Có những người cẩn thận đã gợi ý lên kế hoạch cho cả khoảng thời gian Mùa Vọng phải làm gì cho có ý nghĩa và xứng hợp với tinh thần Ki-tô giáo. Chẳng hạn, chuẩn bị tham dự tĩnh tâm, đi xưng tội, hằng ngày tập trung nhiều hơn vào đời sống nội tâm và các việc thiêng liêng, tăng cường việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày, giảm bớt những việc không cần thiết, thực hiện một số việc bác ái, từ thiện vv.
Thực vậy, “Ở giữa cảnh nhộn nhịp của mùa này, chúng ta hãy cố gắng giữ Mùa Vọng là mùa của chờ đợi và khao khát, của hoán cải và hy vọng, thường xuyên suy gẫm về tình yêu nhưng không và khiêm tốn của Thiên Chúa chúng ta tượng thai trong lòng Trinh Nữ Maria. Trong mua sắm và làm bánh trái, chúng ta hãy nhớ mua và chuẩn bị cái gì đó cho người nghèo. Khi chúng ta dọn dẹp nhà cửa, chúng ta hãy chia sẻ vài thứ chúng ta có cho những người túng thiếu. Trong khi chúng ta trang hoàng nhà cửa, chúng ta đừng quên chuẩn bị một nơi bình an trong tâm hồn để Chúa Cứu Thế đến cư ngụ” (x. Bài “Mùa Vọng là gì?”, LM GB Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ, WGP Qui Nhơn 29.11.2013, nguồn congiaoinfo).
Phụng vụ Mùa Vọng luôn nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su. Chúng ta nên dành nhiều thời gian để suy tư và sống mầu nhiệm ấy, hơn là quá bận rộn lo toan những việc bề ngoài như trang hoàng nhà cửa, trang trí đèn đóm cây thông, đi mua sắm, tổ chức ăn uống tiệc tùng vv.
* HÃY VUI MỪNG TẠ ƠN
Trước hết, để sống tinh thần Mùa Vọng, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình vui mừng và tạ ơn. Bởi vì cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa đã đến trần gian này, đã nhập thể và nhập thế để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật ” (Ga 1, 14). Nhờ Chúa Con nhập thể, chúng ta đã được giải thoát khỏi tội và sự chết, được đón nhận vào hàng ngũ con cái Thiên Chúa, được hưởng ân huệ của mầu nhiệm Nước Trời.
Sự vui mừng của Ki-tô hữu chúng ta trước mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa không chỉ biểu lộ cách hời hợt bởi những việc phô trương hoành tráng bên ngoài mà trên hết phải là một tâm tình sâu xa bên trong nội tâm.
Bầu không khí trang nghiêm, sâu lắng, khiêm tốn của Phụng vụ Mùa Vọng nhắc ta rằng: “Trong Phụng vụ Mùa Vọng, những phẩm phục được dùng thường là màu tím, tương tự như trong Mùa Chay. Màu tím biểu tượng của sự hoán cải và chuẩn bị cho việc gặp gỡ Đức Kitô. Nhưng nhớ rằng, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng lại là Chúa nhật vui mừng (Gaudete : Mừng vui lên !), và màu sắc được trang hoàng trong ngày lễ Chúa nhật này là màu hồng : ý nói đến một sự chờ đợi trong niềm vui tươi. Chúa nhật này cũng tương tự như Chúa nhật thứ bốn của Mùa Chay mà chúng ta quen gọi là Chúa nhật hồng (laetare). Cần ghi nhớ rằng, tất cả sự trang hoàng trong các Chúa nhật Mùa Vọng và Mùa Chay đều được tinh giảm nếu không nói là ‘cấm’, ngoại trừ các Chúa nhật Gaudete và Laetare cũng như canh thức Giáng Sinh” (x. Fr. Joseph Nguyễn Hiển O.P, bài “ Phụng Vụ Mùa Vọng: Vài điều cần biết”, nguồn daminhvn. net).
LM Giuse Nguyễn Kích trong bài “Thiên chúa có cần con người quá cầu kỳ hoang phí trong việc tổ chức lễ Giáng Sinh lung linh hoành tráng cho ngài không?” đăng trên Facebook cá nhân ngày 3-12-2018 đã chia sẻ như sau:
“Trang trí hình thức lộng lẫy bên ngoài phải đi kèm với trang trí nội dung lung linh bên trong. Vậy đâu là các việc cần làm chính yếu trong dịp Lễ Giáng Sinh? Các việc cần làm trong dịp Lễ Giáng Sinh để Chúa vui nhất là: Nhìn nhận tội lỗi của mình, thật lòng ăn năn sám hối, sẵn sàng hòa giải tha thứ, quyết tâm từ bỏ sai lầm, nhìn lại đời sống đạo, thành tâm đi xưng tội, sống bác ái khiêm nhường, rước Mình Máu Thánh Chúa, lắng nghe lời Chúa dạy, thực hành lời Chúa truyền, luôn hành động yêu thương... Đó là những điều Chúa vui nhất, thích nhất, đẹp lòng Chúa nhất. Đó là Lễ Giáng Sinh ý nghĩa nhất. Đó là cách truyền giáo thuyết phục nhất. Rồi niềm vui và hoan lạc vĩnh cửu của Thiên Đàng ta sẽ được hưởng ngay tại thế gian này. Vì Thiên Chúa là Cha giàu tình yêu và lòng thương xót đã thực sự giáng sinh vào chính tâm hồn đơn sơ nhỏ bé của ta”.
* HÃY HOÁN CẢI
Bên cạnh tâm tình tạ ơn và vui tươi đón mừng đại lễ kỷ niệm biến cố Con Chúa ra đời, tín hữu chúng ta sẽ không quên thực hành việc thống hối ăn năn mà ta thường gọi là hối cải hay hoán cải. Hoán cải không chỉ hiểu cách đơn giản là xét mình, đi xưng tội rồi đi dự thánh lễ trọng Giáng Sinh và sốt sắng rước lễ. Hay làm một việc “lành” gì đó gọi là ăn năn đền tội. Thực ra, chúng ta cần biết là để đón Chúa vào “nhà” ta, để “giữ chân” Ngài mãi trong ta, để Ngài hoạt động hiệu quả nơi ta, ta phải buông bỏ mọi sự, kể cả con người cũ của ta đồng thời sẵn sàng mặc lấy con người mới trong Chúa Ki-tô.
Thực vậy, “Khi dùng từ hoán cải/ metanoia trong Kinh thánh Cựu ước và Tân ước, các tác giả muốn nói lên sự thay đổi tâm tình, não trạng, hối tiếc, hối hận. Cách đặc biệt, nó còn được dùng để nói đến một sự thay đổi hướng đi, thay đổi đường xưa lối cũ, có nghĩa là từ bỏ đường tà để trở lại đường chính, triệt để quay về với Thiên Chúa. Như thế, hoán cải không chỉ là thay đổi việc làm bên ngoài hay chỉ bên trong tâm trí mà thôi, nhưng là thay đổi cả con người, thay đổi cả trong ý muốn cũng như trong hành động. Do đó, ta thấy được rằng hoán cải, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành) còn có chiều kích thần học – chiều kích này làm động lực cho chiều kích luân lý. Hoán cải không đơn thuần chỉ là sửa chữa những lầm lỗi của của mình hay từ bỏ đường tà, nhưng điều cơ bản là phải nhận biết tôi là ai trước mặt Chúa. Hoán cải là được hiệp thông với Chúa, có nghĩa là nhận ra thân phận thụ tạo của mình, tuyệt đối qui hướng về với Thiên Chúa và ở lại trong Ngài” (x. LM Phaolô Bùi Đình Cao, bài “Hoán cải, hành trình trở về với Chúa”, nguồn daichungvienvinhthanh.com).
Xét vậy, việc hoán cải trong Mùa Vọng là tối cần thiết và phù hợp với ý Chúa hơn cả. Có 2 câu hỏi giúp ta hồi tâm, suy nghĩ: a- Tôi đang là ai trước mặt Chúa; b- Tôi đang ở trong mối tương quan nào với Chúa và với tha nhân.
a- Tôi đang là ai trước mặt Chúa.
Chúng ta biết rằng khởi điểm của việc hoán cải luôn là nhìn nhận mình là tội nhân trong thân phận yếu đuối, mỏng dòn. Mọi Ki-tô hữu mặc dù đã được cứu độ, nhưng trong đời sống lữ hành này, chúng ta vẫn có thể phạm tội. Tội nặng, tội nhẹ và vô vàn những thiếu sót. Chính vì lý do này mà Hội thánh luôn mời gọi chúng ta đến với tòa cáo giải để xin ơn tha thứ của Thiên Chúa và thực hiện sự hòa giải với tha nhân.
ĐGM GB Bùi Tuần (Gp Long Xuyên) trong bài viết có tựa đề “Trở về với mình để tin yêu Chúa” đã chia sẻ như sau: “Tôi là kẻ có tội. Khi đọc kinh Cáo Mình, tôi tự thú đã phạm tội nhiều. Khi đọc kinh Lạy Cha, tôi tự xưng tôi cần phải xin ơn tha thứ. Khi đọc kinh Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, tôi tự nhận tôi là kẻ có tội. Khi chịu bí tích giải tội, tôi tự đặt mình vào hạng người tội lỗi. Mà thực, tôi đã phạm tội không biết bao nhiêu mà kể. Trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót…” (x. Tập sách “Nói với chính mình”, NXB Đại Kết 1992, trang 42).
Nếu trước mặt Chúa và trước mặt tha nhân, chúng ta không nhìn nhận tội lỗi của mình thì chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng kiêu căng, tự mãn. Kể cả tự kiêu tự mãn trong những việc đạo mình làm. Trong Mùa Vọng này, chúng ta có nhiều điều phải suy nghĩ và kiểm điểm, đặc biệt là phải cầu xin cho có đủ sức mạnh của ơn Chúa để từ bỏ con người cũ, sẵn sàng đổi mới để đón Chúa vào “nhà” mình và được Chúa đón nhận như người con hoang trở về.
b- Tôi đang ở trong mối tương quan nào với Chúa và với tha nhân.
Để được ơn tha thứ, chúng ta phải cần đến sự thương xót của Thiên Chúa. Và muốn vậy, chúng ta phải đi vào tương quan mật thiết với Người. Trên thực tế, nhiều khi thực hành những việc đạo đức này nọ, chúng ta cứ nghĩ rằng như thế là đẹp lòng Chúa, nhưng thực ra chúng ta vẫn sống “xa” Chúa. “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (I-sai-a) (x. Mc 7, 6). Chúng ta dễ dàng bị ru ngủ bởi một thứ đạo hình thức, an tâm rằng mình mến Chúa yêu người, nhưng đó chẳng qua chỉ là giữ đạo vì mình, cho mình, theo ý mình.
Trong Mùa Vọng này, có thể chúng ta làm đủ việc để gọi là chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng thực chất, chúng ta đang “tục hóa” một biến cố trọng đại trong lịch sử cứu rỗi. Chẳng hạn, “Ta có hát những bài thánh ca du dương, múa những điệu múa uyển chuyển, trang trí băng rôn ầm ĩ, treo những khẩu hiệu hùng hồn, làm những hang đá độc đáo, dựng những cột cờ cao vút, giăng đèn điện lung linh khắp xóm, mặc những bộ mốt thời thượng, mua những món đồ đẳng cấp, ăn những bữa tiệc linh đình… mà tâm hồn ta không đến gần Thầy Giêsu để Ngài biến đổi ta nên tốt lành thánh thiện hơn và yêu thương tha nhân hơn, thì sẽ trở nên hết sức vô nghĩa và tốn thì giờ. Nếu chỉ dừng lại ở những thứ đó, thì Lễ Giáng Sinh không khác gì một lễ hội văn hóa ngoài đời và sẽ trở nên hết sức vô nghĩa và không đúng mục đích của Lễ Giáng Sinh” (x. LM Giuse Nguyễn Kích, bài và nguồn đd).
Mới đây, trong bài viết có tựa đề “Những cơn bão đang tàn phá Giáo hội Công Giáo Việt Nam”, ĐGM GB Bùi Tuần (Gp Long Xuyên) đã cảnh báo thế này:
“Phong trào tục hoá đang hình thành và diễn biến phức tạp trong nếp sống đạo hiện nay. Nét chung của các hình thức tục hoá là nỗ lực tăng cường các việc đạo đức bề ngoài, còn đời sống nội tâm thì lại coi nhẹ. Một trong những yếu tố quan trọng của đời sống nội tâm là gặp gỡ Chúa trong đức tin, thì xem ra không được để ý. Thực vậy, đức tin không phải là một đề tài, một chủ thuyết để cắt nghĩa và khai triển, nhưng chủ yếu là một gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thế nhưng rất nhiều khi, phong trào tục hoá đã làm áp lực, để tôi đừng gặp gỡ Chúa Giêsu, thậm chí cũng áp lực để tôi không muốn tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, để cứu chuộc nhân loại” (Nguồn FB).
Để Mùa Vọng thật sự là “thời gian vàng” cho ta được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được đón Chúa đến viếng thăm “nhà” mình, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta có đủ sức mạnh từ bỏ con người cũ, có đủ can đam buông bỏ tất cả đam mê, lầm lạc để trở về với Chúa và với anh em. Khi đó, Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh không là mùa lễ hội hoang phí thời gian nữa, trái lại đó đích thực là Mùa Hồng Ân Cứu Rỗi cho tất cả những ai có tâm hồn hướng thượng và tấm lòng thiện chí.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, / bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). / .
Aug. Trần Cao Khải