Môi trường giáo dục gia đình Công giáo

I. Vấn đề xã hội hôm nay đang cần sự quan tâm giáo dục của gia đình

1/ Những khủng hoảng trong đời sống gia đình

– Lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội, có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài, hiện đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một.

– Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ.

– Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa.

– Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người.

– Gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ, và tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng.

– Những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều.


– Nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò.


2/ Ảnh hưởng của xã hội đến gia đình

– Mọi sinh hoạt xã hội, kinh tế, văn hoá và tôn giáo đều diễn ra trong phạm vi “lũy tre làng”, giúp mọi người có thể nhắc nhở, động viên nhau sống đạo cách dễ dàng và hiệu quả.


– Trước làn sóng đô thị hoá và công nghiệp hoá, ngày càng có nhiều người rời nông thôn để tìm việc làm tại các đô thị, phần lớn trong số này là giới trẻ. Những người di dân là sinh viên, học sinh, công nhân, những người buôn bán nhỏ và còn nhiều thứ dịch vụ khác.

– Có nhiều người đi lao động hoặc nhiều phụ nữ đi làm dâu tại nước ngoài.


– Những vất vả trong cuộc vật lộn mưu sinh, khiến nhiều người không còn thời gian dành cho đời sống thiêng liêng.


– Quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng. Đã xuất hiện những trào lưu thiếu lành mạnh và sai lầm như sống thử, sống ngoài hôn nhân và tự do ly dị.

3/ Hậu quả của một nền giáo dục kém chất lượng

Trích thư của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội gửi cho dân Chúa nhân ngày khai trướng năm nay (2009 – 2010)


Mỗi năm đến ngày khai trường cả xã hội rộn lên niềm hy vọng. Hy vọng, vì học hành là tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của gia đình và đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay không phải phục vụ chiến tranh, có điều kiện hơn để được ăn được học, sẽ thăng tiến và giúp đất nước thăng tiến. Mỗi mùa khai trường là một mùa hi vọng. Hi vọng mỗi năm học là một cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng.


Nhưng những hy vọng ấy không làm giảm bớt những lo âu ngày càng nhiều và càng nặng gánh. Lo vì cứ mỗi năm chi phí cho việc nhập học lại tăng lên. Lo vì nạn chạy trường ngày càng phổ biến khiến cho ngày nhập học trở thành ngày buồn tủi cho những trẻ em và những gia đình không có điều kiện. Nhưng lo nhất là chất lượng giáo dục. Chất lượng tri thức không chắc có với những chương trình liên tục cải cách nhưng vẫn liên tục sai sót, với nạn học vẹt, với nạn dạy cho hết giờ, với nạn dạy thêm học thêm nặng nề cả về tinh thần lẫn kinh tế. Đáng quan ngại nhất là chất lượng đạo đức. Làm sao không lo âu khi trường học đáng lẽ phải là nơi gương mẫu về đạo đức lại là nơi mà sự gian dối trở thành bình thường trong thi cử, làm bài và cả trong ứng xử. Làm sao không lo âu khi trường học không dạy môn lễ phép lịch sự, thiếu môn học đạo đức, không quan tâm đến môn học làm người.


II. Những huấn dụ của các chủ chăn về vai trò của cha mẹ


– Tông Huấn Về Gia Đình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định gia đình “là hình ảnh thu nhỏ của Giáo Hội”, là nhà trường có tính nhân bản sâu đậm, trong đó con người lớn lên trong sự nhận biết sâu xa và phong phú nhân cách của mình và lớn lên trong tư cách là anh chị em của Đức Kitô (số 52; 21).

– Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm rõ địa vị đứng đầu của cha mẹ trong tiến trình giáo dục, đây là một đặc quyền không thể khoan nhượng, với tư cách là “những nhà giáo dục chính yếu của con cái họ” (số 14).


– Ngài cho thấy sứ mệnh giáo dục của cha mẹ được “bám rễ sâu trong ơn gọi đầu tiên của đôi vợ chồng để tham gia vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa” (số 36 và 38). Và khi thực hiện bổ phận giáo dục con cái cha mẹ trở thành cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc sinh sản và nuôi dưỡng một con người mới có nhân bản, góp phần thiết lập nên Giáo Hội và cải tiến xã hội loài người.


– ĐTGM Hà Nội nhắc lại định hướng giáo dục của Hội đồng Giám Mục Việt Nam là: Giáo dục hôm nay, Giáo hội và xã hội ngày mai. Trong lá thư gửi nhân dịp đầu năm học này, ngài kêu gọi: Phải có nền giáo dục toàn diện đào tạo nên những con người có học thức và có đạo đức mới mong xây dựng đất nước phát triển bền vững, xây dựng xã hội chân thật, công bằng, tự do và bác ái.


– Ngài tha thiết kêu gọi anh chị em, các giáo xứ và các gia đình, đừng khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường, nhưng hãy lo liệu cung cấp cho con em mình nền giáo dục Kitô giáo cơ bản. Một nền giáo dục giúp phát triển con người toàn diện, không chỉ có thân xác khỏe mạnh, trí tuệ thông minh mà quan trọng trên hết phải có tâm hồn đức hạnh.


– Đặc biệt hãy dạy cho con em mình tôn trọng sự thật, sống lương thiện theo lương tâm và biết tôn trọng lợi ích chung là những điều rất cần thiết mà xã hội hôm nay đang thiếu thốn trầm trọng.


– Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phát biểu nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ năm 2009 đối với các gia đình: “Các gia đình hãy dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chínhsự thật, như thế các gia đình công giáo sẽ trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản… Và khi xây dựng đời sống trên nền đức ái, sự liêm chính và quý trọng công ích, người giáo dân đích thực chính là những người công dân tốt”.


– Việc giáo dục không phải là truyền đạt một kiến thức cần phải có gương sáng. Không thể dạy trẻ em sống lương thiện nếu người lớn cứ sống gian dối. Các bậc phụ huynh hãy nêu gương đời sống đức tin sống động thể hiện trong đời sống công bằng, bác ái, quảng đại, vị tha. Có đức tin, con người sẽ có lương tâm trong sáng và sẽ biết làm những điều tốt đẹp. Đó chính là khởi điểm quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai, giáo dục để trẻ em nên người và biết làm người trước khi làm người trí thức. “Tiên học lễ hậu học văn” là thế.

Hoa Hạ, fsc.

Exit mobile version