Một thời Công Giáo Phát Diệm: Hãy cầm đèn cháy sáng trong tay

>>Kí Ức Về Một Lễ Giáng Sinh

Chuyện này đã có vài vị đạo cao đức trọng từng làm. Tôi không có tham vọng gì lớn lao, mà chỉ ghi lại ít dòng về đôi điều tôi được biết về vài thế hệ người công giáo tại giáo phận Phát Diệm.

Chuyện nhà


Cha tôi vẫn thường kể lại rằng hồi sau năm 1954, khi mọi người trong xứ đạo quyết định rời bỏ quê hương, người đã cùng bà nội tôi đi xuống Trì Chính để lên tầu đi Nam. Khi chuẩn bị bước lên tầu, người nói với bà nội tôi: “Mẹ con mình đi thì thầy ở nhà mất linh hồn!” Vậy là hai mẹ con dắt nhau quay trở lại.

Phải nói thêm rằng ông nội tôi vốn là lính pháo binh, tham gia Thế Chiến II tại Pháp. Năm 1945, nghe nước nhà độc lập, cụ mừng quá nên về nước ngay và có cảm tình với kháng chiến. Cũng vì thế mà cha tôi lo lắng cho phần linh hồn của cụ.

Trước năm 1954, cha tôi đã hoàn tất chương trình của trường Trung Học Trần Lục. Khi ở lại miền Bắc, mấy năm đầu người được mời dạy học, nhưng rồi chỉ sau vài năm, khi bắt đầu có nhiều tác động buộc người tham gia đảng cộng sản, người đã quyết định bỏ dạy học để về cầy ruộng.

Thế nhưng công an vẫn liên tục theo đuổi dụ dỗ người cộng tác, tức là làm chỉ điểm cho họ. Ròng rã suốt 12 năm trời họ đã không ngừng mua chuộc, thậm chí dọa dẫm. Có lần cha tôi đi lễ ở Phát Diệm nhưng ba bốn ngày không về. Lúc người về nhà, mẹ tôi có hỏi người cũng chỉ nói qua loa là có việc đột xuất. Sau này người mới cho biết là người đã bị công an đưa đi mấy ngày chỉ để yêu cầu cộng tác với họ. Sau thời gian dài dụ dỗ, cuối cùng xem ra họ không còn hứng thú lôi kéo cha tôi.

Trong vòng 4 năm sau đó, họ không còn qua lại gia đình tôi nữa. Lúc đó cha mẹ tôi đã sinh được 7 anh chị em. Để nuôi sống gia đình, cha tôi đã gắng tìm mọi cách làm ăn, và chính lúc cha mẹ tôi không ngờ, năm 1974, cha tôi đã bị bắt vì tội nấu rượu và bị kết án một năm tù giam, tất cả tài sản bị tịch thu và gia đình tôi còn phải nộp thêm một khoản tiền phạt. Lúc đó mẹ tôi vừa sinh em bé được vài tháng. Những tháng năm sau đó, gia đình tôi đã trải qua những ngày quẫn bách khủng khiếp nhất!

Chuyện Hội Thánh

Vào tù, cha tôi bị giam chung với một số chủng sinh trẻ. Những ngày tháng chia cay sẻ đắng đã dệt nên giữa họ những mối tương giao sâu nặng như tình ruột thịt. Sau này ra khỏi tù, các thầy vẫn thường qua lại thăm gia đình tôi. Các thầy từng bị giam cùng cha tôi đều chịu chức linh mục một cách âm thầm vào những năm 80 của thế kỉ trước. Tôi từng được theo cha tôi tham dự Thánh Lễ cử hành tại căn buồng ở tư gia của một trong các vị đó. Đã nhiều chục năm trôi qua, nhưng những kỉ niệm đọng lại trong tôi vẫn còn rất rõ nét.

Thật ra, hầu như tất cả các chủng sinh ở lại miền Bắc sau năm 1954 đều đã chịu cảnh tù đày. Có vị bị bắt khi mới mười tám mười chín tuổi, lúc ra khỏi tù, các vị đều đã ngoài ba mươi tuổi. Điều đó cũng có nghĩa là các vị đó đã trải qua trọn vẹn tuổi thanh xuân nơi các nhà tù khắc nghiệt nhất.

Trường hợp chịu tù đày lâu nhất tại giáo phận Phát Diệm là cha Giuse Phạm Đức Tấn, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Vào năm 1954, thầy Tấn là một Thầy Giảng. Thầy đã sống tròn mười tám năm trong các nhà tù. Khi ra khỏi tù, thầy được Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo truyền chức linh mục.

Sau này, khi tôi có dịp hỏi lại Đức Cha, ngài cho tôi biết rằng khi quyết định truyền chức cho các thầy, ngài chỉ nghĩ là để nâng đỡ và giúp các thầy tiếp tục sống ơn gọi Chúa ban.

Có thể nói rằng tất cả các linh mục hiện làm việc tại Phát Diệm hiện ở độ tuổi xấp xỉ bảy mươi đều đã trải qua ít nhất khoảng mười năm tù lúc còn là chủng sinh hay tu sinh. Khi đã là linh mục, các vị thường sống âm thầm giản dị, bình thản trước mọi khó khăn và không mấy khi kể lể dài dòng về quá khứ. Đôi khi có ai muốn xin các vị đó ghi lại những chuyện từng trải qua trong những năm đằng đẵng tù đày, các vị thường gạt đi vì cho rằng chẳng có chuyện gì đặc biệt đáng để kể lại!

Vài kí ức riêng tư

Thế hệ chúng tôi không còn phải chịu những khó khăn mà thế hệ cha anh chúng tôi từng gánh chịu. Tôi nói tới thế hệ cha anh, vì những tu sinh hơn tôi chừng năm hay mười tuổi tại quê tôi cũng từng chịu đựng thật nhiều khó khăn. Hồi hơn mười tuổi, tôi bắt đầu đi giúp lễ và trong thời gian này tôi biết có hai anh tu sinh ở mấy xứ lân cận bị bắt đi tù. Sau này, khi đi học đại học, tôi được quen biết với hai anh khác từng bị tù ba năm vì khi học đại học đã thường rủ các bạn bè công giáo đi lễ mỗi Chúa Nhật!

Ngay tại xứ tôi, những năm 80, vì thiếu linh mục, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo cho phép một tu sinh trẻ được phép mở cửa Nhà Chầu vào thứ năm hằng tuần để giáo dân trong xứ chầu Thánh Thể. Chuyện chỉ có thế, nhưng dân quân xã đã rình rập ngay ngoài cửa nhà thờ nhằm bắt anh tu sinh này. Nhiều lần, cụ trương đã phải lên đóng cửa Nhà Chầu thay cho anh tu sinh nọ.

Lúc đó người ta có thể bị bắt vì tụ tập học kinh bổn tại tư gia. Thế hệ chúng tôi đã thuộc lòng nhiều kinh nhờ thói quen đọc kinh tối sáng nơi các gia đình.

Đến tuổi xưng tội rước lễ lần đầu, các bậc cha mẹ thường cũng tìm cách cho chúng tôi được học đôi chút kinh bổn để được chịu các phép Bí Tích. Lúc đó sách kinh sách bổn hiếm lắm. Dăm bảy đứa chúng tôi tụ tập tại một gia đình và được cô Đào dạy cho công thức xưng tội và vài kinh căn bản. Trước mỗi buổi học, gia chủ thường bày một rổ khoai trên bàn rồi cắt cử người canh gác. Gia chủ cũng dặn lũ nhóc chúng tôi là nếu các bác ở ủy ban xã có đến bất chợt thì cứ nói là mấy đứa chung tiền mua khoai luộc ăn chung với nhau.

Ngày ấn định để xưng tội lần đầu, lũ trẻ chúng tôi lại hẹn nhau để vượt quãng đường 4 km đến Tòa Giám Mục. Tới nơi, mấy người lớn chia chúng tôi thành từng nhóm để rồi từng đứa vào xưng tội với các Cha. Xưng tội xong lại ý ới hỏi nhau xem Cha có cho phép chịu lễ hay không.

Ngày chịu lễ lần đầu của chúng tôi cũng không hề có nghi thức long trọng, thậm chí cũng không có Thánh Lễ. Chúng tôi được thông báo là sẽ có Lễ Thiêng Liêng ở nhà thờ xứ vào sáng Chúa Nhật. Buổi sáng hôm đó, một tu sinh lên bàn thờ đọc một đoạn Phúc Âm, sau đó đọc kinh Lạy Cha rồi nâng Mình Thánh đã được kiệu về từ trước rồi đọc câu “Đây Chiên Thiên Chúa …”, sau đó chúng tôi lần lượt lên rước Mình Thánh.

Lúc học giáo lí để chịu phép Thêm Sức, chúng tôi đã có thể tụ tập tại nhà xứ. Trước đó, nhà xứ đã bị biến thành nhà trẻ mẫu giáo, sân nhà thờ bị biến thành sân tập thể dục của trường tiểu học!

Theo tôi, trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, gia đình và xóm đạo đã thực sự là môi trường truyền bá đức tin một cách hiệu quả, điều mà Hội Thánh tại Âu Mĩ và nhiều cộng đoàn công giáo người Việt hình như đã và đang đánh mất.

Những điều tôi kể ra ở đây có thể trở thành hình ảnh khái quát của cả Hội Thánh tại miền Bắc. Rất nhiều con người bình dị như cha tôi, như các linh mục tu sĩ mà tôi có hân hạnh quen biết đã trải qua bao thử thách một cách hết sức bền bỉ và bình thản. Những con người bình dị ấy là những người đã luôn tỉnh thức giữa đêm trường tăm tối mịt mù, giữa bão giông vần vũ dập vùi Hội Thánh tại miền Bắc. Họ đã can đảm và kiên trì cầm ngọn đèn đức tin cháy sáng trong tay, đã truyền ngọn lửa ấy âm ỉ cháy sáng từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Năm nay Hội Thánh chuẩn bị sống Năm Đức Tin. Tôi tự hỏi ngọn đèn đức tin ngày nào liệu còn có thể chiếu lên một vài tia sáng nhỏ bé cho đời sống đức tin hiện tại của mỗi chúng ta hay không?


KIM ÂN
Exit mobile version