Một vài suy nghĩ về vấn đề danh xưng “cha-con” giữa giáo dân và linh mục

spirit fatherhood - Một vài suy nghĩ về vấn đề danh xưng "cha-con" giữa giáo dân và linh mục

Ai cũng biết, ngôn ngữ trong nhiều trường hợp có thể là một rào cản khiến ta khó có thể gần gũi nhau, có khi phát sinh hiểu lầm nghi kỵ, vì theo tâm lý truyền thông và giao tiếp, ngôn ngữ vừa là phương tiện hữu ích nhưng đồng thời cũng lại là cạm bẫy tai hại.

Thực tế có thể cho ta thấy vài trường hợp linh mục còn khá trẻ nhưng luôn xưng mình là “Cha”, thay vì “Em, tôi, con, cháu…” khi đối thoại với các thành phần giáo dân, nhất là giáo dân lớn tuổi hoặc có địa vị trong xã hội. Trong khi đó, ta có thể thấy, có những linh mục khi giao tiếp với bạn bè linh mục cùng lớp với nhau thì lại xưng hô “Cậu-tớ” hay thậm chí “Mày-tao” ngọt sớt! Thật là đáng suy nghĩ…

Có một số linh mục không thích giáo dân dùng lối xưng “Cha-tôi/ chúng tôi” thay vì “Cha-con/ chúng con”. Điều này có thể dẫn đến một sự hiểu lầm đáng tiếc giữa linh mục và giáo dân khi giáo dân chọn cách xưng hô “Cha/ tôi” với linh mục. Trong khi đó, ngược lại cũng có linh mục lại có thói quen xưng hô “Con” hay “Tôi/ em/ cháu…” với giáo dân khi giao tiếp mà không chút e ngại hay mặc cảm gì.

Thực ra, về phía giáo dân, do truyền thống và lòng đạo vốn có, đã không ngần ngại xưng hô “Cha-con” với các linh mục, dù đó là linh mục trẻ hay già, là con cháu hay bạn bè thân thiết. Thực tình, đa số giáo dân không biết đủ lý lẽ Thần học hay Thánh kinh để minh chứng cho việc xưng hô ấy là hợp lý và đúng đắn. Trong khi đó, linh mục vì được xưng hô là “Cha” thì chắc hẳn không vì thế mà nghĩ đến quyền hành, địa vị và sự “thánh đức” của mình để rồi coi nhẹ tính nhân bản trong giao tiếp ứng xử.

LM Đỗ Xuân Quế O.P, trong bài “Tính nhân bản của LM” đã chia sẻ như sau: “Ở xã hội chúng ta, nhất là trong giới Công giáo, linh mục tu sĩ là những người được nể vì, trọng thị. Mà không riêng gì Công giáo, tín đồ các tôn giáo khác cũng tỏ ra kính nể những người tu hành. Vì được trọng đãi như thế, nên nhiều khi người tu hành ở VN, trong đó có các LM, đôi khi gây buồn phiền đau khổ cho tín đồ, như mới đây tại một thành phố kia, một cha phó lo việc hôn phối đã không cho một tín nữ rước lễ, khi cử hành thánh lễ, chỉ vì người này kết hôn với một người ngoại đạo, dù đã được phép chuẩn tôn giáo dị đồng. Người nữ khiếu nại và trưng dẫn giáo luật như được chỉ dẫn. Cha phó nói: ‘Luật đúng nhưng tôi không cho…’ ” (Nguồn Vietcatholic News ngày 23-01-2005).

Sở dĩ chúng ta đề cập đến tính nhân bản của linh mục, như đoạn trích dẫn trên, là vì từ ngàn xưa linh mục luôn được giáo dân trọng thị như đấng bậc bề trên của mình. Các ngài xứng đáng được xếp vào hàng Cha-tinh-thần hay ít nhất cũng là bậc thầy (Thầy cả). Vì thế, mọi giáo dân đều mong muốn vị Cha-tinh-thần của mình ứng xử sao cho phù hợp với vai trò và địa vị cao cả của mình.

Trong bài “Sơ thảo đôi nét về hiện tình Hội thánh tại VN hôm nay”, LM Đỗ Xuân Quế O.P đã nhận định như sau: “Một điều đáng nói là mục vụ của các cha sở và lối hành đạo của giáo dân cần phải thay đổi cho phù hợp với tình thế mới. Các cha sở không thể để cho giáo dân sống mãi trong tình trạng ấu trĩ về đức tin, cũng như không thể giữ mãi những lề thói có tính mị dân, để duy trì lòng cung kính của họ đối với mình. …. Chúa bảo chúng ta đừng gọi ai là cha hay là thầy là muốn dạy chúng ta đừng thích hay đòi cho người ta trọng vọng mình… Các LM không cần phải đòi người ta kính trọng, nhưng nếu các vị ăn ở cho đúng bậc mình thì chắc chắn sự kính trọng sẽ đến” (Nguồn VietCatholic News 30-1-2005).

Vậy chính bản thân các linh mục chứ không phải ai khác làm cho việc xưng hô “Cha-con” trở nên sống động, trung thực và gần gũi thông qua đời sống mục tử gương mẫu, thánh thiện hơn là căn cứ vào sự trân trọng bên ngoài do ngôn ngữ đem lại.

Người giáo dân chúng ta, dù trong hoàn cảnh và địa vị nào, cũng không nên quá “dị ứng” trước cách xưng hô “Cha-con/ tôi” với linh mục bởi đó là quy luật của cuộc sống cụ thể này. LM Ngô Tôn Huấn (Texas, HK), trong bài “Vấn đề danh xưng” đã chia sẻ như sau: “Sở dĩ người giáo dân VN gọi các giám mục, linh mục là ‘cha’ và xưng ‘con’ là vì nét đặc thù của văn hóa và ngôn ngữ VN, một điều không tìm được trong bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Trong gia đình, theo văn hóa và ngôn ngữ VN, con cái phải luôn luôn nhận mình là ‘con’ khi nói chuyện hay thưa gửi cha mẹ. Phải xưng ‘cháu’ hay ‘con’ khi nói với ông bà, cô chú, bác, cậu mợ. Điều này tuyệt nhiên không có trong bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới, đặc biệt là ngôn ngữ tây phương, mặc dù người Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vv đều gọi LM là ‘Cha’ (Pater, Father, Père, Padre…). Họ không xưng ‘Con’ vì trong ngôn ngữ của họ không có lối nói này, chứ không vì họ muốn bình đẳng với cha mẹ hay với linh mục, giám mục… ”.

Vậy nếu đa số giáo dân cảm thấy thoải mái và tôn kính khi gọi linh mục là “Cha” và xưng “Con” với các ngài, thì đáp lại sự trọng thị đó, thiết nghĩ các linh mục sẽ tự cam kết rằng mình không thể làm cho giáo dân thất vọng bởi sự thiếu khiêm tốn trong thi hành mục vụ và thiếu tính nhân bản trong ứng xử và giao tiếp hàng ngày với giáo dân ./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version