Môi trường và lòng thương xót

Environment - Môi trường và lòng thương xót

Mọi người dần trong nước cũng đều đồng cảm với nỗi mất mát quá lớn về kinh tế, sức khỏe và tinh thần của các nạn nhân. Và nó cũng ảnh hưởng đến ngôi nhà chung của chúng ta cách nào đó. Điều mà Đức Phanxicô đã cảnh báo cho nhân loại trong thông điệp Laudato Si’, nay đã hiện thực trên đất nước chúng ta. Đối với ngài, đây không đơn thuần là vấn đề của môi trường mà nó mang chiều kích tâm linh. Thiết tưởng, trong lúc tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần được soi chiếu dưới ánh sáng của lòng thương xót Chúa để nhận ra phần trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại.

Hiện nay các nhà khoa học và các lãnh vực chuyên môn liên quan đến vấn đề môi trường của các nước khác cũng được mời đến để bắt tay hầu tìm ra nguyên nhân của việc chết cá hàng loạt. Điều này nói lên tính liên đới sâu xa trong tình tương thân tương ái. Nhưng dù sao, kết quả của họ đưa ra chỉ mang tính khoa học không thể đụng chạm đến những tầng sâu ý thức của con người. Bởi đó, vị Giáo Hoàng Dòng Tên thật có lý khi nói: môi trường không phải chỉ là vấn đề kinh tế hoặc chính trị, nhưng còn là một vấn đề liên quan đến con người và luân lý đạo đức. Làm sao bạn có thể có của cải giàu sang, nếu của cải đó gây đau khổ và chết chóc cho những người khác và làm cho môi trường bị suy thoái. Thật vậy, do khuynh hướng hưởng thụ và tìm lợi nhuận tối đa dành cho mình mà những người nghèo phải hứng chịu. Ích kỷ cũng dẫn đến sự bốc hơi các khái niệm về công ích khiến một số người dửng dưng trước nỗi thống khổ của anh em mặc dù đôi tay vẫn còn “vết máu” của đồng loại.

Tưởng cũng cần nhắc lại những gì Đức Thánh Cha đã nói về những thái độ sống ích kỷ này. Nơi căn cội người ta nhận thấy trong thời đại tân tiến ngày nay một chủ trương quy hướng vào con người thái quá: con người không còn nhìn nhận vị thế đúng đắn của mình so với thế giới và tự tham chiếu, chỉ qui hướng mọi sự về mình và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương “sử dụng rồi vứt bỏ” biện minh cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người, đối xử với tha nhân và thiên nhiên như những đồ vật và dẫn tới vô số những hình thức thống trị (số 123).

Làm sao chúng ta có thể chấp nhận một hành vi đấm đá bạo tàn và dùng cái chân còn ám mùi cá chết đè bẹp người anh em mà nhân danh một thứ an ninh hay trật tự nào đó? Một chế độ có thể dùng bạo lực uy hiếm một số người để trấn áp và đe dọa đám đông quần chúng lại được coi là bảo vệ an ninh quốc gia hay nhân danh một tiêu chuẩn thiện ích chủ quan và ảo tưởng? Không chỉ môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm nhưng tình đồng loại cũng đang bị đe dọa. Đức Thánh Cha thật chí lý khi khẳng định: “Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho môi trường” (số 142). Đây đích thực là một cuộc khủng hoảng tâm linh mà mỗi người cần thức tỉnh tâm hồn và hướng đến một cuộc “hoán cái về môi sinh” theo lời mời gọi của vị cha chung.

Lịch sử đã chứng minh về hệ lụy của những kẻ bị tẩy não bởi một ý thức hệ mất dần nhân tính trong khi vẫn nhân danh chủ nghĩa nhân bản, phải chịu thế nào, chúng ta chỉ biết phó thác cho lòng thương xót Chúa. Phần chúng ta, hơn bao giờ hết, chúng ta cần hoán cải trong nhận thức đổi mới con tim hầu có thể cứu vãn những thảm họa hiện nay từ chính khả năng và hoàn cảnh sống của mỗi người.


Đức Phanxicô nói: chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng cấp bách, khi mà, vì những hành động của chúng ta, trái đất đã bắt đầu ngày càng trở nên “một bãi rác khổng lồ” (số 21). Thật vậy, nền văn hóa vứt bỏ và loại trừ vẫn đang chi phối mọi hành động của chúng ta cách nào đó. Khi vứt bỏ hoặc đánh giá không đúng chức năng của sự vật, chúng ta làm ô nhiễm bầu không khí chung. Hoặc khi bạo lực trong lời nói, tiêu cực trong tư tưởng và hành động theo bản năng gây hấn… khiến môi trường nội tâm trong ta bị ô nhiễm không thể kiểm soát được. Tất cả phải được soi chiếu dưới ánh sáng của lòng thương xót Chúa.

Như đã biết, chúng ta là một phần của thiên nhiên, ở trong thiên nhiên, và vì thế thường xuyên tương tác với thiên nhiên, nhưng đôi khi chúng ta coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta (x. số 139) mà vô tình hay hữu ý làm vương hại đến môi trường sống. Những thức ăn, nước uống từ bên ngoài sau đó được đưa vào cơ thể ta dần biến thành dưỡng chất nuôi sống chúng ta. Bởi đó, không vì lợi nhuận trước mắt mà chúng ta có thể chế biến những sản phẩm mang độc chất hủy hoại mà giết chết anh em.

Còn một nhận thức sai lầm khác của chúng ta mà thiên nhiên phải hứng chịu bao thảm họa và rồi nó cũng “lên tiếng” chống lại chúng ta. Nhiều người đã hiểu và giải thích sai Lời Chúa phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28b). Chính khi con người giải thích sai về quyền bá chủ và thống trị cách tuyệt đối và triệt để khiến thiên nhiên đã bị khai thác vô tội vạ và không lường được những hậu quả của những chất thải… Và rồi, thiên nhiên đã quay lại chống con người. Chỉ khi ý thức vai trò là người quản lý Chúa trao cho những nén bạc để sinh lợi, chúng ta mới thực sự hợp tác với thiên nhiên để làm tô đẹp cuộc sống này.

Làm sao có thể bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại mà trước tiến không tái lập một môi trường lành mạnh quanh mình? Làm sao tái lập một môi trường lành mạnh quanh mình mà trước tiên lại không được chữa lành từ bên trong ? Chúng ta cần khởi đi từ những thao thức chân chính của lòng mình. Điều sẽ cứu vãn thế giới chúng ta không phải là kỹ thuật hay khoa học, nhưng là ý thức và tự do trách nhiệm trong việc mình làm. Thiết tưởng với thái độ sống đổi mới con tim như thế, mỗi người sẽ góp phần bảo vệ thiên nhiên.

Nếu chân lý của Chúa đòi buộc chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy mình làm để từ đó hoán cải xin ơn tha thứ, thì lòng thương xót của Ngài lại bao phủ và quên hết mọi lỗi lầm ta đã phạm để ta có thể sống bằng một tâm tình mới và một con tim mới hầu xây dựng nền văn minh tình thương.

Cuối cùng, chúng ta cần nghe những lời khuyến cáo của vị cha chung: Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng ta(số 91). Trong lúc, một số anh chị em miền Trung đang hứng chịu tác động trực tiếp của thảm họa môi trường, một phần khúc ruột của ta bị tổn thương, dẫu biết rằng la to, hét lớn chỉ làm vết thương thêm sâu nhưng chúng ta cần phải lên tiếng không những cho chính mình nhưng còn cho thế hệ tương lai. Ước mong những cánh chim được bay cao và bay xa trong một bầu trời đầy nắng ấm của lòng thương xót.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

Exit mobile version