Một thoáng nhìn về Satan

DC GB BuiTuan - Một thoáng nhìn về Satan
1.– Satan là nhân vật hay được nhắc đến trong Kinh Thánh. Hay được nhắc đến, không phải vì Satan giữ chức vụ cao sang cần thiết trong chương trình cứu độ, nhưng vì Satan luôn làm công việc phá hoại bất cứ công trình nào của Chúa.

Satan là nhân vật có thực. Nhân vật đó là một số đông. Ban đầu chúng cũng là những thần lành được ở trên trời. Nhưng vì kiêu căng, bất phục tùng, chúng bị tống xuống hoả ngục. Sách Khải Huyền gọi chúng là “ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9).


2.-
Không những quỷ Satan lo chuyện mê hoặc thiên hạ, mà nó còn cả dám cám dỗ chính Chúa Giêsu. Phúc Âm kể:

“Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, được Thánh Thần dẫn vào hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1).


Đối với Chúa Giêsu, quỷ dùng thứ cám dỗ “cao cấp”, nghĩa là nó gợi ý cho Chúa Giêsu hướng về mục đích xây dựng uy tín.

a) Làm cho hòn đá trở thành bánh, để được uy tín kinh tế.

b) Nắm quyền trên mọi dân nước, để được vinh quang chính trị.

c) Từ nóc đền thờ nhảy xuống đất, để minh chứng quyền lực thần thiêng.

Nhưng Chúa Giêsu đã dùng lời Kinh Thánh để thắng những cám dỗ đó.


3.-
Còn đối với phần đông thiên hạ, Satan cám dỗ bằng cách đồng hành một cách quỷ quái với những khát vọng của từng người.

Như với những người ham danh đạo đức, Satan mớm cho họ những thứ đạo đức giả.


Với những người câu nệ vào luật, Satan xúi đẩy họ đưa đời sống đạo vào cái khung luật lệ bề ngoài khắt khe, nhưng bên trong lại thiếu mến Chúa yêu người.

Với những người ưa hưởng thụ, Satan kéo lòng trí họ về những chỗ khoái lạc sai trái.

4.- Thánh Phêrô dùng một hình ảnh đáng sợ, để ám chỉ Satan. Ngài viết: “Ma quỷ là thù địch của anh em, nó như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8). Với lời trên, thánh Phêrô quả quyết Satan cám dỗ chỉ để làm hại con người mà thôi.


5.-
Trước những cám dỗ của Satan, chúng ta có thể chống lại được. Nhưng có một việc ghê gớm quỷ ra tay, mà người ta sẽ rất phải khổ tâm, đó là việc quỷ nhập. Hiện tượng quỷ nhập được mô tả là rất đa dạng.


Có trường hợp nhẹ. Có trường hợp nặng.

Phúc Âm ghi lại chuyện một người ở Ghêrêxa bị quỷ ám được đưa đến Chúa Giêsu, để xin Người cứu chữa. Chúa hỏi quỷ đang trong người đó tên là gì? Nó thưa: “Đạo binh”. Nghĩa là trong người đó có từng trăm từng ngàn quỷ chiếm đóng (x. Lc 8,26-31).


Cũng còn chuyện hai người ở miền Gadara bị quá nhiều quỷ ám mình. Khi bị Chúa Giêsu đuổi ra khỏi hai người đó, lũ quỷ đã xin nhập vào đàn heo gần đấy. Phúc Âm nói là “bầy heo rất đông” (x. Mt 8,28-34).

6.- Những ai dễ bị quỷ nhập?

Không có câu trả lời nào được coi là xác đáng. Tốt hơn cả là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn, đừng tự đắc coi mình là chắc chắn được miễn trừ.

Hãy xem trường hợp tông đồ Giuđa. Ông Giuđa được Chúa gọi, rồi được Chúa chọn làm tông đồ. Trong bữa Tiệc ly, ông được thụ phong Giám mục, được rước Mình Máu Thánh, được Chúa rửa chân. Nhưng, liền sau đó, ông bị quỷ nhập. Phúc Âm thánh Gioan viết như sau:


“Chúa Giêsu tuyên bố: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy’. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Chúa Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simon-Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?’ Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: ‘Thưa Thầy, ai vậy?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy’. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simon Itcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y”
(Ga 13,21-27).


Đúng là quỷ nhập vào ông Giuđa một cách quá bất ngờ. Nó nhập vào một người là tông đồ Chúa, nhập vào ngay sau lúc ăn bánh Chúa trao ban, nhập vào ngay trước mặt Chúa, nhập vào ngay giữa cộng đoàn các tông đồ, nhập vào ngay trong giờ Chúa lập phép Mình Thánh và phép Truyền Chức Thánh.

7.- Nhìn sơ qua những bất ngờ trên đây, chúng ta không khỏi băn khoăn lo sợ. Càng băn khoăn lo sợ, chúng ta càng cần phải khiêm tốn tỉnh thức đón nhận ơn Chúa và cộng tác vào ơn Chúa. Nếu không, một ơn Chúa ban thêm, lại có thể thêm cơ hội, để con người thêm bất trung, làm dịp cho Satan xâm nhập vào lòng.

Những gì đã xảy ra thời Chúa Giêsu, có thể nay vẫn còn. Con người vẫn yếu đuối. Satan vẫn hung hăng. Chúa vẫn trọng sự tự do của mỗi người. Nhưng Chúa luôn vẫn sẵn sàng cứu chúng ta, miễn là chúng ta biết cộng tác với Chúa. Cộng tác bằng cách nào? Chúa nói rõ“Hãy cầu nguyện và ăn chay” (Mt 17,21).

8.- Thêm vào hai việc đó, chúng ta đừng quên tỉnh thức. Bởi vì hiện nay, Satan đang phá Nước Trời bằng nhiều cách tinh vi. Từ những cách mang danh nghĩa đạo đức đến cách tôn sùng Satan với hình thức lễ nghi như một thứ tôn giáo. Quyền lực của Satan đang phát triển mạnh và khắp nơi.


Một tình hình nặng nề như thế, nếu chúng ta tưởng thắng được Satan bằng những hoạt động tôn giáo nặng về hoành tráng, ồn ào, màu mè, lễ hội, thì chúng ta sẽ vô tình lại rơi vào bẫy Satan.

Đôi khi tôi có cảm tưởng là Satan tỉnh thức hơn rất nhiều người con cái Chúa. Nó và đạo binh của nó luôn có mặt khắp nơi. Chúng luôn nắm bắt bất cứ cơ hội nào thuận tiện, để lôi các linh hồn vào đàng tà dẫn xuống vực thẳm hoả ngục.


Đang khi đó, nhiều người chúng ta vẫn dửng dưng đối với phần rỗi linh hồn. Ngay cả những lời cảnh báo thảm thiết của Đức Mẹ Fatima cũng chẳng được quan tâm đúng mức.


Phải chăng những nguy hiểm đang xảy ra trong thời sự hôm nay sẽ được chúng ta suy nghĩ, để chúng ta biết trở về với Chúa. Ơn cứu độ chỉ đến với ta từ Chúa Giêsu. Chính nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta mới thắng được Satan, để được giải cứu, hầu đi về tới bến thiên đàng bình an hạnh phúc đời đời.

+ Gm. G.B. Bùi Tuần

Exit mobile version