Một niềm tin sáng ngời

ThonLy 05 01 2011 - Một niềm tin sáng ngời
Ảnh minh họa: Thánh lễ cầu bình an Năm Mới và cầu cho
công cuộc củng cố xây dựng giáo họ Thôn Lý (05/01/2011)

Vào các buổi chiều, anh em linh mục tu sĩ thuộc cộng đoàn Khiết Tâm của Dòng Thánh Thể ở trong niềm Nam có dịp đến đây đã dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Sapa, buổi chiều kế tiếp là tại giáo họ “Hầu Thào”, và hôm nay, cùng với cha chánh xứ giáo xứ Sapa đến dâng lễ ở giáo họ “ Thôn Lý ”.

Mới có vào chiều thôi, trời đã sập tối rồi, ánh đèn được thắp sáng rải rác đó đây trong vùng đồi núi thật là lung linh huyền ảo. Đẹp thật là đẹp, nhưng không làm quên đi được con đường vào thôn tuy đã được nâng cấp mà vẫn còn đầy gập ghềnh và lắm lúc phải thót tim vì tuy đã chạy chậm thế mà vẫn không sao tránh được những cái lắc qua lắc lại!

Từ phía bên vòng cung này, mọi người đã nhìn thấy cây thánh giá sáng ngời trên nóc nhà nguyện, nằm chễm chệ trên đồi cao như một minh chứng niềm tin son sắt cho dù là nơi hẻo lánh, đèo heo hút gió, xa xôi, mà có rất nhiều người không thể nào nghĩ là có, cũng như tồn tại một cách kiên vững được như thế!

Ngoài ra, còn thể hiện một đức tin kiên cường qua bao sóng gió khắc nghiệt của thời gian và cả khắt khe của con người đối với bà con thiểu số nơi đây vốn đã thua kém về mọi mặt!

Theo cha chánh xứ cho biết, nơi đây đã có một thời gian thật là dài tới 50 năm vắng bóng người chủ chăn, nhưng bà con dân tộc vẫn một lòng một dạ theo Chúa cho đến cùng như lời bộc bạch của họ.

Cho đến nay, khi có cơ hội tiếp xúc với thế giới gọi là văn minh tiến bộ qua những du khách, Họ vẫn không hề bị lung lay, giao động trước những lời dụ dỗ đầy hấp dẫn của thế giới con người hôm nay, cùng với những lời nói không đúng, không tốt về đạo.

Trước lòng tin kiên vững này, bà con trong thôn đã cùng cộng tác với cha xứ xây dựng một nhà nguyện mỗi ngày một hoàn thiện để có chỗ tập trung cầu nguyện và dâng thánh lễ mặc dù chính quyền chưa có chưa chấp thuận!

Con đường vào nhà nguyện đã có, rất thuận lợi cho xe hơi vào tới nơi, nhưng đến nay thì không còn nữa vì nhà nước xây dựng công viên văn hóa đàng sau nhà thờ, qua bản thôn… Họ đã ủi con đường đi vào đó xuống tới 4,5 mét để thuận tiện cho họ! Trước tình huống éo le này, nhà thờ chưa biết xử lý như thế nào để được dễ dàng?

Chúng tôi phải đi vào một con đường khác khá vất vả hơn để vào nhà thờ. Cũng may là con đường đã tráng xi măng nên bước đi không đến nỗi nào, nhưng nó lại là con đường “ dốc ơi là dốc!” làm cho bước đi ngắn của tôi lắm lúc phải chùn chân!

Bước tới nhà nguyện tuy chưa được công nhận cách danh ngôn chính thuận, nhưng tôi thấy thật là tươm tất, không có sang trọng như biết bao nhà thờ khác, nhưng có đầy đủ mọi sự, và nhất là qua đó giúp mọi người trong giáo họ có điều kiện để gặp gỡ và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Sự gặp gỡ trở nên kỳ diệu: trên cung thánh các cha và thầy phó tế ngồi không còn kẽ hở, nhìn xuống dưới bà con tham dự thánh lễ cũng chẳng có kém gì, thậm chí con ngồi tràn cả ra ngoài nữa. Qua sự việc này, chẳng khác gì kẻ ở dưới niềm xuôi được củng cố đức tin, cũng như qua đó giúp kẻ ở trên cao không ngã lòng trước những thử thách đầy gay cấn trong thế giới văn minh mà người đi du lịch đem tới với cuộc sống còn lắm vất vả, gian nan…

Giữa sự hỗ trợ không hẹn mà bất ngờ gặp được còn được tăng thêm khi mọi người tham dự thánh lễ một cách sốt sắng, chăm chú qua lời kinh, tiếng hát, to và rõ ràng… nhất là khi thấy các em bé đứng ở trên mới có 4,5 tuổi nghiệm trang không khác gì những người có ý thức, đã vậy lại còn đọc và hát một cách say mê, tưởng như là chỉ có một mình em ở trong nhà nguyện này mà thôi.

Nhìn các em và những người tham dự thánh lễ đứng ở dưới đang chăm chú nhìn lên từng động tác cử hành của anh em linh mục, tôi thấy xúc động quá chừng về một niềm tin mãnh liệt được diễn tả cách đơn sơ, dễ thương, không cầu kỳ, không kiểu cách, mầu mè…ai nhìn vào cũng có thể cảm nhận được ngay.

Chúng tôi thật bái phục khi nhớ đến lời tâm sự cha xứ vừa qua giờ được chứng kiến tận mắt. Nhất là khi được biết người anh em dân tộc chiến tới 90% số tín hữu tại giáo xứ.

Với một thời gian dài gián đoạn như thế, giờ tái lập xây dựng cũng đầy khó khăn vất vả. Cho đến nay, có 04 giáo họ được hình thành, còn lại là các giáo điểm, chưa có nhà nguyện vì nhiều lý do, để mỗi khi dâng thánh lễ là đều nhờ các nhà người dân.

Trước tình hình này, cha xứ có tài năng đến đâu cũng thật là vất vả, ngài như hiện thân của vị mục tử như Lòng Chúa mong ước, để không phải chờ người ta tìm đến tham dự thánh lễ mà chính ngài đã mau mắn đi đến với các tín hữu trong mọi ngõ ngách để củng cố và phát triển nhằm giúp họ mỗi ngày sống trọn vẹn niềm tin đơn sơ, ngay thẳng mà họ đã có từ rất lâu rồi. Cũng may là cùng với cha xứ còn có hai cha; một thuộc Dòng Thừa Sai Việt Nam, một thuộc Dòng Tiểu Đệ Thánh Gioan Tẩy Giả cùng hai Soeur thuộc dòng Phaolo Hà Nội và hai Soeur thuộc dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa chia sẻ cũng như chung tay, góp sức…

Cứ nghĩ ngay đến việc cha xứ lo chỗ ăn chỗ ở cho hơn 60 em dân tộc nội trú ở ngay tại giáo xứ để đi học thuận lợi cũng cả là một vấn đề lớn rồi! huống chi là còn có những vấn đề quan trọng khác.

Ngẫm nghĩ thì thấy không phải là một việc bình thường, đơn giản! Nhưng đàng sau đó, đúng như cha xứ tâm tình: Mình cứ làm tốt cho mọi người, Chúa sẽ sắp đặt mọi sự. Điều quan trọng là mình có dám làm hay không?

Từ năm 2006 cha xứ về đây bắt đầu xây dựng giáo xứ qua đời sống tâm linh cho các tín hữu, không chỉ là từng bước lo lắng cho giáo xứ Sapa mà còn lo cho bà con ở bên Lai Châu, bên Điện Biên. Sau một thời gian dài miệt mài, chăm chú gầy dựng họ đạo, giờ bên ấy đã tạm ổn, có nhà thờ, có cha xứ, thì ngài được rút lại, quay về lo củng cố các giáo họ, giáo điểm, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, nơi thờ tự cho xứng đáng. Trong số giáo điểm hiện nay có nơi cách giáo xứ xa tới 50km chỉ có xe máy mới đến được.

Ngẫm nghĩ về cuộc hành trình của cha xứ, mà nhớ tới câu nói của nhà văn Nguyễn Bá Học “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Và còn hơn thế nữa, với Lời Chúa mời gọi “ Ai muốn theo tôi làm môn đệ hãy vác thập giá mình mà theo”.

Cuộc sống không ai giống ai, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng đều có chung một con đường, con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực. Vì thế, không thể cho rằng số anh thật là sung sướng, còn số của tôi sao lại quá bất hạnh. Chúa Giêsu đã nói “ Ơn Ta đủ cho ngươi ”, vì vậy, nhìn vào việc làm của cha xứ Sapa cũng như biết bao quý cha khác tương tự như vậy, để tự hỏi: trong hoàn cảnh tôi đang sống, tôi có tin vào Chúa không, và tôi có làm theo Lời Chúa mời gọi cho đến cùng không?

Nếu ngay bây giờ trong hoàn cảnh mà tôi cho là thuận lợi hay không thuận lợi này, tôi vẫn tin vào Chúa và phó thác mọi sự trong bàn tay dẫn dắt của Ngài thì không còn phải bàn hay lo lắng nữa! Vì có Chúa là có tất cả.

Thiên Quang sss

Exit mobile version