Một số câu hỏi về phụng vụ và lời giải đáp của cha Edwad McNamara

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi
: Khi tôi đã theo dõi ĐTC Biển Đức XVI cử hành Thánh Lễ trên truyền hình, tôi nhận thấy rằng trong Lễ Quy Rôma, dường như Ngài đã đọc phần kinh Khẩn cầu Thánh Linh hai lần: “Lạy Cha rất nhân từ, Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận…” và “Lạy Chúa, xin thương ban phúc, chấp nhận…” Các linh mục mà tôi nhìn thấy đọc Kinh nguyện này chỉ chúc phúc cho các lễ hiến dâng ở đầu Kinh nguyện Thánh Thể, và sau đó đọc kinh Khẩn cầu Thánh Linh ở cuối Kinh nguyện. Như vậy phải chăng có sự khác biệt giữa cử chỉ của ĐTC và các linh mục ở vùng Trung Tây của Mỹ sao? – M.S., bang Illinois, Mỹ

Đáp: Thật sự tôi nghĩ rằng ĐTC chỉ đơn giản hoàn thành các chữ đỏ dành cho Lễ Quy Rôma, hoặc Kinh nguyện Thánh Thể I.

Trong phần đầu của Kinh nguyện, bản văn nói: “(Linh mục dang tay đọc:) Lạy Cha rất nhân từ, Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, (Chắp tay, đọc:) Chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận (Làm một dấu thánh giá trên cả bánh và chén thánh khi đọc:) Và ban phúc + cho những của lễ hiến dâng, Của lễ thượng tiến, Của lễ hy sinh tinh tuyền và thánh thiện này.”

Như vậy, cử chỉ này, nói cho đúng, không phải là một kinh Khẩn cầu Thánh Linh, nhưng là một cử chỉ ban phúc. Sự nhầm lẫn của độc giả chúng tôi có thể phát sinh từ cách ĐTC sáp hai bàn tay lại trước khi ban phúc. Nó cũng giống như một số linh mục chuyển trực tiếp từ việc dang tay đến cử chỉ ban phúc mà quên sáp hai tay lại.

Ở phần sau của Kinh nguyện, chúng ta có một kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự thánh hiến, trong đó chữ đỏ nói: “(Linh mục sáp hai bàn tay lại, đặt trên lễ vật và đọc:) Lạy Chúa, xin thương ban phúc, chấp nhận, chuẩn y, làm cho những lễ vật này được hoàn hảo và đẹp lòng Chúa, hầu trở nên cho chúng con Mình và + Máu Con chí ái của Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”

Một số nhầm lẫn cũng có thể phát sinh do sự khác biệt giữa Lễ Quy Rôma và các Kinh nguyện Thánh Thể khác. Trong các Kinh nguyện Thánh Thể khác, kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự thánh hiến được đi kèm với việc linh mục trước tiên dang tay ra trên lễ vật và sau đó làm dấu thánh giá.

Khi phụng vụ được cải cách, Lễ Quy Rôma hầu như không thay đổi, mặc dù có một số sửa đổi trong văn bản và cử chỉ. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể khác, mặc dù dựa trên các văn bản cổ, là các bài soạn mới, và các cử chỉ đã được chủ yếu tiêu chuẩn hóa.

Ở trên tôi nói “kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự thánh hiến”, vì tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể có hai kinh Khẩn cầu Thánh Linh, hoặc lời mời gọi Chúa Thánh Thần. Kinh Khẩn cầu Thánh Linh thứ hai thường được xem là “kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự hiệp thông”, vì nó khẩn cầu Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần đến nối kết các Kitô hữu trong sự hiệp nhất. Trong Lễ Quy Rôma, lời khẩn cầu này là mặc nhiên; còn trong các Kinh Nguyện Thánh Thể khác, nó là minh nhiên.

Kinh Khẩn cầu Thánh Linh thứ hai này không đi kèm với một cử chỉ diễn tả sự khẩn cầu, và do đó ít được chú ý hơn như trong kinh Khẩn cầu Thánh Linh thứ nhất.

***

Nói thêm về việc từ chối cho Rước lễ

Liên quan đến câu hỏi từ chối một người nào đó được Rước Lễ (xem ngày 27-3) là câu hỏi về hậu quả của người rước lễ bất xứng:

Hỏi: “Một người đàn ông có gia đình bỏ vợ mình và sống với một phụ nữ khác thì không được Rước lễ. Tuy nhiên, nếu ông cố ý Rước lễ đang khi mắc tội như thế, ông có bị vạ tuyệt thông không? Nếu có, và sau đó ông sám hối, ông cần phải làm gì để có được hòa giải?”

Đáp: Bất kỳ ai cố tình và cố ý Rước lễ trong tình trạng tội trọng thì phạm thêm tội phạm thánh và không tôn trọng đối với Chúa Kitô. Tình trạng tinh thần của họ càng thêm trầm trọng bởi một hành vi ý thức về việc xem thường Bí tích. Sự gia tăng của ân sủng, vốn thường sẽ tích luỹ cho một người Rước Lễ, bị mất mãi mãi và thực sự được chuyển thành một động lực cho sự kết án người ấy.

Tuy nhiên, người ấy không chính thức bị vạ tuyệt thông. Con đường của bí tích hòa giải vẫn còn mở.

Khi người ấy xưng thú tội lỗi, người ấy không chỉ xưng các tội đã làm cho mình mất đời sống ân sủng, nhưng còn xưng việc Rước lễ cách bất xứng nữa.

Khi đưa ra việc đền tội, linh mục cần chú ý đến tội đặc biệt này, và có thể quy định một hành động cụ thể về đền tạ Thánh Thể, miễn là việc ấy có thể được thực hành nhanh chóng và đơn giản.

Ở đây chúng ta đang nói về tội cố ý trong việc Rước Lễ. Chúng ta không đề cập đến các trường hợp đặc biệt, như khi một người trong giây lát đã phạm tội và đã không kịp xưng tội trước Thánh Lễ, và trong Thánh lễ này người ấy buộc hoặc ước muốn hợp lý được Rước lễ. Đây có thể là trường hợp của một linh mục, phó tế hay thừa tác viên khác, thường phải Rước lễ trước mặt cộng đoàn.

Nếu điều này xảy ra, người ấy có thể ăn năn tội cách trọn, vốn bao hàm cam kết xưng tội càng sớm càng tốt. Như thế người ấy không phạm một tội khi Rước lễ, và thực sự phát triển trong ân sủng.

Một độc giả Nhật hỏi: “Cha suy nghĩ gì về việc tiếp xúc bằng mắt giữa linh mục (hay phó tế hoặc thừa tác viên cho Rước lễ) và người rước lễ. Tôi được dạy rằng người ta có thể tiếp xúc bằng mắt. Vì đã phục vụ một thời gian trong một đan viện kín, tôi không còn biết chắc như vậy nữa. Có thể không có câu trả lời chính đáng, nhưng tôi quan tâm nhiều đến suy nghĩ của cha.”

Đáp: Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng một chỉ dẫn như thế đặt nhiều gánh nặng cho thừa tác viên. Chức năng chính của người này là đảm bảo rằng Mình thánh được trao trong một cách trang nghiêm xứng đáng, cho dù trên lưỡi hoặc trong tay, và đảm bảo rằng Mình Thánh được nuốt đi.

Người tín hữu đến gần cung thánh để Rước Chúa, chứ không để gặp thừa tác viên cho Rước lễ. Một số người nhìn thừa tác viên; một số người khác nhắm mắt khi rước lễ trên lưỡi. Nếu xảy ra việc tiếp xúc bằng mắt, thì cũng tốt thôi, nhưng tôi thấy không có lý do đặc biệt nào để cố gắng hoàn thành nó.

Nguyễn Trọng Đa

nguồn: Vietcatholic

Exit mobile version