Đó là lý do khiến linh mục Dòng Tên là Cha Samir Khalil cảm thấy có bổn phận phải lên tiếng. Cha vốn là một học giả về Hồi Giáo, về Xê-mít học (Semitologist), về Phương Đông học và là một thần học gia Công giáo sinh trưởng tại Ai Cập và hoạt động tại trung Đông suốt 20 năm qua. Hiện Cha đang dạy thần học Công Giáo và Hồi giáo học tại Đại Học Thánh Giuse tại Beirut, là sáng lập viên của viện nghiên cứu CEDRAC và là tác giả cuốn sách mới xuất bản gần đây tựa là “111 Câu Hỏi Về Hồi Giáo” do nhà Ignatius phát hành. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Zenit mới đây, Cha Samir cho biết một số khía cạnh liên quan đến công việc của mình.
Lý do
Cha Samir cho hay: sau ngày 11 tháng Chín, lúc ngài có dịp tranh luận với một số nhà báo, ngài mới hay tại Phương Tây, người ta biết rất ít về Hồi Giáo. Người ta đây bao gồm Kitô hữu, không Kitô hữu lẫn người không có đức tin. Sự kém hiểu biết này thúc đẩy một số người có thái độ gây hấn và tiêu cực đối với người Hồi Giáo. Nhiều người rất ngây ngô, sẵn sàng tin mọi điều họ nghe được. Lắm người còn dùng Hồi Giáo để gây hấn chống lại Kitô giáo. Tất cả đều do kém hiểu biết mà ra. Đó là lý do thứ nhất khiến ngài viết ra cuốn sách trên.
Lý do thứ hai: cha muốn giúp người Hồi Giáo suy nghĩ về chính tôn giáo và niềm tin của mình. Trong các tiếp xúc với tuổi trẻ Hồi giáo tại các khu ngoại ô của Paris, Cha nhận thấy họ gần như không biết chút gì về chính tôn giáo của họ. Ngài cũng từng nói truyện với nhiều người Hồi Giáo khác nhau tại Âu Châu, ở Đức nơi ngài tới nghỉ hè, ở Pháp, nơi ngài dạy học và ở Rôma, nơi ngài sống lúc đó, luôn luôn vẫn như thế. Ngài muốn đưa ra một số tín liệu tốt về Hồi Giáo, giúp người ta tránh được các hiểu biết sai lầm và các thiên kiến tai hại. Tuy thế, phần lớn nội dung của sách nhằm nói với thế giới Phương Tây để họ hiểu Hồi Giáo nhiều hơn.
Khách quan
Về cảm nghĩ của người Hồi Giáo đối với nội dung sách, Cha Samir cho hay: cha cố gắng hết sức để có cái nhìn khách quan. Nhưng có thực sự đạt được tính khách quan hoàn toàn hay không là vấn đề không dễ. Theo cha, không phải ai ai cũng hài lòng cả. Nhiều người cho rằng Hồi Giáo là một tôn giáo bạo hành, hay một tôn giáo chống phụ nữ; những người như thế chắc chắn không hài lòng vì họ nói cha không hiểu rõ bao nhiêu về bạo hành và bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà.
Có người lại cho rằng Hồi Giáo là một tôn giáo hòa bình và bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, và chính Mohammed đã nâng cao địa vị phụ nữ. Những người này tất nhiên cũng không hài lòng. Người nào cũng có lập trường riêng. Ít người hài lòng, nếu họ chống hay ủng hộ Hồi Giáo. Nhưng những ai muốn biết một điều gì đó có tính nghiêm chỉnh về Hồi Giáo, thì chắc chắn sẽ có khả năng đưa ra ý kiến riêng, vì họ sẽ tìm được nhiều sự kiện trong cuốn sách của Cha.
Tích cực hay tiêu cực
Trong phần mở đầu Sách, tác giả nói tới cố gắng trong việc cổ vũ sự hiểu biết lẫn nhau giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo. Nhưng nhiều câu trả lời lại mô tả Hồi Giáo và nguyên khởi của nó dưới một ánh sáng khá tiêu cực. Làm thế nào một cuốn sách như thế lại có thể thay đổi được ý nghĩ của Kitô hữu đối với Hồi Giáo? Cha Samir cho hay: Cha không nghĩ sách của cha có tính tiêu cực. Vì ý hướng của cha là để người ta hiểu biết hơn, hiểu chứ không cảm, một điều cần phải sử dụng đến đầu trước nhất, sau mới tới trái tim. Bạn cần, trước nhất, phải cung cấp các tín liệu nghiêm chỉnh để cổ vũ đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Nếu Cha không nói hết sự thật, thì sự thật cũng sẽ xuất hiện thôi nhưng lúc ấy tình thế sẽ tồi tệ hơn.
Cha cũng cố gắng xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, một sự hiểu biết không đặt căn bản trên thỏa hiệp và tín liệu sai lạc. Đối thoại bao giờ cũng khởi đầu với tín liệu nghiêm chỉnh, hợp khoa bảng, có tính trung thực về Kitô giáo và Hồi giáo. Các câu trả lời của Cha vì vậy cố gắng cung cấp tín liệu hữu ích; một số có tính tiêu cực vì vấn đề vốn có tính tiêu cực. Cha không rõ người Kitô hữu trung bình nghĩ gì. Nhưng ngày nay, hầu như đa số đều có cái nhìn tiêu cực đối với Hồi Giáo, trước khi đọc bất cứ cuốn sách nào…
Cha hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp người đọc hiểu các vấn đề hiện đang làm họ quan tâm như khủng bố chẳng hạn; có giải thích nhưng không có biện minh nào cho việc ấy cả. Bạn không thể biện minh được nạn khủng bố, nhưng bạn có thể giải thích tại sao người ta bị dẫn tới hành động khủng bố ấy. Bạn cũng có thể thấy rằng nạn khủng bố ấy một phần đã được Kinh Kô-răng và Truyền Thống Hồi Giáo hỗ trợ. Đa số người Hồi Giáo chọn hòa bình và bất bạo động. Tuy nhiên 10% chọn bạo lực lại mạnh hơn 90% không chọn bạo lực. Đôi khi, cái phần xấu xa của nhân loại, dù nhỏ hơn, nhưng lại mạnh hơn.
Khảo sát có phê phán
Đối với câu hỏi liệu có thể khảo sát một cách có phê phán lịch sử Hồi Giáo và các bản văn thánh của họ được không, nghĩa là có thể dùng lý trí mà khảo sát niềm tin Hồi giáo được không, Cha Samir cho hay: “Nếu bạn bảo một người Hồi Giáo: kinh Kôrăng dạy điều gì đó, nhưng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền dạy ngược lại, thì người Hồi giáo đó sẽ cho bạn hay: ‘chúng tôi theo lời nói và lề luật của Thiên Chúa, chứ không theo luật nhân quyền’ ”. Theo Cha, trong truyền thống Kitô giáo, chúng ta thấy nhiều nhà chú giải Sách Thánh hơn là người Hồi giáo giải thích Kinh Kôrăng. Trong thế giới Hồi giáo thuộc các thế kỷ thứ 9, 10 và 11, họ cũng có một phong trào chú giải, nhưng sau đó, họ đã đi thụt lùi.
Còn về mối tương quan giữa đức tin và lý trí, thì ngày nay, người Hồi Giáo đang ở trong giai đoạn tiêu cực của lịch sử họ. Chắc chắn họ có thể kết hợp đức tin và lý trí nhưng họ phải cật lực làm việc rất nhiều. Có nhiều lý do khiến xẩy ra bước thụt lùi trên, nhưng xét trong căn bản, chính là sự kém hiểu biết nơi các giáo sĩ Hồi Giáo.
Tiên kiến
Theo Cha Samir, tiên kiến thông thường nhất có tính khá tiêu cực: người Hồi giáo không hiện đại, không cởi mở đối với người khác, hay bạo động v.v… Bạn cũng thấy những tiên kiến tiêu cực như thế khi bạn nghe người Hồi Giáo nói về các Kitô hữu: họ không phải là tín hữu, là ngoại đạo, vô luân và hay gây hấn… Người Hồi giáo cũng thường nói một cách tiêu cực về Nước Mỹ: duy đế quốc, dùng bạo lực khuất phục người khác…
Thiển nghĩ điều đó cũng thông thường thôi. Mỗi người nhìn người khác từ một quan điểm riêng của mình và nhận ngay ra điểm dị biệt và điểm di biệt này thường lại có tính tiêu cực. Như Chúa Kitô từng nói trong Luca 6:41: “Tại sao các ông để ý tới hạt bụi trong mắt người anh em của mình, nhưng lại bỏ qua khúc gỗ nơi mắt các ông?”. Cho nên ta phải biết rằng có những dị biệt tiêu cực, nhưng cũng có những dị biệt tích cực. Ta có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với nhiều sự việc. Thí dụ, Chúa Ba Ngôi trong tín điều của ta là biểu thức sâu sắc nhất của việc hiệp thông với chính Thiên Chúa, vì Người là Đấng yêu thương và tự hiến. Nhưng đối với người Hồi Giáo, đó là điều khủng khiếp: hóa ra có ba thiên chúa à! Nó khiến cho họ nghĩ rằng Kitô hữu cũng giống như các dân ngoại ngày xưa, xem ra tin nhiều thần minh, chứ không phải chỉ một.
Bất khoan dung
Câu hỏi được nhiều người nêu lên là căn cứ trên lịch sử, ít có lãnh thổ Hồi giáo nào trở lại Kitô giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác, và họ thường bất khoan dung đối với Kitô giáo. Ngày nay, ta thấy một sự bùng nổ về dân số Hồi giáo tại ngay các lãnh thổ xưa nay vẫn kể là của Kitô giáo như Âu Châu và Bắc Mỹ. Vậy người Kitô hữu có cần phải sợ sự phát triển của Hồi Giáo chăng? Đâu là thái độ đúng đắn của người Kitô hữu đối với sự bành trướng này?
Cha Samir cho rằng quả thực người Hồi giáo ít khi trở lại Kitô giáo hay bất cứ tôn giáo nào. Tuy thế, trong mười năm qua, ta thấy có sự thay đổi nhỏ. Đến nỗi, tại Algeria, người ta đang đưa ra các đạo luật chống lại việc trở lại này. Theo Cha Samir, việc ấy không thể chấm dứt phong trào trở lại hiện nay. Cùng một hiện tượng trở lại như thế đang xẩy ra tại Morocco, tuy kém cường độ hơn. Ở miền Nam Châu Phi, phong trào trở lại còn mạnh hơn nữa. Hẳn nhiều người còn nhớ: mới đây trên Youtube, một đoạn phim của hệ thống
Al Jazeera bằng tiếng Ả Rập đề cập tới việc người Hồi giáo trở lại Kitô giáo. Phản ứng của vị giáo sĩ người Lybia có trách nhiệm về truyền bá Hồi Giáo cho Phi Châu, là thắc mắc làm cách nào để chặn đứng việc trở lại Kitô giáo kia vì theo ông có đến 6 triệu người Hồi giáo trở lại Kitô giáo tại Phi Châu.
Nhưng tại sao, Hồi giáo lại đang lớn mạnh tại Âu Châu và Mỹ Châu? Theo Cha Samir, tại họ có nhiều con. Gần đây, Cha có gặp một người học trò cũ. Anh ta người Algeria theo Hồi giáo. Cha hỏi anh ta xem anh ta đã lập gia đình và có con chưa, anh ta cho hay vợ chồng anh ta đã có ba con, nhưng đó mới chỉ là bắt đầu mà thôi. Trong khi ấy, người Tây Phương mới có một, hai đứa con, đã cho là quá đủ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là thái độ dửng dưng của nhiều Kitô hữu đối với đức tin của mình. Chúng ta hẳn thường nghe nhiều Kitô hữu nói rằng là Kitô hữu hay Hồi giáo hay Phật giáo đi chăng nữa cũng đâu có gì quan trọng, điều quan trọng là yêu thương nhau. Điều ấy có đúng một phần, nhưng bạn nên tự hỏi mình: “Làm thế nào để chúng ta biết yêu thương nhau nhiều hơn? Nếu tôi thực sự là Kitô hữu, và sống theo Phúc Âm, thì tôi sẽ yêu thương nhiều hơn”.
Cha Samir cho hay: “Tôi không sợ người Hồi Giáo. Phải biết cả niềm tin của họ lẫn Phúc Âm của tôi. Phúc Âm không thể sợ Kinh Kôrăng được”.
Diễn văn Regensburg
Đối với Cha Samir, diễn văn của Đức Bênêđíctô XVI tại Regensburg là một bước rất quan trọng trong thập niên qua. Phản ứng đầu tiên của người Hồi Giáo khá tiêu cực. Và chính nhiều người theo Kitô giáo và Công giáo cũng coi đó là một lầm lẫn. Tuy nhiên, không lâu sau, khi các ồn ào đã lắng xuống, chính người Hồi Giáo đã suy nghĩ lại bài diễn văn ấy. Kitô hữu cũng bắt đầu tự hỏi lý do tại sao Đức Giáo Hoàng lại trích dẫn một câu nói từ mãi thế kỷ thứ 14. Câu ấy chính là câu khiến nhiều người thắc mắc: không hiểu Đức Giáo Hoàng muốn nói gì. Nó khá khó giải thích vì muốn giải thích, người ta phải trở lại lịch sử. Tuy nhiên, bài diễn văn ấy dài tới 8 trang. Nên khi đọc kỹ người ta phải nhận đó là một bài diễn văn rất tích cực, đề cập tới một vấn đề quan trọng: đức tin đang dần biến đi tại Phương Tây; lý trí đang cạn đi ý nghĩa tâm linh theo Hy ngữ nguyên thủy; người ta nghĩ: nếu bạn không chứng minh được điều gì đó về phương diện vật lý, thì điều đó không có. Và giờ đây, họ đang bắt đầu suy nghĩ cách mới mẻ về đức tin. Trong thế giới Hồi giáo cũng thế, 138 nhân vật do hoàng tử Al-Ghazi của Gio-đăng lãnh đạo, đã đồng ký tên vào một bức thư hết sức tích cực đáp ứng lại bài diễn văn trên. Con số ấy sau đó đã tăng lên tới 300. Bức thư này cho hay Hồi giáo và Kitô giáo có chung một nguyên tắc kép: yêu Chúa và yêu người lân cận.
Sau đó hai năm, vào tháng Mười Một năm 2008, một cuộc gặp gỡ để thảo luận các vấn đề do diễn văn Regensburg nêu lên đã được tổ chức tại Rôma với sự tham dự đồng đều của 30 đại biểu Hồi Giáo và 30 đại biểu Công Giáo. Các cuộc thảo luận này được mô tả là tuyệt diệu; không luôn luôn dễ dàng, nhưng rất sâu sắc và cởi mở, mọi người đều ráng hết sức để lắng nghe người khác.
Ngày cuối cùng, có việc phải viết một tuyên bố chung và hai bên đụng một vấn đề tưởng chừng như không thể nào nhất trí với nhau được đó là vấn đề tự do lương tâm. Trước ngày kết thúc cuộc gặp gỡ, nghĩa là trước ngày các đại biểu đi gặp Đức Giáo Hoàng, Đức HY Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, phát biểu: “Bất hạnh thay, tôi phải tuyên bố một điều rất buồn: chúng ta không thể đạt được thỏa thuận chung”. Nhưng sau đó ít phút, đại giáo trưởng của Sarajevo là ngài Mustafa Ceric, đại diện cho nhóm Hồi giáo, xuất hiện và tuyên bố: “Tôi có tin vui cho quí vị: chúng tôi nhất trí về điểm năm là điểm nói tới tự do lương tâm”. Vị giáo sĩ này giải thích: tự do lương tâm ấy tìm thấy trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, một bản Tuyên Ngôn được hầu hết các quốc gia Hồi Giáo ký nhận, cho nên không có lý do gì khiến các đại biểu Hồi Giáo bác bỏ nó lúc này. Thế là hai bên nỗ lực làm việc chung với nhau, tiến từng bước nhỏ một, đến ngày thứ ba thì họ tìm được điểm chung để nhất trí và cùng thoả thuận hai năm gặp nhau một lần, hai bên thay phiên nhau đứng ra tổ chức. Cha Samir cho rằng kết quả ấy là do diễn văn Regensburg mà có.
Cổ vũ hoà bình và thiện chí
Cha Samir cho rằng người Hồi Giáo được Thiên Chúa yêu thương. Niềm tin này rất quan trọng. Trong tư cách tín hữu, họ không phải là kẻ thù, cũng không phải là người xa lạ, họ là thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta.
Người Hồi giáo là người sùng đạo chủ yếu vì họ biết đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự trong cuộc sống họ. Người Kitô hữu cũng thế. Nhưng theo Cha Samir, ở Phương Tây, người ta thường thấy nhiều Kitô hữu không hẳn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào với người Hồi Giáo, Cha nhận thấy khi nại tới một điều gì đó có tính sùng đạo trong đời sống, họ đều nhất trí với Cha. Các giá trị tôn giáo bao giờ cũng nhận được nhất trí, vì tất cả đều từ Thiên Chúa mà có.
Người Kitô hữu và người Hồi giáo đều là anh em. Đó không hẳn chỉ là một xác quyết; mà là một thực tại. Chúng ta quả là anh em, vì hết thẩy chúng ta cùng là miêu duệ A-đam. Ý hướng của Hồi giáo là tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và họ nghĩ họ đang chu toàn sứ mệnh từng được Áp-ra-ham khởi xướng, được truyền qua các tiên tri, qua Môsê và Chúa Kitô. Người Hồi giáo cho rằng họ hoàn thành sứ mệnh ấy.
Người Kitô hữu thì tin rằng Chúa Kitô đã hoàn thành sứ mệnh ấy rồi, vì Người là Lời Thiên Chúa. Sau khi Thiên Chúa đã sai Lời của Người đi, Người không thể sai lời nào khác, như Kinh Kôrăng chẳng hạn, để sửa lại hay để hoàn tất Lời trước là Chúa Kitô. Chúng ta không nhất trí với người Hồi Giáo khi họ cho rằng Kinh Kôrăng là lời sau cùng của Thiên Chúa, còn Mohammad là “niêm ấn các tiên tri”. Đối với Kitô hữu, niêm ấn ấy là Chúa Kitô và Phúc Âm của Người. Chúng ta không nhất trí ở điểm đó, nhưng sự bất đồng này chỉ có nghĩa: người Hồi giáo và người Kitô giáo muốn tìm sự hoàn hảo cho Thiên Chúa. Điều ấy không hẳn xấu.
Không có chuyện loại trừ nhau, nhưng với một điều kiện. Người Kitô hữu xác tín rằng sự hoàn hảo và việc đạt được sự hoàn hảo ấy ở trong Phúc Âm. Tuy nhiên đối với họ, người Hồi Giáo cũng đang đi tìm cùng một mục tiêu và cùng một Thiên Chúa ấy. Trong tôn giáo, niềm tin sâu sắc luôn cổ vũ hoà bình giữa mọi người. Niềm tin ấy không cổ vũ tính độc hữu (exclusivity).
Cha Samir cho hay: đôi khi ngài tự hỏi: tại sao người Hồi giáo lại lan tràn mạnh như thế, tại sao họ lại phát triển tới tận các nước Phương Tây, tại sao ở Âu Châu lại có tới 15 triệu người Hồi giáo, tốt hơn họ đừng tới những nơi như thế! Tuy nhiên, sự kiện người Hồi giáo có mặt ở Bắc Mỹ và ở Âu Châu có nghĩa là giờ đây họ trở thành người lân cận của Kitô hữu. Nhờ giao tiếp với các Kitô hữu, họ có thể thấy Thánh Kinh, có thể mở Thánh Kinh ấy và tìm ra Chúa Giêsu Kitô. Họ có thể bước vào một thánh đường; họ có thể tham dự việc cầu nguyện với chúng ta.
Nhiều người cho đó chỉ là mơ mộng hão. Người Hồi giáo có bao giờ làm như vậy. Tuy nhiên, theo Cha Samir, thảm họa chính là họ không tìm thấy những người Kitô hữu chân thực biết ra tay giúp đỡ họ tại những nơi ấy. Trong quá khứ, ta từng phải vượt trùng dương để lôi cuốn người Hồi giáo trở lại. Giờ đây, người Hồi giáo tới ngay bên cạnh chúng ta, làm người hàng xóm của ta, nhưng ta lại không làm chi hết. Quả là nghịch lý. Trong nhiều thế kỷ, ta hết sức cố gắng nối vòng tay lớn với người Hồi Giáo, còn ngày nay, Thiên Chúa gửi người Hồi giáo đến tận nhà cho ta mà ta lại bỏ lỡ cơ hội chia sẻ với họ thực tại qúy giá nhất là Chúa Kitô và Phúc Âm của Người.
Sự hiện diện của người Hồi giáo ở Phương Tây là một ơn phúc vĩ đại nhất đối với chúng ta. Vấn đề chỉ còn là liệu ta có mở rộng trái tim để tiếp nhận họ như là anh em của mình hay không. Người Kitô hữu có một sứ mệnh đối với họ, và họ nghĩ họ cũng có một sứ mệnh đối với người Kitô hữu. Họ biết Chúa Giêsu của Kinh Kôrăng, còn tôi, tôi phải chỉ cho họ thấy Chúa Giêsu của Phúc Âm. Đó chính là sứ mệnh của chúng ta. Sứ mệnh ấy nên đem lại cho ta hy vọng, chứ không phải là điều gì khác. Mọi sự đều do Chúa quan phòng. Không phải chỉ vì lý do kinh tế mà khối người Hồi giáo lớn lao kia đã rời cư. Chính Thiên Chúa đã gửi họ tới. Có lẽ đó mới là cách tốt nhất để họ tìm ra hình ảnh chân thực về Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương. Sứ mệnh của ta là làm chứng rằng Thiên Chúa quả là tình yêu và là tình yêu duy nhất.
Vũ Văn An