Nhưng sẽ thế nào nếu công việc ấy quá khó khăn đối với chúng ta, bởi vì công việc ấy không thật sự phù hợp với năng lực của chúng ta? Chúng ta làm nó, và cố gắng hết sức khi thực hiện, nhưng chúng ta biết nó không phải điều chúng ta được định để làm trong cuộc sống của chúng ta.
Nhưng chúng ta vẫn đeo bám nó vì rất nhiều lý do.
Có thể chính sự sợ hãi giữ chúng ta gắn chặt với nó, bởi vì nếu rời bỏ và làm điều gì đó đồng nghĩa với việc mạo hiểm thất bại. Có thể chúng ta không chắc phải làm gì tiếp theo. Có thể chúng ta quá quen thuộc với một cách sống, và chúng ta cần thu nhập để trang trải cho cuộc sống ấy. Có thể chúng ta làm việc để có đủ tiền vui chơi.
Hoặc cũng có thể những lý do của chúng ta không phải vì bản thân nhưng vì người khác nhiều hơn. Có thể chúng ta làm việc để nuôi gia đình. Có thể chúng ta làm việc để làm điều tốt, để đóng góp ngay cả trong lĩnh vực không phải là ơn gọi của chúng ta. Cũng có thể chúng ta làm việc để kiếm đủ tiền nhằm phục vụ cho những mục đích chính đáng có ý nghĩ đối với chúng ta.
Có lẽ tất cả chúng ta đều nhận ra một hoặc nhiều hơn những nguyên nhân được liệt kê ở trên nhằm giải thích cho việc bản thân chúng ta làm, “một công việc” hoặc “một nghề nghiệp” nào đó. Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta tìm thấy điều gì đó tốt hơn? Sẽ thế nào nếu chúng ta có thể làm điều gì đó phù hợp với những năng lực của chúng ta? Sẽ thế nào nếu chúng ta làm những việc mang lại cho chúng ta nguồn cảm hứng, thắp lên ngọn lửa trong ta và tiếp cho ta nghị lực? Hoặc sẽ thế nào nếu chúng ta cũng nhận được thù lao từ công việc ấy, có thể không phải lúc nào cũng sung túc, nhưng ít ra chúng ta có thể sống thoải mái?
Chẳng phải điều ấy thật tuyệt vời sao? Chẳng phải chúng ta sẽ muốn làm công việc ấy mỗi ngày, thay vì sợ hãi mỗi khi đến sở làm và chán nản mỗi khi ngày thứ hai đầu tuần lại đến? Tôi nghĩ tất cả chúng ta điều cảm thấy như thế. Và tôi nghĩ rất ít người trong chúng ta may mắn được như thế.
Nhưng tôi tin rằng chúng ta không chỉ xứng đáng có được một công việc như thế, ơn gọi như thế, mà chúng ta còn nhất định có được. Hãy suy ngẫm đoạn Kinh Thánh sau:
“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toại, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,6-8).
Tôi nghĩ câu đoạn Kinh Thánh nói cho chúng ta biết chúng ta được định để làm điều gì đó, chúng ta được Chúa ban ơn để làm, và chúng ta phục vụ Ngài tốt nhất khi chúng ta nhận ra ơn gọi ấy và dấn thân. Và tôi nghĩ khi chúng ta thực hiện, chính Thánh Thần Chúa sẽ ban cho chúng ta nghị lực, nhiệt huyết và cảm hứng để làm tốt công việc.
Nhưng làm thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể làm được khi chúng ta phải chịu đựng mỗi ngày khi làm việc, biết ơn về khoản thù lao nhận được; hay rời bỏ và làm việc khác chính là ơn gọi thật sự của chúng ta, một ơn gọi thực sự đến từ Chúa?
Dưới đây là 4 bước có thể có ích:
1. Tìm kiếm ơn gọi của bạn. Một số các bạn có thể đã biết được ơn gọi của mình, chỉ đang chờ đợi để bắt đầu. Những người khác có thể cần thêm sự chỉ dẫn. Có thể bạn nên thử đọc 48 ngày làm công việc bạn yêu thích của Dan Miller hoặc Chiếc dù của bạn màu gì? Hoặc bạn có thể hỏi bạn bè, đồng nghiệp, vợ/chồng của bạn, những người linh hướng của bạn. Hãy hỏi Chúa và cầu nguyện. “Nếu bạn cần đức khôn ngoan, hãy cầu xin Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách” (Gc 1,5).
2. Vạch ra một kế hoạch để có thêm sức mạnh thực hiện ơn gọi ấy và loại bỏ những điều kéo bạn rời xa nó. Hãy hỏi Chúa: “Làm thế nào con có thể kết hợp chặt chẽ định hướng đó với cuộc sống làm việc hằng ngày của con?. “Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Đức Chúa hướng dẫn từng bước đi” (Cn 16,9).
3. Hành động. Thư Rôma 12 ghi lại vô số những hành động: nói ra ý kiến của mình, phục vụ, dạy dỗ, động viên, hướng dẫn… Mỗi ngày hãy thực hiện một hành động mang bạn đi theo hướng ơn gọi của bạn. Những bước nhỏ sẽ cộng dồn lại!
4. Hãy kiên nhẫn. Đôi khi, sự thay đổi cần đến thời gian; đừng chán nản nếu nó không diễn ra ngay lập tức. Và trong khi chờ đợi, hãy suy nghĩ xem bạn có thể làm gì để công việc hiện tại tốt hơn: bằng cách nỗ lực hết sức mỗi ngay.
Trên đây chỉ là một vài gợi ý để bạn biết làm thế nào có thể nhận ra công việc Chúa muốn bạn làm.
Nguyện xin Thiên Chúa chỉ dẫn bạn và tôi!