“Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người. Giờ đây con hân hoan bước lên bàn thánh Chúa, dâng tiến Cha xác hồn trắng tinh như ánh quang rạng ngời, đưa bước tung gieo lời chân lý hầu cứu thoát muôn dân muôn đời…Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng vinh phúc, và gọi con là bạn nghĩa thân tình..Rày về sau khắp nơi khen con thật vinh phúc, vì tình Chúa đã thương đến phận hèn….”.
Quả vậy, con người và cuộc đời của LM đã gắn bó với một lời nguyền dâng hiến siêu vời, dâng cả toàn thân trong suốt cuộc đời, “Con là Linh mục đời đời theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê”…Với tư cách là con cái Chúa, đồng thời LM cũng được tuyển chọn theo một ơn gọi đặc biệt, nhờ đó các ngài nhận lãnh sứ vụ “được sai đi để phục vụ”. Mà phục vụ ở đây là phục vụ Hội thánh, phục vụ giáo dân trong cộng đoàn.
“...Tông Huấn Pastores dabo vobis số 22-23 đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: ‘Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh mục-Mục Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên’…” (ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên TGM Đàlạt, tháng 02-2009).
Vậy đã rõ, con người của LM được kết ước với con người Đức Giêsu Ki-tô, vị Mục Tử thượng hảo, nên các ngài cũng được gọi là “Alter Christus”. LM được Chúa thân thương gọi là bạn hữu để nhờ đó họ thay mặt Chúa lãnh đạo Dân của Ngài. Công đồng Vat. II đã khẳng định: “Trong quyền hạn mình, LM thi hành nhiệm vụ Chúa Ki-tô mục tử và thủ lãnh, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn, và nhờ Chúa Ki-tô, trong Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa” (LG 28).
Khi thi hành sứ vụ của Chúa, như Chúa, LM được mời gọi đồng hình đồng dạng với Ngài, không phải một chốc một lát mà suốt cả cuộc đời. Và các ngài cũng được mời gọi chia sẻ thân phận của vị Mục Tử duy nhất, đấng đã tuyển họ vào chức vụ thánh. Nhưng chức vụ càng “thánh” thì nhiệm vụ càng khó, chức vụ càng “cao” thì bổn phận càng nặng, chức vụ càng “vinh quang” thì đòi hỏi càng quyết liệt…Xét cho cùng, thân phận của LM được mô phỏng theo ba cách nhìn sau đây:
* LINH MỤC: THÂN PHẬN NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI.
Trên bậc tông đồ giáo dân, LM được xếp vào chức danh tông đồ chuyên biệt (Ngày xưa gọi LM là “Thầy cả” có lẽ là vậy!). “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em sinh được nhiều hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Gio 15,16). Tông đồ là người được sai đi. Khi nhận sứ vụ LM, các ngài nhận lệnh ra đi. “Đi” thì phải đi. Không dừng bước dù chỉ là “nghỉ ngơi”. Đi bất kỳ nơi đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ thời khắc nào. Các ngài chấp nhận đi đến “tận cùng “ những địa chỉ mà Chúa muốn. Không phân vân hay đắn đo mà chỉ biết vâng phục.
Người ta có thể hình dung cuộc sống của LM như những người lang thang du mục, có điểm đến nhưng cũng có điểm đi. Không cắm chặng ở một nơi chốn nào cố định. Sau ngày vinh thăng chịu chức là vài năm làm phó xứ ở một nơi, rồi vài năm sau đến làm chính xứ ở một nơi, rồi vài năm sau nữa đổi đi xứ khác…cứ thế cho đến ngày trở về nhà hưu dưỡng, chờ lúc ra đi vĩnh viễn để về Nhà Cha. LM xây nhà thờ nhà xứ nhưng không xây nhà cho riêng mình, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt và hãn hữu mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng đã mang thân phận này: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).
LM xem ra là người “vô gia cư” và cũng “vô nghề nghiệp”. Chức vụ LM không phải là một nghề để kiếm tiền nuôi bản thân hay gia đình, càng không phải là một cơ hội để tiến thân, mà là một dấn thân mang đầy ý nghĩa vừa nhân bản vừa siêu nhiên. Trong tuyển tập “Được chọn và sai đi”, ĐGM Bùi Tuần đã chia sẻ: “Họ (LM) tự nguyện từ bỏ mình. Nghèo của cải, danh vọng, chức quyền, nhưng cố gắng giầu về tấm lòng và trí tuệ. Họ chấp nhận hy sinh để trở thành lễ tế sống động. Họ luôn phó thác mình một cách trọn vẹn nơi tình xót thương Thiên Chúa là Cha. Họ âm thầm yêu thương phục vụ, với những việc lành bé nhỏ, với những hi sinh kín đáo, đồng hành với những người khổ đau, trên những con đường bé nhỏ…” (x. sđd trang 151-152).
Một con người “vô gia cư, vô nghề nghiệp” như LM luôn chấp nhận mất hút trong cánh đồng truyền giáo bao la, mịt mù. Vì “đồng lúa thì bao la mà thợ gặt thì ít ỏi”. Một khi đã trung thành sống ơn gọi của mình, các ngài là những anh hùng, dù là anh hùng vô danh tiểu tốt.
“…Nhiều linh mục đang sống một cuộc sống anh hùng. Họ sống thầm lặng không cần ai biết tới. Họ đặt nền tảng đời sống của họ vào lời cầu nguyện và niềm tin tưởngphó thác nơi Chúa. Họ luôn ấp ủ một niềm lắng lo sâu xa, tinh tuyền cho dân Chúa. Hiệu quả của đời sống chiêm niệm và phục vụ của các anh em linh mục đó, là họ có thể nhìn thấy Chúa Giê-su trọn vẹn là đầu, là chi thể, là Thiên Chúa và dân Chúa. Đời sống chiêm niệm không khép kín các linh mục đó nơi Chúa Ki-tô mà quên dân Chúa. Các linh mục đó không chỉ nguyên lo cho đời sống thiêng liêng của mình, nhưng các ngài được nâng đỡ, được phong phú hóa và tìm thấy sức mạnh ngay khi sống cho giáo dân và sống giữa giáo dân. Họ gặp thấy Chúa Ki-tô ngay khi làm việc với giáo dân cũng như khi âm thầm cầu nguyện một mình. Họ thật sự đã sống sâu xa lý tưởng linh mục đã được ghi lại trong Phúc Âm thánh Gioan, chương 10: ‘Người mục tử tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên’…” (Đức Tổng Giám Mục John R. Quinn, “The Strenghts of Priests Today” , Tuần Báo America, July 1-8, 2002 – LM Anphong Trần Đức Phương dịch).
* LINH MỤC: THÂN PHẬN NGƯỜI ĐẦY TỚ “BỊ ĂN”.
Các LM của Chúa được sai đi, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ con người (x. Mc 10,45). Linh mục là người của muôn người, được sai đi để làm đầy tớ thiên hạ. Nói LM là đầy tớ vì các ngài không được tuyển để làm quan trong thiên hạ (cha mẹ của dân), mà làm kẻ phục vụ người khác. Đúng như LM Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Càng phục vụ tích cực, càng phải hi sinh hết mình. Càng lo cho người khác, càng chết cho chính mình. Càng yêu mến quan tâm người khác, trái tim càng đau khổ dày vò. Khi con người của LM bị vắt cạn sức lực, đó là lúc Đức Ki-tô Mục Tử lớn lên trong các ngài và tỏa lan sức nóng ấm áp trong cộng đoàn. Đó cũng là lúc hạt giống chun vùi trong lòng đất sinh hoa kết trái, “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Gio 12,24).
Có lẽ không gì hùng hồn và thuyết phục bằng việc đơn cử mẫu gương mục tử sáng ngời của cha thánh họ Ars. Ngài nổi tiếng là một LM rất nhiệt tình trong việc rao giảng và giải tội. Hai thánh vụ này đã làm hao tốn biết bao sức lực của một người tông đồ nhiệt thành và một đầy tớ chuyên chăm của giáo dân.
Về giảng dạy, cha quan tâm soạn bài giảng thật kỹ lưỡng. Cha thường dùng phòng áo để dọn giảng cho yên tĩnh. Cha nghiên cứu các tác giả, có khi xem tới 7 tác giả. Cha đánh dấu những đoạn cần phải chép lại và lắm khi phải phiên dịch tới 40 hay 50 trang sách. Học thuộc lòng trước vào thứ bảy và buổi tối sau khi bổn đạo về nhà, cha đi chung quanh nghĩa địa để lập lại những đoạn khó. Cha lại không quên cầu nguyện trước khi giảng…Cha giảng rất hùng hồn. Có người hỏi: “Tại sao lúc cầu nguyện thì cha nói nhỏ mà khi giảng cha lại nói to thế ?”. Cha trả lời : “Khi giảng phải nói to vì người nghe họ buồn ngủ và nặng tai, nhưng khi cầu nguyện với Chúa thì nói nhỏ vì Người không nặng tai”. Cha giảng rất hùng hồn và dạy dỗ với uy quyền. Bài giảng rất cụ thể với đời sống Dân Chúa và chỉ bảo phải làm gì hay làm như thế nào để giáo dân dễ thực hành.
Về việc giải tội, cha sở họ Ars là một LM nổi tiếng trong việc siêng năng giải tội. Có thể nói tội nhân đã chiếm đoạt tất cả tâm tư, lời cầu nguyện, hãm mình và mọi hành động của ngài. Cha thường ngồi tòa 15 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 1 hay 2 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm khuya…Người ta nối nhau để chờ xưng tội. Có thể nói là cha ngồi tòa liên tục, bởi vì giáo dân xứ Ars xưng tội thường xuyên, lại có các khách hành hương từ các nơi xa kéo đến, có khi lên tới 80.000 người hằng năm. Cha giải tội cả lúc đêm về, bất cứ lúc nào cha cũng sốt sắng với việc giải tội khi có người xin vào những lúc bất thường. Trước ngày qua đời 5 hôm, người ta còn thấy các tội nhân chen chúc bên giường bệnh của cha để lãnh nhận ơn tha thứ. Cha còn được ơn thấu suốt tâm tư và tâm hồn của người khác và ngài biết khôn ngoan đưa dẫn họ vào việc xưng tội, cả khi họ không có ý đi xưng tội khi gặp ngài. Đặc biệt cha còn làm việc đền tội với tội nhân. Cha nói: “Tôi ra cho họ việc đền tội nhẹ nhàng và tôi làm thay cho họ việc đền tội còn lại”….
Một LM sống và làm việc như thế thì hiển nhiên là người-bị-ăn đích thực rồi? Chính giáo dân vừa nuôi dưỡng ngài lại vừa “hành hạ” ngài. Nhưng nét đẹp diệu vợi và thánh thiêng của vị mục tử là ở chỗ đó. Và, thậm chí “Ngay cả khi thấy LM thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài…” (ĐGM Bùi Tuần, tuyển tập “Được chọn và sai đi”, 2003).
Mọi giáo dân đều có chung một ý nghĩ này là chỉ nguyên sự hiện diện thường xuyên tích cực và sống động của LM giữa họ thôi cũng đủ đem lại bình an và niềm vui cho cộng đoàn rồi. Thực tế, đôi khi trái ngược, vì có nhiều nơi được gặp LM đã là khó, được ngồi nói chuyện giãi bày tâm sự với các ngài còn khó hơn, và được ngài lắng nghe, chỉ bảo còn khó hơn gấp nhiều lần…Nhiều nơi giáo dân trở thành “vật hiến tế” hơn là LM. Có người đã lên tiếng đặt vấn đề: “LM, quà tặng hay là gánh nặng?”…Ước mong Lời Chúa sau đây sẽ luôn là hiện thực: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Gio 10,10).
Quả vậy, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh trong bài giảng tĩnh tâm các LM gp Đàlạt tháng 2-2009, đã chia sẻ: “…’Ta đến để cho thế gian được sống và được sống dồi dào’. Đó là điều Chúa Giêsu đã thể hiện trong cuộc sống tại thế của ngài. Đó cũng là điều bằng mọi giá chúng ta phải đạt được trong đời linh mục của chúng ta. Sự có mặt của vị linh mục trong đời giáo dân có khi đã đục khoét những lỗ hổng quá lớn. Cần phải làm thế nào để sự có mặt của linh mục trong đời giáo dân là một cái gì tích cực: làm cho họ được sống và được sống dồi dào hơn. Có thể nói không quá đáng rằng phải thương giáo dân mới là cha xứ. Không thương dân không phải là linh mục, không phải là cha xứ. Người giáo dân sẵn sàng châm chước cho linh mục ngay cả khi các ngài mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng, miễn là họ thấy linh mục yêu thương họ. Yêu thương giáo dân phải là một phản xạ tự động của linh mục. Đó là cách hiệu quả nhất để chúng ta thể hiện tinh thần của Chúa Giêsu cứu thế”…
* LINH MỤC: THÂN PHẬN NGƯỜI QUẢN GIA BẤT TÀI
Khi về nhận xứ, LM mặc nhiên trở thành người quản gia của xứ đó. Ngài là tâm điểm quy tụ tín hữu thành một cộng đoàn đức tin và đức ái, trong sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô và Hội thánh. LM thi hành thánh vụ như những người “quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa”, như thánh Phao-lô nói, đồng thời ngài là người đứng ra tổ chức điều hành các công việc giáo xứ. Nhiều LM cảm thấy quá tải, mệt mỏi vì công việc thì quá nhiều mà khả năng lại có hạn…Nhưng dù thế nào đi nữa, LM không thể bỏ cuộc vì đây là bổn phận và trách nhiệm của các ngài. Thân phận của người quản gia là vậy.
Trên thực tế, đã có nhiều LM “đụng” phải những vấn đề không phải là sở trường, sở học của mình, nhưng phải xắn tay áo lao vào làm. Nào là việc xây cất các công trình, việc tổ chức điều hành các hội-đoàn-nhóm, việc phát triển công tác mục vụ, truyền giáo, bác ái xã hội vv. Các ngài biết là mình bất tài nhưng không bất lực, nên phải vui lòng thi hành, vì đức vâng lời và vì lợi ích chung cộng đoàn.
Người quản gia luôn phải đối phó với hai lực tác động, trên đe dưới búa. Trên là mong ước của bề trên, dưới là ý kiến của bề dưới. Nhiều LM đã than thở, thân phận các ngài giống như người con gái đi lấy chồng, làm dâu trăm họ. Giáo dân thì trăm người mười ý, không thể thỏa mãn mọi đòi hỏi của mọi tầng lớp giáo dân được.
Thực vậy, ”Hơn ai hết, chính bản thân linh mục luôn ý thức “thân phận con người” của mình với bao nhiêu giới hạn, khiếm khuyết, mà nếu thiếu sự trợ lực của “Grâce d’état”, thì e rằng sẽ nắm chắc phần thất bại. Thử liệt kê ra đây vài giới hạn thường tình:
– Chưa bao giờ được đào tạo chuyên ngành về nghệ thuật quản trị, điều hành…
– Kiến thức thần học được tiếp thu nơi Đại Chủng viện thường mang nặng tính lý thuyết hơn là nhắm đến thực hành.
– Không được phú ban những năng khiếu cần thiết thích hợp cho lãnh vực mục vụ: tài ăn nói, nghệ thuật lãnh đạo, các năng khiếu nghệ thuật, mỹ thuật (âm nhạc, hội họa, kiến trúc…), óc hài hước, tài thu phục nhân tâm…
– Không bắt kịp các trào lưu và xu thế văn hóa, triết học, khoa học đương đại.
– Thiếu khả năng sở hữu và ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại: vi tính, internet…
– Sức khỏe, bệnh tật, tuổi tác, tính tình, tài chánh…
Đứng trước những thực trạng như thế, người mục tử được sai đến phục vụ cộng đoàn sẽ phải chuẩn bị những hành trang mục vụ nào khả dĩ để mình khỏi sớm “bị đào thải” mà cộng đoàn lại được thăng tiến và phát triển sinh động ?
Quả là một bài toán khó. Một nan đề mà ngoài ân sủng của Thánh Thần, sức con người không thể kham nổi…” (LM Giuse Trương Đình Hiền, “Ưu tiên mục vụ cho hiện tại và tương lai của giáo xứ”, VietCatholic News 03/06/2008).
Tuy nhiên, phải khẳng định điều này là nếu “người quản gia LM” biết vận dụng nhân lực tài lực trong cộng đoàn, biết tranh thủ sự cộng tác đắc lực của giáo dân, biết khiêm tốn đón nhận mọi góp ý của nhiều giới, nhiều thành phần trong giáo xứ thì chắc chắn ngài sẽ vượt qua những khó khăn trở ngại tưởng chừng như bế tắc.
Mặt khác, nếu LM biết khôn ngoan chia sớt một số phận vụ công việc nào đó cho giáo dân cùng cộng tác, cùng thực hiện thì lúc đó ngài sẽ nhẹ gánh lo những việc chính yếu hơn cho cộng đoàn.
Chẳng hạn: “ Cử hành Thánh lễ là công việc lớn nhất trong ngày của ngài. Đó là trách vụ cao cả nhất mà Chúa trao phó và cũng là phương thế để ngài nhận được hồng ân Chúa ban…Khi dâng Thánh lễ, linh mục là người mở cửa cho Chúa thăm viếng thế gian. Vì vậy, ai ghét linh mục là ghét Chúa vậy, ai ngăn cản Thánh lễ, qua việc phá hoại hành sự của linh mục là chống lại Chúa và dân Chúa!
Ngoài Thánh lễ, linh mục thường đem Mình Thánh đến các kẻ liệt từ nhà này qua nhà khác.
Phép giải tội, do linh mục cử hành, là ơn cứu rỗi và hoà giải Chúa ban. Ðây cũng là dịp, giáo dân tiếp nhận những lời khuyên nhủ từ linh mục, một cố vấn đã được huấn luyện kỹ càng và nhiều kinh nghiệm.
Trong tuần, linh mục thường đi thăm viếng giáo dân, kẻ liệt, người bất hạnh…Linh mục phải tìm dịp để đi thăm, nếu không là cá nhân thì phải đến các hội đoàn. Giáo dân gọi linh mục là Cha, linh mục có bổn phận cho xứng đáng với chức vụ làm cha trong gia đình cộng đoàn đã được giao phó cho mình.
Linh mục ngày nay không chỉ làm bổn phận trên bàn thánh và trong toà giải tội. Sứ mệnh của linh mục là sứ giả của Chúa Kitô, đem Tin Mừng đến cho mọi người, là nhà ngoại giao của Chúa Giêsu, là tiếng nói của Thánh Linh với mọi người và cho mọi tầng lớp trong xã hội linh mục đang sống. Một linh mục thành công là một linh mục biết hạnh phúc với cái hạnh phúc của mọi người và biết khổ đau với cái khổ đau của mọi người. (Phê-rô Trần Đình Thuần, “Vai trò của người linh mục hôm nay”,http://www.nuvuongcongly.net, 31-03-2012).
Tóm lại, LM quản gia là người làm việc trong vườn nho của Chúa, là người phục vụ vì phần rỗi các linh hồn. Các ngài mang thân phận hèn yếu, mỏng dòn, lại bất tài nhưng không vô dụng. Bởi vì, chính Chúa Giê-su Mục Tử làm việc trong các ngài, chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong các ngài để giúp các ngài chu toàn thánh vụ. “Đúng là sứ vụ của linh mục rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề. Một viên ngọc quý được đặt trong bình sành. Nhưng có Chúa ở cùng, chúng ta không lo sợ. Vì theo sát gót Chúa Giêsu, nên bổn phận chúng ta cũng làm con-người-Chúa như chính Đức Kitô. Có nghĩa là làm trung gian giữa trời và đất” (ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn, bài “LM người là ai?”, VietCatholic News 28-02-2005)./.
Aug. Trần Cao Khải