức từ thiện xã hội càng gia tăng mạnh như các trại tế bần, dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người khuyết tật, vô gia cư, các chuyên gia tâm lý, tư vấn hôn nhân gia đình… Hệ thống an sinh xã hội đang vững mạnh. Những người gặp khó khăn và đau khổ giờ đây không cần phải chạy đến Chúa, đến nhà thờ, đến các mục tử. Nhiều linh mục đã cảm nghiệm rằng, không chỉ riêng mình mới dâng hiến cả cuộc đời chăm lo cho nhân loại, nhưng nhiều người trẻ, phần lớn không phải là Kitô hữu, vẫn tự nguyện và hăng say vui vẻ với công việc nâng đỡ và giúp người. Các linh mục vẫn đang rất bận rộn, nhưng chúng ta chẳng thấy sự thay đổi nhiều. Những nỗ lực của mục tử xem ra không gặt hái được kết quả. Những phô trình diễn và cách thế để trở nên nổi bật theo kiểu thế gian của chúng ta sẽ trở thành những vở kịch vô duyên trước mặt người đời, vì nếu họ có trình diễn thì họ sẽ thành công hơn chúng ta rất nhiều.
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, chúng ta nhận thấy Giáo Hội đã đóng vai trò nổi bật trong thời gian rất dài, nhất là vào thời Trung Cổ, đến nỗi các vị giáo hoàng thời đó nắm giữ thế quyền lẫn thần quyền, chính trị lẫn thế gian. Thế nhưng, giờ đây, trước một thế giới thiên về thực dụng và các giá trị bị đảo lộn, linh mục cũng như tín hữu như đứng xuôi tay bên lề cuộc đời. Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu khi Người đang chay tịnh trong sa mạc 40 đêm ngày: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!” (Mt 4,6). Ma quỷ muốn khơi dậy cái tôi muốn nổi bật để biểu diễn một màn ngoạn mục là gieo mình xuống. Nhưng Người đã không biểu diễn. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thật, thế nhưng ma quỷ đã đánh trúng vào nhân tính dễ vỡ của Đức Giêsu để không cho Người nhìn nhận căn tính đích thực của mình là Con-yêu-dấu-của-Cha, từ đó ngờ vực Cha. Sự cám dỗ về căn tính sẽ trở lại với Người khi Người bị treo trên thập giá: “nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn, thì hãy cứu lấy mình đi” (Lc 23,35). Ba cơn cám dỗ mà ma quỷ dụ dỗ cũng chỉ muốn đẩy Đức Giêsu xa Thánh Ý Cha và đưa Người vào con đường tán dương của thế tục. Đức Giêsu đã neo chặt vào Cha qua Lời, là điểm tựa và là trung tâm sự sống Người (Mt 4,4). Người lánh đi đến chỗ vắng vẻ để tựa vào Cha (Ga 6,15). Cũng với cơn cám dỗ này, Ađam Evà đã chối bỏ và không tin vào Thiên Chúa. Từ đó, căn tính của ông bà bị bóp méo và theo đường lối “ngờ vực tất cả” của ma quỷ.
Chúng ta có căn tính Kitô, có nghĩa là mặc lấy Đức Kitô. Mặc lấy Người là đặt niềm tin tuyệt đối vào sự tốt lành của Thiên Chúa (Mt 12,48-49), chứ không phải ý muốn của thế gian. Trong cơn cùng quẫn “đến chết được”, bà Étte đã trông cậy hoàn toàn vào Chúa, một mẫu gương về sự tín thác vào sự tốt lành của Chúa thật tuyệt vời: “Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài” (Et 4,17l). Cho dù thế gian có hứa ban tặng những gì tốt đẹp và tuyệt vời đến đâu trên cõi trần gian này mà làm chúng ta đánh mất niềm tin vào sự tốt lành của Chúa, để rồi chối từ căn tính Kitô, thì chúng ta sẽ mang vào nỗi sợ hãi tận sâu thẳm (St 3,7.10). Chúng ta sẽ đối diện với vực thẳm tối đen dày đặc (St 1,1-2, Cn 14,12, Mc 15,22). Với kinh nghiệm tâm linh, cùng Ân Sủng Chúa, Phaolô đã chọn và hãnh diện với căn tính Kitô của mình: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác để được Chúa Kitô và kết hợp với Người” ( Pl 3,8).
Trong thế giới tục hóa ngày nay, tưởng chừng con người tự tin và hạnh phúc hơn với những “trang sức và trang phục” thời đại tạo ra, nhưng đằng sau những lớp trang hoàng đó, là những tiếng khóc nức nở vì sự khao khát sâu thẳm, đó là khao khát được yêu thật, được chăm sóc, được cảm thông, được tôn trọng, được thuộc về, được tràn đầy, được bình an thật. Mẹ Têrêsa Calcutta cho biết: “Căn bệnh trầm trọng nhất của thời nay không phải là bệnh phong hủi hay bệnh lao, mà là sự cảm nhận bị bỏ rơi.” Mỗi lúc, thế giới càng có nhiều kẻ đau yếu về luân lý và tâm linh. Hơn lúc nào hết, căn tính Kitô cần được khẳng định ngay lúc này, là “tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất” (Lc 19,10). Khẳng định ở đây không phải kiểu của thế gian, nhưng mà là theo con đường nghèo của Chúa Kitô. Người mang căn tính Kitô cần can đảm cho mọi người biết mình là mờ nhạt và yếu thế, trước quyền lực và vinh hoa của thế gian. Đức Giêsu không chống lại và chứng tỏ mình theo kiểu thế gian trước những kẻ đang tìm bắt và giết Người: “Anh làm gì thì làm mau đi!” (Ga 13,27). Đức Giêsu đã trở nên bất lực, từ khi còn là một hài nhi mong manh trong máng cỏ cho đến khi Người bị treo lên thập giá với tên gian phi nhạo báng sự bất lực của Người. Nhờ bất lực này mà chúng ta mới có sự sống thật. Đây cũng chính là ơn gọi linh thánh của Kitô hữu, là đi vào con đường như Người đã đi, để xuyên qua những lớp lá được trang hoàng tạm bợ của thế gian, người Kitô hữu sẽ chạm đến chiều sâu tâm hồn của con người thời đại, là nơi mà những cơn đói khát vẫn đang dai dẳng và chưa ai lấp đầy được, để đem ánh sáng Chúa Giêsu Kitô đến (11). Đông đảo tín hữu tán dương Đức giáo hoàng Phanxicô, nhưng cha liền đáp: “Tất cả các bạn đang hô Phanxicô, Phanxicô, giáo hoàng Phanxicô, nhưng Chúa Giêsu ở đâu?” (12).
… muốn là Chúa hay yêu Chúa
Xuyên suốt lịch sử loài người, chúng ta thấy nhiều người có quyền lực “tối cao” đến nỗi có thể cầm quyền sinh tử người khác, chẳng hạn như hoàng đế Pharaô, Hêrôđê, Augustô, hoàng hậu Julia Agrippina, các hoàng đế La Mã, các lãnh chúa Phong Kiến, Tần Thủy Hoàng, nữ vương Võ Tắc Thiên, Thành Cát Tư Hãn, hoàng đế Tamerlane, các nhà độc tài… Nhìn lại các hoàng đế và lãnh chúa trong lịch sử loài người, chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên và run sợ trước sự độc ác nơi con người đồng loại với nhau. Huyền thoại về Vimpire từ xa xưa, và được điện ảnh Mỹ dựng thành phim ngày nay, cho thấy một cách nào đó Vimpire vẫn đang hiện hữu để hút máu đồng loại. Cái “tôi” nơi mỗi người vẫn bị thúc đẩy để thống lãnh người khác. Blaise Pascal kết luận: “Mỗi cái tôi luôn mãi thù nghịch với nhau và muốn làm bạo chúa trên tất cả người khác” (13).
Sự tự do Chúa ban cho con người để yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thì giờ đây đã bị lạm dụng và chà đạp mà đã khởi phát từ nguyên tổ Ađam Evà. Con người đã muốn “nên như Thiên Chúa” (St 3,5) mà “không cần Thiên Chúa, qua mặt cả Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa” (14). Sự ngờ vực phẩm chất tốt lành của Thiên Chúa bắt đầu xuất hiện khi Evà, qua con rắn, cảm thấy rằng Chúa đang giấu nhẹm đi một điều tốt hơn những gì mà Chúa đã ban tặng cho Ađam và Evà: “Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4-5). Từ đó, nguyên tổ không tin và kính phục Chúa nữa, họ bắt đầu tự mình tìm con đường thăng tiến cho chính bản thân mình. Giờ đây, mỗi người trong chúng ta từ khi xuất hiện trong dạ mẹ, đã là kẻ ngờ vực, như thánh Phaolô đã nói: “Luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể tôi” (Rm 7,23). Loài người sẽ mãi mãi mang trong mình sự chống đối và nổi loạn với Đấng đã dựng nên mình, qua lời “gọi mời” tự túc mà không cần đến tha nhân và Thiên Chúa: “Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất” (St 11,4).
Trong cuộc sống thực tế, chúng ta cũng chứng kiến nhiều xung khắc, từ trong bản thân mình cho đến người thân, tập thể, xã hội. Con người tự tử, phá thai, phản bội, chà đạp, bạo hành gia đình, ly dị gia tăng, chiến tranh, khủng bố. Xã hội càng văn minh, con người thêm ngờ vực nhau, và nhiều luật lệ ra đời. Trong môi trường sinh hoạt tôn giáo cũng vậy. Ca đoàn, hội đoàn, tập thể, ban ngành mãi xung khắc. Đã có hội nhóm, là có xung đột, không thể hiện thì cũng ngấm ngầm. Cá nhân nào cũng muốn thể hiện quyền lực theo cách riêng của mình. Kẻ giàu có xem ra có tiếng nói mạnh hơn, được trọng vọng hơn. Kẻ yếm thế thì dồn nén chịu vậy. Thái độ và sự khao khát “là Chúa” đối với người có quyền, có của được biểu tỏ qua lời nói thái độ khẳng định, gia trưởng, hống hách, khinh miệt, triệt hạ. Đối với kẻ kém cỏi và thấp bé thì thể hiện bằng sự hờn dỗi, càm ràm, chê bai, xét đoán, và cô lập chính mình. Người Do Thái sợ mất đi uy quyền vương đế của mình khi gặp một người xuất hiện tự xưng “là Chúa”: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Hêrôđê cũng đã ra lệnh giết các trẻ thơ dưới hai tuổi! Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Nếu Thượng Đế muốn hủy hoại người nào đó, thì trước hết, Ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần.”
Sự vĩ đại nơi con người là con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (imago Dei), vì thế con người đều mang trong mình những thuộc tính Thiên Chúa, là khôn ngoan, tốt lành, thánh thiện, yêu thương, công chính, và chân thật. Thế nhưng, xét về mức độ thì những thuộc tính ấy của con người khác với Thiên Chúa, vì trong Thiên Chúa, những thuộc tính ấy là vô hạn, tuyệt đối, hoàn hảo. Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã không còn nguyên vẹn sau khi Ađam Evà phạm tội. Hình ảnh ấy sẽ được phục hồi khi con người đặt niềm tin vào Đức Kitô qua ân sủng Thiên Chúa và ơn Chúa Thánh Thần.
Ngôi Lời đã trở thành phàm nhân để đưa con người từ đổ vỡ đến chỗ thành toàn. Đức Giêsu luôn cảnh tỉnh các môn đệ nhiều lần, cụ thể qua những trình thuật như rửa chân (Ga 13,12-15), tôi tớ (Mc 10,44), phục vụ (Lc 22,26), trẻ thơ (Mc 10,13-16), thân nô lệ (Pl2,6-7), hiền lành (Mt 11,28),… Đặc biệt hơn, Đức Giêsu Kitô đã đưa ra phương pháp hóa giải sự cám dỗ “là Chúa” bằng sự quảng đại và bao dung: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Quảng đại và tha thứ sẽ làm cho chúng ta không hướng đến suy nghĩ và hành vi “làm Chúa” giữa đồng loại. Khi tha thứ bao dung, chúng ta không nghĩ đến việc lấp đầy lòng ham muốn không ngơi của mình. Tha thứ có nghĩa là mình muốn nói lên “xin (Chúa) tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng…”, và “tôi cũng là người như bạn, là bất toàn và cần được thứ tha.”
Ai trong chúng ta cũng nhiều khao khát, thế nhưng thực tế hình như chúng ta chẳng đạt được bao nhiêu. Khi quảng đại và tha thứ, chúng ta muốn ám chỉ rằng con người không thể đạt được tất cả những gì mình muốn. Đó là bi kịch kiếp người. Bất lực và giới hạn. Những người muốn có được tất cả những gì mình muốn là những người muốn “bằng Chúa.” Khi chúng ta muốn “bằng Chúa,” có nghĩa là chúng ta không bao giờ biết tha thứ, và không cần được tha thứ, bấy giờ chúng ta sẽ đi trên con đường của thù hận và bất an. Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: “Nếu bạn xét đoán ai, bạn sẽ không còn thì giờ để mà yêu thương họ nữa.” Nếu vẫn chưa biết tha thứ, có nghĩa là bạn đang chơi trò chơi quyền lực mà không có kết thúc. Trong tình yêu, quyền lực và thống trị không hiện hữu. Quảng đại tha thứ chính là vũ khí tâm linh vô cùng hiệu lực chống lại cơn cám dỗ “bằng Chúa” và quyền lực tối tăm.
Trống rỗng và kiệt lực… khi xa Chúa
Lời Chúa vẫn còn rất mới mẻ đối với chúng ta, là những Kitô hữu. Chúng ta tự hào vì chúng ta có truyền thống Công giáo lâu đời trong gia đình. Chúng ta là đạo gốc! Thế mà, nhiều khi chúng ta không thể trả lời những câu hỏi đơn giản của các anh chị em tân tòng đặt ra! Lần nọ, trong một lớp giáo lý tân tòng, cha xứ nói về đề tài “Chúa là Tình Yêu.” Cha khai triển về sự bình an, tự do, thoát mọi gông cùm khi bước theo Chúa. Cuối giờ học, một chàng trai trẻ với bộ tóc highlight và áo quần đúng mốt đến cha và hỏi: “Thế nhưng sao con vẫn không thấy cha thanh thoát và bình an vậy?” Anh thanh niên đặt câu hỏi làm chúng ta nên suy nghĩ. Vâng! Không biết từ lúc nào, mà rất lâu rồi, cha xứ đó lúc nào cũng nghiêm khắc và gắt gỏng. Lớp học của cha luôn nặng nề và ảm đạm, không trò nào dám ý kiến hay trao đổi gì. Im lặng đến và lẳng lặng về. Nhiều lúc chúng ta theo Chúa đã lâu nhưng vẫn không thể làm cho tha nhân biết đến con người Chúa Giêsu, là Đấng đã sống kiếp phàm nhân trong sự hiền lành và khiêm nhường. Có lần vị cha già dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi nói với các Kitô hữu rằng: “Tốt nhất là chúng ta hãy thể hiện cuộc sống của mình bằng hành động cụ thể hơn là bằng lời nói suông. Thiên Chúa không chỉ đã bị đóng đinh vào thập giá cách đây 1900 năm, chính hôm nay Người vẫn còn bị đóng đinh. Ngày lại ngày, Người vẫn tiếp tục chết và rồi Người lại phục sinh. Chỉ là một sự an ủi mỏng manh nhỏ bé cho nhân loại, nếu như sự an ủi ấy chỉ đặt vào nơi một vị Thiên Chúa lịch sử, Đấng đã chịu chết cách đây hai ngàn năm. Vậy, anh em đừng tôn thờ vị Thiên Chúa lịch sử, nhưng hãy tỏ cho nhân loại thấy được Người đang sống trong anh em hôm nay như thế nào” (15).
Nhiều tín hữu rất nhiệt thành trong việc làm bác ái xã hội, phụ giúp nhà thờ nhà thánh, hay trong các hội này đoàn nọ… nhưng khi họ gặp một chuyện không vừa ý nào đó, thì từ vui vẻ hăng say chuyển sang thái độ chua cay với tha nhân và chán chường với chính mình. Chỉ với xúc phạm nhỏ từ kẻ khác, họ có thể suy sụp và nội lực mà bấy lâu nay họ dùng để phục vụ ra như tan biến nhanh chóng. Cũng như khi nạp pin với dòng điện cao, pin sẽ mau đầy nhưng cũng mau hết. Pin được nạp từ từ thì pin sẽ bền và kép dài thời gian sử dụng hơn. Trong đời sống tâm linh, sự cầu nguyện liên lỷ và đều đặn sẽ giữ chúng ta vững mạnh dù có đứng trước gian nan thử thách của cuộc đời. Nếu không, chúng ta dễ dàng rơi vào nguy cơ sống đạo kiểu chắp vá và trên bề mặt. Một linh mục đã lớn tuổi nọ rất thành công trong môi trường Đại Học, với chuyên môn thần học mục vụ và tâm linh Kitô giáo trong nhiều năm, đã làm việc tại Burundi, Đông Châu Phi, trong thời gian đang có nội chiến (1993 – 1999), ngồi đăm chiêu nhìn ra ngoài từ cửa sổ của nhà hưu dưỡng và đã tâm sự: “Nhìn lại biết bao thành công đã qua, nhưng bây giờ nhìn lại tâm hồn mình, tôi thấy như tôi đang xây nhà trên cát.Tôi đã tự hỏi liệu những thành đạt và tuổi đời thêm cao có làm tôi thực sự đến gần với Chúa Giêsu hơn không. Tôi đã quá bận rộn (preoccupied) đến nỗi ăn uống thất thường. Tôi cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng (empty) tận sâu thẳm và tôi đã kiệt lực (burnout).” Trong những năm câm nín và cô đơn cùng tận, thần học gia Yves Congar, Dòng Đa Minh, có lần tâm sự: “Tôi đã ‘làm việc’ nhiều quá mà không‘sống’ đủ…Tôi thực sự cần phải được vực dậy trong đức tin. Tôi đi lưu đầy, đã gần ba năm, lưu đầythựcsựtrong đức tin: đức tin của Ábraham, của Môsê, của Hípri. Tôi đã sống niềm tin đó, đã thường xuyên giảng về đức tin đó xưa nay…Tôi cần phải khởi sự lại mộtcuộcđờitrong đức tin và niềm hy vọng“contra spem” (16).
Một đời sống thiếu vắng Thiên Chúa sẽ giống như là một đời sống thực vật, có tồn tại được là do những thức ăn thức uống vật chất cung cấp mà thôi! Nhiều khi chúng ta đã nhiều lần tự đóng kín cánh cửa tâm hồn mình. Chúa chỉ có thể đứng ngoài cửa nhìn vào chờ đợi chúng ta mở ra và mời Ngài vào, nhưng Ngài đã kiên trì đợi chờ hết năm này đến năm khác… Ngài chỉ là khán giả không chính thức đứng nhìn chúng ta trình diễn mua vui cho cuộc đời. Chúng ta có thể nói nhiều về Chúa, quảng diễn về Chúa, chúng ta rất tự hào vì phục vụ Giáo Hội và mang lại bao vinh dự cho gia đình, cho giáo xứ, cho hội đoàn, cho Dòng,… nhưng chúng ta chưa một lần chạm đến Ngài. Càng trình diễn mua vui thiên hạ, ta sẽ càng cô đơn sâu thẳm. Viktor E. Frankl gọi là “trống rỗng hiện sinh” (the existential vacuum) (17).
Trong con người vẫn có những mẫu thuẫn tự nội. Con người khao khát tự do và sống tràn đầy, nhưng thay vào đó, con người lại tự đày đọa mình và tự giam hãm mình vào xà lim tối tăm rồi cho rằng mình tự do và hạnh phúc. Công đồng Vatican II cho biết: “mang thương tích do tội lỗi gây nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác” (18). Thực vậy, con người không thể hiểu hết giá trị cao cả của tự do mà Chúa ban tặng. Tự do của con người chỉ có giới hạn, vì thế con người cần phải đi trên con đường cứu độ thì tự do của con người mới trọn vẹn (19). Ađam và Evà cứ ngỡ rằng sẽ có tự do đích thực khi nghe lời con rắn hơn là nghe Lời Chúa (20). Con cái không chấp nhận cha mẹ có nghĩa là con cái chối từ sự hiện hữu của cha mẹ, và đồng thời chúng cũng đang chối từ chính hiện hữu của chúng. Thi sĩ Kahlil Gibran đã nói: “Thượng Đế đã lắp cánh cho hồn bạn bay bổng vào vùng trời tự do và tin yêu. Thật đáng thương thay khi bạn dùng chính tay mình vặt cánh đi để hồn phải bò lê dưới đất như loài giun dế!“
Ma quỷ đã làm mọi cách để tách Đức Giêsu ra khỏi đôi cánh tự do mà Thiên Chúa ban tặng, để mặc lấy đôi cánh tự do mà nó đã hứa hẹn, khi Người ở trong sa mạc 40 đêm ngày. Trong cơn cám dỗ, Đức Giêsu đều xác quyết lòng tin tưởng và sự nối kết chặt chẽ của Người với Thiên Chúa, “sống bằng Lời Thiên Chúa; Thiên Chúa là Đấng duy nhất đáng tôn thờ, và chớ thử thách Thiên Chúa.” Vâng! Ngoài Chúa, không ai có thể ban tặng cho con người tự do đích thực. Hay nói cách khác, con người chỉ có tự do ấy khi làm theo ý Chúa (thánh Cyrianô, Alexandria). Mục đích của ma quỷ là đảo lộn cách nhìn của Đức Giêsu về Thiên Chúa để đưa về cách nhìn của con người, đó là đưa ngã vị của con người, vật chất, quyền lực lên trên Thiên Chúa (21). Không chỉ những cám dỗ nơi sa mạc, nhưng xuyên suốt quãng đời tại thế của Đức Giêsu và những giây phút cuối cùng trên thập giá, Người vẫn bị cám dỗ ngờ vực Thiên Chúa, và đi vào lối suy nghĩ, hành động theo ý con người. Chắc chắn không đơn giản để Đức Giêsu thốt lên: “Lạy Cha, xin đừng theo ý riêng Con, một xin vâng theo Thánh Ý Cha mà thôi”! (Lc 22,41).
***
“Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng giả tạo, trong một nền văn hóa quan tâm tới ”hành động,” tới những gì là ”hữu dụng” trong đó vô tình chúng ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của chúng ta. Mùa chay kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức, hãy nhớ rằng chúng ta là thụ tạo, chứ không phải là Thiên Chúa” (22). Khi chúng ta không còn tự khẳng định, loại chối từ các phô biểu diễn, không quyền lực – là những chiếc lá làm khố che thân được rơi xuống – thì lúc bấy giờ chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm khoảng hư vô hãi hùng. Chúng ta cảm thấy mình sống không thể không có những chiếc lá che thân, là những “trang sức và y phục” các loại, như vi tính, điện thoại, truyền hình, các phương tiện thông tin, công việc, giảng dạy, lãnh đạo, kiến thức, sách vở, âm nhạc, bạn bè, những người xa gần… Sự ồn ào và bận bộn của thế giới ngày nay cũng tăng thêm cảm giác “an toàn” cho những kẻ sợ khoảng vắng ấy. Chúng ta chưa trải nghiệm “trần truồng” thực sự! Vì vậy, chúng ta chưa nghèo đích thực.
Mùa Chay là mùa của hồi tâm và của ân sủng. Hồi tâm, để hiểu rõ một thực tại nơi mỗi người, “ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất(St 3,19) và ân sủng, để sống với Tình Yêu Thiên Chúa và lịch sử Ơn Cứu Độ của mỗi người. Đức Giêsu phải chiến đấu rất nhiều trong sa mạc, đối diện với một khoảng vắng đáng sợ nơi tâm hồn. Khi chúng ta lột sạch hết những “trang sức và y phục”, chúng ta sẽ chỉ thấy ta với ta. Trần truồng. Yếu hèn. Lạnh lẽo. Dễ vỡ. Tội lỗi. Tan nát. Cô đơn. Cám dỗ lúc này là, chúng ta muốn ùa chạy đến ai đó, tìm đến điều gì đó để có thể không đối diện với khoảng vắng ấy. Thế nhưng, một khi không đối diện thực sự với chính mình và với thân phận “con cái của nguyên tổ,” chúng ta sẽ không thể trở thành con người mới. Chúng ta muốn giữ chặt lấy con người cũ và yên hàn trong những “chiếc lá” tạm bợ để che thân. Những chiếc lá này có giữ lại cũng chỉ bảo vệ và bao bọc thêm cho những cái tôi mới và tốt hơn của chúng ta mà thôi.
Sợ thay đổi và lột xác. Sợ xấu hổ khi không còn gì che phủ. Sợ có nghĩa là chưa tin, là còn ngờ vực: Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38). Điều và cách thức mà chúng ta muốn Thầy lo không phải là điều và cách thức mà Thầy muốn. Nhưng chắc chắn một điều, Thầy luôn luôn chăm lo cho mỗi người chúng ta theo cách tốt nhất của từng người chúng ta. Một khi chúng ta đã hiện hữu trên đời, có nghĩa là chúng ta đã có trong tâm trí Thiên Chúa từ vô tận, cho nên, không khi nào Ngài không có chúng ta trong tâm trí Ngài. Một khi chúng ta “đã” không hiện hữu, có nghĩa là “sẽ” chẳng bao giờ có thời điểm nào đó để mà ta hiện hữu, và dĩ nhiên không bao giờ chúng ta có trong tâm trí Ngài. Vậy, vì chúng ta đã hiện hữu, nên chúng ta hãy xác tín vào chân lý rằng, Ngài không thể nào yêu chúng ta hôm nay hơn ngày mai, và Ngài cũng không thể yêu chúng ta hôm nay hơn hôm qua: ” Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3) (23). Chúng ta đã có trong tâm trí Ngài, tức là chúng ta đã có trong vĩnh cửu, nên chúng ta sẽ không bao giờ “ngừng” hiện hữu. Vì thế chúng ta không được ngờ vực và sợ hãi. Ân huệ sẽ đổ xuống cho những ai can đảm trở nên nghèo, để sống với nhân đức đối thần tin cậy mến (thánh Tôma Aquinô) (24), là điểm khởi phát và điểm quy hướng về của đời sống Kitô hữu (25).
Trong can đảm và nhẫn nại, hãy cho phép mình lột xác, cho phép mình trở thành con người mới. Hãy cho phép từng chiếc lá che phủ trên con người chúng ta rơi xuống, để sau hết chúng ta thấy được con người đích thật của mình – mang căn tính Kitô – được Cha rất thương xót và yêu thương. Nữ tu Joan Chittister O.S.B cho biết: “Thay đổi là vô cùng khó khăn, vì nó đòi hỏi chúng ta phải giang rộng đôi tay và có con tim luôn biết trông cậy để tin nhận rằng: Chúa đã gìn giữ chúng ta hôm qua và Ngài vẫn sẽ ở đây với chúng ta ngày mai“.
Chính khi chúng ta sống trong sa mạc (26) chúng ta mới cảm nghiệm được giá trị siêu nhiên, từ đó biết cúi đầu và hiến dâng một cách hoàn toàn và vô điều kiện chính mình cho Chúa Giêsu Kitô: “Lạy Chúa, con xin phó thác” (Lc 23,46). Tất cả chúng ta chỉ là thụ tạo bất toàn và bất lực, không thể tự lập tự túc. Chúng ta cần trở nên nghèo, để được giàu có; Hãy trở nên bất lực, để được sức mạnh; Hãy chết, để được sống.
Chỉ trong và qua Đức Kitô, chúng ta mới có sự sống thật-tốt-đẹp, trước tiên ngay trong thế giới này, một thế giới của bận bộn, vô cảm, hiệu quả, và thực dụng.
Nguyễn thanh Tuyền, O.P
_______________________________
Chú thích:
(1) Thông điệp Deus Caritas Est, của Đức Benedict XVI, số 35.
(2) Thiên Chúa và Trần Thế, Joseph Ratzinger (Đức Bênêđict XIV), chương 1, tiết 1.
(3) Unesco Learning: the Treasure Within: Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty -first Century. UNESCO Publishing. Phần II, mục 4.
(4) Hiroshima: bởi bom nguyên tử Little Boy vào 06.08.1945, và Nagasaki: bởi bom nguyên tử Fat Man, vào 09.08.1945.
(5)Tông huấn Evangelii Gaudium, của của Đức giáo hoàng Phanxicô, số 98-101.
(6) Lão Tử – Đạo Đức Kinh, thiên thượng, chương 24.
(7) Evangelii Gaudium, số 197-201.
(8) Lumen Fidei, số 57.
(9)“Cái tôi” Lacan gọi là “the moi” hay là “specular ego,” trong chương 2, về The Master in the Mirror, trong cuốn The Other Side of Desire: Lacan’s Theory of the Registers. New York Press, 2000, trang 23; Hay theo trường phái Gestalt gọi là “the Imaginary Ego” trang 30; Hay theo Freud là “Ideal-I”, trang 35.
(10)Deus Caritas Est, số 36.
(11) Lumen Fidei, số 1-5.
(12)Thánh lễ vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Vatican, 18-5-2013.
(13) Chaque moi est l’ennemi et voudrait être le tyran de tous les autres. Trích từ bộ sưu tập Les Penséesde Pascal, mục Le moi: inconnaissable et haïssable, 455.
(14) Sách GLHTCG, số 398.
(15) Gandhi’s Autobiography, nxb. 1948, bởi UNESCO, với lời tựa: All Men Are Brothers, chương II, tựa đề Tôn giáo và Chân Lý.
(16) Yves Congar, Con Người và Tư Tưởng, trang 38-39.
(17) Frankl định nghĩa existential vacuumlà một cảm giác trống vắng sâu thẳm, một khoảng trống trong đáy tâm hồn họ khi họ không biết được mục đích sống để làm gì (trang 106).
(18) Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Phần I: Giáo Hội Và Thiên Chức Con Người, số 14.
(19)Padovano, Anthony T., The Estranged God.Sheed and Ward: New York. 1966, trg. 171.
(20) Sách Giáo Lý HTCG, từ số 396 – 399.
(21) Lumen Fidei, số 25.
(22) Bài giảng Đức thánh cha Phanxicô trong Lễ Tro tại Tu viện Santa Sabina.
(23) “Je t’aime d’un amour éternel; C’est pourquoi je te conserve ma bonté.”
(24) Deus Caritas Est, số 39.
(25) Xem thêm Tông thư Spe Salve, 2007 và Caritas In Veritate, 2009.
(26) Là chốn thinh lặng, thất bại, bệnh tật, tước đoạt, cô đơn, mất mát, thiếu thốn, đói khát, nghèo khổ.
Sách Tham Khảo
– Bibby, Reginald W. Restless Churches. Wood Lake Boks: Toronto. 2004, trang 7-27, 42-5, & 53-83.
– Chittister, Joan. Aspects of the Heart: The Many Paths to a Good Life. Novalis: Toronto. 2012, trang 16.
– Crabb, Larry. Finding God. Zondervan Publishing House: Michigan. 1993, trang 83-109 & 153-65.
– Frankl, Viktor E.Man’s Search for Meaning. Washington Square Press: New York. 1984, trang 106-10 & 117-58.
– __________________.Man’s Search for Ultimate Meaning (A revised and extended edition of the Unconscious God; with a Foreword by Swanee Hunt). Perseus Book Publishing: New York, 1997.
– Guiton, Jean. Silence sur l’essentiel (4. éd.). Desclée de Brouwer: Paris. 1993.
– Gibran, Kahlil, Lời Thiêng. Bản dịch Trần Văn Điền, nxb. An Tiêm, in lần thứ nhất. 1973.
– Huskey, Rebecca Kathleen. Paul Ricoeur on Hope: Expecting the Good. Peter Lang Publishing, Inc.: New York. 2009, trang 43-60.
– Jacques Delors, Chairman. Learning: The Treasure Within. Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-first Century. Unesco Pub.:Paris. 1996.
– Lão Tử – Đạo Đức Kinh. Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê. Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, 2012.
– Maloney, George A., Alone with the Alone. Ave Maria Press: Indiana. 1982, trang 118-36 & 192-8.
– Nouwen, Henri J. M., The Only Necessary Thing: Living a Prayful Life. A Crossroad Book: New York, 1999, trang 41-55, & 150 -52.
– Paul Nguyễn Thái Hợp, OP. Yves Congar, Con Người và Tư Tưởng. 2005, trang 38 &39.
– Ratzinger, Joseph Cardinal. Thiên Chúa và Trần Thế: Tin và Sống trong Thời Đại Ngày Nay (Cuộc trao đổi với ký giả Peter Seewald). Phạm Hồng Lam chuyển ngữ. 2000.
– Rohr, Richard. Immortal Diamond: The Search for Our True Self. Jossey-Bass: San Francisco. 2013, trang 59-66, & 189-91.
– Rolheiser, Ronald. The Shattered Lantern: Rediscovering a Felt Presence of God. Crossroad: New York. 2000.
– Sone, K Krzysztof. Truth, Beauty, and Goodness in Biblical Narratives: A Hermeneutical Study of Genesis 21:1-21. Walter de Gruyter GmbH & Co. KG.: Berlin, Germany. 2009.
– Vanier, Jean. Accueillir Notre Humanité. Presses de Renaissance: Paris. 2007, trang 15-198.
– Yves Congar: Essential Writings (Modern Spiritual Masters Series). Orbis Books: New York. 2010, trang 124-34, & 152-174.