Mỗi khi bước vào mùa Chay, Hội thánh luôn kêu gọi các tín hữu, ngoài việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, làm việc bác ái…mỗi người chúng ta còn phải quan tâm tới việc sám hối, ăn năn đền tội. Việc cụ thể nhất, đó là chúng ta xét mình và xưng tội. Hội thánh mời gọi tín hữu hãy làm hòa với Chúa, hòa giải với anh em, thay cũ đổi mới, được thanh tẩy để trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn như lòng Chúa mong ước.
ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên, khởi đầu mùa Chay 2017 tại Gp Hải Phòng, đã chia sẻ: “’Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim trong sạch!’ (Tv 50,12). Đó là lời nguyện cầu của vua Đavít. Đó cũng là tâm tình của mỗi chúng ta mỗi khi Mùa Chay về. Trái tim sạch là trái tim được canh tân. Nếu không đổi mới từ tâm can, Mùa Chay sẽ trở thành vô nghĩa. Thiên Chúa đang chờ đợi và sẵn sàng ban cho chúng ta một trái tim mới, thay thế trái tim đã già cỗi và chai đá. Khi mang một trái tim được canh tân, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng yêu hơn” (x. bài “Một trái tim mới”, suy tư mùa Chay 2017, nguồn: trungtammucvudcct.com).
Như vậy, xét cho kỹ thì sự canh tân đổi mới của chúng ta có khởi điểm là tận sâu thẳm trong tâm hồn, lan tỏa ra bên ngoài, từ nội tâm bên trong con người đến cuộc sống bên ngoài, từ những việc nhỏ nhất đến những việc lớn nhất… Theo thông lệ, trong mùa Chay chúng ta sốt sắng tham dự thánh lễ, nghe giảng tĩnh tâm và đi xưng tội. Nhưng nếu chúng ta chỉ thực hành những việc đó một cách máy móc, hình thức, chiếu lệ và an tâm là mình đã sống trọn vẹn mùa Chay, thì thực sự là thiếu sót vì chưa đúng theo ý của Chúa và Hội thánh.
ĐTC Phan-xi-cô, trong sứ điệp mùa Chay 2019, đã có đoạn viết như sau:
“Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thụ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ “nuốt chửng” mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta.
“Lời cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản ngã, giúp ta nhìn ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Người.
“Việc bố thí, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân với niềm tin viển vông rằng chúng ta có thể bảo đảm cho mình một tương lai không hề thuộc về chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta, và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta” (J.B. Đặng Minh An dịch, nguồn: gpvinh.com).
Xét như trên thì việc ăn chay, bố thí và cầu nguyện của chúng ta trong mùa Chay mang một chiều kích sâu rộng hơn, cao cả hơn, tinh tuyền hơn. Đó không chỉ là những việc làm theo luật mà còn là động lực giúp ta chiến thắng con người cũ của mình, bước vào quỹ đạo canh tân đổi mới theo tinh thần Tin Mừng Ki-tô giáo.
* ĐỔI MỚI TƯ DUY SỐNG ĐẠO
Mùa Chay trước hết giúp chúng ta đổi mới tư duy sống đạo. Có thể chúng ta đang sống trong tư duy giữ đạo theo lề luật. Đạo đối với nhiều Ki-tô hữu đơn giản chỉ là đạo-sinh-hoạt, đạo-đoàn-thể, đạo-đọc-kinh, đạo-phe-nhóm, đạo-hình-thức, đạo-phô-trương vv.
LM Nguyễn Trọng Viễn O.P, trong bài “Đạo-sinh-hoạt” đã chia sẻ như sau: “Cung cách sống đạo của phần lớn Kitô hữu hiện nay là cố gắng chu toàn các giới răn của Chúa. Đời sống đức tin được qui định bằng luật lệ, được diễn giải thành những hành vi cụ thể : làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay… Kiêng thịt chứ không phải là tự nguyện có một chút hy sinh. Ăn chay nghĩa là ‘một bữa no hai bữa đói’ và có thể ‘mất chay’ nếu lỡ ăn bất cứ điều gì ngoài ba bữa chính, chứ không phải là một hành vi nói lên lòng khao khát Chúa. Đi lễ ngày Chúa Nhật thế nào cho ‘thành sự’ chứ không phải kín múc nguồn mạch sức sống cho cuộc sống thường ngày. Làm dấu trước bữa ăn thay vì một tâm tình tạ ơn…Trong những nếp qui định ấy, có khá nhiều Kitô hữu hiện nay rõ ràng đã không sống được một tâm thức của đức tin chân chính.
“Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa. Người Kitô hữu đi lễ như một trách nhiệm phải chu toàn chứ không sống tinh thần hiệp thông với cộng đoàn để tạ ơn Chúa. Nhiều bạn trẻ tránh tội vì sợ Chúa phạt, nên khi lỡ phạm một tội trọng (chẳng hạn bỏ lễ Chúa Nhật) thì chọn lập trường ‘cùi không sợ lở’, ‘chơi luôn’… cho đến khi xưng tội lại. Nhiều người rất sốt sắng trong việc nhà đạo, nhưng không sống một chút giá trị lòng thương yêu và tôn trọng những người bé mọn, sự cảm thông, tha thứ, cái nhìn của đức tin siêu nhiên… Do đó, chúng ta thấy nhiều người Kitô hữu tính toán chi tiết để khỏi vi phạm luật, nhưng không hề thấy lỗi lầm của mình trong những việc không thấy ghi rõ các các giới răn, chẳng hạn làm cho những người chung quanh phải khổ…” (Nguồn: simonhoadalat.com).
Từ những nhận định trên, chúng ta thấy rằng đổi mới tư duy sống đạo theo hình thức cũ là rất cần thiết trong mùa Chay này.
Thay vì chúng ta giữ đạo theo lề luật, thì hãy sống đạo theo lòng mến Ki-tô giáo, vì “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Thay vì chúng ta bị thúc đẩy, lôi kéo đi xưng tội theo thói quen và theo đám đông, thì hãy xét mình kỹ lưỡng và nghiêm túc, đồng thời quyết tâm hối cải. Hối cải theo tinh thần và lời mời gọi của Chúa Ki-tô. Vì chỉ có hối cải thực sự chúng ta mới được ơn tha thứ, được ơn trở về với Chúa và được Ngài đón nhận.
Thay vì chúng ta đi lễ và rước lễ theo quán tính, người sao ta vậy, thì chúng ta hãy tham dự thánh lễ một cách sốt sắng, tích cực nhằm kín múc những lợi ích thiêng liêng từ bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Chúng ta chăm chú rước lễ để nhờ đó được thông hiệp vào hiệu quả sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô, để được sống như Ngài. Và cũng qua sự thông hiệp ấy, chúng ta được liên kết với mọi phần tử trong mầu nhiệm Thân Thể Đức Ki-tô. Và khi đó đức bác ái Ki-tô giáo sẽ là mối dây ràng buộc liên kết chúng ta lại với nhau.
Thay vì chúng ta lải nhải đọc hết kinh này đến kinh nọ, hết cung điệu này đến cung điệu kia, thì chúng ta dành thời gian để cùng đọc và suy niệm Lời Chúa phán dạy trong Thánh Kinh. Thánh Giê-rê-ni-mô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Thánh Kinh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ ý Chúa hơn trong chương trình cứu rỗi của Ngài và nắm giữ các điều Ngài dạy. Đó là điều Chúa muốn và ưa thích chúng ta quan tâm thực hành. Chúa đã phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
* ĐỔI MỚI THEO TINH THẦN HOÁN CẢI CỦA TIN MỪNG
Kêu gọi mọi tín hữu hoán cải luôn là thông điệp nổi bật của mùa Chay. Hoán cải để được ơn tha thứ. Hoán cải để được ơn trở về. Hoán cải là bước đầu và là yêu cầu cốt thiết của đổi mới, hoán cải để dễ dàng gặp Chúa và tha nhân.
Vậy hoán cải theo Ki-tô giáo là gì?
Trong bài “Hoán cải, hành trình trở về với Chúa”, LM Phaolô Bùi Đình Cao đã chia sẻ như sau:
“Khi dùng từ hoán cải – Metanoia – trong Kinh thánh Cựu ước và Tân ước, các tác giả muốn nói lên sự thay đổi tâm tình, não trạng, hối tiếc, hối hận. Cách đặc biệt, nó còn được dùng để nói đến một sự thay đổi hướng đi, thay đổi đường xưa lối cũ, có nghĩa là từ bỏ đường tà để trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa. Như thế, hoán cải không chỉ là thay đổi việc làm bên ngoài hay chỉ bên trong tâm trí mà thôi, nhưng là thay đổi cả con người, thay đổi cả trong ý muốn cũng như trong hành động. Do đó, ta thấy được rằng hoán cải, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành) còn có chiều kích thần học – chiều kích này làm động lực cho chiều kích luân lý. Hoán cải không đơn thuần chỉ là sửa chữa những lầm lỗi của của mình hay từ bỏ đường tà, nhưng điều cơ bản là phải nhận biết tôi là ai trước mặt Chúa. Hoán cải là được hiệp thông với Chúa, có nghĩa là nhận ra thân phận thụ tạo của mình, tuyệt đối qui hướng về với Thiên Chúa và ở lại trong Ngài” (Nguồn daichungvienvinhthanh.com).
Ở chỗ khác, một tác giả đã giải thích như sau: “Hoán cải, theo từ hy lạp (Metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Như vậy, dường như nó chỉ liên hệ với tâm trí, với sự thay đổi bên trong. Không phải thế. Phải hiểu nó theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia. Nó có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, bỏ đường tà trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước, và dấn bước vào một cuộc sống mới. Vì Cựu Ước coi con người như một toàn thể, nên hoán cải không chỉ là thay đổi tâm trí, mà là cả con người. Không chỉ trong ý nghĩ mà cả trong hành động” (LM Micae Trần Ðình Quảng, bài “Hoán cải hướng về Đức Ki-tô”, nguồn: simonhoadalat.com).
Như vậy, về ý nghĩa cơ bản, hoán cải là thay đổi toàn bộ con người cả bên ngoài lẫn bên trong, cả tâm trí tinh thần lẫn đời sống sinh hoạt, là quay đầu 180 độ, từ bỏ con đường cũ, bước đi con đường mới theo Chúa Ki-tô. Mùa Chay là cơ hội thuận tiện giúp chúng ta định hướng lại con đường chúng ta đang đi. Hoán cải là một tiến trình thay đổi đầy khó khăn, phức tạp. Đó là một cuộc “lột xác” mà mọi Ki-tô hữu phải thực hiện để được “mặc lấy Chúa Ki-tô” trong cuộc sống mới.
Tín hữu chúng ta, có thể rất chu đáo tuân giữ các lề luật, rất siêng năng làm các việc lành phúc đức, nhưng lại rất e ngại và sợ khi phải hối cải theo ý muốn của Chúa và Hội thánh. Bởi vì xét cho cùng đó là một cuộc canh tân đổi mới toàn diện. Cả về phương diện luân lý, lẫn đức tin. Cả về nội tâm con người bên trong lẫn bên ngoài. Cả về ý chí lẫn hành động.
Trở lại sứ điệp mùa Chay 2019 của ĐTC Phan-xi-cô, ngài kết luận như sau: “Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ. Nhờ thế, khi chào đón vào cuộc sống của chúng ta một cách cụ thể chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết, chúng ta cũng sẽ phản chiếu ánh quang rạng rỡ quyền năng biến đổi của chiến thắng ấy cho tất cả các tạo vật” (x. tài liệu và nguồn đã dẫn trên)./.
Aug. Trần Cao Khải