74 năm làm người, làm con Chúa và đặc biệt 48 năm làm linh mục và 19 năm làm giám mục, Đức Tổng Giám Mục Phaolô kính yêu của chúng ta đã đi về.
Dường như cả cuộc đời của Đức Tổng như là một chuyến hành hương và chuyến hành hương cuối cùng là về nhà Cha trên Trời.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Đà Lạt mến thương. Sau đó trở về Sài Gòn để tu học.
Sau khi chịu chức linh mục, Đức Tổng lại trở về Đà Lạt để phục vụ.
Một thời gian dài ở Đà Lạt, Đức Tổng lại về với Mỹ Tho miền Tây sông nước.
Và rồi sau một thời gian sông nước miền Tây, Đức Tổng lại về với Sài Thành mến thương.
Cuối cùng, từ Sài Gòn, Đức Tổng lại “về” với thành đô Rôma hạ giới để tiến thẳng về Giêrusalem trên Trời.
Chuyến đi hành hương Roma ở trần gian của Đức Tổng đã khép lại để mở ra cuộc hành hương trên Thiên Quốc. Dẫu biết vậy, nhưng trong lòng mỗi người chúng ta tiếc thương vô hạn sự xa vắng của người Cha kính yêu.
Không ai không tiếc thương được bởi lẽ khuôn mặt ấy, nụ cười ấy và nhất là tấm lòng người mục tử quý yêu vẫn còn đọng lại trong tâm khảm của mỗi người chúng ta.
Đức trước biến cố tang thương này, ta lại nhìn vào Lời Chúa, mặc lấy Lời Chúa, sống lấy lời Chúa và đặc biệt để cho Lời Chúa sáng soi niềm tin của mỗi người chúng ta như câu mà Đức Tổng thường nói khi sinh thời.
Con người lạ bụi tro và rồi cũng sẽ trở về tro bụi. Mới đây, ngày thứ Tư Lễ Tro, cùng với mọi thành phần dân Chúa, Đức Tổng cũng đã xức trên đầu chút bụi để nhắc nhớ phận người là bụi tro. Và hôm nay, bụi tro mà Đức Tổng đã xức đã hóa thân Đức Tổng trành tro bụi phận người.
Tro bụi phận người của người Công Giáo không phải là chấm hết, không phải là ngõ cụt mà tro bụi của người Công Giáo lại chờ đợi Chúa Phục Sinh như trong sách ngôn sứ Ezekien : Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy : Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. 6Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” (Ez 37, 5.6).
Và trong sách Isaia, chúng ta bắt gặp được niềm vui bất tận mà Đấng Phục Sinh hứa ban thưởng : Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy. Ngày ấy, người ta sẽ nói: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỵ vui mừng bởi được Người cứu độ.”
Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ. (Is 25, 6-10)
Hơn thế nữa, niềm tin của chúng ta được dựa trên nền tảng là lời chứng của các tông đồ. Đặc biệt, Thánh Phaolô tông đồ – bổn mạng của Đức Tổng đã xác tín : “Nếu Đức Kitô không phục sinh thì niềm tin của chúng ta ra vô ích”.
Thánh Phaolô đã gởi sứ điệp an ủi đến những người Thessalônica, dựa vào phép rửa của họ với Đức Kitô Phục Sinh: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4, 13)
Ở thư gửi tín hữu Rôma thì : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6, 8)
Và cũng trong thư gởi các tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã chứng minh nhờ bí tích rửa tội mà các Kitô hữu được chia sẻ số phận này của Chúa Phục Sinh: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4).
Thánh Phaolô dùng sự phục sinh của Chúa như là một bảo đảm rằng số phận của Chúa Giêsu cũng được chia sẻ với những ai tin vào Ngài: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4, 14). Thánh Phaolô là tác giả đầu tiên trong Tân Ước đã nối kết niềm hy vọng cánh chung đã được bảo đảm của sự phục sinh nơi Chúa Giêsu và nơi các tín hữu với nghi thức rửa tội.
Và như vậy, ta hy vọng cũng như tin tưởng để tín thác Đức Tổng Phaolô trong vòng tay yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đặc biệt hơn nữa, với khẩu hiệu và phương châm sống đời Giám Mục, Đức Tổng đã chọn : “Chúa là nguồn vui của con” để rồi ta thấy dường như cả đời, đi đến đâu, gặp bất cứ ai, Đức Tổng cũng trao gởi niềm vui của Thánh Thần, niềm vui của Ba Ngôi Thiên Chúa ghi dấu trong cuộc đời Đức Tổng.
Người Giồng Trôm